Mỗi mùa nước nổi, những cánh đồng miền Tây Nam Bộ ngập trong làn nước đỏ ngậm phù sa. Giữa làn nước mênh mông chỉ còn lại những đọt cây cao và hàng cây thon thả, lá nhỏ xinh như lá me, hoa vàng rực như mai mùa xuân. Từ xa nhìn lại, những chùm hoa đong đưa trong nắng như đàn bướm chấp chới giữa trời xanh. Đó là bông điên điển, còn được cư dân miền Tây gọi một cách trìu mến là “mai vàng mùa lũ”.
Điên điển là món quà thiên nhiên ban tặng miền Tây vào mỗi mùa nước nổi. Thời còn đói khổ, mùa nước lên thiếu gạo, thiếu rau, người miền Tây hái bông điên điển về ăn sống, chấm mắm kho quẹt, nấu canh chua, làm dưa. Vì vậy bông điên điển còn có tên khác là “bông cứu đói”. Muốn có bông điên điển ngọt và ngon phải hái lúc hoàng hôn hay trước bình minh, bởi khi nắng lên ong tới hút mật bông không còn ngọt nữa.
Cánh bông điên điển mềm nên có thể ăn sống, chấm mắm kho quẹt hay trộn gỏi với tép đồng. Nhai thử một bông điên điển, đầu lưỡi ta tiếp xúc với vị đăng đắng từ cánh hoa. Nhai kỹ hơn, có chút ngọt từ mật hoa, bùi bùi của cuống. Thêm chú tép đồng và một lá rau thơm, vị giác ta bỗng đạt tới một khoái cảm kỳ lạ mà lâu nay ta vẫn khao khát, một cảm giác thăng hoa hiếm gặp giữa đời thường.
Bông điên điển đem nấu canh chua với cá mùa lũ thì hết chỗ chê, trong cái chua thanh ngọt ngào của canh pha lẫn chút nhân nhẫn đắng của điên điển, như tiếng lòng rộn rã rối bời của cô gái miền Tây trước người mình thương:
“Tôi biết có nồi canh điên điển
Cá bông lau, đậu bắp, mỡ hành
Em ngậm cái màu bông chín nõn
Thẹn thùng không nói được tiếng “anh”.”
(Bông điên điển, Bùi Chí Vinh)
Bông điên điển muối chua lại thì thầm một ngôn ngữ khác, dịu dàng đằm thắm với vị chua chua ngọt ngọt giòn giòn và không còn đắng nữa. Dưa bông điên điển cặp kè cùng cá nướng trui, thêm chén mắm ớt thì dù là vua cũng bỏ sơn hào hải vị mà xin một miếng:
“Điên điển mà đem muối chua
Ăn kèm cá nướng đến vua cũng thèm.” (Ca dao)
Từ cuối những năm 2020, một số nông dân miền Tây bắt đầu trồng điên điển trái mùa. Họ dùng giống điên điển Thái Lan trổ bông quanh năm, chỉ cần bón phân và tưới nước thường xuyên. Đây là nỗ lực tăng thu nhập đáng khích lệ của người nông dân, mong sẽ được chính quyền và thị trường ủng hộ.
Thành ngữ Việt có câu “ăn hương ăn hoa” tả cách ăn thanh cảnh, cốt biết mùi vị chứ không cốt no. Với hoa thiên lý và bông điên điển, “ăn hương ăn hoa” nay có thể hiểu theo nghĩa đen, dù ăn hương ăn hoa vẫn no và ngon. Ta có thể vừa lãng mạn theo những câu thơ về hoa vừa thưởng thức món ăn tinh tế từ hoa. Chúc bạn thăng hoa!
mlefood – Minh Lê