Nguyễn Trung Cang và “Thương nhau ngày mưa”

Huỳnh Duy Lộc

0 704

Nguyễn Trung Cang (1947-1985) sinh năm 1947 tại Long Thành, Biên Hòa, đã cùng với Lê Hựu Hà thành lập ban nhạc trẻ Phượng Hoàng vào năm 1963 và cũng là tay guitar điện chính của ban nhạc.

Ban nhạc Phượng Hoàng đã có vị trí đặc biệt trong nền âm nhạc miền Nam trước năm 1975 như lời nhạc sĩ Tuấn Khanh: “Ban nhạc Phượng Hoàng của Lê Hựu Hà thành lập năm 1963 với chủ trương dứt khoát của Lê Hựu Hà là “người Việt phải chơi nhạc Việt” nhằm tạo một khuynh hướng khác biệt với hàng loạt các nhóm nhạc trẻ lúc đó phần lớn đang cover lại các bài hát ngoại quốc và lấy tên tiếng nước ngoài như The Enterprise, CBC, The Dreamers, Les Vampires… Nhạc trẻ thuần Việt được coi như khai sinh từ đó. Nếu lịch sử âm nhạc Anh có cột mốc vĩ đại từ cuộc nói chuyện vô tình trên tàu điện giữa Paul McCartney và John Lennon thì ở Việt Nam cũng có chương lịch sử âm nhạc kỳ thú từ sự kết nối giữa Lê Hựu Hà và Nguyễn Trung Cang…” (Tháng 5, nghe Phượng hoàng gãy cánh).

Ban nhạc Phượng Hoàng (từ trái sang: Nguyễn Trung Cang, Lê Hựu Hà, tay trống Trung Vinh, ca sĩ Elvis Phương, guitar bass Như Khiêm. Ảnh tư liệu của phòng trà Darling, chụp trước năm 1975)

Nguyễn Trung Cang đã viết khoảng 30 ca khúc, trong đó những ca khúc được biết đến nhiều nhất là “Phiên khúc mùa đông”, “Thương nhau ngày mưa”, “Dạ khúc”, “Ðêm dài”, “Mặt trời đen”, “Bước tình hồng”, ”Lời nào muốn nói”, “Nắng hạ”, “Giấc mơ qua”, “Xin một bóng mát bên đường”, “Kho tàng của chúng ta” … Sau ngày 30 tháng 4 năm 1975, anh còn viết thêm 2 ca khúc: “Bâng khuâng chiều nội trú” (năm 1981) chỉ được phổ biến ở hải ngoại sau khi anh đã từ trần và “Còn yêu em mãi”.

Từ thời tiền chiến đến thời kỳ 20 năm tự do ở miền Nam, nền tân nhạc Việt Nam đã có khá nhiều bài hát về mưa thể hiện những tâm cảm khác nhau và Nguyễn Trung Cang đã mang vào một ca khúc viết về mưa nỗi nhớ thương trong một tình yêu luôn thắm thiết dù có bao cách ngăn như nhận định của nhà thơ Du Tử Lê: “Tiếng mưa tâm cảm không chỉ vũ lộng không gian thi ca mà còn lấp lánh vàng son nỗi buồn, thánh thót niềm riêng trong dòng chảy âm nhạc miền Nam 20 năm chan chứa ly tan…

Đầu thập niên 1970, Nguyễn Trung Cang, bằng vào tài hoa riêng của mình, đã cho tiếng mưa một nhan sắc khác. Nhan sắc rạn vỡ, nhưng rực rỡ tin yêu của họ Nguyễn, với tôi, là một cuộc cách mạng qua ca khúc “Thương nhau ngày mưa”.

THƯƠNG NHAU NGÀY MƯA
Như mưa ngày nào thắm ướt vai em
Như mưa ngày nào khuất lấp sao đêm
Thương em ngày nào khóc ướt môi mềm
Thương nhau thật nhiều biết mấy tin yêu
Cho nhau trọn tình dẫu có điêu linh
Xa nhau trọn đời vẫn nhớ thương nhau

Khi mặt trời vắng bóng
Khi lời nguyền khuất lấp
Nghe lạc loài kiếp sống sao mỏi mong
Như giọt buồn nước mắt
Mưa ngại ngùng héo hắt
Thương người về buốt giá trên đường xa
Bao là tình thắm thiết
Cho giờ này nuối tiếc
Thương nhiều rồi cũng cách xa mà thôi

Mưa từng ngày thiết tha
Mưa bàng hoàng xót xa
Còn mưa mãi giữa bơ vơ đắm trong mơ

Như mưa ngày nào thắm ướt vai em
Như mưa ngày nào khuất lấp sao đêm
Thương em ngày nào khóc ướt môi mềm
Thương nhau thật nhiều biết mấy tin yêu
Cho nhau trọn tình dẫu có điêu linh
Xa nhau trọn đời vẫn nhớ thương nhau.

HUỲNH DUY LỘC giới thiệu

Ca khúc “Thương nhau ngày mưa” do ban Phượng Hoàng trình bày trước năm 1975:
Ca khúc “Thương nhau ngày mưa” với giọng ca Tuấn Ngọc: https://youtu.be/Sr2fAuJ_C8o?si=ZKM-ucmBGN8cG7hA
Ca khúc “Thương nhau ngày mưa” với giọng ca Elvis Phương: https://youtu.be/fjG2DXbVZrE?si=MvHCAVYLyJYMqDMn

Leave A Reply

Your email address will not be published.