Nghiên cứu mới khẳng định Dịch Covid-19 xuất phát từ chợ Vũ Hán, Trung Quốc

TVN

0 491

Hai nghiên cứu mới vừa được công bố thực hiện các cách tiếp cận hoàn toàn khác nhau nhưng đi đến cùng một kết luận: Chợ bán thực phẩm tươi sống Hoa Nam ở Vũ Hán, Trung Quốc rất có thể là ‘tâm chấn’ của coronavirus.

Hai nghiên cứu được công bố ngày 26/07/2022, trên tạp chí khoa học uy tín Science kết luận: có xác suất rất cao là virus Sars-Cov-2 gây bệnh Covid-19 bắt nguồn từ các động vật được mua bán ở chợ Vũ Hán. Nghiên cứu thứ nhất dựa trên việc phân tích 155 ca nhiễm đầu tiên, được xác nhận vào tháng 12/2019, cho thấy các ca nhiễm phát hiện sớm nhất tập trung tại khu vực chợ, trái ngược với các ca được ghi nhận trong những tháng tiếp theo, chủ yếu tại một số khu dân cư có mật độ cao.

Một số trường hợp được nghiên cứu cũng cho thấy nhiều người bị nhiễm sống gần khu chợ, hoặc có tiếp xúc với những người làm việc tại chợ, hoặc mới đến chợ gần đây. Cũng trong nghiên cứu nói trên, các nhà khoa học đã tìm thấy nhiều mẫu dương tính với virus Sars-Cov-2 tập trung tại khu vực phía tây nam của khu chợ, nơi bán nhiều động vật sống (như chồn hương, lửng, chó lửng…). Hiện tại động vật trung gian truyền virus Sars-Cov-2 từ loài dơi sang người vẫn chưa được xác định.

Đồng tác giả của nghiên cứu nói trên, nhà virus học Michael Worobey, Đại học Arizona, Hoa Kỳ, từng ký một lá thư năm 2021 kêu gọi xem xét nghiêm túc giả thuyết virus thoát ra từ một phòng thí nghiệm sinh học ở Vũ Hán, nay chuyển hẳn sang nhấn mạnh kịch bản ổ dịch chợ Vũ Hán là điều gần như chắc chắn.

Phiên bản đầu tiên của coronavirus, nghiên cứu này cho thấy, có thể ở các dạng khác nhau mà các nhà khoa học gọi là A và B. Dòng virus này là kết quả của ít nhất hai sự kiện lây truyền giữa các loài sang người.

Các nhà nghiên cứu cho rằng sự lây truyền từ động vật sang người đầu tiên có thể xảy ra vào khoảng ngày 18 tháng 11 năm 2019 và nó đến từ dòng B. Họ phát hiện ra loại dòng B chỉ ở những người có mối liên hệ trực tiếp với chợ Hoa Nam.

Các tác giả tin rằng dòng A được đưa vào người từ động vật trong vòng vài tuần hoặc thậm chí vài ngày kể từ khi lây nhiễm từ dòng B. Dòng A được tìm thấy trong các mẫu của người sống ở chợ hoặc ở gần chợ.

“Những phát hiện này chỉ ra rằng không có khả năng SARS-CoV-2 đã lưu hành rộng rãi ở người trước tháng 11 năm 2019 và xác định khoảng cách hẹp giữa thời điểm SARS-CoV-2 lần đầu tiên xâm nhập vào người và khi các trường hợp COVID-19 đầu tiên được báo cáo” – nghiên cứu cho biết.

“Cũng như các coronavirus khác, sự xuất hiện của SARS-CoV-2 có thể là do nhiều sự kiện lây truyền từ động vật sang người” – nghiên cứu kết luận.

Bà Maria Van Kerkhove, giám đốc kỹ thuật cơ quan quản lý dịch bệnh Covid-19 của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) trên Twitter đã ngay lập tức hoan nghênh việc công bố các nghiên cứu này. Theo bà, việc nghiên cứu rõ về nguồn gốc của đại dịch giúp ‘‘chuẩn bị tốt hơn việc ngăn chặn và giảm thiểu các dịch và đại dịch trong tương lai”, cho phép cứu sống hàng triệu mạng người.

Chính quyền Trung Quốc thường xuyên bị cáo buộc làm sai lệch thông tin, hoặc không hợp tác đầy đủ với các cuộc điều tra quốc tế. Theo nhà vi sinh học và miễn dịch học Đan Mạch Kristian Andersen, đồng tác giả nghiên cứu thứ nhất, truy tìm nguồn gốc virus không phải để tìm ra một người chịu trách nhiệm, mà là để hiểu được diễn biến thực sự của dịch.

Hiện tại, tuy còn tồn tại một số mảng tối, trên thực tế, các thông tin mà giới khoa học thu thập được về giai đoạn đại dịch khởi phát tại thành phố Vũ Hán, Trung Quốc, đã rất chi tiết, ‘‘trái ngược hẳn với cảm nhận chung là không có đủ thông tin về khởi đầu’’ của đại dịch Covid-19, theo ghi nhận của chuyên gia Kristian Andersen.

Leave A Reply

Your email address will not be published.