Trung tâm Movieland của Indonesia với tham vọng trở thành một Hollywood Á Châu

TVN

0 264

Khoảng ba tỷ rưỡi đô la. Đó là chi phí đầu tư của tập đoàn Jababeka để hoàn tất dự án “Movieland”, một trung tâm công nghiệp điện ảnh và truyền hình tầm cỡ hàng đầu châu Á. Tạp chí Courrier International trích dẫn tờ báo Kompas cho biết trung tâm này được xây dựng theo mô hình các hãng phim Mỹ và nuôi tham vọng trở thành một Hollywood của Indonesia.

Tọa lạc ở thành phố Cikarang, cách thủ đô Jakarta khoảng 50 cây số về phía đông, trung tâm công nghiệp thương mại ”Movieland” trải dài trên 35 hecta, bao gồm các trường quay phim, studio thu hình cho màn ảnh nhỏ, một công viên giải trí, khu thương mại với hơn 2.000 điểm bán lẻ, bệnh viện có phòng khám, trường đại học, ngân hàng, khách sạn, văn phòng, nhà ở ….. Được vận hành như một khu kỹ nghệ phức hợp (mixed-use), Jakakeba Movieland vừa được khai trương hôm 08/07/2023, sau 18 năm xây dựng. Bao gồm nhiều cơ sở hạ tầng cũng như dịch vụ, Jababeka Movieland giống như một trung tâm công nghiệp điện ảnh, đồng thời là một điểm đến du lịch với nhiều dịch vụ giải trí như sân golf, rạp chiếu phim, hay cửa hàng mua sắm.

Theo báo Jakarta Globe, Jababeka City là chữ viết tắt của ”Jawa Barat Bekasi” (Tây Java-Bekasi), tên gọi của một thành phố mới nằm ở vùng ngoại ô Jakarta, trong một trong những khu công nghiệp hàng đầu tại Đông Nam Á. Ông Setyono Djuandi Darmono, nhà sáng lập tập đoàn Jababeka, chuyên phát triển bất động sản thương mại, đã gợi hứng từ mô hình của hãng phim Universal để triển khai ”Jababeka Movieland”, đặt trọng tâm vào sức hút của nghệ thuật thứ 7. Do vậy, ngoài các phim trường, các studo lồng tiếng, Jababeka Movieland còn có đại lộ Điện ảnh, ngã tư Hollywood, các tòa nhà mang tên những thần tượng điện ảnh như Marylin Monroe hay Elvis Presley ….

Mở lớp đào tạo để hỗ trợ ngành sản xuất phim

Nhằm hỗ trợ làng phim Indonesia, trường Đại học chính của khu công nghiệp Jababeka mở chương trình đào tạo và nghiên cứu phim ảnh. Như vậy, Movieland muốn gầy dựng cơ sở học tập và thực hành trong cả hai ngành điện ảnh và truyền hình. Mục tiêu đầu tiên của Jababeka Movieland là trợ giúp nền điện ảnh Indonesia đang trên đà đi lên. Trong năm qua, các bộ phim sản xuất tại Indonesia, sử dụng ngôn ngữ bahasa đã thu hút được 61% lượt khán giả trong nước. Theo tờ báo Kompas, nhờ được đầu tư đúng đắn trong các khâu viết kịch bản, chỉ đạo và diễn xuất, điện ảnh Indonesia đã tạo được những cú đột phá ngoạn mục. Đó là trường hợp của bộ phim ma ”KKN di Desa Penari” (tựa đề tiếng Việt là ”Linh hồn vũ nữ”) đã thu hút hơn 9 triệu lượt người xem tại Indonesia chỉ trong ba tháng, một thành tích về lượng khán giả cũng như về doanh thu phòng vé, không kém gì các blockbusster của Mỹ.

Theo báo Kompas, phát minh điện ảnh (thời xưa gọi là ”gambar idoep” có nghĩa là hình ảnh sống động) được người Hà Lan du nhập vào Indonesia đầu thế kỷ XX. Ngày 05/12/1900, lần đầu tiên tại Batavia, thủ phủ Đông Ấn Hà Lan (tiền thân của Jakarta), buổi chiếu phim đầu tiên giới thiệu với cộng đồng người Hà Lan sống ở Indonesia một bộ phim tài liệu ngắn kể lại chuyến thăm thành phố Den Hagen của Nữ hoàng Hà Lan Wilhelmina.

Qua việc xây dựng phim trường, Jababeka Movieland cũng nhắm đến việc thu hút các đoàn làm phim quốc tế. Trong năm 2022, do thiếu vắng cơ sở hạ tầng phù hợp, Indonesia đã bỏ lỡ cơ hội đón tiếp đoàn làm phim ”The Last of Us”, chuyển thể từ trò chơi video điện tử nổi tiếng của kênh truyền hình Mỹ HBO. Nội dung của một trong những tập phim ăn khách này đã chọn bối cảnh ở Jakarta, nhưng rốt cuộc bộ phim lại được quay ở Canada.

Nền điện ảnh Indonesia manh nha từ những năm đầu thế kỷ XX, nhưng mãi đến thập niên 1980, điện ảnh nước này mới có vài phim thu hút sự chú ý của giới phê bình quốc tế qua các tác phẩm ”Pintar Pintar Bodoh” (phát hành năm 1982) hay bộ phim ”Tjoet Nja’Dhien” (1988) lần đầu tiên được đưa đi tham dự các liên hoan phim nước ngoài. Làng phim Indonesia có dấu hiệu khởi sắc từ năm 2015 trở đi, sau khi tổng thống Widodo ký sắc lệnh cho phép lập công ty sản xuất phim với 100% vốn nước ngoài tại Indonesia. Điều đó giúp cho các công ty ngoại quốc, từ Lotte Cinema của Hàn Quốc cho tới Twentieth Century Fox của Mỹ, (nay được gọi là 20th Century Studios) đầu tư hợp tác sản xuất với các nhà làm phim trong nước.

Điện ảnh Indonessia khởi sắc nhờ vốn đầu tư nước ngoài

Indonesia hiện có hơn 275 triệu dân, phần lớn là giới trẻ dưới 30 tuổi. Sự xuất hiện của một thành phần trung lưu, có đủ sức tiêu xài mua sắm thu hút sự chú ý của ngành công nghiệp giải trí. Theo tạp chí Variety, trong 7 năm vừa qua, ngành giải trí Indonesia đã có đà phát triển khá nhanh, số lượng màn ảnh lớn của các rạp chiếu phim lên tới hơn 1.750 trong năm 2021, trong khi doanh thu phòng vé vượt ngưỡng 350 triệu đô la mỗi năm. Việc gia tăng các màn ảnh lớn so với 6 năm về trước, chủ yếu phục vụ nhiều đối tượng. Ngoài các bộ phim gia đình, các rạp chiếu phim còn nhắm vào thành phần trung lưu, có xu hướng thích xem phim ngoại nhiều hơn là phim ”nội”. Kết quả là doanh thu phòng vé của Indonesia cũng tăng mạnh và đều đặn trong 6 năm qua. Ngoài phim của Hollywood đạt mức 25 triệu đô la doanh thu như mỗi tập phim ”Avengers”, còn có phim Hàn Quốc như ”Satan’s Slaves” cũng được khán giả trẻ Indonesia yêu chuộng, với 11 triệu đô la doanh thu phòng vé.

Nhờ vào chủ trương ”gọi vốn” đầu tư, bộ phim dã sử cổ trang ”212 Warior”, do 20th Century Studios hợp tác thực hiện với một hãng phim địa phương, đã thành công bất ngờ với hơn 3 triệu đô la doanh thu. Thành công này tạo niềm tin nơi các nhà sản xuất, chịu đầu tư ở một mức cao hơn. Vào năm 2019, lần đầu tiên, Indonesia cho ra mắt một bộ phim có kinh phí cao chưa từng thấy ở nước này : bộ phim hành động ”Foxtrot Six” do đạo diễn Indonesia Randy Korompis thực hiện với sự hậu thuẫn tài chính của nhà sản xuất Mario Kassar, từng thành công với thương hiệu ”Terminator” cực kỳ nổi tiếng tại Hollywood.

Hiện giờ, Indonesia cho phát hành khoảng 90 bộ phim mỗi năm, đa số đều được quay bằng tiếng bahasa. Số phim nội chiếm khoảng 45% lượng phim được chiếu ở rạp. Hơn một nửa còn lại là phim ngoại kể cả Mỹ, Hàn, Ấn Độ, Hồng Kông, Thái Lan ….. Indonesia hiện đứng hạng tư trong số các quốc gia đông dân nhất thế giới, do vậy trở thành một thị trường có nhiều tiềm năng phát triển trong mắt các nhà sản xuất nước ngoài. Thị trường sản xuất phim Indonesia ngày càng thu hút sự quan tâm của các mạng phát hành phim trực tuyến của Mỹ như Netflix, Amazon Prime hay Discovery Warner.

Vào trung tuần tháng 09/20222, Bộ Du lịch Indonesia đã ký kết một thỏa thuận hợp tác với tập đoàn Netflix của Mỹ nhằm sản xuất các nội dung quảng bá văn hóa của Indonesia với khán giả toàn cầu. Đối với Netflix, thỏa thuận này đáp ứng mục tiêu mở rộng và làm giàu nội dung để chinh phục thêm người xem tại châu Á. Thỏa thuận này đã thúc đẩy tập đoàn Jababeka hoàn tất dự án “Movieland” sớm hơn, rút kinh nghiệm để tránh cho Indonesia một lần nữa bỏ lỡ cơ hội thu hút các đoàn lạm phim nước ngoài.

Theo RFI

Leave A Reply

Your email address will not be published.