Biển Đông qua bút ký của nhà sư Trung Hoa Thích Đại Sán

Tôn Thất Thọ

0 636

Hải Ngoại Kỷ Sự (HNKS) là tập bút ký của nhà sư Trung Hoa Thích Đại Sán (1633-1704) ghi lại trong thời gian đến Việt Nam theo lời mời của chúa Nguyễn Phúc Chu (1691-1725) để hoằng dương Phật giáo xứ Đàng Trong trong giai đoạn cuối thế kỷ thứ XVII.

Địa danh Đại Trường Sa trong tập Cảnh Hưng Giáp Ngọ Thuận Quảng đồ vẽ vào năm 1774.

Tập sách hiện nay còn tàng trữ tại Đông dương Văn khố Nhật Bản và Quốc Lập Trung ương đồ thư quán Trung Hoa (Đài Loan). Cách đây gần 60 năm, năm 1963, tập sách được giáo sư Trần Kinh Hòa giới thiệu và ông Nguyễn Duy Bột dịch sang tiếng Việt. Sách ghi chép rất nhiều sự kiện trong thời gian từ tháng 8 năm Giáp Tuất (1694) lúc nhà sư tiếp sứ giả xứ Đại Việt tại am Trường Thọ ở Quảng Đông đến tháng 11 năm Ất Hợi (1695). Những điều tai nghe mắt thấy được nhà sư ghi lại đầy đủ trong hơn một năm cư trú tại hai xứ Thuận Quảng. Trong đó, tác giả đã ghi lại nhiều sự kiện về lịch sử, địa lý, chính trị, phong tục ở xứ Đàng Trong tương đối chi tiết. Đặc biệt có rất nhiều đoạn tác giả mô tả về quang cảnh biển Đông và hai quần đảo Hoàng Sa -Trường Sa của nước ta. Dưới đây là đoạn tác giả tả cảnh tàu thuyền nước ngoài vào cảng biển Đại Việt vào lúc đó:

“Nước Đại Việt kiến thiết đô ấp trên hình vòng câu. Ăn cơm sớm xong ta hỏi: Nay gió vào Hội An thuận, hoặc vào Thuận Hóa thuận chăng. Nếu trả lời vào Thuận Hóa thuận ta cười bảo nếu vậy cứ vào Thuận Hóa. Người coi lái biết không thể cãi, nhìn nhau rồi quyết định. Buông gió một chập vào đến vòng núi, ấy là đảo Tiêm Bích La (cù lao Chàm) dần dần thấy gò cao, rừng rậm, dần dần thấy nội phẳng đồng bằng, kìa so le mấy nóc nhà tranh, nọ phất phơ mấy cây cổ thụ; bãi cát trắng xóa, bởi nước biển dội sạch, xa trông một vòng bạc sáng ngời, giống như bờ đê khước nguyệt. Nổ mấy phát pháo lớn, ra hiệu cho trong bờ biết có tàu đến nơi. Cửa biển vẫn chưa trông thấy, chỉ thấy trên mặt biển có một làn sóng dợn xa xa. Bỗng chốc, một lá buồm hình lưỡi rìu, từ phía mặt trời lặn chạy lại, lúc đến nơi, trời đã nhá nhem tối, nhìn thấy một người trần truồng mang khố, đầu bới tóc có giắt lông nhím, răng đen, nói líu lo; người ấy vì không phải phụng mạng mà lại, nên không dám lên tâu. Trên tàu có người muốn xuống thuyền xem chơi, người ấy cũng không chịu. Hai Phiên tăng, nguyên người nhà vua (tức chúa Nguyễn) sai sang Quảng Đông, ra hỏi chuyện, người ấy bèn thi lễ. Lấy giây giồng Phiên tăng xuống thuyền, để chạy đi thông báo với Quốc vương. Kế có một chiếc thuyền lại, có một viên quan cũng bới tóc đi chân không, canh đèn ngồi canh giữ không đi (…)

Rạng sáng, thuyền tứ phía chèo đến đông như kiến cỏ (…). Qua giờ Thìn, có hai chiến hạm của nhà vua sai Quốc cậu đem ra đón, hai Phiên tăng cũng trở lại, thi lễ xong, lập tức giục xuống thuyền nói với Quốc cậu đang kính chờ trên thuyền. Vài mươi thủy quân võng ta xuống, nổi trống đồng, họ hát chèo đi…” (HNKS, tr. 129).

Đoạn văn trên cho chúng ta thấy duyên hải dọc theo Đàng Trong và các cửa biển Đại Việt thời ấy được canh phòng rất cẩn mật, cùng với việc tổ chức đi biển của ngư dân thời đó khá chu đáo, qui củ. Điều này chứng tỏ sự duy trì quyền lực trên biển của các chúa Nguyễn cai quản xứ Đàng Trong.

Bản đồ xứ Quảng Nam trong Toàn tập Thiên Nam tứ chí lộ đồ thư thời Chính Hòa (1680-1705) triều Lê, có ghi địa danh Bãi Cát Vàng

Ở một đoạn khác, tác giả kể rõ lộ trình nguy hiểm của tuyến đường biển quan trọng ngoài khơi biển Đông. Bên cạnh đó cũng còn xác định rõ khu vực lãnh hải Đại Việt vì nơi đây, có một số đảo lớn nhỏ nằm ngoài khơi vùng biển của xứ Đàng Trong. Các đảo này đã được người Việt xử lí dưới nhiều hình thức. Tác giả viết:

“Khách có người bảo, mùa gió xuôi trở về Quảng Đông vào độ nửa tháng trước, sau tiết Lập thu; chừng ấy, gió tây nam thổi mạnh, chạy một lèo gió xuôi chừng bốn năm ngày đếm có thể đến Hổ Môn. Nếu chờ đến sau mùa nắng, gió bắc dần dần thổi lên, nước chảy về hướng đông, lúc ấy sẽ khó giữ được ổn tiện vậy. Bởi vì có những cồn cát nằm thẳng bờ biển, chạy dài từ đông bắc qua tây nam; động cao dựng đứng như vách tường, bãi thấp cũng ngang mặt nước biển; mặt cát khô rắn như sắt, rủi thuyền chạm phải ắt tan tành. Bãi cát rộng cả trăm dặm, chiều dài thăm thẳm chẳng biết bao nhiêu mà kể gọi là Vạn Lý Trường Sa mù tịt chẳng thấy cỏ cây, nhà cửa; nếu thuyền bị trái gió, trái nước tấp vào, dù không tan nát, cũng không gạo, không nước, trở thành ma đói mà thôi. Quảng ấy cách Đại Việt 7 ngày đường, chừng 700 dặm. Thời Quốc vương trước (tức chúa Nguyễn Phúc Thái), hàng năm sai thuyền đánh cá đi dọc theo bãi cát, lượm vàng bạc, khí cụ của các thuyền hư tấp vào. Mùa thu nước dòng cạn, chảy rút về hướng đông, bị một ngọn sóng đưa đi, thuyền có thể trôi xa cả trăm dặm. Sức gió chẳng mạnh, sợ có hiểm họa Trường Sa”. (HNKS, tr. 125).

Đặc biệt, có những đoạn mà nhà sư cho rằng Hoàng Sa, Trường Sa là nơi rất nguy hiểm đối với tàu biển, và đồng thời cho chúng ta biết được khả năng của thuyền cá Việt nam thời đó lợi hại như thế nào trong việc ra khơi của họ:

“Qua ngày 30, đánh thanh la nhổ neo. Mấy mươi chiếc điền cô (thuyền đánh cá) cột dây dắt thuyền ra cửa (…) Gió Nam thổi dịu dần, thuyền chạy vát tới vát lui, chẳng tiến được bao nhiêu. Bỗng chốc mưa lớn, gió bắc thổi mạnh, thế không chạy tới được. Cả thuyền đều lo ngại vì quãng đường Trường Sa (Bãi Cát Dài). Hồi lâu, phía đông nam một trận gió bão nổi lên, đêm tối mây mù, ngửa bàn tay chẳng thấy. Mọi người đều sảng hồn, mường tượng trông thấy rồng bay múa hai bên thuyền, ước chừng một canh, rồng bay đi. Khoảng đường gió bắc thổi đi nảy giờ, trong giây phút đã thấy thuyền trở lại chỗ cũ. Sau cơn mưa, màu trời sắc biển sáng suốt gần xa…

Sáng ngày, mây tạnh trời quang, xa xa trông thấy ngấn núi, cách chừng vài mươi dặm, vẫn thấy đảo Tiêm Bích La. Theo gió xuôi vào sơn cảng, người trong thuyền đánh trống tạ thần, đều giơ tay lên trán mà nói rằng: “Thực là sống sót|”. (HNKS, tr 160-161).

Thực tế cho thấy, việc “sống sót” và tránh được thảm họa của chiếc thuyền chuyên chở nhà sư chính là do tài nghệ lái thuyền lão luyện và lòng can đảm của những ngư dân nước ta thời đó vậy

Có thể nói rằng qua các đoạn văn trích dẫn ở trên đã minh định rất rõ chủ quyền Việt Nam trên hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa một cách hùng hồn và vững chắc nhất. Đó là những ghi nhận được ghi chép rành rành trên giấy trắng mực đen: “Cồn cát chạy dài từ đông bắc qua tây nam; động cao dựng đứng như vách tường, mặt cát thì khô rắn như sắt, rủi thuyền chạm ắt phải tan tành. Bãi cát rộng cả trăm dặm, chiều dài thăm thẳm…gọi là Vạn Lý Trường Sa. Thời Quốc vương trước, hàng năm sai thuyền đánh cá đi dọc theo bãi biển lượm vàng bạc, khí cụ của các thuyền hư tấp vào…; nhất là với nhận định tàu biển đi ngang vùng này đều “sợ có hiểm họa Trường sa…Ai cũng đều lo ngại về quãng đường Trường Sa”. Và khi đã vượt khỏi đoạn đường này mới dám nói rằng “Thực là sống sót !”. Tất cả các sự kiện này đã chứng minh rất rõ về việc hành sử chủ quyền của người Việt trên các hải đảo này, chậm nhất là vào thế kỷ XVII như nhà sư Thích Đại Sán đã viết.

Mặc dù nhà sư Thích Đại Sán chỉ đi ngang Hoàng Sa, Trường Sa hai lượt đi và về, nhưng phải nói rằng, ông đã mô tả rất rõ hai quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa trên bản đồ Đại Việt lúc đó; đó là bằng chứng hiển nhiên không thế chối cãi được.

Cũng cần nói thêm, sách Hải Ngoại Kỷ Sự gồm có 6 quyển, viết về nhiều vấn đề của hai xứ Thuận Quảng mà hầu như không có quyển nào tác giả không nhắc đến các hải đảo thuộc hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa trên lãnh hải Việt Nam.

TÔN THẤT THỌ

Nguồn: http://chimviet.free.fr/lichsu/tonthattho/tonthattho_BienDongQuaButKySuTrungHoa_a.htm

Leave A Reply

Your email address will not be published.