Gỏi sầu đâu An Giang không chỉ đơn thuần là một món ăn mà còn là một trải nghiệm ẩm thực độc đáo, mang đậm nét văn hóa của vùng sông nước miền Tây. Với hương vị hoà quyện giữa nét thanh mát của rau xanh và vị đậm đà của thịt cá, đây là món ăn không thể bỏ qua khi đi du lịch An Giang. Ngoài ra đây còn là món ăn- bài thuốc…
Nhắc tới đặc sản An Giang, ngoài những cái tên quen thuộc được nhiều người biết đến như bún cá Long Xuyên, bánh bò thốt nốt, gà đốt Ô Thum, lẩu mắm,… còn có một món ăn dân dã nhưng không kém phần nổi tiếng. Đó là gỏi sầu đâu.
Món ăn này được chế biến từ nguyên liệu chính là lá non và bông sầu đâu. Đây là loại cây hoang dã, mọc nhiều ở các vùng như Tri Tôn, Châu Đốc, Tịnh Biên (An Giang) hay Hà Tiên (Kiên Giang), Bạc Liêu.
Ở miền Trung cũng có cây sầu đâu (hay còn gọi sầu đông) nhưng hoa màu tím, lá độc không ăn được. Còn cây sầu đâu ở các tỉnh miền Tây có hoa màu trắng, lá có vị đắng, thường được người dân tận dụng làm nguyên liệu chế biến món ăn.
Theo bà con địa phương, khoảng từ tháng 10 đến tháng 2 âm lịch hàng năm, cây sầu đâu bắt đầu thay lá, ra hoa. Thời gian này, người dân thường ra chợ, mua các bó lá non và hoa sầu đâu về làm gỏi.
Món gỏi sầu đâu được chế biến không theo công thức cố định mà tùy vào sở thích, điều kiện từng nhà, từng vùng, có thể ăn kèm thịt ba rọi luộc thái mỏng, khô cá sặc, khô cá lóc… hoặc trộn với cá lóc, cá trê nướng tươi. Rau ăn kèm cũng tùy loại, dưa leo, xoài sống hay cà chua, rau thơm…
Để làm món gỏi ngon, người An Giang thường rửa sạch lá non và hoa sầu đâu rồi trụng qua nước sôi cho bớt đắng, sau đó để ráo nước. Tiếp đến, thái nhỏ hoặc nạo sợi các nguyên liệu kèm theo như dứa, xoài, dưa leo. Thịt ba chỉ luộc đem thái mỏng, khô cá thì nướng rồi xé nhỏ, tôm luộc bóc vỏ bỏ đầu.
Giống như các món gỏi khác, gỏi sầu đâu cũng trộn cùng nước sốt đặc trưng, pha chế từ mắm nhĩ (hoặc mắm cá linh) và cốt me. Đây cũng được xem là “linh hồn” của món ăn.
Đầu tiên, cho me chín vào nồi, đun sôi cùng chút nước cho đến khi sủi lăn tăn thì đổ ra, lọc lấy nước cốt. Phần nước cốt thu được đem hòa cùng chút mắm, thêm ít đường và tỏi ớt băm nhuyễn rồi khuấy đều. Hỗn hợp nước mắm me có màu nâu, hơi đặc sánh, rõ vị chua, cay, mặn, ngọt.
Trộn đều các nguyên liệu cùng nước mắm me, chờ khoảng 15 – 20 phút. Khi món gỏi sầu đâu thấm đượm gia vị thì bày ra đĩa, thêm rau thơm, ngò rí, đậu phộng giã và vài lát ớt đỏ tươi.
Những người lần đầu thưởng thức món gỏi này thường thấy khó ăn vì có vị đắng từ lá sầu đâu. Tuy nhiên, với thực khách đã ăn quen thì lại cảm nhận được sự hấp dẫn, hài hòa giữa vị béo ngậy của tôm thịt, xen lẫn chút đăng đắng của sầu đâu và hơi chua dịu từ mắm me.
Tuy nhiên như đã nói trên, gỏi sầu đâu không gò bó theo công thức nhất định. Tùy vào sở thích và điều kiện, món gỏi sầu đâu được làm ra khác nhau. Có thể là thêm chút thịt ba rọi luộc thái mỏng, khô cá sặc hoặc khô cá lóc… Thậm chí có nơi, có gia chủ lại thích trộn với cá lóc, cá trê nướng tươi… Rau ăn kèm cũng theo sở thích của gia chủ, khi thì dưa leo, cà chua, xoài sống, có khi lại là củ cải trắng cắt sợi…
Gỏi sầu đâu không chỉ là đặc sản An Giang nổi tiếng mà còn là một món ăn vị thuốc bổ ích. Nhà nghiên cứu Võ Văn Chi trong công trình “Cây thuốc An Giang” đã dẫn chứng nhiều tác dụng bài thuốc từ cây sầu đâu đã được cha ông đúc kết từ rất xa xưa:
“Sầu đâu tính mát, sát sên trùng
Đau bụng, cam sài, ghẻ tứ tung
Giải độc phong cùi, đau sán khí
Khai bàng quang uất, tiểu không thông”.
Một điểm đến lý tưởng để thưởng thức gỏi sầu đâu An Giang là ngay chợ Châu Đốc. Các gian hàng ăn uống tại chợ mở cửa từ sáng sớm đến tối muộn, cung cấp món gỏi sầu đâu được chế biến ngay tại chỗ, đảm bảo hương vị tươi ngon và độc đáo. Tại đây, du khách có thể hòa mình vào không khí nhộn nhịp của chợ, thưởng thức món ăn cùng với các loại nước chấm đặc trưng.