Chiến dịch diệt chim sẻ và cái giá đắt cho sự không tôn trọng thiên nhiên

TVN

0 102

Người Trung Quốc đã học được một bài học đặc biệt đau đớn khi tiêu diệt gần hết chim sẻ và các loài chim nhỏ khác trên toàn bộ đất nước.

Cuối thập niên 1950, giới lãnh đạo Trung Quốc nuôi tham vọng vượt qua tất cả các nước phát triển kinh tế trên thế giới về sản xuất công nghiệp và nông nghiệp chỉ trong một vài năm. Thế nhưng những định hướng sai lầm trong chương trình Đại nhảy vọt (do Mao Trạch Đông phát động năm 1958) và thiên tai đã cướp đi sinh mạng của hàng chục triệu người, hầu hết trong số họ chết vì đói hoặc kiệt sức trên các công trường xây dựng. Một trong những chương trình quốc gia được thực hiện trong khuôn khổ dự án này là một chiến dịch lớn để tiêu diệt “bốn loài gây hại”, gồm chuột, ruồi, muỗi và chim sẻ. Ngày 12/2/1958, Mao Trạch Đông đã ký sắc lệnh đi vào lịch sử về việc loại bỏ hoàn toàn những “kẻ thù” này. Vì ruồi, muỗi và chuột không dễ tận diệt, nên cư dân tập trung nỗ lực vào loài chim sẻ. Ngoài ra, vào ngày 18/3/1958, từ diễn đàn Đại hội Đảng, Mao đã hô hào nhân dân đấu tranh không thương tiếc với những con chim sẻ mổ quá nhiều thóc.

Phớt lờ các phản biện khoa học, Mao vẫn quyết tâm thực hiện chính sách của mình, và khẩu hiệu “Diệt tứ hại ” đã biến thành một chiến dịch diệt trừ chim phối hợp đồng bộ, được thực hiện trên toàn quốc, với mục đích “thanh toán” hoàn toàn loài chim sẻ. Kể cả trẻ em cũng bị huy động vào cuộc chiến chống lại thiên nhiên. Phong trào diệt chim sẻ được phát động trong toàn quốc: trẻ em, người lớn và người già cùng nhau tiêu diệt những con chim mà đảng và chính phủ liệt vào hàng những loài phá hoại mùa màng. Học sinh, sinh viên, bộ đội, công nhân viên chức được nghỉ học, nghỉ làm để đi chiến đấu chống lại “kẻ thù có cánh”. Không ai phản đối, và nếu có bất đồng thì cũng im lặng. Cha mẹ và giáo viên yêu cầu bọn trẻ phá tổ chim và bắn chim bằng súng cao su.

“Mao không biết gì về động vật. Ông ta không muốn thảo luận về kế hoạch của mình hoặc lắng nghe các chuyên gia. Ông ấy quyết định rằng ‘bốn loài gây hại’ nên bị tiêu diệt”, một trong những nhà hoạt động môi trường nổi tiếng nhất của Trung Quốc, Dai Qing, nói với BBC .

Sau đó là một cuộc tàn sát, mọi phương pháp có thể có để giết chim đều được sử dụng. Chúng bị bắn từ trên trời, tổ bị phá hủy, trứng bị vỡ và chim con bị giết. Chim sẻ bị mắc lưới hoặc mắc mồi. Những con bay về vùng nông thôn bị đầu độc bởi thức ăn và nước uống bị nhiễm độc. Điều tàn ác nhất là khiến chúng kiệt sức là do người dân được yêu cầu dùng những chiếc nồi, chảo đập vào nhau tạo ra một vụ náo động để khủng bố lũ chim. Những con chim sẻ bay lên không trung và bay vòng tròn, quá sợ hãi để hạ cánh, cho đến khi chúng chết vì kiệt sức.

Hàng triệu người đã tham gia vào các hoạt động một cách hiệu quả không thương tiếc. Một thông tin đăng trên tờ báo Thượng Hải đưa tin rằng 194.432 con chim sẻ đã bị giết chỉ trong một ngày.

Trong ba năm tiếp theo, khoảng một tỷ con chim sẻ, 1,5 tỷ con chuột, 100 triệu kg ruồi và 11 triệu kg muỗi đã bị tiêu diệt . Mặc dù chương trình diệt trừ cực kỳ thành công nhưng nó cũng phải trả một cái giá rất đắt.

Đến mùa thu năm 1958 ở Trung Quốc hầu như không có chim sẻ và các loài chim nhỏ khác, chỉ còn một phần nhỏ sống sót ở những vùng xa xôi hẻo lánh. Tính toán của Mao Trạch Đông đã thành hiện thực: vụ mùa sau cực kỳ bội thu. Báo chí Trung Quốc ca ngợi sự khôn ngoan của người cầm lái vĩ đại. Tuy nhiên, nông dân nhận thấy rằng côn trùng bắt đầu xuất hiện nhiều hơn trên các cánh đồng. Sau đó, vụ mùa năm 1960 đã thất thu nặng nề do lúa gạo và lúa mì bị sâu hại cùng cào cào, châu chấu cắn nát trước khi chín. Toàn bộ người dân Trung Quốc đã phải vội vã ra đồng để tiêu diệt chúng. Nhưng trong hoạt động này (diệt sâu, côn trùng có hại), con người không thể sánh được với chim sẻ. Tất cả những nỗ lực của người dân đều vô ích.

Sức tàn phá của sâu bọ côn trùng, những sai lầm trong chính sách nông nghiệp và thiên tai đánh sụp sản xuất lương thực của Trung Quốc. Nạn đói bắt đầu hoành hành. Theo số liệu chính thức, khoảng 20 triệu người chết ở Trung Quốc do thiếu lương thực trong năm 1960-1961. Các nhà khoa học Nga và phương Tây ước tính một con số còn khủng khiếp hơn – khoảng 30 triệu sinh mạng. Như vậy, Trung Quốc đã phải trả giá quá đắt khi cố gắng tiêu diệt cả một loài chim. Mọi người đã nghiệm ra rằng chim sẻ có lợi nhiều hơn là có hại.

Tình tiết khủng khiếp này là bài học cho nhân loại về điều gì có thể xảy ra khi hệ sinh thái bị thay đổi ngoài ý muốn. Ảo tưởng rằng con người có thể chinh phục thiên nhiên là một trong những triết lý thách thức nhất của Mao—một triết lý đã để lại một di sản độc hại ở Trung Quốc. Mao đã có câu nói nổi tiếng vào năm 1958: “Núi cao phải cúi đầu, sông phải nhường đường”. Trung Quốc tiếp tục không tôn trọng thiên nhiên khi khai thác tài nguyên thiên nhiên và không làm gì nhiều để ngăn chặn sự suy thoái tài nguyên, hậu quả của việc này hiện được thấy rõ ở nhiều vấn đề môi trường của đất nước, từ ô nhiễm, phá rừng, biến đổi khí hậu và thiên tai.

Viễn Kiều

Leave A Reply

Your email address will not be published.