Mục đích chuyến thăm Việt Nam của Bộ trưởng Tài chính Mỹ Janet Yellen

TVN

0 603

Các chuyên gia trong nước và quốc tế nhận định với VOA rằng chuyến thăm Việt Nam trong tuần này của Bộ trưởng Tài chính Mỹ Janet Yellen là một bước cụ thể hóa hơn nữa những tuyên bố của lãnh đạo Việt-Mỹ về việc làm sâu sắc quan hệ song phương, tiến đến hợp tác chiến lược, giữa lúc Washington muốn xây dựng mối quan thân hữu với Hà Nội trước sự cạnh tranh gia tăng với Trung Quốc.

Bà Yellen hiện đang có mặt ở Ấn Độ trong nỗ lực để thúc đẩy quan hệ chặt chẽ hơn và giải quyết các vấn đề kinh tế toàn cầu. Chặng dừng chân tiếp theo tại Hà Nội trong hai ngày 20-21/7 cũng sẽ nhằm tăng cường quan hệ với hai đối tác quan trọng và thúc đẩy khả năng phục hồi kinh tế thông qua việc đa dạng hoá chuỗi cung ứng.

Từ cuộc điện đàm Biden-Trọng

Chuyến thăm sắp tới của Bộ trưởng Tài chính Hoa Kỳ Janet Yellen diễn ra sau cuộc điện đàm giữa Tổng thống Joe Biden và Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng hồi tháng 3 năm nay. Hai nhà lãnh đạo nhất trí nâng tầm quan hệ và giao các cơ quan hữu quan “thảo luận chi tiết để thúc đẩy hơn nữa” quan hệ này.

Tổng Bí thư Trọng nói với ông Biden rằng quan hệ khoa họccông nghệ và kinh tế phải là động lực trong quan hệ song phương. Ông cũng đề xuất hợp tác, ngoài những lĩnh vực khác, trong các lĩnh vực sau: thương mại song phương và bền vững, chuỗi cung ứng và hậu cần mới, biến đổi khí hậu và chuyển đổi xanh và cơ sở hạ tầng kỹ thuật số.

Theo thông cáo hôm 13/7 của Bộ Tài chính Mỹ, Bộ trưởng Yellen “sẽ nỗ lực hướng tới việc làm sâu sắc thêm mối quan hệ kinh tế song phương của chúng tôi với Việt Nam và thúc đẩy khả năng phục hồi kinh tế”.

“Điều này rất phù hợp với lời kêu gọi lấy quan hệ kinh tế làm động lực phát triển của Tổng Bí thư Trọng”, giáo sư Carl Thayer, chuyên gia về Việt Nam tại Học viện Quốc phòng Australia, bạn học của bà Yellen tại Đại học Brown và Đại học Yale, nêu nhận định với VOA qua email.

Đến khả năng nâng cấp quan hệ

Kể từ cuộc điện đàm giữa Tổng thống Biden và Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng vào tháng 3, Ngoại trưởng Mỹ Anthony Blinken đã đến Hà Nội vào tháng 4 và Trưởng ban Đối ngoại Trung ương của Đảng Cộng sản Việt Nam Lê Hoài Trung đến thăm Washington vào cuối tháng 6.

“Chắc chắn rằng đây sẽ là một bước rất quan trọng để nâng cấp quan hệ giữa Hoa Kỳ và Việt Nam, tiến tới hợp tác chiến lược giữa hai quốc gia. Đây là một bước quan trọng, từ bước này của bà Yellen sẽ tạo cơ sở cho hai bên còn tham khảo và thương thảo thêm nữa để gắn kết vấn đề phát triển kinh tế, chuỗi cung ứng và nói rộng ra là quan hệ chiến lược giữa Hoa Kỳ và Việt Nam”, chuyên gia kinh tế người Mỹ gốc Việt Bùi Kiến Thành, hiện ở thành phố Hồ Chí Minh, nêu nhận định.

Từ Canada, luật sư Vũ Đức Khanh, người thường xuyên theo dõi các hoạt động ngoại giao của Việt Nam và Hoa Kỳ, nêu ý kiến: “Chuyến thăm của bà Bộ trưởng Tài chính Mỹ Yellen trong giai đoạn hiện nay là vô cùng quan trọng, vì Mỹ đã quyết tâm nâng cấp bang giao giữa hai nước. Mỹ đang cần một chiến thắng ngoại giao ngoạn mục để củng cố chiến lược Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương trước các đối thủ, đối tác và đồng minh của mình”.

“Chuyến thăm sắp tới của Bộ trưởng Yellen tới Hà Nội cho thấy rằng “các cơ quan có liên quan” của hai bên đang đạt được thỏa thuận về các bước tiếp theo để nâng quan hệ song phương lên quan hệ đối tác chiến lược”, giáo sư Thayer chia sẻ.

Chuyển dịch chuỗi cung ứng từng TQ sang VN, Ấn Độ

Bộ trưởng Yellen hiện đang tham dự Hội nghị Bộ trưởng Tài chính và Thống đốc Ngân hàng Trung ương Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20), dự kiến sẽ đến Hà Nội trong chuyến thăm hai ngày để bàn thảo cách giải quyết vấn đề liên quan tới chuỗi cung ứng.

Friendshoring, tức chuyển sản xuất đến những nước bằng hữu, là sự chuyển hướng từ quá trình toàn cầu hóa kinh tế trong vài thập kỷ gần đây, với việc các quốc gia như Mỹ và các đồng minh, đối tác đang thúc đẩy việc sản xuất và kinh doanh hàng thiết yếu tại các quốc gia thân thiện.

“Friendshoring là một nền tảng quan trọng trong cách tiếp cận của chúng tôi nhằm tăng cường khả năng phục hồi của chuỗi cung ứng và chúng tôi coi Ấn Độ là một đối tác không thể thiếu trong đó”, Bộ trưởng Tài chính Mỹ Yellen nói với các phóng viên hôm 16/7 trong chuyến thăm tới Gandhinagar, Ấn Độ.

Washington thường xuyên nói rằng việc chuyển dịch chuỗi cung ứng sẽ giúp Mỹ giảm sự phu thuộc vào Trung Quốc, đối trọng kinh tế hàng đầu của Mỹ.

Vào tuần trước, bà Yellen đã có chuyến công du đến Trung Quốc trong nỗ lực hàn gắn mối quan hệ “sau những bất đồng đáng kể” do cạnh tranh thương mại và xung đột quyền lực giữa hai cường quốc.

Tại Hà Nội, Bộ trưởng Yellen sẽ thúc đẩy một trong những dự án yêu thích của bà mang tên “friendshoring”, trong cuộc thảo luận của bà với Thủ tướng Việt Nam Phạm Minh Chính vào ngày 20/7 và trong một bài phát biểu vào ngày 21/7. Giáo sư Thayer nêu nhận định: “Những cuộc gặp này cho thấy Bộ trưởng Yellen muốn đề xuất cách Hoa Kỳ và Việt Nam có thể xây dựng chuỗi cung ứng bền vững, an toàn và bảo đảm”.

Chuyên gia Bùi Kiến Thành nhận định về chính sách “friendshoring” của Mỹ và lợi thế của Việt Nam:

“Hiện bên Trung Quốc giá lao động lên cao và Hoa Kỳ thấy có những công việc nên chấm dứt sự phát triển thêm nữa ở Trung Quốc mà đưa qua những nước thân hữu của Hoa Kỳ để đạt được sự hoàn hảo hơn hay thân thiện hơn. Việt Nam lại là nước gần nhất trong chủ trương này và Ấn Độ lại có hạ tầng, nhân sự tốt. Như vậy cái gì làm ở Việt Nam được sẽ cố gắng chuyển đến Việt Nam và cái gì cần làm ở Ấn Độ sẽ chuyển sang Ấn Độ. Tôi nghĩ Việt Nam nằm trong thế có ưu thế nhất để có thể thực hiện chính sách chuyển dịch này của Hoa Kỳ đối với chuỗi cung ứng từ bên Trung Quốc”.

Từ California, tiến sĩ Lê Minh Nguyên, một chuyên gia theo dõi mối quan hệ giữa Trung Quốc và khu vực, nêu nhận định với VOA về chuyến thăm Ấn Độ, Việt Nam của bà Yellen:

“Chuyến đi này là nhằm luôn luôn giữ Ấn Độ và Việt Nam nằm về phía Hoa Kỳ, nhất là quyền lợi trong chuỗi cung ứng bởi vì khi [Mỹ] ngày càng cạnh tranh với Trung Quốc thì những công ty của Hoa Kỳ tại Trung Quốc sẽ tìm cách đi ra khỏi Trung Quốc và sẽ đầu tư vào Ấn Độ và Việt Nam.

“Một mục đích nữa là muốn giữ cho đồng USD vẫn vững mạnh để đồng nhân dân tệ của Trung Quốc không cạnh tranh nổi. Nếu như Ấn Độ và Việt Nam ‘đi sát cạnh’ Mỹ thì dĩ nhiên đồng nhân dân tệ sẽ không gây được ảnh hưởng ở hai nước này”.

Tuy nhiên, các chuyên gia nhận thấy rằng một sự chuyển dịch lớn của các doanh nghiệp Mỹ sẽ gây nên phản đối mạnh mẽ từ Bắc Kinh và có thể khiến giới chức Việt Nam, vốn thân với Trung Quốc, bị rơi vào thế khó lý giải với nước láng giềng phương bắc.

Nguồn: VOA

Leave A Reply

Your email address will not be published.