Tuấn Khanh và “Mùa xuân đầu tiên”

Huỳnh Duy Lộc

0 432

Tuấn Khanh tên thật là Trần Ngọc Trọng, sinh ngày 10 tháng 12 năm 1933 tại Nam Ðịnh, năm 1950 về sống ở Hà Nội và học đàn violon với người anh cả. Năm 1953, ông giành giải nhất trong cuộc thi ca hát của Đài phát thanh Pháp Á với tên Trần Ngọc. Năm 1954, ông di cư vào Nam, đàn ở Đài phát thanh và ban giao hưởng của Trường Quốc gia Âm nhạc.

Ông cũng hát ở Đài phát thanh cùng với những ca sĩ như Anh Ngọc, Duy Trác, Minh Trang, Ngọc Long, Tâm Vấn, nhưng sau đó bỏ nghề hát vì mắc cái tật hay quên lời ca. Tuấn Khanh kể: “Vào trong Nam, tôi hát ở các ban nhạc như Bảo Chính Đoàn của Hoàng Trọng, Vũ Văn Tuynh, Vũ Nhân, Hoàng Hưng… Tôi bắt đầu sáng tác nhưng chỉ ngầm thôi. Người khai tâm âm nhạc cho tôi là bác sĩ Tuấn, anh tôi. Ngay từ lúc 10 tuổi, tôi có thể cầm một bản nhạc mà xướng thanh ngay. Những bài tôi hát thuở đó thường là: “Mơ hoa” của Hoàng Giác, “Một chiều thu” của Nhật Bằng, “Nỗi lòng” của Nguyễn Văn Khánh, “Người về” của Phạm Duy… Tôi hay hát chung với Anh Ngọc, Ngọc Long, Duy Trác, Mộc Lan, Tâm Vấn… Từ năm 1955 đến năm 1970, tôi vừa làm ca sĩ và nhạc sĩ. Đến năm 1970, tôi quyết định giải nghệ, không hát nữa để chuyên tâm sáng tác. Ngoài ra, tôi chơi violon cho các nơi để sống…”

Ca khúc đầu tay của Tuấn Khanh sau khi di cư vào Nam là ca khúc “Đò ngang” viết chung với nhạc sĩ Y Vân, một người bạn cùng tuổi. Sau đó là những ca khúc như “Hoa soan bên thềm cũ” tái hiện hình ảnh nên thơ của hoa soan ở Hà Nội và ca khúc “Nỗi niềm” với những câu hát “Từng hạt sương khuya hoen đôi mắt biếc sao khi chia ly hôn anh một lần vội vã; làm chiều không đi chân mây tím ngắt, anh ơi đêm nay em nghe trống vắng buồn tênh…”. Ca khúc nổi tiếng nhất của ông vào thời kỳ này là “Chiếc lá cuối cùng”, một bản tình ca về cảnh chia ly với chiếc lá vàng cuối cùng rơi khi mùa thu tới.

Nhạc sĩ Phạm Duy có nhận định về nhạc sĩ Tuấn Khanh: “Trong tất cả những nhạc sĩ đã suốt một đời ca hát cho cuộc đời Việt Nam biết bao nhiêu luân lạc, Tuấn Khanh là một nhạc sĩ đã nối tiếp con đường nhạc tiền chiến rất thành công…”

Nhưng bên cạnh những ca khúc mang hơi hướm nhạc tiền chiến, gọi là “nhạc sang”, ông cũng viết nhiều ca khúc thuộc dòng nhạc đại chúng như “Quán nửa khuya” víết chung với nhạc sĩ Hoài Linh, một nhạc phẩm rất được ưa chuộng do ông tự xuất bản, bán được hàng chục ngàn bản vào đầu thập niên 1960. Ông cho biết: “Tôi có làm hai loại nhạc khác nhau. Loại nhạc có người nghe chọn lọc thường đuợc gọi là “nhạc sang”, tôi đề tên là Tuấn Khanh. Còn loại nhạc dành cho đại chúng, tôi lấy nhiều tên khác nhau như Thương Hoài Thương (Lệ tình, Tuy anh không nói), Trần Kim Phú (Vì lỡ thương nhau, Tỉnh giấc), Hoàng Mộng Ngân (Tình buồn em gái)… Khi tôi viết loại nhạc đại chúng thì loại nhạc này bán rất chạy. Nó không những lợi về phần tài chánh mà còn lợi phần tiếng tăm nổi hẳn lên bởi lẽ giới bình dân đông hàng trăm người, chỉ có một trí thức…”

Năm 1982, Tuấn Khanh rời Việt Nam sang định cư tại Mỹ. Ở Garden Grove, bang California, ông mở một tiệm phở mang tên “Hoa soan trên thềm cũ”. Năm 2002, Trung tâm Thúy Nga thực hiện chương trình “Paris By Night 64: Đêm văn nghệ thính phòng” vinh danh ông cùng với nhạc sĩ Vũ Thành An và Từ Công Phụng.

Bản nhạc xuân nổi tiếng nhất của Tuấn Khanh là “Mùa xuân đầu tiên” nói lên mơ ước về một mùa xuân thanh bình, người lính trở về thăm lại người yêu, “say sưa nhịp bước trên hè” và “nâng niu nụ hoa vừa hé” khi “xuân đã đến bên thềm” và “hết rồi mùa chia ly”.

MÙA XUÂN ĐẦU TIÊN
Bao nhiêu thương nhớ gom nhặt đầy anh trở về thăm em
Bao lần ngồi thâu đêm nghe mùa xuân vừa đến
Em ơi hoa thắm rơi ngập đường trời nắng xế vương vương
Lòng nhớ tới em luôn khi chiều tàn chim gọi đàn.
Em ơi đôi lúc nghe lòng buồn trên sườn đồi thông xanh
Sương phủ đầy vai anh canh tàn trăng mờ ánh
Long lanh sao rớt vương đầy trời dòng cát trắng bao la
Chờ sáng đến chim ca cho đường dài cũng không xa.
Người yêu ơi! Biết chăng anh về?
Người yêu ơi! Nhớ chăng lời thề
Anh say sưa nhịp bước trên hè
Anh nâng niu nụ hoa vừa hé
Đôi môi xinh người em nhỏ bé mộng mơ.
Mùa xuân ơi! Biết tôi yêu đời
Mùa xuân ơi! Nói sao nên lời
Em ơi em, dù nhớ vơi đầy
Bao lâu nay, đợi nhau là mấy
Anh đâu ngờ bến bờ hạnh phúc là đây.
Anh ơi! Xuân đến bên thềm rồi nhắp rượu hồng vơi đi
Hết rồi mùa chia ly cho tình xuân vừa ý
Xin yêu thương đến đôi bạn hiền để xóa hết cô đơn
Rồi quyến luyến nhau hơn cho người em thôi giận hờn.
Xuân nay ta chúc cho mẹ già vui vườn cà thêm hoa
Vui ruộng đồng bao la tóc bạc phơ đẹp quá
Xin yêu thương đến vơi hận thù để tiếng hát hôm nay
Người chiến sĩ mơ say bên đàn trẻ bé thơ ngây.

HUỲNH DUY LỘC giới thiệu

Ca khúc “Mùa xuân đầu tiên” với giọng ca Ngọc Minh: http://amusic.vn/…/mua-xuan-dau-tien-ngoc-minh,6lD3Q.html
Ca khúc “Mùa xuân đầu tiên” với giọng ca Như Quỳnh & Thế Sơn: https://youtu.be/ktqCUUylCic

Leave A Reply

Your email address will not be published.