Học giả Trương Vĩnh Ký, người có vai trò quan trọng trong buổi đầu của nền báo chí Việt Nam

Huỳnh Duy Lộc

0 290

Tại Việt Nam hiên nay, ngày Báo chí cách mạng Việt Nam (ngày 21.6) là ngày kỷ niệm sự ra đời cùa báo Thanh Niên, cơ quan ngôn luận của tổ chức Việt Nam Thanh niên Cách mạng Đồng chí hội, do Nguyễn Ái Quốc sáng lập vào ngày 21 tháng 6 năm 1925 tại Quảng Châu (Trung Quốc). Báo được in bằng tay trên giấy sáp, ra hàng tuần bằng tiếng Việt, trụ sở đặt tại số nhà 13A đường Văn Minh, Quảng Châu (Trung Quốc), tên báo viết bằng hai thứ tiếng Việt và Hán.

Trong lịch sử báo chí Việt Nam, từ những năm 1860 đã có Gia Định báo và một số báo khác lần lượt ra đời tại Sài gòn, Hà Nội và một vài địa phương khác, nhưng báo Thanh Niên của Nguyễn Ái Quốc đã mở ra một dòng báo chí mới là báo chí cách mạng Việt Nam.

Gia Định báo là tờ báo tiếng Việt đầu tiên của làng báo Việt Nam ra đời vào tháng 4 năm 1865. Tờ công báo Courrier de Saigon số 7 ngày 5.4.1865, đăng lời rao về số đầu tiên của Gia Định báo như sau: “Trong tháng này sẽ ra số thứ nhất một tờ báo in bằng tiếng An Nam thông thường. Dưới hình thức thu hẹp ấn bản sẽ gồm các tin tức ở thuộc địa, giá cả nhiều loại hàng và một vài ý niệm hữu ích cho người bản xứ. Tờ báo sẽ ra hàng tháng và sẽ phát không trong các trường học để học sinh khá trong các làng mạc có thể đọc được…”.

Trong tác phẩm khảo cứu “Báo chí Việt Nam từ khởi thủy đến 1945”, TS Huỳnh Văn Tòng cho biết: “Theo những lần nghiên cứu ở thư viện Trường Ngôn ngữ Đông phương tại Paris, tôi đã tìm ra được số báo cũ nhất của tờ Gia Định báo phát hành ngày 15.7.1865, số 4 phát hành ngày 15 mỗi tháng. Từ đó, chúng ta có thể suy ra rằng số thứ nhất của tờ Gia Định báo ra đời ngày 15 tháng 4 năm 1865. Từ sự kiện này, ta có thể xác nhận rằng quyền cho phát hành tờ Gia Định báo đã được Chính phủ Pháp cấp cho ông Ernest Potteau ngày 1 tháng 4 năm 1865 và tờ đầu tiên ra đời ngày 15 tháng 4 năm 1865… Ông Ernest Potteau đã cho xuất bản số đầu tiên ngày 15 tháng 4 năm 1865 cho đến ngày 16 tháng 9 năm 1869, một nghị định khác của Đô đốc Ohier giao cho ông Trương Vĩnh Ký đảm nhiệm tờ báo này, ông Huỳnh Tịnh Của đã được giao phó chức vụ chủ bút tờ Gia Định báo…” (Báo chí Việt Nam từ khởi thủy đến 1945, tr. 56).

Người có vai trò quan trọng trong buổi đầu của nền báo chí Việt Nam là học giả Trương Vĩnh Ký.

Trương Vĩnh Ký sinh ngày 6 tháng 12 năm 1837 trong một gia đình Công giáo tại làng Cái Mơn, xã Vĩnh Thành, huyện Tân Minh, tỉnh Vĩnh Long (nay thuộc huyện Chợ Lách, tỉnh Bến Tre), tên khai sinh là Trương Chánh Ký, về sau đổi thành Trương Vĩnh Ký, tự là Sĩ Tải, tên thánh là Jean Baptiste Pétrus. Mồ côi cha rất sớm, Trương Vĩnh Ký lần lượt được các linh mục như Cố Tám, Cố Long nuôi dưỡng, dạy dỗ. Ông học tại tiểu chủng viện Cái Nhum (nay thuộc Bến Tre) do linh mục Borelle (cố Hoà) cai quản. Năm 1851, ông đi học tại đại chủng viện Poulo-Penang ở Mã Lai. Ông được học với nhiều thầy giỏi và tiếp xúc với bạn học đến từ nhiều nước khác nhau. Với trí thông minh phi thường và tinh thần cần cù hiếm thấy, ông luôn là một học sinh xuất sắc, lúc mới 22 tuổi đã có thể sử dụng thành thạo 15 ngôn ngữ phương Tây và 11 ngôn ngữ phương Đông. Năm 1856, Pháp tấn công Đà Nẵng lần thứ nhất và năm 1858 tấn công Đà Nẵng lần thứ hai. Ông về Cái Mơn chịu tang mẹ rồi vào chủng viện làm việc cho linh mục Borelle. Năm 1860, ông làm thông ngôn cho giám đốc bản xứ sự vụ Boresse.

Năm 1861, Pháp chiếm toàn tỉnh Gia Định, đánh Biên Hoà, Định Tường, Vĩnh Long. Đô đốc Charner bắt đầu xây dựng bộ máy cai trị Nam Kỳ rồi năm 1862, Hoà ước Nhâm Tuất được ký kết, triều đình nhà Nguyễn nhượng 3 tỉnh Biên Hoà, Gia Định, Định Tường và đảo Côn Lôn cho Pháp. Năm 1863, phái bộ do Phan Thanh Giản làm chánh sứ, Phạm Phú Thứ làm phó sứ, sang Pháp xin chuộc lại 3 tỉnh miền Đông Nam Kỳ. Trương Vĩnh Ký làm thông ngôn thứ nhất cùng đi với phái bộ Phan Thanh Giản. Năm 1864, ông được chỉ định làm giám đốc Trường Thông Ngôn (Collège des Interprètes). Năm 1867, Pháp đánh chiếm 3 tỉnh miền Tây Nam Kỳ: Vĩnh Long, An Giang và Hà Tiên. Phan Thanh Giản uống thuốc độc tự vẫn.

Năm 1869, ông được chỉ định làm chủ bút tờ Gia Định báo thay Ernest Potteau và năm 1872, ông được cử làm giám đốc Trường Sư Phạm. Năm 1873, Trường Hậu Bổ (Collège des Stagaires) được thành lập và năm sau, ông được bổ nhiệm làm giáo sư trường Hậu Bổ, dạy tiếng Việt và chữ Hán. Năm 1874, Hoà ước Giáp Tuất được ký kết, Việt Nam công nhận toàn bộ Nam Kỳ trở thành thuộc địa của Pháp. Pháp công nhận An Nam (Bắc Kỳ và Trung Kỳ) độc lập, không thần phục Trung Quốc nữa. Năm 1876, ông đi Bắc Kỳ quan sát tình hình tôn giáo và chính trị, viết “Chuyến đi Bắc Kỳ năm Ất Hợi” và một báo cáo cho Thống Đốc Nam Kỳ.

Năm 1882, Pháp đánh Hà Nội lần thứ hai, Hoàng Diệu tự vẫn. Pháp đánh các tỉnh miền Bắc (Nam Định, Hải Phòng) rồi đánh chiếm Đà Nẵng và cửa biển Thuận An. Vua Tự Đức mất. Năm 1883, Hoà ước Quý Mùi (Harmand) và năm 1884 Hoà ước Giáp Thân (Patenôtre) được ký kết. Năm 1886, ông ra Huế, gia nhập Cơ Mật Viện từ tháng 4 đến tháng 9. Năm 1890, ông về hưu rồi qua đời tại Chợ Quán vào ngày 1 tháng 9 năm 1898.

HUỲNH DUY LỘC

Leave A Reply

Your email address will not be published.