Vụ soái hạm Moskva bị bắn chìm: bí mật vừa được tiết lộ

TVN

0 210

Theo tờ Telegraph, các quan chức quân đội Ukraine cho biết họ đã có thể bắn trúng và đánh chìm soái hạm Moskva của Nga là nhờ những yếu tố ngẫu nhiên và trùng hợp của thời tiết.

Trong bản báo cáo toàn diện đầu tiên của Ukraine về vụ đắm tàu Moskva – soái hạm Hạm đội Biển Đen của Nga hồi tháng 4, các nguồn tin an ninh và các nhà khoa học Ukraine đã mô tả sự may mắn và thời tiết đã đứng về phía những người vận hành radar của Ukraine khi họ phát hiện ra con tàu này ngoài khơi.

Một trong những nguồn tin nói với tờ Ukrainska Pravda rằng “16h ngày 13/4, kíp vận hành tổ hợp tên lửa diệt hạm Neptune nhận được dữ liệu rất bất ngờ từ radar cảnh giới, trong đó cho thấy mục tiêu lớn ở cách bờ biển khoảng 120 km. Chỉ một vật thể có kích thước tương tự trong khu vực, đó là soái hạm Moskva của Hạm đội Biển Đen hải quân Nga”.

Dữ liệu mục tiêu này khi đó được cho là bất thường, bởi quân đội Ukraine không sở hữu radar có khả năng phát hiện mục tiêu ngoài đường chân trời, khiến tầm hoạt động của chúng thường bị giới hạn ở khoảng cách 15-20 km.

Nhưng các nguồn tin trên cho biết các tín hiệu được phản xạ giữa các đám mây và mặt biển, đã cho phép radar Ukraine “khóa chặt” tàu Moskva.

“Vào thời điểm đó, chúng tôi không có radar ngoài đường chân trời và Nga biết điều đó”, một chuyên gia tên lửa Ukraine cho biết, đề cập đến các hệ thống radar tiên tiến có thể xác định mục tiêu ở khoảng cách rất xa.

“Nhưng vì mây rất thấp và tín hiệu từ khoảng ‘hành lang’ giữa nước và mây này không thể truyền đi, nên radar bất ngờ chạm tới tàu Moskva” – vị chuyên gia nói.

Sau một lúc do dự, hai tên lửa Neptune của Ukraine đã được phóng đi. Theo các nhà khoa học, chỉ mất sáu phút để tên lửa tiếp cận và tấn công soái hạm của Nga.

Một bức ảnh chưa từng thấy trước đây được công bố với bản báo cáo nói trên cho thấy một trong những tên lửa bay vút qua bầu trời khi nó được bắn ra từ phương tiện phóng.

Các nguồn tin nhận định kíp vận hành soái hạm Moskva khi hoạt động trên Biển Đen đã chủ quan cho rằng họ đang ở ngoài tầm phát hiện của radar Ukraine và không bật radar cảnh giới trên hạm.

“Ngay cả khi hệ thống phòng không của tàu Moskva được kích hoạt, chúng cũng sẽ gặp khó với những tên lửa như Neptune, bởi quả đạn có thể bay sát mặt biển và chỉ bị phát hiện khi đã áp sát mục tiêu, khiến đối phương có rất ít thời gian phản ứng”, một kỹ sư tên lửa Ukraine giải thích.

Người Ukraine cũng không biết liệu cuộc tấn công của họ có thành công hay không vì lúc đó một cơn bão ập đến và những người điều khiển máy bay không người lái Bayraktar TB-2 đã từ chối cho máy bay cất cánh để xác minh kết quả vụ phóng tên lửa.

Ngày hôm sau, khi cơn bão lắng xuống, bóng đen của chiếc tàu Moskva bị đắm có thể được nhìn thấy từ cách xa hàng chục kilomet, khẳng định một trong những thành công táo bạo nhất của Ukraine trong cuộc xung đột. Nếu đúng thật là tên lửa Ukraine đã nhắm trúng mục tiêu, thì đây là lần đầu tiên một kỳ hạm của Nga bị đánh chìm kể từ cuộc chiến tranh Nga – Nhật năm 1905.

Ngày 14/4, Bộ Quốc phòng Nga cho biết tàu tuần dương mang tên lửa dẫn đường Moskva, soái hạm của Hạm đội Biển Đen, đã bị chìm khi đang được kéo về cảng sau “sự cố cháy nổ”.

“Trong lúc được kéo về cảng, do phần thân tàu bị hư hại vì vụ hỏa hoạn gây nổ kho đạn, tàu tuần dương Moskva đã mất độ ổn định. Cộng thêm điều kiện thời tiết biển có sóng lớn, con tàu đã bị chìm”, Bộ Quốc phòng Nga khi đó cho hay.

Bộ này trước đó thông báo một đám cháy đã dẫn tới vụ nổ kho đạn tàu Moskva khiến tàu bị hư hại nghiêm trọng, được kéo về cảng Sevastopol, Crimea để sửa chữa, nhưng chìm trên đường đi.

Quân đội Ukraine quyết định biên chế tên lửa Neptune sau đợt thử nghiệm cấp nhà nước năm 2020, nhưng dự án trên thực tế đã bị đình trệ. Ngân sách chỉ được cấp cho dự án từ cuối năm 2020 theo chỉ thị trực tiếp từ Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky.

Hệ thống đầu tiên được lắp đặt vào tháng 8/2021 trước lễ duyệt binh kỷ niệm 30 năm độc lập của Ukraine, nhưng vẫn không có tên lửa nào được bàn giao cho quân đội trong năm 2021. Những quả đạn đầu tiên chỉ được lấy từ nhà máy ở Kiev và chuyển đến Odessa ngày 20/2, vài ngày trước khi chiến sự bùng phát.

Việc soái hạm Moskva bị đánh chìm được coi là tổn thất nghiêm trọng với lực lượng Nga, bởi đây là tàu chiến mặt nước có uy lực nhất trong khu vực, đóng vai trò soái hạm của Hạm đội Biển Đen và tham gia chiến dịch quân sự của Nga tại Ukraine ngay từ ngày đầu.

Leave A Reply

Your email address will not be published.