Hai chiếc áo của danh tướng Nguyễn Tri Phương trong bảo tàng nước Pháp

Trần Viết Ngạc

0 305

Nhân dịp cuộc trưng bày Đông Dương, Đất và Người 1856 – 1956 tại Điện Invalides (Paris) từ ngày 16-10-2013 đến ngày 26-1-2014, Bảo tàng Quân lực Pháp (Musée de l’Armée) và Nhà xuất bản Gallimard cho in cuốn sách Indochine, Des Territoires et des hommes, 1856 – 1956 (10 – 2013).

Cuốn sách khổ 20 x 30 cm, 324 trang, in màu, với rất nhiều ảnh tư liệu liên quan đến 100 năm quan hệ Việt Pháp đang được trưng bày, lưu giữ trong các bảo tàng, thư viện, sưu tập tư nhân. Độc giả Việt Nam hẵn vô cùng vui mừng, xúc động khi được nhìn thấy những “báu vật” lịch sử của nước ta trong đó rất nhiều những tư liệu quý giá mà đa số chúng ta chưa hề biết đến.

Đơn cử như tấm bản đồ Quân thứ Đà Nẵng (Quân thứ đồ bản, 122 cm x 72 cm, trang 174) mà quân Pháp tịch thu được ngày 15 tháng 9 – 1859 khi tấn công vào chiến lũy Nguyệt Trì Hiên. Tấm bản đồ mà chúng tôi suy đoán là của Tham tán đại thần Phạm Thế Hiển, người cùng Thống chế đại thần Nguyễn Tri Phương đang chỉ huy mặt trận Đà Nẵng. Ngày 15 – 9 – 1859, Phạm Thế Hiển đã phải vội vã rút lui khỏi chiến lũy để lui về giữ mặt trận phía Bắc (Chơn Sảng,Định Hải,Cu Đê..) hòng ngăn chận quân Pháp tiến raHuế qua đèo Hải Vân.Chỉ riêng với tấm “Quân thứ đồ bản” này, người nghiên cứu phải thay đổi những nhận định từ trước đến nay về sự bố phòng của quân đội nước ta ở Đà Nẵng. Và chính quân thứ đồ bản đủ để giải thích tại sao Rigault de Genouilly và Le Page đã thất bại, … chẳng phải là vì khí hậu của một mùa hè khắc nghiệt hay bệnh kiết lỵ… như đoàn quân xâm lược chống chế.

Chỉ nhìn vào tấm bản đồ này, ta có thể kết luận những lời suy đoán của “Cố vấn” đoàn viễn chinh là Giám mục Pellerin là không có một chút cơ sở thực tế, khiến Rigault de Genouilly phải tức giận cho rằng Pellerin là kẻ nói láo!

Chúng ta sẽ tìm thấy nhiều tư liệu hình ảnh quý giá như chiếc huy hiệu “Cảm tử quân” của Địa phương quân Quy Nhơn, bích chương “Nam bộ là của Việt Nam” của cơ quan Thông tin Tuyên truyền Kontum… Tôi sẽ giới thiệu bộ sưu tập này trong một bài khác…

Cuốn sách cung cấp cho ta hình ảnh hai chiếc áo của danh tướng Nguyễn Tri Phương hiện được lưu giữ nguyên vẹn và rất đẹp trong bảo tàng Pháp.

Chúng tôi đã từng viếng thăm Nhà thờ Trung Hiếu của Nguyễn Tri Phương, Nguyễn Duy và Nguyễn Lâm ở làng Chí Long, huyện Phong Điền tỉnh Thừa Thiên Huế. Ngoài ba ngôi mộ của ba anh hùng đã xả thân vì nước, chúng ta không lưu giữ được gì liên quan đến Nguyễn Tri Phương, Nguyễn Duy…

Chúng tôi cũng đã viếng thăm Đền thờ Nguyễn Tri Phương ở Biên Hòa. Đền thờ này được xếp hạng di tích lịch sử cấp quốc gia ngày 21 – 1 – 1992. Thực sự, đây là đình làng Mỹ Khánh, thờ Nguyễn Tri Phương như là Thành hoàng của làng để nhớ ơn khai hoang lập ấp, lập đồn điền của Nguyễn Tri Phương.

Ngay trong ngày lễ được công nhận di tích “Đền thờ Nguyễn Tri Phương”, người biết đôi chút về kiến trúc cũng có thể nhận ra đây là kiến trúc của một đình làng. “Soái kỳ” tung bay trên cột cờ trước đền thờ là một lá cờ còn ghi lạc khoản của một phụ nữ tặng cho làng. Các áo thờ là áo thờ của vị thành hoàng được giới thiệu là y phục của danh tướng Nguyễn Tri Phương từng mặc thật ra đó là những y phục biểu tượng để thờ, chỉ vừa cho nhi đồng sáu, bảy tuổi.

Kể như thế để thấy rằng hai chiếc áo của Nguyễn Tri Phương hiện nay được lưu giữ và trưng bày trong bảo tàng Pháp là những di vật độc nhất của Nguyễn Tri Phương. Qua ảnh chụp, chúng ta vui mừng thấy di vật còn như nguyên vẹn, những nét thêu, màu sắc của gấm còn rất đẹp.

Chúng tôi ghi lại đây các chú thích dưới hai hình chụp:
– Áo thường triều, màu xanh lục, trang 66.
Chú thích:
III.26 Costume d’apparat du Maréchal
Nguyên Tri Phương, XIXè sciècle
(Cat. 61)
Áo được trưng bày với cùng đôi hia.
– Áo đại triều, màu đỏ, trang 177 với ghi chú tiểu sử, chủ nhân của chiếc áo:
“Né en 1800, Nguyên van Chuong entre au service de l’empereur Minh Mang à l’âge de 23 ans, puis intègre le gouvernement. De 1833 à 1845, il réussit à contenir et à repousser les Siamois à la frontière du Cambodge, puis en 1850, l’empereur Tu Duc change par decret son nom en Nguyên Tri Phuong en reconnaissance de ses succès, inventeur d’un système de défense à base de forteresses (Don). C’est en résistant contre les troupes françaises qu’il gagne pour la postérité son titre héros national”
Tạm dịch:
“Sinh năm 1800, Nguyễn Văn Chương vào làm việc ở nội các vua Minh Mạng lúc 23 tuổi và sau đó là quan chức triều đình. Từ năm 1833 đến 1845, ông đã có công chống giữ và đánh đuổi quân Xiêm ở biên giới Campuchia. Vào năm 1850, bằng một sắc dụ vua Tự Đức đã ban cho ông tên Nguyễn Tri Phương để ghi nhận công lao của ông trong việc thiết lập các đồn điền. Công cuộc chống quân Pháp của ông đã khiến ông trở thành anh hùng dân tộc.
Thiển nghĩ, hình ảnh các chiếc áo của ông nên được trưng bày ở Đền Trung Hiếu và các đền thờ ông trước khi chúng ta tìm cách phục chế để lưu giữ trong bảo tàng lịch sử và các đền thờ.

TRẦN VIẾT NGẠC

Nguồn: http://chimviet.free.fr/lichsu/tranvietngac/tvns_2AoNguyenTriPhuong_a.htm

Leave A Reply

Your email address will not be published.