Montesquieu và thuyết tam quyền phân lập

TVN

0 1,039

“Tự do không thể có được khi quyền tư pháp không phân biệt với quyền lập pháp và quyền hành pháp” (Jean-Jacques Chevallier)

Charles-Louis de Secondat còn có tên là Montesquieu vì ông thừa kế của dòng họ bên mẹ tước hiệu nam tước cai quản vùng đất La Brède và Montesquieu. Ông sinh ngày 18 tháng 1 năm 1689 (đúng 100 năm trước khi Cách mạng Pháp nổ ra) tại thành phố Bordeaux, cha là một người lính nhưng cũng thuộc thành phần quý tộc. Mẹ ông mất khi ông mới lên 7 tuổi nên ông được gởi cho một gia đình nghèo khó chăm sóc. Năm 11 tuổi, ông vào học ở trường Juilly gần kinh thành Paris rồi trở về Bordeaux để học luật ở Trường Đại học Bordeaux. Sau khi tốt nghiệp đại học, ông hành nghề luật sư vài năm tại Paris rồi trở về Bordeaux vào năm 1713 khi cha mất. Năm 1714, ông làm nghị viên Hội đồng thành phố Bordeaux rồi cưới một thiếu nữ có nhiều của hồi môn tên Jeanne de Lartigue. Năm 1716, cậu ông mất và ông được thừa kế tước hiệu Nam tước vùng La Brède và Montesquieu. Từ ấy, ông làm chủ tịch Hội đồng thành phố Bordeaux và cuộc sống dư dả đã giúp cho ông có thời gian để theo đuổi niềm say mê của mình là nghiên cứu luật pháp La Mã cổ đại, lịch sử, địa lý và vật lý.

Năm 1721, ông nổi tiếng trên văn đàn khi cho ra mắt cuốn truyện “Thư Ba Tư” (Lettres Persanes) gồm những bức thư thuộc loại ký sự đường xa châm biếm thể chế quân chủ, tôn giáo và những kẻ giàu có tại Pháp. Sau thành công rực rỡ của tác phẩm đầu tay, ông đi du lịch ở nhiều nơi, viết một tác phẩm ngắn về sự suy vong của thành Rome rồi dồn hết mọi nỗ lực để viết “Về tinh thần của pháp luật” (De l’esprit des lois), tác phẩm lớn nhất của đời ông. “Về tinh thần của pháp luật” ra mắt năm 1748 đã có ảnh hưởng lớn lao trên tư duy của những người cùng thời và cả hậu thế vì nó phân tích cặn kẽ bản chất của các chính quyền và đưa ra thuyết “tam quyền phân lập” nổi tiếng.

Trong chuyến tham quan nước Anh vào năm 1729-1730, Montesquieu đã nhìn thấy lần đầu tiên trong đời một thể chế khác hẳn với chế độ quân chủ ở nước Pháp của ông và phát hiện này đã đưa ông tới việc xây dựng thuyết tam quyền phân lập. Nhà xã hội học Raymond Aron đã viết về phát hiện này của Montesquieu ở nước Anh: “Montesquieu đã phát hiện ở nước Anh một đất nước hướng tới tự do chính trị cũng như sự thể hiện cụ thể ý niệm ‘đại diện về mặt chính trị’. ‘Dù mọi quốc gia đều theo đuổi một mục đích chung là duy trì sự tồn tại của mình, mỗi quốc gia lại có một mục tiêu riêng. Sự bành trướng là mục tiêu của Rome; chiến tranh là mục tiêu của Lacédémone; tôn giáo là mục tiêu của luật lệ Do Thái… Trên thế giới cũng có một quốc gia được tổ chức để theo đuổi một mục tiêu là tự do chính trị (và đó là nước Anh).’ Chính quyền của nước này hướng tới tự do chính trị và nhân dân được đại diện bởi những đại biểu nên đặc trưng chủ yếu là sự phân quyền. Montesquieu thấy rằng ở nước Anh, nhà vua nắm giữ quyền hành pháp. Quyền lập pháp ở trong tay hai nhóm đại biểu: House of Lords (Thượng viện) đại diện cho giới quý tộc và House of Commons (Hạ viện) đại diện cho quần chúng. Quyền hành pháp và lập pháp này ở trong tay những người khác nhau hoặc những bộ phận khác nhau. Ngoài ra, còn có một quyền lực thứ ba là quyền xét xử (quyền tư pháp). Quyền lập pháp phải hợp tác với quyền hành pháp để đảm bảo luật lệ được cơ quan hành pháp vận dụng một cách đúng đắn.” (Raymond Aron, Les étapes de la pensée sociologique).

Lý thuyết nổi tiếng nhất của Montesquieu được trình bày trong tác phẩm “Về tinh thần của pháp luật” là thuyết tam quyền phân lập. Gs Jean Touchard viết: “Lý thuyết chính trị của Montesquieu là lý thuyết về những đối trọng (une théorie des contrepoids) như ông đã viết: “Quyền lực phải chặn đứng quyền lực” (Il faut que le pouvoir arrête le pouvoir). Sự phân quyền, các đoàn thể trung gian, việc chống lại sự tập trung quyền lực và đạo đức là những đối trọng và những lực lượng ngăn không cho quyền lực rơi vào sự chuyên chế. Thuyết tam quyền phân lập của Montesquieu đã trở thành một tín điều: điều 16 của Bản Tuyên ngôn Nhân quyền có ghi: “Bất cứ xã hội nào không đảm bảo các quyền hạn và không phân lập các quyền lực sẽ không thể có được hiến pháp”. Tuy nhiên thuyết tam quyền phân lập không có tầm mức với Montesquieu như với những người kế tục tư tưởng của ông sau này. Ông chỉ muốn khẳng định rằng quyền hành pháp, quyền lập pháp và quyền tư pháp không nên ở trong tay của một người, và thậm chí ông còn không nghĩ tới việc phân biệt rạch ròi giữa 3 quyền hành pháp, quyền lập pháp và quyền tư pháp vì điều này không hề có trong thể chế chính trị của nước Anh. Ông chủ trương sự hòa hợp giữa các quyền hành pháp, lập pháp và tư pháp, sự phân chia quyền lực cho 3 bộ phận hay 3 lực lượng chính trị là nhà vua, tầng lớp bình dân và giới quý tộc. Ở Montesquieu không có lý thuyết về tam quyền phân lập, mà chỉ có quan điểm về sự cân bằng của các quyền lực (équilibre des pouvoirs)…” (Histoire des idées politiques, Jean Touchard, tập 2, tr. 396-397).

Gs Jean-Jacques Chevallier đã nêu rõ những nguy cơ do không phân biệt rạch ròi 3 quyền hành pháp, lập pháp và tư pháp: “Nguy cơ sẽ thật lớn nếu như một người duy nhất hoặc một tập thể (đảng phái) duy nhất – bao gồm những nhà quý tộc hay quần chúng – thực thi cả 3 quyền: quyền soạn thảo luật (lập pháp), quyền thực hiện những quyết định của cộng đồng (hành pháp) và quyền xét xử những tội phạm (tư pháp). Sẽ không thể nào có tự do khi quyền lập pháp và quyền hành pháp hoàn toàn ở trong tay một số người: “Người ta e ngại nhà vua hay Quốc hội sẽ ban hành những luật lệ tàn bạo để thực thi một cách tàn bạo”. Tự do không thể có được khi quyền tư pháp không phân biệt với quyền lập pháp và quyền hành pháp. “Nếu kết hợp với quyền lập pháp, quyền lực trên cuộc sống và tự do của các công dân sẽ có tính cách độc đoán vì khi đó, quan tòa xét xử sẽ là người làm luật và một khi có quyền hành pháp, quan tòa sẽ có được sức mạnh của một kẻ áp bức…” (Les grandes oeuvres politiques de Machiavel à nos jours, Jean-Jacques Chevallier, tr.121).

Bản dịch “Về tinh thần pháp luật”: http://115.79.201.206:81/…/B%C3%80N%20V%E1%BB%80%20TINH…
Thuyết tam quyền phần lập: https://youtu.be/kXUYovKf480
Mô hình tam quyền phân lập tại Mỹ: https://youtu.be/G1flT3qN9kI
Ảnh: Montesquieu và tác phẩm “De l’ Esprit des lois”.
HUỲNH DUY LỘC giới thiệu

Leave A Reply

Your email address will not be published.