Trần Thiện Thanh và “Tuyết trắng”

TVN

0 677

Trần Thiện Thanh sinh ngày 12 tháng 6 năm 1942 tại Phan Thiết, vào học ở Saigon từ năm 1958, đi dạy học ở các trường trung học tư thục rồi nhập ngũ, học Trường Hạ sĩ quan. Từ năm 1965, anh về phục vụ tại Cục Tâm lý chiến thuộc Bộ Tổng tham mưu Quân lực Việt Nam Cộng hòa cho đến cuối tháng 4 năm 1975. Anh cũng cộng tác với Ðài Phát thanh Saigon, Đài phát thanh Quân đội và Đài truyền hình Việt Nam, thực hiện những chương trình ca nhạc với những ca khúc trữ tình và những ca khúc về người lính.

Anh cũng lấy nghệ danh Nhật Trường, lên Đài phát thanh hay vào phim trường của Đài truyền hình tự trình bày những ca khúc do anh sáng tác, góp mặt trong nhóm tứ ca Nhật Trường (gồm Như Thủy, Vân Quỳnh, Diễm Chi và Nhật Trường) và biểu diễn chung với những ca sĩ cùng thời như Thanh Lan. Sau năm 1975, anh ngưng hoạt động âm nhạc, mãi tới năm 1984 mới đi lưu diễn trở lại ở những tỉnh xa cùng với một số nghệ sĩ, sáng tác thêm một vài ca khúc mới như “Chiếc áo bà ba” rồi định cư tại Mỹ và từ trần vào ngày 13 tháng 5 năm 2005 tại Westminster, California.

Người dân Phan Thiết rất yêu mến Trần Thiện Thanh, gọi anh là “Vua nhạc bolero” vì trong gần 40 năm, anh đã sáng tác nhiều ca khúc thuộc dòng nhạc đại chúng, trong đó có ca khúc trữ tình “Hàn Mặc Tử” nói về một thắng cảnh của quê hương Phan Thiết.

Chủ đề trong các sáng tác của Trần Thiện Thanh là tình yêu, nhưng cũng như nhiều nhạc sĩ cùng thời, anh đã viết nhiều nhạc phẩm thể hiện tâm tình của những người lính, những người trẻ tuổi sống vào thời ly loạn.

Nhà văn Nguyễn Ngọc Ngạn đã nhận định về nhạc tình của Trần Thiện Thanh trong những năm chiến tranh: “Ngày trước, chúng ta có nhạc sĩ Lê Thương sở trường về “chuyện ca”, nghĩa là dùng một bài hát để kể một câu chuyện, chẳng hạn “Bà Tư bán hàng” hoặc trường ca “Hòn Vọng Phu”. Gần chúng ta hơn, Trần Thiện Thanh cũng có biệt tài về thể loại này: dùng một ca khúc ngắn ngủi mà kể được một câu chuyện minh bạch, không gò bó, không gượng ép, làm sống lại hình ảnh của những người lính trong cuộc chiến như “Tình thư của lính”, “Người ở lại Charlie”, “Anh không chết đâu anh”, “Góa phụ ngây thơ”, “Chân trời tím”, “Chiều trên phá Tam Giang”, “Lâu đài tình ái”, “Bảy ngày đợi mong”, “Tình đầu tình cuối”… Mãi mãi, người ta sẽ nhớ Trần Thiện Thanh là dòng nhạc tình ghi dấu tích của mùa chinh chiến”.

Ca khúc “Tuyết trắng” do Trần Thiện Thanh sáng tác với bút danh Anh Chương (lấy theo tên con trai anh) là ca khúc về những phi công hào hoa của Quân lực Việt Nam Cộng hòa tung cánh sắt trên đường bay, để lại trong thinh không tiếng thét gầm vang động làm cho con tim ngất ngây.

TUYẾT TRẮNG

Anh biết chiều nay em anh buồn lắm
Đã hẹn nhưng chẳng thấy bóng anh sang
Khi nắng cổng trường soi bước em
Khi chiều kéo lại bao nhiêu nhớ thương
Khi đường bay chờ anh tung cánh sắt.
Đây áo bay màu xanh xanh như tình ái
Thắt lại khăn ấm chính em đan
Khi gió quay cuồng sau cánh bay
Con tàu thét gầm cho tim ngất ngây
Phi đạo chạy dài anh cất cánh bay lên.
Ngả nghiêng cánh chim
Con tàu xé trời, rời xa thành phố rồi
Mây giăng thật thấp
Mây đan lụa trắng
Mây pha màu nắng
Vượt cao vút cao
Mây trời kết thành một vùng tuyết trắng ngần
Tuyết ơi xin nhuộm trắng trong tâm hồn em gái nhỏ tôi thương.
Khi nắng chiều đi, không gian chợt tối
Xóa nhòa vùng tuyết trắng mông mênh
Anh ước sao tình mình như tuyết trinh
Cho dù chúng mình không gian cách chia
Cho dù tuyết trắng đã chìm trong màn đêm…

HUỲNH DUY LỘC giới thiệu

Leave A Reply

Your email address will not be published.