Tôn Thọ Tường, danh sĩ đất Gia Định thế kỷ XIX

Lê Nguyễn

0 224

Tôn Thọ Tường là một trong những nhà thơ tài hoa bậc nhất của miền Nam vào nửa sau thế kỷ XIX. Những cuộc xướng họa giữa ông với các danh sĩ cùng thời như cựu Tuần phủ Huỳnh Mẫn Đạt, Cử nhân Phan Văn Trị, để lại cho đời sau nhiều bài thơ trác tuyệt và ghi dấu một thời kỳ lịch sử đầy biến động, khi một phần đất nước rơi vào tay thực dân Pháp. Song về mặt hành trạng, Tôn Thọ Tường là người ít được biết đến một cách đầy đủ nhất.

Hầu như trong suốt thế kỷ XX, mới chỉ có một tác giả duy nhất viết tác phẩm riêng về cuộc đời của Tôn Thọ Tường. Đó là ông Khuông Việt, tác giả quyển Tôn Thọ Tường do nhà Cảo Thơm xuất bản năm 1942. Dù bỏ ra nhiều công tìm hiểu, nghiên cứu, tác giả Khuông Việt cũng chỉ hoàn thành được một tập sách khổ nhỏ dày 150 trang, viết về cuộc đời và tác phẩm của Tôn Thọ Tường.

Riêng về dung mạo của ông, có thể nói là suốt thế kỷ XX, chưa ai có dịp được nhìn thấy, kể cả ông Khuông Việt.

Mãi đến thập kỷ thứ hai của thế kỷ XXI, lần đầu tiên mọi người được nhìn thấy hình ảnh Tôn Thọ Tường qua việc Thư viện quốc gia Pháp công bố bộ ảnh chụp nhiều thành viên sứ bộ Phan Thanh Giản và phái bộ Rieunier được cử tháp tùng để hỗ trợ sứ bộ.

Ảnh chụp Tôn Thọ Tường tại Paris năm 1863, nhân dịp ông tháp tùng sứ bộ Phan Thanh Giản sang Pháp. Ảnh Jacques-Philippe Potteau

Bức ảnh của Tôn Thọ Tường được nhà nhiếp ảnh Pháp Jacques-Philippe Potteau chú thích là: “Ambassade Cochinchinoise à Paris. 1863. Bâ-Thuang, 38 ans. Annamite né à Saïgon. (Annam), 1er lettré de l’Ambassadeur et préfet de Saïgon; assis de face en grand costume”, nên không mấy người nhận biết đó là ảnh chân dung của Tôn Thọ Tường. Riêng người viết bài này sớm nhận ra ông nhờ có may mắn đọc thấy trong công báo Pháp vào các thập niên 1860-1870 nhiều văn kiện bổ nhiệm Tôn Thọ Tường mà chẳng bao giờ ghi đúng và đủ họ, tên, chữ lót của ông, thường thì chỉ đề Phu Ba Tuong hay Phu Ba Thuong, và ngay cả Tôn Thọ Tường khi ký tên dưới các thư từ, tờ trình, cũng thường chỉ ký hai chữ Ba Tường.

Ông sinh năm 1825 tại huyện Bình Dương, trấn Phiên An, là bạn học của Nguyễn Thông, từng làm Đốc học tỉnh Vĩnh Long, Nguyễn Hữu Độ, từng là Tổng đốc Hà Nội. Năm 1855, trong kỳ thi Hương tại trường thi Gia Định, ông làm bài văn rất hay, song do phạm trường quy mà bị đánh hỏng. Về sau, vua Tự Đức và triều đình xem lại bài thi của Tôn Thọ Tường, ai cũng tiếc cho một văn tài.

Năm 1862, Tôn Thọ Tường ra cộng tác với Pháp, được bổ làm Tri phủ Tân Bình. Ông là con thứ hai trong gia đình nhưng với người miền Nam là thứ ba, người đương thời thường gọi ông là “Phủ Ba Tường”, tên quen thuộc đến nổi sau này ông ký tên trên công văn, giấy tờ cũng chỉ hai chữ “Ba Tường” hay “3 Tường”. Thậm chí, các nghị định, quyết định bổ nhiệm Tôn Thọ Tường của chính quyền Pháp cũng chỉ ghi gọn “Phủ Ba Tường”.

Tháng 6.1863, sứ bộ Phan Thanh Giản vào Sài Gòn để được hướng dẫn sang Pháp điều đình chuộc lại ba tỉnh miền Đông Nam kỳ. Trong dịp này, Soái phủ Nam kỳ đề cử một phái bộ tháp tùng để trực tiếp hỗ trợ sứ bộ. Phái bộ do đại úy hải quân Rieunier cầm đầu gồm nhiều viên chức Việt Nam đang làm việc cho Pháp, trong đó có hai Thông ngôn Trương Vĩnh Ký và Nguyễn Văn San, hai Ký lục Tôn Thọ Tường và Phan Quang Hiệu. Xin nhấn mạnh chi tiết này để gián tiếp đính chánh sự nhầm lẫn của một số người cho rằng Trương Vĩnh Ký và Tôn Thọ Tường là thành viên của sứ bộ Phan Thanh Giản. Tại Paris, nhà nhiếp ảnh Pháp Jacques-Philippe Potteau đã chụp ảnh chân dung cho nhiều người Việt trong sứ bộ Phan Thanh Giản và phái bộ Rieunier, trong đó có Tôn Thọ Tường.

Sau khi ở Pháp về, Tôn Thọ Tường tiếp tục làm việc tại phủ Tân Bình dưới quyền Tham biện Philastre, một người khá am hiểu về văn chương và phong tục Việt Nam. Năm 1866, trong cuộc đấu xảo đầu tiên về canh nông tại Sài Gòn, ông được cử vào Ban Giám khảo cùng với Phủ Trần Tử Ca và Trương Vĩnh Ký (thư ký). Những năm 1868-1869, ông được cử vào các tiểu ban nghiên cứu về đo lường, hình luật của Pháp và hai năm sau (1871), được thăng Đốc phủ sứ.

Những năm 1873-1874, Tôn Thọ Tường tham gia tích cực vào quá trình đàm phán giữa hai phía Việt-Pháp để cuối cùng hình thành hòa ước Giáp Tuất 1874. Tháng 4.1875, ông được Soái phủ Nam kỳ cử theo phái đoàn Nam tước Brossard de Corbigny ra Huế tham dự lễ trao đổi hòa ước Giáp Tuất và trao Bắc đẩu bội tinh đệ nhất đẳng cho vua Tự Đức. Hòa ước có dự liệu việc hai bên đề cử lãnh sự để chăm lo đời sống người dân mỗi nước. Phía Pháp cử De Kergaradec làm lãnh sự tại Hà Nội với sự phụ giúp của Tôn Thọ Tường. Song đến cuối năm 1875, ông Tường trở vào Nam làm tại Phòng Tư pháp bản xứ. Phía triều đình cử ông Nguyễn Thành Ý, một người bạn cũ của Tôn Thọ Tường, làm lãnh sự đầu tiên tại Sài Gòn. Tòa lãnh sự chưa cất xong, ông Ý đến ở chung nhà với ông Tường.

Tháng 11.1876, Tôn Thọ Tường lại trở ra Hải Phòng, theo lãnh sự De Kergaradec đi thám sát vùng thượng du Bắc kỳ, song đến tháng 5.1877, ông qua đời vì bệnh sốt rét, linh cữu được con nuôi là Tôn Thọ Toán và Đốc phủ sứ Đỗ Hữu Phương rước về Sài Gòn, an táng tại làng Phú Nhuận (Gia Định).
*
* *
Trước khi cộng tác với Pháp, Tôn Thọ Tường nổi tiếng về tài làm thơ. Ông là cây bút chủ lực của Bạch Mai thi xã, trong đó có Phan Văn Trị, Bùi Hữu Nghĩa, Nguyễn Thông… Họ thường tụ họp nhau trên gò Cây Mai, uống rượu, ngâm thơ. Khi Pháp chiếm Sài Gòn và ba tỉnh miền Đông Nam kỳ, thi xã tan rã, ông Tường cộng tác với giặc trong nỗi tiếc nuối của nhiều thân hữu, trong đó có cựu Tuần phủ Huỳnh Mẫn Đạt, Cử nhơn Phan Văn Trị.

Về mặt nghệ thuật, những bài thơ xướng họa của họ là những tác phẩm đáng được lưu truyền cho đời sau, đánh dấu một chặng đường văn học đáng nhớ của miền Nam nửa sau thế kỷ XIX. Và nói đến tài làm thơ trác tuyệt của Tôn Thọ Tường, có lẽ sẽ là một thiếu sót lớn nếu không nhắc đến bài:

TÔN PHU NHƠN QUI THỤC
Cật ngựa thanh gươm vẹn chữ tòng,
Ngàn thu rạng tiết gái Giang Đông!
Lìa Ngô, bịn rịn chòm mây bạc,
Về Hán, trau tria mảnh má hồng.
Son phấn thà cam dày gió bụi,
Đá vàng chi để thẹn non sông.
Ai về nhắn với Châu Công Cẩn:
Thà mất lòng anh, đặng bụng chồng.

và Cử nhơn Phan Văn Trị đã họa lại như sau:

Cài trâm sửa áo vẹn câu tòng,
Mặt ngã trời chiều biệt cõi Đông.
Ngút tỏa đồi Ngô ùn sắc trắng,
Duyên về đất Thục đượm màu hồng.
Hai vai tơ tóc bền trời đất,
Một gánh cang thường nặng núi sông.
Anh hỡi! Tôn Quyền: anh có biết?
Trai ngay thờ chúa gái thờ chồng. 

Lê Nguyễn
(18.7.2015 – 18.7.2023)
(In trong “Đất Sài Gòn và sinh hoạt của người Sài Gòn xưa” – NXB Hội Nhà Văn – 2017)

Nguồn: facebook Lê Nguyễn 

Leave A Reply

Your email address will not be published.