Pha Chế Tiếng Anh Nhạt Thếch Cho Ca Khúc Việt

0 578

Trong chương trình Sing my song – Bài hát hay nhất, nhạc sĩ Lê Minh Sơn đã phải thốt lên sau phần trình diễn của thí sinh: Giá như bạn đừng đặt tên ca khúc này bằng tiếng Anh. Là bởi tiêu đề “I’m sorry” không gắn kết gì với ca khúc cả, mà lại chiếm đa số trong bài, hơn thế nữa, phần nhấn trọng âm của thí sinh cũng không đúng.

Những đứa “con lai” ra đời

Ngay sau đó, nhạc sĩ Đức Trí đã bày cho thí sinh nói trên cách nhấn trọng âm tiếng Anh cho đúng chuẩn, chứ không phải cứ hứng lên là… chêm ngay câu tiếng Anh vào. Trào lưu chêm tiếng Anh trong ca khúc, trong tiêu đề và cả tên của ca sĩ đang là vấn nạn.

Có lần, nhạc sĩ Dương Cầm hốt hoảng hỏi: “Tiếng Việt tương lai sẽ ra sao”? Là bởi, ngay cả cái tên nhạc sĩ đang nổi cũng khiến ông thắc mắc: Mew Amazing là sao, phải chăng là yêu mèo? Tên tiếng Việt sao không gọi, mà phải lắt léo như thế? Tiếp đó là các “producer” nhan nhản trên sóng truyền hình, sao không gọi là nhà sản xuất âm nhạc? Và những cái tên như Rhymastic, Only C, Slym V…hiện cũng đang rất nổi, khá bắt tai với giới trẻ song lại khó hiểu với lớp khán giả trung niên.

Nghe những bài hát đang ăn khách của Hồ Ngọc Hà, có khán giả thảng thốt hỏi: “Destiny là gì?” Rồi tiếp đó là một loạt tên ca khúc của cô đều là tiếng Anh: What is love?, Bad boy, Just love, My everything, Forever alone, I’m sorry baby, Daydreams, Say you do, I’m in love, Hold me tonight, Really love you…

Trả lời phỏng vấn truyền thông, ca sĩ Hồ Ngọc Hà cho rằng: “Những ca khúc có ca từ tiếng Anh giúp dễ hát hơn và dễ được mọi người tìm kiếm trên mạng xã hội hơn”. Và cho dù cô luôn mong muốn những ca từ tiếng Anh trong ca khúc là những từ dễ hiểu nhất,  thì người nghe cũng phải căng tai đoán xem ca sĩ đang hát gì (phát âm không rõ hoặc ca từ bị nền nhạc che mờ), và cũng không hiểu ca khúc cần gì những câu tiếng Anh quen thuộc mà sáo mòn kiểu đó.

Không chỉ Hồ Ngọc Hà mà các ca sĩ như Hồ Quỳnh Hương, Mỹ Tâm, Thu Minh, Đoan Trang, Thảo Trang, Đinh Hương, Hoàng Hải, Cao Thái Sơn, Đông Nhi, Noo Phước Thịnh…đều thích đặt tên ca khúc của mình bằng tiếng Anh. Và không riêng gì người sáng tác cho Hồ Ngọc Hà, mà có rất nhiều nhạc sĩ trẻ vẫn thích chêm tiếng Anh vào bài hát, với những ngôn từ kiểu”baby”, “love”, “you”, “I love you”…, hay thậm chí, chen lẫn cả tiếng Anh lẫn tiếng Việt nghe rất khôi hài. Thậm chí có những đoạn toàn tiếng Anh, sau đó trở lại tiếng Việt. Những tác giả như Mr. Siro, Big Daddy, Phúc Bồ, Only C, Sơn Tùng M-TP…vẫn thường chen Việt – Anh bồi kiểu đó.
Không chỉ chêm tiếng Anh, giờ mốt mới là cả tiếng Anh và tiếng Hàn. Điều này dễ hiểu vì các ca sĩ chỉ việc rập khuôn các thần tượng Hàn Quốc.

Mới đây, cả Mr. Siro lẫn Erik đều rất tự hào khi dùng tới… 3 ngôn ngữ trong bài hát “Chạm đáy nỗi đau”. Bài hát vừa phát hành ngày 12.4 đã trở thành ca khúc được săn lùng nhiều nhất trên mạng đầu năm nay, một phần cả vì sử dụng tiếng Hàn. Điều này cho thấy tâm lý sính ngoại và bắt chước gần như đang là trào lưu trong nhạc trẻ.

Trong ca khúc của Erik, có cả từ “Babe! Kajima” và sẽ khó có người hiểu được kiểu pha trộn này nếu không phải là fan của nhạc Hàn. Trước đó, ca khúc “Take it slow” (Đừng vội) của nhóm Lime cũng dùng chiêu pha trộn tiếng Hàn và tiếng Anh. Thử tưởng tượng một bài hát có các đoạn “Em chỉ muốn nói Saranghae (Em yêu anh). Và em sẽ nói Chowahae (Em thích anh)”, thì hình dung khán giả khó hiểu thế nào với những ca khúc “con lai” như vậy.

Mới đây, ca sĩ gây nhiều tranh cãi-diễn viên Chi Pu cũng tung những ca khúc chêm tiếng Hàn. Những tưởng cô được khán giả trẻ tung hô, nhưng trên thực tế lại nhận về vô số “gạch đá”.
Ngay khi còn chưa nổi tiếng, Sơn Tùng đã thường xuyên trổ tài hát tiếng Hàn. Tuy nhiên, màn thể hiện của nam ca sĩ không được đông đảo khán giả đánh giá cao khi phần phát âm tiếng Hàn của Sơn Tùng chưa được rõ ràng.

Ca sĩ Hồ Ngọc Hà thích đặt ca khúc bằng tiếng Anh. Ảnh: T.L
Ca sĩ Hồ Ngọc Hà thích đặt ca khúc bằng tiếng Anh. Ảnh: T.L

Bao giờ hết ca khúc “nửa nạc, nửa mỡ”?

Thử nghe ca khúc “Tình bạn” của Phương Uyên, người ta sẽ thấy buồn cười nhiều hơn là dễ nhớ: “You là người bạn bao năm trong cuộc đời, and you là người bạn thân cùng tôi sớt chia muộn phiền…” Hay một bài hát khác của Mỹ Tâm: “Oh first kiss, you make me happy, you make me crazy” nghe cũng thật…khó hiểu. Hay trong bài “Không cần thêm một ai nữa”, Mr Siro và Big Dady thoải mái chêm từ vào mà bất cần người nghe (cả người Việt lẫn người Anh) có hiểu hay không: “Why it’s me? Làm sao đây? Trước mắt tôi là… tell me… Khi tất cả yêu thương sau lưng chỉ là dối trá. I can’t suffer unpredictable things you did to me”.

Hay một Bảo Thy rối rắm: “Please tell me why? Sao em ra đi không một lời nói? Please tell me why? Con tim anh không sao quên được người, Please tell me why?”…

Sáng tác cho ra một ca khúc mang đến cảm xúc cho người nghe với giai điệu đẹp đã khó, huống hồ sáng tác một ca khúc quốc tế hóa để ai nghe cũng hiểu mà cũng xúc động lại càng khó hơn. Có khi chính những cú “pha chế, chêm chèn” tiếng Anh lại khiến người nghe mất hứng, nếu không nói là tụt cảm xúc,  đừng mong là ca khúc đó hiện đại, được khán giả nhớ lâu, hay tạo sự phong phú cho âm nhạc.

Nhiều ca sĩ trẻ khi được hỏi, đã nói rằng họ thích chêm lời Anh vào ca từ Việt. Tuy nhiên, họ thừa nhận rằng nếu dễ dãi, hời hợt, ca khúc sẽ chết yểu. Bởi một ca khúc hay phải có ca từ ý nghĩa, khiến người ta xúc động và suy ngẫm. Còn nếu chỉ đơn giản làm ca khúc trở nên dễ nhớ, thì đâu phải cần chêm vào tiếng Anh, tiếng Hàn?

“Thế giới đang chuyển mình và đất nước chúng ta cũng đang chuyển mình. Chuyển mình hay không còn quan trọng vào tầm nhìn của tất cả mọi người. Vì thế mà chúng ta cứ gò bó, bắt ép một bộ phận nào đấy cứ suốt ngày quanh quẩn trong một ao làng thì mãi mãi ở trong ao làng và không phát triển được”, Hồ Ngọc Hà từng chia sẻ. Cô cũng muốn bước ra thế giới cũng làm cho mọi người tự hào, nhưng dường như vẫn là cách nhìn nhận phiến diện, bởi lẽ, những ca khúc nửa nạc nửa mỡ có thể nghe thì dễ nhớ, nhưng nhớ rồi thì lại quên…

Nhiều khán giả còn bình luận, hát tiếng Việt chưa rõ lời mà còn hát tiếng Anh, thêm nữa, hát chêm tiếng Anh thì có vẻ dễ hát hơn nhưng cuối cùng không…ấn tượng gì cả thì để làm gì? Nhiều khi đọc tiêu đề bài hát tiếng Anh mà bên trong là lời Việt lổn nhổn, nửa nạc nửa mỡ chẳng hiểu gì, thật dị ứng.

Nhiều nhạc sĩ, ca sĩ cho rằng ca khúc hiện đại cũng cần yếu tố Anh ngữ để chứng tỏ… hội nhập. Nhưng là thứ tiếng Anh bồi thì thực đáng buồn. Người nước ngoài cũng không chờ đợi nghe những ca khúc bát nháo kiểu vậy, khi ca từ không được trau chuốt, giàu hình ảnh, mà chỉ đơn thuần là sự lắp ghép linh tinh cho “thời thượng”.

Thế cho nên, khán giả ngày nay có quyền quay lưng với những ca khúc mà họ không thích, có quyền phản ứng với cách pha chế tiếng Anh tùy tiện phá nát ca khúc Việt. Và cả nhà quản lý cũng phải tự nhìn lại mình: Vì sao có một thời một chữ tiếng Anh trên bìa album cũng bị bắt bẻ, mà đến nay, lan tràn từ album đến MV toàn những ca khúc nửa Anh nửa Việt, lan tràn những cái tên album lạ lẫm và cả những tên ca sĩ “không giống ai”? Siết chặt quá cũng không nên, mà bung ra quá cũng chẳng hay, khi một thế hệ trẻ có thể bị “hỏng tai nghe” vì những tác giả và ca sĩ chỉ mong muốn nổi tiếng, được nhớ đến càng nhanh càng tốt, bất chấp đó là ca khúc nhảm nhí, phi nghệ thuật?

Nguồn: báo Lao Động, 22-4-2018

Leave A Reply

Your email address will not be published.