Những Quyển Tự-Vị Việt-Ngữ Đầu-tiên

Thái Văn Kiểm

0 380

Trong lãnh vực bang giao quốc tế giữa Tây phương và Đông phương, và trong khung cảnh truyền bá Ki-tô giáo tại viễn đông, chúng ta phải ghi nhận một sự kiện, một công tác tối quan trọng là sự thành hình một loại chữ mới căn cứ trên chữ La-tinh, thêm vào nhiều dấu mới, nhằm phiên âm ngôn ngữ địa phương của một số dân tộc viễn đông, để tiện bề giao tiếp giữa các giáo sĩ, các thương gia Tây phương với nhân dân bản xứ.

Công tác này do các giáo sĩ Dòng Tên (Jésuites) gốc Bồ- đào-nha và Pháp-lang-sa khởi sự đảm trách trong sứ mạng truyền giáo, kể từ đầu thế kỷ 17, vào khoảng 1615 với các giáo sĩ François de Pina, Gaspard d’Amaral và Antoine Barbosa.

Kể từ năm 1624, có giáo sĩ Alexandre de Rhodes, quê quán Avignon (Pháp quốc), thuộc Dòng Tên của Bồ-đào-nha, đến Faifo, tức Hoài Phố, trên sông Hoài Giang tức là sông Thu Bồn ngày nay. Xứ này thuộc Đàng Trong do chúa Nguyễn quản nhiệm. Giáo sĩ A-lịch-sơn Đắc-lộ bắt đầu học tiếng Việt với giáo sĩ François de Pina và một ngời Việt mới theo đạo. Sau đó giáo sĩ Đắc-lộ đã có thể thuyết giảng bằng tiếng Việt và dựa trên hai quyển tự vụng (vocabulaire) của các giáo sĩ Gaspard d’Amaral và Antoine de Barbosa, để soạn thảo quyền tự điển Việt-bồ-la (Dictionarium Annamiticum Lusitanum et Latinum), đã được Giáo hội ấn hành năm 1651 tại Roma.

Trong phần đầu quyển tự điển này, giáo sĩ Đắc-lộ nói rằng mục đích là: làm thế nào cho Lời của Thượng để đi sâu vào, một cách dễ dàng hơn, đến những biên giới của vũ trụ có người Bắc kỳ và Nam kỳ ở, nghĩa là chung cho cả người xứ An nam, vì chưng bây giờ may nhờ nơi lòng quảng đại bao la của các vị lãnh đạo Giáo hội mà biên soạn được quyển Tự Điển của Dân Tộc An Nam. (Dịch từ La-tinh ra Pháp như sau:… pour que la Parole de Dieu pénètre plus facilement jusqu’aux limites de l’Univers habités par les Tonkinois et Les Cochinchinois, c’est à dire l’universalité des Annamites, voici maintenant que l’ampleur de votre générosité nous encourage à composer le Dictionnaire du Peuple Annamite. – Theo bản dịch mới đây của các giáo sĩ Alix Bourgeois và Frandois Danset, Dòng Franciscains, Pháp.)

Công việc phiên âm Việt ngữ qua mẫu tự La-tinh bắt nguồn từ những bản Catéchismus (Phép Giảng dạy Ki-tô giáo) do người Nhật Bản, đặc biệt là tân đồ Yajiro đã dùng mẫu tự La-tinh phiên âm tiếng Nhật, ấn hành tại Nhật với những máy in của Dòng Thánh François Xavier de Navarre ( 1506- 1552), đã từng đặt cơ sở truyền giáo tại Nhật, vào giữa thế kỷ thứ 15. Do sáng kiến này mà các giáo sĩ Bồ đào nha ở Faifo (căn cứ thương mãi quan trọng của người Nhật, phần đông đã theo đạo mới) đã bắt chước cách phiên âm tiếng Việt với mẫu tự La tinh.

Đây là cả một cuộc cách mạng văn tự, văn học và văn hóa, đánh dấu một sự biến chuyển lớn lao với thành quả cuối cùng là tách rời Việt nam ra khỏi ảnh hưởng Trung hoa với sự bãi bỏ Hán tự và các cuộc thi cử, để đưa nước ta vào một hệ thống văn tự mới của Tây phương, lấy chữ La-tinh làm căn bản.

Từ đầu thế kỷ 17 đã phát sinh ra loại chữ mới mà tiền nhân quen gọi là quốc ngữ. Thật ra không phải là quốc ngữ mà là quốc tự hay đúng hơn nên gọi tân quốc tự, nói theo Pháp ngữ là nouvelle écriture nationale. Vì lẽ tự là chữ viết, còn ngữ là lời nói. Kể từ thời lập quốc đến nay, lời nói của dân ta luôn luôn là tiếng Việt, lời Việt. Duy chữ viết là có thay đổi: thuở xưa là Hán tự, thời nay là La-tinh tự, và không nói trống là quốc ngữ, có nghĩa chung là langue nationale, để dùng cho mọi dân tộc trên thế giới,

Tuy nhiên, vì từ lâu tiền nhân đã quen gọi là quốc ngữ thì nay ta cũng phải gọi như thế và hiểu là chữ viết mới của người Việt theo chữ La-tinh, do các giáo sĩ Tây phương truyền bá. Lối chữ này có cái lợi lớn là dễ học, học rất nhanh vì vốn liếng chỉ có mấy chục chữ và năm bảy dấu mà có thể diễn tả hàng ngàn vạn tiếng nói khác nhau. Còn ngược lại, chữ Hán bắt ta phải học trên 200 bộ khóa khác nhau và nhớ mặt mấy ngàn chữ, may ra mới đọc được sách báo rành mạch. Nhờ tính cách giản dị đó của tân Việt tự mà dân ta đã chuyển sang tân học rất mau, đồng thời hấp thụ được nhanh chóng những văn chương, tư tưởng, khoa học, kỹ thuật Tây phương, qua những sách phiên dịch từ ngoại ngữ sang Việt ngữ, qua báo chí, văn phẩm, và những bộ tự điển, tự vị, tự vựng càng ngày càng phong phú đã được ấn hành nơi hải ngoại và tại quốc nội trong gần bốn thế kỷ qua.

Trên kia chúng ta đã nhắc tới quyển tự vị Việt-Bồ-La của giáo sĩ Đắc-lộ mà không đi sâu vào chi tiết, vì sẽ để dành cho một bài khác. Nay chúng ta hãy đề cập quyển tự điển, được quen gọi là Dictionnaire de Monseigneur Tabert. Trước tiên, ta phải nói tới đức Giám mục Pigneau de Béhaine, Evêque d’Adran (Bá Đa Lộc) là người đã có công khởi thảo quyển này. Ngài đến Nam kỳ vào khoảng 1767, ở tu viện Hòn Đất, nơi ngọn đồi Phnom Barang, trên đất của họ Mạc, sáng lập Cảng-khẩu-quốc (Royaume de Cancao), tức là xứ Hà tiên. Tu viện cách trấn lị Hà tiên 14 cây số. Chẳng may vì chiến tranh giữa họ Mạc và quân Xiêm la mà tu viện Hòn Đất bị phá hủy. Giám mục Bá Đa Lộc phải di tản sang Ấn Độ năm 1770, ở tu viện Virampatnam, gần Pondichery. Tại đây Ngài đã chăm chú biên soạn nhiều quyển sách: Sách giảng dạy đạo bằng tiếng Việt và tiếng Tàu (đã in tại Quảng Đông trong thời kỳ Ngài lưu trú ở Ma-cao), một quyển Tự vị Hán-Việt-La (chưa in) và một quyển Tự vị Việt-La.

Hiện nay tại thư viện và văn khố của Giáo hội Missions Etrangères, 128 rue du Bac, Paris 7, còn tàng trữ những bản thảo (manuscrits) vô giá của Đức Cha Bá Đa Lộc liệt kê như

sau:

1. Dictionnarium Annamitico-latinum par Mgr d’Adran, 732 trang, 1772

2. Dictionnarium Chinois-Annamite-Latin par Mgr d’Adran, 906 trang.

3. Catéchisme Cochinchinois par Mgr Pigneaux, Evêque d’Adran et Vicaire Apostolique de la Cochinchine, 1774.

Theo sử gia Georges Taboulet thì bản thảo đầu tiên của quyển tự vị số (1) nói trên có lẽ đã bị thất lạc trong lúc tu viện Cà Mau do Giám mục d’Adran xây dựng bị đốt cháy năm 1778, trong thời kỳ chiến tranh giữa Tây Sơn và Nguyễn Ánh. Sử gia Taboulet đoán rằng bản thảo còn được gìn giữ nơi Giáo hội Paris là bản thảo số thứ hai. Dù sao, chúng tôi nhận thấy đây chính là thủ bút của Giám mục Bá Đa Lộc; nét chữ rất tinh anh và xinh xắn; còn phần chữ Hán ghi kế bên chữ Việt, có lẽ do một nhà Nho cộng tác với Ngài.

Theo sự suy đoán của tôi thì ngược lại, nghĩa là quyển bị đốt cháy ở Cà Mau (nếu quả thật bị đốt cháy) năm 1778 chỉ là bản chép lại của nguyên bản còn tàng trữ nơi Giáo hội, vì bản này mang niên số 1772. Tôi đoán rằng Giám mục Bá Đa Lộc, vì biết rõ tình trạng chinh chiến, loạn lạc ở Nam kỳ, đã cẩn thận để lại Paris bản thảo chính yếu, chỉ mang theo bản phụ mà thôi. Mang theo để tu chỉnh và bổ túc cho được toàn hảo. Mang theo như một đứa con tinh thần cần được bồi dưỡng hàng ngày trên khắp các nẻo đường nguy nan truyền giáo.

Chúng ta phải chờ 50 năm về sau để tìm gặp một vị giám mục khác, với phương danh Mgr Taberd, chức chưởng tương đương, và nhờ nghị lực cùng tài trí ngoại giao của Ngài mà quyển tự vị của giám mục d’Adran được ấn hành, do sự giúp đỡ tài chánh của chính phủ Bengale, Ấn độ thuộc Anh và sự ủng hộ tận tình của Société Asiatique du Bengale.

Dựa trên bản thảo nói trên của Giám mục d’Adran, đức cha Taberd đã biên soạn thành hai quyển, mang sang Ấn độ và ở đó trông coi việc ấn loát, sửa chữa bản in nơi nhà in của Hội giáo Tin Lành, thị xã Serempore. Nhà in này do ông J.C. Marshman điều khiển. Công cuộc ấn loát khởi sự năm 1838 và tới 1840 mới hoàn thành. Công cuộc này kéo dài ba năm vì song song với việc sửa chữa bản in, Giám mục Taberd còn phải biên soạn thêm nhiều tiết mục mới cần thiết, do chính phủ Ấn độ thuộc Anh yêu cầu.

Rốt cuộc bộ tự vị này được hình thành với hai quyển: quyển một mang tên Mgr d’Adran, quyển hai mang tên Mgr Taberd: Quyển I (Premier volume): Dictionarium Annanmitico-Latinum, primitus inceptum ab Ilustrissimo et Reverendissimo P.J. Pigneaux, Episcopo Adranensi, Vicario Apostolico Cocincinae et c Dein absolutum et editum Cambodiae et Ciampae, Asiaticae Societatis Parisiensis, nec non Bengalensis Socio honorario. – Fredericnagori vulgo Serempore. Ex typis J.C. Marshman 1938.

Quyển này đề tặng Lord Auckland, Gouverneur de l’Inde. Phần đầu có một Nhập môn Văn phạm (introduction grammaticale) dài 46 trang. Phần chữ gồm có ba thứ chữ: Việt, Hán (hoặc Nôm) và La-tinh. Phần sau gồm có Bản Liệt kê Thảo mộc Nam kỳ (Hortus Floridus Cocincinae)-trang 621-660-với tên La-tinh, tên bản xứ (Việt), tên Hán và tên thông dụng (nomsvernaculaires). Tiếp theo là bản kê những bộ khóa Hán tự (table des clés des idéogrammes Chinois), trang 671-722. Sau cùng, có một Ngữ vụng Appendix ad Dictionarium Annamitico-Latinum Sistens voces sinensis, dày 128 trang.

Quyên II (Deuxième volume): Dictionanum Latino- Annamaticum. Auctore J.L. Taberd, Episcopo Isau ropohtano, Vicario Apostolico Cocincinae, Cambodiae et Ciampae, Asiaticae Societatis Parisiensis, nec non Bengalensis Socio honorario – Fredericnagori vulgo Serempore, Ex typis J.C. Marshman 1938.

Phần đầu quyển này gồm có một Kinh cáo độc giả (Avis au lecteur) bằng chữ La-tinh, trong đó có phác họa những nét chính yếu về nước An nam. Tiếp theo là một Nhập môn Văn phạm (Introduction grammaticale) và một Yếu lược Thi phú bằng tiếng Việt và tiếng La-tinh (Notice sur la prosodie, en langue Annamite et en Latin). Quyền tự vị dày 708 trang, không có Hán tự. Phần sau có một Tự vựng Appendix ad Dictionarium Latino- Annamiticum – Cochin – Chinese Vocabulary-vocabulaire Cochinchinois Index Vocabulorum Cocincinensis- tự vị An Nam, 1838, de VIII-135 pp. Phần tự vựng này gồm bốn cột có ghi bên trên: English language – Langue Française – Lingua Latina – Tự vị An nam. Phần sau hết, lại có một Đàm thoại, Dialogue entre un Capitaine de navire et un Cochinchinois (trang 77-92), cùng nhiều điều cần dùng thường nhật như: đếm số (numération), đo lường (mesures et poids), tiền tệ (monnaie), phân chia thời gian (divisions du temps), niên lịch (calendrier),v. v. Quyển này cũng có kèm thêm một bản đồ Đông dương gồm có Ai Lao, Cao miên và ba kỳ của nước Việt Nam.

Quyển tự vị d’Adran-Taberd ấn hành 1300 quyển với tiền viện trợ 1500 roupies của chính Ấn độ. Đồng thời cũng có in thêm 100 bản phần tự vựng bốn thứ tiếng, để cho các thủy thủ Anh Ấn sử dụng trong lúc cập bến xứ An Nam.

Trong thời gian lưu trú Ấn độ, Giám mục Taberd đã làm thông ngôn trong vụ kiện xử phạt bọn hải tặc Mã-lai bằng cách thông dịch cho những chứng nhân Nam kỷ trước tòa Ấn độ (procès des pirates malais). Như thế là lịch sử cho ta biết thêm rằng cách đây 150 năm đã có những vụ cướp bóc của hải tặc Mã lai… trong đó người Việt là nhân chứng!

Sau đó, Giám mục Taberd đã được chính phủ Ấn độ trả thù lao 500 roupies để Ngài sinh sống với hai người cộng sự. Rồi cũng nhờ đề nghị của Hội trưởng hội Société Asiatique du Bengale mà chính phủ Ấn cấp thêm cho Giám mục Taberd 1000 roupies, với điều kiện phải cung cấp cho chính phủ 100 bản toàn bộ tự vị Việt-la và La-việt, cùng với 100 bản tự vụng đàm thoại đã dẫn trên. Như thế là công cuộc ấn hành quyển tự vị tốn cả thảy 3000 roupies về phía chính phủ Ấn độ, còn phía Giáo hội thì ta không rõ đã cung cấp bao nhiêu.

Chúng ta cũng được biết thêm rằng Giám mục Taberd đã long trọng gởi tặng chính phủ Ấn độ ba bộ tự vị, mà vị Tổng thư kỷ đã xác nhận là một tác phẩm đặc sắc và quí báu (remarquable et précieuse). Sau này, đầu năm 1948, nữ sử gia Suzanne Karpélès, nhân viên Học viện Viễn Đông Bác Cổ, đã phê bình quyền Tự vị Taberd là một công trình bất vụ lợi, thấm nhuần tình thương và khoa học (une œuvre désintéressée, une œuvre d’amour et de science, de la part des imprimeurs et de l’auteur).

Ngày nay, nếu chúng ta đem so sánh bản in của quyển Tự vị Taberd và bản thảo quyển Tự vị d’Adran còn lưu trữ tại Giáo hội Missions Etrangères, Rue du Bac, Paris 7, thì sẽ nhận thấy rất giống nhau, nhất là quyển I Việt-La. Còn quyển II La-Việt thì là phần đảo lại, do Giám mục Taberd biên soạn, dựa trên quyển I và những tài liệu do Ngài gom góp trong lúc truyền giáo ở Nam Việt. Đó cũng là điều nhận xét của Giáo sĩ De Launay, tác giả nhiều sách về công cuộc truyền đạo Ki-lô ở Viễn đông.

Kèm theo biên khảo nảy, chúng tôi sẽ phô bày một số tài liệu trích từ trong các tự vị nói trên và trong những quyển Catéchisme tựu trung có hai quyển: một quyển của Alexandre de Rhodes (1651), và một quyển của Giám mục d’Adran (1770)/ Quyển đầu ghi: Phép giảng tám ngày cho kẻ muốn chịu phép rửa tội mà bèao đạo thánh Đức Chúa Blời. Chúng ta thấy cách phiên âm tiếng Việt bằng La-mã-tự (romanisation) đã biến hóa khá nhiều từ thời giáo sĩ Đắc-lộ (1651). Thời đó còn là thời dò dẫm sơ khai (stade embryonnaire), đắn đo và ngập ngừng, cha hoàn toàn nắm vững những nguyên âm (voyelles), phụ âm (consonnes), điệp âm (diphtongues) và các dấu (signes ét accents).

Phiên âm (transcription phonétique) khó đã đành, mà phiên dịch cũng khó lắm. Tỉ dụ như: Giáo sĩ Đắc-lộ đã phiên âm ông trời là on Blời, Đức Chúa Blời (Gratias a Deos). Ta phải chờ đến thời giám mục d’Adran và Giám mục Taberd mới thấy phiên âm: ông trời, Đức Chúa Trời. Từ đó, ta có thể xem công cuộc La-mã-tự hóa đã hoàn thành chu đáo. Sau này, các thế hệ nối tiếp, các giáo sĩ, học giả trong nước sẽ góp công bồi bổ thêm, nhất là trong một thế kỷ qua, để cho quốc ngữ hay là tân Việt tự, phát triển mạnh mẽ và tươi sáng trong mọi lãnh vực.

Giám mục Jean-Louis Taberd sinh ngày 18.6.1774 Ở Saint Elienne. Năm 1820 Ngài vào chủng viện Missions Etrangères và năm 1821 được cử đi Nam kỳ. Năm 1827 Ngài được phong Evêque d’Isaupolis, tổng quản địa phận Lái Thiêu, gần Thủ Dầu Một. Tại đây các giáo sĩ đã mở trường dạy học cho người mù, câm và điếc. Trường còn tồn tại trong những năm gần đây, không rõ lúc này ra sao? Hơn mười năm về trước, tôi có hướng dẫn hội Lions Club Saigon đến thăm trường này và biếu sách vở, quà bánh cho các em.

Dưới thời Minh Mạng, sau vụ Lê Văn Khôi khởi loạn, Giám mục Taberd đã rời miền Nam, rút về Bangkok để lánh nạn bài đạo. Sau đó Ngài đã qua ở Singapore. Ngài đã chỉ định Giám mục Cuénot thay thế và tiếp tục công tác tại Nam kỳ. Năm 1838 Giám mục Taberd được Giáo hội cử nhiệm địa phận Bengale, thuộc Ấn độ. Ngài đã về chầu Chúa ngày 31.7.1840 sau khi đã hoàn thành việc ấn tống quyển Tự vị Việt-La (Hán) của Giám mục d’Adran và quyển Tự-vị La-Việt do chính Ngài biên soạn. Trong quyển này có bản đồ Đông dương (Tabula geographica imperiiannamitici (1838, mà sau này Tổng trưởng Thuộc địa Marquis de Chasseloup Laubat đã in lại cho quân đội viễn chinh Pháp sử dụng. Bản đồ này mang tên An nam đất-quốc họa-đồ seu Tabula geographica impem annamitici, ab auctore Dictionari latino–annamitici disposita 1838, đã được in lại năm 1862 trên khổ lớn.

Quyền Tự vị Taberd-d’Adran, phần Việt-La (không có chữ Hán), đã được Giám mục Joseph Simon Theurel duyệt lại, bổ túc và tái bản năm 1877 tại Ninh Phú (Bắc Việt), dưới nhan dè Dictionarium Annamitico-Latinum. Ex opere ill. et Rev. Taberd constans Nec non ab. ill. et Rev. J.S. Theurel Episc. Acanthensi et Vicario apost. Tunquini Occidentalis. Recognitum et notabililer adauctum Ad quod accedit Appendix de vocibus sinicis et locutionibus minus usilatis – Ninh Phu, Ex typis missionis tunquini occidentalis, 1877. Sách này in trên khổ in – 40pp. XXX-566-71.

Thư viện riêng của tôi có tất cả những quyển tự vị và thư chỉ kể trên.

Nhìn lại quãng đường dài trên mấy thế kỷ mà các giáo sĩ Tây phương đã trải qua trong công cuộc truyền giáo và La-mã-tự hóa Việt ngữ, chúng ta thành thực khâm phục và tri ân các vị đã chịu khó học hỏi và nghiên cứu tiếng Việt, rồi dùng một thứ tự ngữ mới là chữ La tinh mà phiên âm tiếng ta, một cách giản dị, khoa học và hợp lý hơn chữ Hán, hoàn thành một văn tự mới, khả dĩ giúp cho dân ta một khí cụ văn hóa mới, đưa dân ta lên con đường canh tân và phát triển mạnh mẽ.

Tuy rằng Nhật Bản cũng đã có lần muốn canh tân theo lối đó, nhưng nửa đường thì họ bỏ cuộc, duy chỉ có nước Việt nam chúng ta là đi đến nơi đến chốn trong việc thành hình chữ quốc ngữ, đến mức độ có thể nói là thành công rực rỡ. Đó là điều đáng mừng và đáng hãnh diện.

THÁI VĂN KIỂM

Nguồn: Thái Văn Kiểm, Việt Nam gấm hoa, 1997, tr.36-40.

Leave A Reply

Your email address will not be published.