Tắc ráng (vỏ lãi) – Phương tiện di chuyển độc đáo ở miền Tây

TVN

0 336

Tắc ráng thực tế là tên gọi một con rạch nhỏ nằm ở Đông Nam thành phố Rạch Giá. Sau này, người dân cải tạo con rạch này thành kênh đào lớn gọi là Kinh Xáng Mới. Vậy sự xuất hiện chiếc xuồng máy đuôi tôm (máy Kohler 7 – của Đức) được ông Sum cải tiến vào năm 1960 có tên gọi là Tắc Ráng và chỉ có xóm Tắc Ráng là xóm duy nhất ở Tây Nam Bộ thời đó mới làm được…

Tên gọi và lịch sử Tắc Ráng

Tắc ráng hay còn gọi là vỏ lãi hay vỏ vọt, là một loại thuyền, xuồng, ghe nhỏ, dáng hình thoi, thường được làm bằng gỗ và có gắn động cơ máy. Tắc ráng là phương tiện di chuyển chủ yếu và rất được phổ biến ở các tỉnh miền Tây Nam Bộ, nhất là vào mùa nước nổi. Tắc ráng nguyên gốc xuất phát là chiếc vỏ lãi. Vỏ lãi là phương tiện di chuyển được người dân miền Tây sử dụng nhiều cũng như xuồng ba lá hay ghe bầu.

Vỏ lãi là chiếc xuồng dài, mình ốm và có gắn máy đuôi tôm phía sau, mũi vát lên. Vỏ lãi được đóng bằng gỗ hoặc bằng nhựa composite. Người miền Nam đặt tên là vỏ lãi vì thấy nó có thân hình dài như con lãi. Vỏ là vì để phân biệt với phần ruột, ý chỉ là chiếc máy đuôi tôm chạy bằng xăng, động cơ này giúp vỏ lãi chạy nhanh, được sản xuất ở Đức hoặc Nhật Bản.

Vỏ lãi trên sông ở miền Tây được người dân xem như chiếc xe gắn máy trên đất liền. Vỏ lãi là phương tiện thon gọn, giúp người dân miền Tây dễ di chuyển trên kênh rạch chằng chịt hay vào những chỗ nhiều lau sậy, cây cỏ.

Trước kia, khi chưa gắn động cơ máy nổ thì việc di chuyển của chiếc xuồng phụ thuộc vào sức người, chèo hoặc bơi dầm bằng tay. Sau này, một người nông dân ở Kiên Giang là ông Tiêu Văn Sum (hay còn gọi là Ông Năm Cải hay ông Chín Sum), nhận thấy chiếc vỏ lãi còn có nhiều bất cập nên ông đã thử tìm hiểu và nghiên cứu.

“Khoảng năm 1960, nhận thấy lườn xuồng ba lá và chiếc tam bản bà con sử dụng còn quá rộng, mũi thấp, khi di chuyển bị sức cản của nước nên chậm chạp. Từ mô hình chiếc ghe ngo, ông Chín Sum đã nghĩ cách cải tiến, làm thân xuồng nhỏ, mũi hẹp lượn lên cao, gọi là vỏ lãi. Từ đó chiếc vỏ lãi sản xuất ở xóm Tắc Ráng trở nên nổi tiếng, được người dân miền sông nước Nam bộ gọi tắt là tắc ráng”, ông Nhật kể lại.

Chiếc vỏ lãi khi được gắn máy đuôi tôm có thể di chuyển với tốc độ nhanh ở vùng nước cạn, trên đồng ruộng mùa nước lụt hoặc luồn lách trong những con rạch nhỏ, uốn khúc, hết sức linh hoạt. Vậy là người dân tìm đến xóm Tắc Ráng đặt mua ghe xuồng. Cũng từ đó ông Chín Sum bắt đầu cải tiến bước thứ hai từ vỏ lãi nhỏ có 7 lá lên “vỏ lỡ” lớn hơn có 9 lá, đóng lưng đụng, lái hàm ếch, có trọng tải từ 1,5 tấn đến 2 tấn mà nông dân gọi nôm na là “vỏ bắt heo” phục vụ chuyên chở hàng hóa, nông sản…

Mấy năm sau, thấy loại phương tiện này có thể đáp ứng nhu cầu đi biển đánh bắt hải sản, ông Chín Sum mạnh dạn nâng chiếc vỏ lỡ lên thành vỏ đi biển. Điểm khác biệt là vỏ đi biển phải đóng lái vuông, kích thước lô cũng phải cao lớn, khoảng 3 m. Số lượng vỏ tăng lên 11 lá và dày hơn. Cong được bố trí nhiều để có thể chịu đựng sóng biển tốt hơn”. (Theo báo Thanh Niên)

Như vậy sự xuất hiện chiếc xuồng máy đuôi tôm (máy Kohler 7 – của Đức) được ông Sum cải tiến vào năm 1960 có tên gọi là Tắc Ráng và chỉ có xóm Tắc Ráng là xóm duy nhất ở Tây Nam Bộ thời đó mới làm được. Xóm này có tên gọi là xóm Tắc Ráng, thuộc khóm Vĩnh Viễn, xã Vĩnh Hiệp, Rạch Giá, Kiên Giang. Và tên gọi tắc ráng cũng trở thành tên gọi chung.

Ngày nay du khách đi du lịch miền Tây có thể nhìn thấy tắc ráng xuôi ngược rất nhiều trên chợ nổi, kinh rạch phục vụ cho nhu cầu di chuyển vùng sông nước và hễ nhắc đến tắc ráng thì hầu như du khách nào cũng liên tưởng ngay đến vùng đồng bằng sông Cửu Long.

Người dân có thể chuyên chở nông sản, trái cây, đưa học sinh đến trường, đưa rước dâu, đám cưới… cũng bằng tắc ráng. Vào mùa nước nổi, chiếc tắc ráng cũng là phương tiện để người dân đi đánh lưới, bắt cá, hái bông súng, bông điên điển… Tóm lại chiếc tắc ráng là phương tiện không thể thiếu trong đời sống người dân miền Tây Nam Bộ.

Nhưng chiếc tắc ráng giờ đã qua thời hoàng kim. Một trong những lý do là giá gỗ sao bây giờ quá mắc, đường bộ phát triển, người sử dụng chuộng vỏ composite vì giá rẻ hơn tắc ráng đóng bằng gỗ.

Leave A Reply

Your email address will not be published.