Ba người Việt bị buộc tội buôn bán ngà voi và vẩy tê tê tại Nigeria

TVN

0 513

Ba người Việt Nam vừa bị ra toà tại Lagos, Nigeria hôm 20/7 vừa qua với cáo buộc vận chuyển động vật hoang dã.

Theo thông tin từ SEEJ-AFRICA, một tổ chức bảo tồn có trụ sở tại Kenya, tuần trước một Tòa án tại Nigeria đã kết tội một nhóm buôn lậu ngà voi và vẩy tê tê.

Tổ chức này cho biết, có tổng cộng bảy người ra toà ở thành phố Lagos, Nigeria, bao gồm ba người Việt, hai người Nigeria, một người Guinea và một người Cameroon.

Nhóm bị buộc tội bao gồm ba công dân Việt Nam là Phan Viết Chí, Phan Hồng Quân và Dương Văn Thắng cùng với hai người Nigeria, một người Cameroon và một người Guinea. Họ đã bị buộc tội buôn bán động vật hoang dã (ĐVHD) trong hơn bốn năm qua và bị bắt vào tháng 5 và tháng 6/2022 tại thành phố Lagos, Angeria.

Hành vi của các đối tượng đã vi phạm Mục 166 Đạo luật Hải quan và Quản lý thuế quan 2004, mục 3 (1) & (2) (a) của Đạo luật Hải quan và thuế tiêu thụ đặc biệt (Hình phạt đặc biệt và các quy định khác) năm 2004 và Mục 5 (1) của Đạo luật đối với các loài nguy cấp (Kiểm soát Thương mại và Giao thông Quốc tế) năm 2004 cùng các luật khác.

Cáo trang truy tố cáo buộc các đối tượng đã thực hiện hành vi phạm tội tại thành phố Lagos từ năm 2018 tới năm 2022. Tại phiên tòa, các đối tượng đều không nhận tội và xin tại ngoại. Phiên tòa được tạm hoãn tới ngày 30/9.

SEEJ-AFRICA cho rằng những người này có thể liên quan đến vụ Malaysia tịch thu sáu tấn ngà voi, sừng tê giác, nanh động vật và vảy tê tê hôm 10/7 vừa qua tại cảng Klang.

Phan Viết Chí trước đó cũng bị Cơ quan Điều tra môi trường (EIA) xác định là người đứng đầu đường dây buôn bán động vật hoang dã trong một báo cáo của cơ quan này đưa ra hồi năm 2017.

Trung tâm Giáo dục Thiên nhiên (ENV) cho biết, trong Quý đầu tiên năm 2022, Cơ sở dữ liệu vi phạm về ĐVHD của ENV đã ghi nhận tổng số 808 vụ vi phạm, trong đó có 46 vụ vận chuyển và buôn bán ĐVHD quy mô lớn, 588 vụ quảng cáo và bán lẻ ĐVHD, 164 vụ tàng trữ, nuôi nhốt ĐVHD trong đó chủ yếu là các trường hợp nuôi nhốt ĐVHD còn sống.

Theo đó, 74% trong tổng số 472 vụ do người dân phát hiện và trực tiếp thông báo đến ENV đã được xử lý thành công. Một vụ việc được coi là xử lý thành công nếu cơ quan chức năng tịch thu được tang vật ĐVHD, đối tượng bị phát hiện, bắt giữ và xử lý nghiêm theo quy định pháp luật hoặc đối tượng tự nguyện xóa bỏ hành vi vi phạm sau khi được các cơ quan chức năng địa phương hoặc ENV khuyến cáo chấp hành pháp luật.

Phòng Bảo vệ ĐVHD của ENV tiếp nhận trung bình 8 cuộc gọi thông báo dấu hiệu vi phạm về ĐVHD từ người dân mỗi ngày.

Trong quý I năm 2022, với sự hỗ trợ của ENV, các cơ quan chức năng đã tịch thu hoặc tiếp nhận chuyển giao 287 cá thể ĐVHD còn sống bao gồm 24 cá thể khỉ, 9 cá thể gấu ngựa, 12 cá thể hổ, 81 cá thể rùa cạn và rùa nước ngọt, cũng như nhiều loài ĐVHD khác.

Leave A Reply

Your email address will not be published.