Ramưwan, tiếng Chăm có lẽ nguồn phát âm từ Ramadan, tức là tháng Chín chay tịnh thuộc truyền thống Hồi giáo. Còn với người Chăm Bani gọi là Ramưwan và đây được coi là lễ lớn nhất của người Chăm Bàni ở hai tỉnh Ninh Thuận và Bình Thuận.
Ramưwan là lễ nhưng dân gian quen gọi là “Tết Chăm Bà-ni”. Gọi “tết” là sai với tinh thần lễ Ramưwan, vì người Chăm có lễ Rija Nưgar là lễ năm mới theo lịch Chăm chung.
Đại lễ Ramuwan năm nay sẽ bắt đầu ngày 7 tháng Ba và kết thúc lễ cúng gia tiên khắp làng Chăm Bani vào ngày 11 tháng Ba (theo dương lịch).
Trong mùa Ramưwan, hai địa điểm hành lễ quan trọng nhất là nghĩa trang, tiếng Chăm kêu là Ghur và Thang Mưgik, tức nhà Chùa Bà-ni Lễ kéo dài cả tháng,
Nếu người Việt có “Ăn Tết” thì Chăm Balamon có Bbang Katê còn Chăm Bà-ni có Bbang Muk kei. Bởi hai nghi lễ này tương tự giống như Tết Nguyên Đán của người Việt. Trong những món bánh truyền thống như bánh nở (Tapei Côh), bánh Sakaya, bánh ít, bánh Girong Laya… thì món bánh tét loại bánh rất quan trọng trong lễ hội Ramưwan hay các của nghi lễ người Chăm.
Bánh tét tiếng Chăm là Tapei nung
Người Chăm có câu tục ngữ: Tapei nung ala, Sakaya ngok– “bánh tét bên dưới, bánh xakaya bên trên”. Đây là câu tục có từ khi nào cũng chưa xác định được nhưng nó được lưu truyền từ nhiều đời ông bà tổ tiên Chăm. Còn trong các lễ cúng tế của người Chăm, như đám tang, lễ cúng gia tiên,.. trên các mâm lễ không thể thiếu Tapei nung, và được xem một phần cực quan trọng.
Tapei nung Chăm có hai loại: Tapei nung bbek và Tapei nung binah.
Tapei nung bbek hay còn gọi là bánh tét đòn bánh tét đòn của người Chăm đường kính khoảng 7cm, dài khoảng 30cm.
Nguyên liệu chính để làm hai thứ bánh này là gạo nếp brah điêup và đậu ratak. Gạo nếp ngâm khoảng nửa giờ đồng hồ, vớt lên để ráo. Có thể dùng các loại đậu như đậu phộng ratak lo, đậu đen ratak juk… rửa sạch, trộn vào gạo nếp. Nhân lạt kati taba thường là đậu đen hay đậu phộng, nhân “mặn” kati bbak gồm đậu xanh bóc vỏ, hấp và xào chung với hành củ tím thái mỏng thêm tiêu. Lá dùng để gói bánh là lá chuối hala patei. Nếu là lá chuối chát thì tốt hơn, bánh sẽ xanh và thoảng hương dễ chịu. Lá chuối mang phơi nắng cho vừa dẻo để khi gói không bị nứt và rách. Khi gói người ta dùng lá chuối hai lớp làm vỏ, để bọc đậu nếp, rồi cuốn lại hai mép lá chuối với nhau, cột bằng dây lạt giang kanôr tiang, hai bên đầu bánh gói gấp như hình tam giác đây chính là điểm khác so với bánh tét của người Việt, sau đó cột tiếp bốn vòng dựng cho bánh đứng thẳng. Muốn cho bánh cứng tránh bị hư để dành ăn lâu ngày, người ta để giữ bánh đứng và dùng cây đũa thọc, nêm cho chặt, người ta đem xếp theo hình chéo vào khương, nấu khoảng từ 5 đến 6 giờ đồng hồ là dùng được. Người Chăm thường chỉ làm bánh tét nhân đậu chứ không làm nhân thịt, bánh tét cúng trong nghi lễ tôn giáo thì hiếm khi người ta làm nhân mà chỉ trộn đậu với nếp nguyên.
Tapei nung binah hay còn gọi là bánh tét cặp
Nguyên liệu được dùng như bánh tét đòn, nhưng nhỏ hơn ngắn hơn, không có nhân kati. Bánh gói theo hình bán nguyệt, người ta mới ghép hai bánh đối xứng với nhau rồi mới buộc lạt, tạo thành hình môt bánh đòn. Tapei nung binah được luộc trực tiếp trong nồi nước đun sôi, như bánh tét đòn. Bánh tét cặp được dùng trong các đám tang (padhi, giỗ kỵ patrip. Bởi đây là loại bánh không được dùng trong những ngày thường, cho nên chúng hầu như không được/bị biến tấu như trong trường hợp Tapei nung bbek vì là còn dùng để đãi khách ngày thường nên theo thời gian đã được biến tấu đa dạng.
Trong cộng đồng Chăm Nam bộ, do cách biệt về địa lý, khác biệt về thổ nhưỡng cũng như phong tục tập quán, đã có khác biệt nhất định về cách ăn uống cũng như các món ăn, trong đó, có các món bánh mang đậm đặc trưng Chăm Nam bộ cũng khác đi đôi chút về hình dáng cũng như nguyên vật liệu.
Đây là hai loại bánh nổi bật của truyền thống Chăm. Ở vùng Ninh Thuận, Bình Thuận, An Giang và cả cộng đồng người Chăm ở Campuchia, đến mùa lễ hội là bà con Chăm cùng tụ hợp giúp nhau làm bánh, người phơi lá chuối, người lau xếp lá, người cột dây..Không khí làm bánh tét đã làm nên câu chuyện sự gắng kết xóm làng, cũng như mùi khói bếp hòa vào hương vị bánh tét mỗi dịp lễ về trên palei Chăm.
Trong mỗi dịp tiếp khách Âu châu, tôi luôn chọn bánh tét để kể và khoe với bạn bè nước ngoài. Được tham gia các sự kiện văn hóa ở Italy hay ở Đức, hay ở bất cứ đâu tôi cũng chọn món bánh tét để hướng dẫn cho các bạn làm. Đốt củi lửa nấu bánh giữa trời phủ đầy tuyết trắng ở Đức, đó là một kỷ niệm đẹp nhất với tôi. Các vị khách vừa được thưởng thức câu chuyện Chăm, vừa nếm vị bánh tét Chăm chính hiệu, nhìn họ say sưa và hứng thú với… bánh tét khiến tôi vô cùng cảm động.
Các loại bánh mang giá trị truyền thống của người Chăm xưa nay được làm ra từ những sản vật quanh mình ở địa phương, mỗi món bánh đều có câu chuyện gắn liền với vùng đất ấy. Bánh tét, là Nếp từ trong khương, lá chuối đã luôn có sẵn sau hè nhà, là cây lạt giang được bà nội chẻ lát để sẵn trên nền khói bếp nhà đậm vị màu khói, là các loại hạt đậu vườn rẫy đang trồng thả quanh năm trong vườn. Và bánh tét luôn hiện lên trong tất cả mâm cúng lễ nghi tôn giáo, đặc biệt trong hai đại lễ lớn đó là Kate và Ramưwan không thể không có bánh tét, nên hai thứ bánh ấy trở thành biểu tượng ý nghĩa trong văn hóa ẩm thực của người Chăm. Mỗi khi có lễ cũng là dịp để họ thể hiện tài nghệ khéo léo, nét duyên dáng của người phụ nữ Chăm và là dịp để họ đắm mình trong những lễ nghi mang giá trị văn hóa ẩm thực của dân tộc mình.
Đã bao nhiêu mùa đại lễ Ramưwan đi qua, vậy mà ký ức thời còn bé luôn tuôn trào trong mỗi dịp.
Xưa, lễ Ramuwan thật đẹp, vì tới ngày ấy, bọn trẻ chúng tôi không đêm nào ngủ được, lúc ấy tôi cảm giác dường như đêm trước ngày đi tảo mộ ông bà tổ tiên, cả làng không ai ngủ cả.
Bọn trẻ con thì muốn trời sáng nhanh để được khoe bộ áo mới, đi lễ tảo mộ, tối ấy nhà nhà quay quần làm bánh nghe rộn ràng và háo hức.. Trẻ con thiệt ngây thơ, thiệt vô lo, còn người lớn thì lúc nào cũng bận rộn nhưng niềm vui vẫn toát lên sự nhẹ nhàng.
Kiều Maily (theo TGHN)