G7- Việt Nam đạt thỏa thuận 15,5 tỷ đô la để cắt giảm sử dụng than

TVN

0 183

Hai nguồn tin phương Tây nói với Reuters hôm thứ Tư rằng Nhóm Bảy nước công nghiệp phát triển (G7) sẽ cung cấp 15,5 tỷ đô la cho Việt Nam để giúp nước này chuyển dịch khỏi than đá.

Đây sẽ là thỏa thuận thứ ba thuộc loại này mà các quốc gia G7 đạt được trong bối cảnh các quốc gia giàu có, phát thải nhiều, vấp phải áp lực yêu cầu giúp các nước nghèo hơn đối phó với biến đổi khí hậu và chuyển dịch sang năng lượng sạch hơn. Nhóm này đã ký các thỏa thuận tương tự vào năm ngoái với Nam Phi và với Indonesia tháng trước.

Việt Nam, vốn nằm trong số 20 quốc gia sử dụng than hàng đầu thế giới, ban đầu dự kiến ký kết cái gọi là “Đối tác chuyển đổi năng lượng công bằng” với các quốc gia G7 tại hội nghị thượng đỉnh toàn cầu về khí hậu COP27 vào tháng 11, nhưng các cuộc đàm phán cấp cao đã bị đình trệ trước cuộc họp.

Để thuyết phục Việt Nam ủng hộ lời đề nghị, các nhà đàm phán phương Tây do Liên minh Châu Âu và Anh dẫn đầu đã nhiều lần tăng số tiền tài trợ cho Hà Nội.

Một nửa trong số 15,5 tỷ đô la đã thỏa thuận sẽ đến từ lĩnh vực công và phần còn lại từ các nhà đầu tư tư nhân, theo các nguồn tin không muốn nêu tên vì họ không được phép nói chuyện với giới truyền thông.

Một trong những nguồn tin cho biết, chỉ một phần nhỏ sẽ được cung cấp dưới dạng tài trợ, trong khi phần lớn đầu tư công sẽ là các khoản vay.

Một số tiền ban đầu của khoản 15,5 tỷ đô la cam kết sẽ được giải ngân trong vòng 3 đến 5 năm tới, một nguồn tin cho biết.

Các nước phương Tây đã thúc đẩy khoản ngân quỹ sử dụng vào các dự án điện gió ngoài khơi và nâng cấp lưới điện quốc gia ở Việt Nam.

Bộ Tài nguyên và Môi trường Việt Nam không phản hồi tức thời yêu cầu bình luận của Reuters.

Trên trang Đại sứ quán Hoa Kỳ tại Hà Nội đăng: “Ngày hôm nay (14/12), các nhà lãnh đạo của Việt Nam và Nhóm Đối tác Quốc tế – bao gồm Vương quốc Anh, Liên minh châu Âu, Pháp, Đức, Hoa Kỳ, Italia, Canada, Nhật Bản, Na Uy và Đan Mạch – vừa thống nhất một Chương trình Quan hệ Đối tác về Chuyển dịch Năng lượng Công bằng (JETP) đầy tham vọng. Chương trình JETP ban đầu sẽ huy động 15,5 tỷ Đô-la Mỹ từ nguồn tài chính công và tư nhân trong vòng 3 đến 5 năm tới để hỗ trợ Việt Nam thực hiện mục tiêu đạt phát thải ròng bằng “0” vào năm 2050 và chuyển đổi từ nhiên liệu hoá thạch sang năng lượng sạch.

TổngthốngBiden gửi lời chúc mừng tới Việt Nam: “Hôm nay, Việt Nam đã vạch ra một tương lai năng lượng sạch và đầy tham vọng, nó sẽ tạo ra sự tự chủ và an ninh năng lượng từ việc tham gia JETP. Hoa Kỳ rất hào hứng là một đối tác của Việt Nam trong lĩnh vực năng lượng xanh, thông qua USAID, chúng tôi đã cam kết 50 triệu USD sẽ được giải ngân trong năm năm tới. Cam kết lịch sử của Việt Nam tăng năng lượng tái tạo, giảm nhiệt điện than và phát thải sẽ là chất xúc tác để thúc đẩy đầu tư, tăng trưởng kinh tế và tạo ra cơ hội cho người dân Việt Nam đồng thời đẩy mạnh cuộc chiến chống khủng hoảng khí hậu toàn cầu. Cùng nhau, chúng ta sẽ đạt được cân bằng phát thải vào năm 2050!”

 

Leave A Reply

Your email address will not be published.