Nguồn gốc của địa danh Đà Lạt và Lang Biang

Huỳnh Duy Lộc

0 1,134

Ngày nay người Việt nhớ tới Alexandre Yersin như là người đã khám phá cao nguyên Lang Biang để từ đó người Pháp xây dựng thành phố Dalat từ đầu thế kỷ 20.

Tên Dalat được dùng để gọi thành phố trên cao nguyên Lang Biang có nguồn gốc từ hai chữ Đạ Lạch (dòng suối của người Lạch). Theo nhà nghiên cứu Nguyễn Hữu Tranh, suối Cam Ly chảy qua thành phố Dalat có 3 đoạn mang 3 tên khác nhau:

– Từ thượng nguồn đến ao Pàng Đờng ở vị trí hồ Than Thở ngày nay, dòng suối mang tên Dà Pàng Dờn.
– Từ ao Pàng Dờng đến thác Liêng Tô Sra (nay là thác Cam Ly), dòng suối mang tên Đạ Lạch.
– Từ thác Liêng Tô Sra đến sông Đạ Dờng, dòng suối mang tên ông Mlơi.

Về sau, K’Mlơi nói trại thành Cam Ly, Đạ Lạch thành Đà Lạt…” (Đà Lạt năm xưa, tr. 47)

Nguyễn Hữu Tranh cũng cho biết: “Từ xa xưa trên cao nguyên Lang Biang có 2 tộc người Chin và Lạch cùng sinh sống, nhưng đông nhất là người Lạch. Chin còn gọi là cau n’ho (cau: người; n’ho: ngo, thông). Lạch có nghĩa là “đồi cỏ”. Người Chăm gọi người Lạch, Chin là Kơho (K’Ho) có nghĩa là “người miền núi” (Đà Lạt năm xưa, tr. 20).

Về ý nghĩa của địa danh Lang Biang, truyện cổ của người Chin cho biết, vẫn theo lời Nguyễn Hữu Tranh: “Ngày xưa ở buôn Kôn Đố có một đôi vợ chồng tên là Ha Biang, người vợ tên là K’ Lang. Một năm nọ, toàn vùng bị hạn hán, Ha Biang lên đường đi kiện trời, nhưng khi đến núi Găng-reo ở huyện Đức Trọng hiện nay thì bị chết đói. K’ Lang đã lần theo vết của cây con do Ha Biang đã bẻ đi tìm chồng. Nhìn thấy xác chồng, K’ Lang khóc lóc thảm thiết, vang xa khắp “tám núi, tám sông, tám rừng, tám suối” và bay đến tận trời. Trời liền sai thần Mưa trút nước xuống trần gian, nhưng K’ Lang vẫn tiếp tục khóc cho đến chết.

Tượng chàng Ha Biang và nàng K’ Lang

Tiếng khóc của K’ Lang làm xúc động con voi đầu đàn. Nó đến che mưa cho K’ Lang và Ha Biang, đứng khóc rồi chết theo Ha Biang và K’ Lang. Nước mưa hòa cùng nước mắt của K’ Lang và con voi chảy thành sông gọi là sông Đa Nhim (dà: nước, nim: khóc). Các già làng đặt tên cho ngọn núi ở Kon Đố là Lang Biang và núi Găng-reo là núi Voi… (Đà Lạt năm xưa, tr. 18, 19)

Khi sang Đông Dương làm toàn quyền từ năm 1897 tới năm 1902, Paul Doumer đã có dự án xây dựng một thành phố nghỉ dưỡng cho người Pháp và ông đã gởi cho các thống sứ một lá thư vào ngày 23 tháng 7 năm 1897, yêu cầu họ cung cấp những thông tin về những nơi đáp ứng được các điều kiện để xây dựng một khu nghỉ dưỡng: “có độ cao tối thiểu 1.200 mét, có nguồn nước dồi dào, có đất canh tác, có khả năng xây dựng đường giao thông dễ dàng…”

Địa điểm mà bác sĩ Alexandre Yersin giới thiệu với Toàn quyền Paul Doumer để xây dựng khu nghỉ dưỡng là làng Đan Kia ở cực Bắc của cao nguyên Lang Biang, nhưng cuối cùng, địa điểm đã được chọn lựa lại là nơi có thành phố Đà Lạt hiện nay, cách Đan Kia 13 km.

Bác sĩ Alexandre Yersin

Nhà nghiên cứu Eric T. Jennings kể: “Lang Bian là một cao nguyên rộng lớn, xanh bát ngát. Theo sáng kiến của Yersin và Doumer, một nông trại kiểu mẫu, một trạm khí tượng và một tiền đồn quân sự đã được thiết lập trong vùng lân cận ngôi làng thiểu số Đan Kia, ở cực Bắc cao nguyên vào đầu tháng 10 năm 1897. Đây là địa điểm được dự định để xây dựng Lang Sa, trạm điều dưỡng đầu tiên mà Doumer đã hình dung. Trong khi đó, cách 13 km về phía Đông Nam, trên vùng dân cư thưa thớt nhất của cao nguyên, một ngôi nhà đơn độc đã được dựng lên trong cùng năm tại vị trí mang tên Dalat – nghĩa là “sông của người Lạch”, dân tộc thiểu số cư ngụ ở vùng này. Ngoài con suối, đặc trưng của địa điểm này là những khóm thông xinh đẹp.

Năm 1899, đại úy Guynet, chỉ huy đội làm đường trên Lang Bian, báo cáo rằng Dalat và Lang Sa (tức Đan Kia) đã nối với nhau bằng một con đường khá tốt. Ông đã yêu cầu Toàn quyền Paul Doumer cấp những khoản tiền để cải thiện ngôi nhà duy nhất ở Dalat, để Paul Doumer có thể sớm đích thân ghé thăm nơi này. Guynet đã không cưỡng nổi sức hấp dẫn của địa điểm này và đã hỏi khéo rằng liệu Toàn quyển có chắc chắn là “muốn giữ Lang Sa làm điểm đặt trạm điều dưỡng hay không”.

Thực ra, một thành viên trong đội của Guynet là bác sĩ Étienne Tardif đã đặt cược danh tiếng khoa học của mình vào việc Dalat nằm cao hơn và có nhiều gió mát và vệ sinh hơn Đan Kia. Trong khi đưa ra lập luận này – nhờ đó về sau ông được hưởng nhiều công trạng – Étienne Tardif biết rõ mình đang thách thức một Yersin huyền thoại. Và vì uy tín của Yersin, Toàn quyền Paul Doumer đã phải đích thân viếng thăm Lang Bian vào năm 1900 để cuối cùng bác bỏ người khổng lồ của trường phái Pasteur về điểm này.

Vào tháng 11 năm 1900, Toàn quyền Paul Doumer thông báo với các quan chức địa phương rằng ông định làm một chuyến lưu trú dài ngày với gia đình ở Dalat. Ông ra lệnh xây dựng một số công trình bằng gỗ: 4 ngôi nhà tranh, một ngôi nhà 2 tầng và một ngôi nhà dài 52 mét có thể dùng làm một khách sạn tạm thời. Ông viết cho Bộ Thuộc địa vào ngày 24 tháng 1 năm 1901: “Dalat, vốn được phú cho khí hậu và sự lành mạnh vô song, đã dứt khoát được chọn làm trạm điều dưỡng tương lai…” (Đỉnh cao đế quốc – Đà Lạt và sự hưng vong của Đông Dương thuộc Pháp, tr. 93, 94, 95)

HUỲNH DUY LỘC

Leave A Reply

Your email address will not be published.