Đại án vụ “chuyến bay giải cứu” tại Việt Nam: đề nghị tuyên phạt tử hình thư ký thứ trưởng, đề nghị làm rõ trách nhiệm của Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên
TVN
Theo truyền thông Việt Nam, sáng 17-7, phiên tòa xét xử vụ án chuyến bay giải cứu (đưa, nhận hối lộ doanh nghiệp, công dân để được vận chuyển về Việt Nam trong dịch Covid 19 các năm 2020, 2021) bước sang ngày xét xử thứ năm, trước khi chuyển sang phần tranh tụng, viện kiểm sát công bố bản luận tội và đề nghị mức án đối với các bị cáo.
Theo đó, viện kiểm sát đề nghị tử hình đối với bị cáo Phạm Trung Kiên. Bị cáo này bị viện kiểm sát đánh giá là tham nhũng với thủ đoạn trắng trợn nhất. Kiên là thư ký của Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên.
Ngoài phần luận tội và đề nghị mức án đối với cựu thư ký Phạm Trung Kiên, trong phần luận tội, viện kiểm sát cho rằng đối với các vấn đề phát sinh tại phiên tòa, qua hành vi của Phạm Trung Kiên, viện kiểm sát cho rằng cần kiến nghị, điều tra làm rõ hành vi của Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên để xử lý trong giai đoạn hai của vụ án.
Thứ trưởng Đỗ Xuân Tuyên được Bộ Y tế phân công làm nhiệm vụ xem xét, duyệt ký văn bản trả lời Bộ Ngoại giao, Văn phòng Chính phủ và các cơ quan chức năng khi những nơi này xin ý kiến về chuyến bay giải cứu, chuyến bay combo và xin cho khách lẻ được về nước.
Theo cáo trạng, các cơ quan chức năng thông qua Phạm Trung Kiên để trình thứ trưởng xem xét, ký duyệt văn bản trả lời. Cơ quan công tố cáo buộc quá trình thực hiện nhiệm vụ, thư ký Phạm Trung Kiên đã yêu cầu đại diện các doanh nghiệp, cá nhân chi tiền từ 50 – 200 triệu một chuyến bay.
Theo viện kiểm sát, các bị cáo nhận hối lộ là người có chức quyền hạn cao trong cơ quan nhà nước. Trong khi thực hiện hành vi phạm tội có dấu hiệu của việc thông đồng khai báo, che giấu tội phạm, thậm chí tác động nhờ giúp đỡ để các bị cáo, nhóm doanh nghiệp không bị xử lý hình sự. Đến nay một số bị cáo chưa thành khẩn khai báo, không thừa nhận hành vi phạm tội.
“Một số bị cáo nhận hối lộ đã bất chấp biến nhu cầu về sự an toàn của người dân thành cơ hội kiếm tiền cho bản thân”, viện kiểm sát đánh giá và cho rằng cần có hình phạt nghiêm khắc, tương xứng hành vi, mức độ phạm tội của các bị cáo.
Cựu thứ trưởng Bộ Ngoại giao Tô Anh Dũng bị đề nghị mức án 12-13 năm tù.
Các thuộc cấp của ông Dũng gồm: Nguyễn Thị Hương Lan, cựu cục trưởng Cục Lãnh sự, bị đề nghị 18-19 năm tù; Đỗ Hoàng Tùng, cựu cục phó Cục Lãnh sự, bị đề nghị 9-10 năm tù; Lê Tuấn Anh, cựu chánh văn phòng Cục Lãnh sự, bị đề nghị 4-5 năm tù; Lưu Tuấn Dũng, cựu phó phòng bảo hộ công dân, Cục Lãnh sự, bị đề nghị 2-3 năm tù.
Nhóm bị cáo gồm các cán bộ đại sứ quán gồm: Vũ Hồng Nam, cựu thứ trưởng, cựu đại sứ Việt Nam tại Nhật Bản, bị đề nghị 4-5 năm tù; Nguyễn Hồng Hà – cựu tổng lãnh sự Việt Nam tại Osaka Nhật Bản, bị đề nghị 5-6 năm tù; Lý Tiến Hùng, chuyên viên Vụ Khoa học công nghệ và Môi trường, Bộ Giáo dục và Đào tạo, bị đề nghị 2-3 năm tù; Vũ Ngọc Minh, cựu đại sứ Việt Nam ở Angola, bị đề nghị 3-4 năm tù.
Bị cáo Trần Việt Thái, cựu đại sứ Việt Nam tại Malaysia, bị đề nghị 5-6 năm tù.
Các bị cáo Nguyễn Lê Ngọc Anh, Nguyễn Hoàng Linh cùng là cựu cán bộ Đại sứ quán Việt Nam ở Malaysia, cùng bị đề nghị 4-5 năm tù.
Bị cáo Đặng Minh Phương, cựu cán bộ Đại sứ quán Việt Nam ở Malaysia, bị đề nghị 2-3 năm tù.
Viện kiểm sát đề nghị ông Nguyễn Anh Tuấn, cựu phó giám đốc Công an Hà Nội, mức án 6-7 năm về tội môi giới hối lộ; Hoàng Văn Hưng, cựu trưởng phòng 5, Cơ quan An ninh Điều tra, Bộ Công an bị đề nghị 19-20 năm về tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản.
Trước đó, trong các phiên thẩm vấn, bị cáo Hoàng Văn Hưng phản bác các cáo buộc từ cơ quan truy tố và lời khai của các bị cáo khác liên quan kế hoạch chạy án hơn 2 triệu USD.
Bị cáo Hưng khẳng định mình bị oan và “không chiếm đoạt tiền chạy án” như cáo buộc.