Petrus Ký: Người con của đất Vĩnh Long, nhà văn hóa giáo dục lớn của người dân Việt

Nguyễn Thanh Liêm

0 973

Hai tiếng Petrus Ký ngắn gọn đã đi sâu vào lòng người dân Miền Nam từ hơn thế kỷ nay và sẽ còn ở đó mãi mãi cho dù có kẻ đã cố tình xóa đi hay tìm mọi lý do để dìm xuống. Hai tiếng thân yêu đó là tên rút ngắn của nhà bác học Trương Vĩnh Ký, một người con của đất Vĩnh Long, một nhà văn hóa nổi tiếng của Nam Kỳ Lục Tỉnh, một người đã có nhiều công lớn trong việc hình thành nền học thuật mới vùng Đồng Nai Cửu Long cũng như trên toàn cõi nước Việt vào hạ bán thế kỷ XIX. Nói đến Petrus Ký là phải nói đến vai trò “khai đường mở lối” của ông trên các địa hạt:

1) Dùng chữ Quốc Ngữ thay thế chữ Nôm và chữ Hán trong việc biên khảo, trước tác,

2) Viết câu văn xuôi thay lối văn biền ngẫu của các nhà nho,

3) Xây dựng nền học thuật mới tổng hợp văn hóa Á Đông và văn minh Tây phương thay thế nền học thuật cũ của nho gia,

4) Làm báo theo đúng ý nghĩa một tờ báo của Tây phương.

Petrus Ký đã hoàn tất mỹ mãn vai trò khai đường mở lối đó nhờ ở sự gặp gỡ của những yếu tố đặc biệt này: (1) bản chất hết sức thông minh cùng với khả năng bẩm sinh đặc biệt về ngôn ngữ và tính tò mò, hiếu học hiếm có của ông, (2) môi trường học hỏi và nội dung chương trình học mà ông đã được đào luyện, và (3) hoàn cảnh xã hội Việt Nam và hướng tiến chung của thế giới hồi hạ bán thế kỷ XIX. Tính hiếu học, bản chất thông minh, khả năng bẩm sinh và môi trường học hỏi đã giúp ông có một quá trình học vấn và một vốn liếng kiến thức khác hẳn các nhà nho đương thời như Nguyễn Khuyến, hay Trần Tế Xương chẳng hạn. Khi cái vốn liếng hiểu biết đó được dùng để khảo cứu, biên soạn, phổ biến, thì hoàn cảnh xã hội bên ngoài đã trở nên vô cùng thuận tiện để ông có thể thành công tốt đẹp. Đây là lúc người Pháp bắt đầu cuộc đô hộ ở Miền Nam và đang bành trướng thế lực ra Miền Trung và Miền Bắc. Cùng lúc với sự thất trận và mất chủ quyền của triều đình Huế, nền học thuật cũ chịu ảnh hưởng nặng nề của Trung Quốc cùng với sự sự ngự trị của nhà nho trong xã hội xưa cũng sụp đổ theo, trước hết là ở Miền Nam bắt đầu từ 1870 và những thập niên sau đó rồi đến miền Bắc và miền Trung vào đầu thế kỷ XX. Điều kiện đã trở nên thuận tiện để xây dựng và phát triển nền học thuật mới, tân tiến, thích hợp với đà tiến triển chung của nhân loại. Cuộc đời và sự nghiệp của Petrus Ký lược thuật sau đây sẽ chứng minh cho những điều vừa mới nói trên.

Petrus Trương Vĩnh Ký sinh ngày 6 tháng 12 năm 1837 tại Cái Mơn, làng Vĩnh Thạnh, tổng Minh Lệ, huyện Tân Minh, tỉnh Vĩnh Long (bây giờ thuộc tỉnh Bến Tre). Ông nhỏ hơn Tam Nguyên Yên Đỗ Nguyễn Khuyến hai tuổi. Gia đình theo đạo Thiên Chúa cho nên ông có tên rửa tội là Jean Baptiste, và tên đầy đủ của ông là Petrus Jean Baptiste Trương Vĩnh Ký. Cha là ông Trương Chánh Thi, làm lãnh binh thời vua Minh Mạng, và mẹ là bà Nguyễn Thị Châu. Petrus Ký có một người chị ruột đã mất lúc còn nhỏ và một người anh trai tên là Trương Vĩnh Sử.

Lúc ông được ba tuổi (có nơi nói là lúc năm tuổi) thì cha ông bị bệnh chết trong khi đồn trú ở Nam Vang, bên Cao Miên. Gia đình gặp lúc khó khăn, bà mẹ ông phải tần tảo nuôi con ăn học. Thuở nhỏ Petrus Ký cũng bắt đầu học chữ nho như bao nhiêu nhà nho khác cùng thời. Ông theo học chữ Nho với một ông thầy đồ tên Học, người ở cùng xóm với gia đình. Petrus Ký rất thông minh, có trí nhớ siêu phàm, được thầy và bạn xem như thần đồng lúc bấy giờ. Mới ba tuổi ông đã thuộc làu Tam Tự Kinh, và sau đó ít lâu, thông suốt Minh Tâm Bửu Giám, rồi lại đọc được cả Tứ Thư Ngũ Kinh và thuộc khá nhiều bài thơ Đường. Bởi thông minh, sáng dạ, lại sớm mê say đọc sách từ lúc nhỏ, ông có khuynh hươÙng tự mình tìm tòi học hỏi nhiều hơn là học với ông thầy. Ngoài giờ học ở trường, ông thích đọc những sách của cha ông mang từ Miền Trung về và gởi ở nhà thầy dồ Học như Nhất Thiên Tự, Tam Thiên Tự, Ngũ Thiên Tự, Minh Đạo Gia Huấn, Đường Thi… Một người bạn thân khác của gia đình là cụ Tám, một vị linh mục từng được ông Trương Chánh Thi che chở cho trong khi có lệnh cấm đạo Thiên Chúa của triều đình Huế. Cụ Tám thương tình cảnh bà Nguyễn Thị Châu mới xin bà cho Petrus Ký theo ông học chữ Quốc Ngữ. Không bao lâu sau thì cụ Tám mất và Petrus Ký được một linh mục người Pháp, có tên Việt Nam là cố Long, đem về nuôi dưỡng cho tiếp tục học chữ Quốc Ngữ và tiếng La Tinh. Nhưng lúc này chính sách cấm đạo của triều đình Huế càng trở nên vô cùng khắc nghiệt. Chỉ dụ Sát Tả ngày 14 tháng 8 năm 1848 dẫn đến những chiến dịch sát hại hết sức tàn bạo những người giảng đạo cũng như những con chiên theo đạo Thiên Chúa. Lúc này câu bé Petrus Ký đã được 11 tuổi. Hai họ đạo ở Cái Mơn và Cái Nhum đã từng hai lần bị đốt cháy tan hoang bây giờ lại bị sát hại thêm lần nữa. Vào một buổi sáng quân triều đình bao vây Cái Nhum, nhóm lữa đốt cháy cả vùng, dân chúng kêu gào thảm thiết, Cố Long và Petrus Ký phải trải qua rất nhiều cam go, nguy hiểm mới thoát khỏi nạn tai. Sau cùng cố Long phải tìm cách gởi Petrus Ký lên Cao Miên vào chủng viện Pinhhalu học thần học và triết học.

Chủng viện Pinhalu, dành cho cả vùng Đông Nam Á, được xây cất ở cách Nam Vang 6 km, trong một khu rừng ở cạnh bờ sông Mekong. Chủng viện có khoảng 25 chủng sinh tuổi từ 13 đến 15, ngoại trừ Petrus Ký chỉ mới 11, được tuyển chọn trong số những người giỏi nhất từ các chủng viện trong vùng. Đây là cơ hội tốt để Petrus Ký tiếp xúc, học hỏi các thứ tiếng khác ở các chủng sinh như tiếng Thái, tiếng Lào, tiếng Miên, tiếng Tàu, tiếng Nhật, tiếng Ấn Đô. v v… Hầu hết các chủng sinh này đều chưa thông thạo tiếng La Tinh, thành ra Petrus Ký lại có thêm cái cơ hội được thông dịch từ tiếng La Tinh ra các tiếng khác cho các bạn đồng song làm cho năng khiếu về ngôn ngữ ở ông càng phát triển mạnh. Với năng khiếu tự nhiên rất đặc biệt này, Petrus Ký đã đắc thủ được nhiều ngoại ngữ lúc còn trẻ, ngay trong những năm học ở chủng viện Pinhalu. Năm 15 tuổi ông tốt nghiệp ở đây với vị thứ cao nhất, xuất sắc nhất. Ông cùng hai người nữa được chọn lựa để vào học chủng viện Giáo Hoàng (Collège Constantinien) ở đảo Penang, Mả Lai, do người Anh cai trị. Đến Penang, Petrus Ký có dịp được thấy cảnh phồn thịnh, tân tiến của Âu Tây mà ông chưa từng thấy ở Việt Nam và Cao Miên. Cũng ở đây Petrus Ký có cơ hội gặp thừa sai Lefèbvre, một vị giáo sĩ đã bị án tử hình ở Việt Nam hồi năm 1845 nhưng được vua Thiệu Trị thả vì có sự can thiệp của Đô Đốc Cécile. Sau đó giáo sĩ Lefèbvre về Pháp, rồi sang La Mả và sau cùng đến Pénang ở lại đây một thời gian. Petrus Ký rất được Lefèbvre thương mến vì sự thông minh hiếm có của ông và vì ông là người Việt Nam nơi mà Lefèbvre từng đến giảng đạo và có nhiều gần gũi, gắn bó. Trong thời gian học ở Penang sự hiểu biết của Petrus Ký càng được mở mang rộng rãi. Nhờ thông minh lại có trí nhớ dai, ông học một biết mười. Ông thường đến thư viện ngoài giờ học, đọc đủ thứ sách Hán, Anh, La Tinh, Hy Lạp, YÙ, Pháp, v v… thu nhận rất nhiều những kiến thức Đông, Tây, kim cổ. Một trường hợp đặc biệt về cơ hội học tiếng Pháp của Petrus Ký ở đây được ông Bouchot kể lại như sau. Môt hôm, trong khi đi dạo trong sân trường, Petrus Ký lượm được một tờ giấy viết bằng một thứ tiếng mà ông chưa học qua. Óc tò mò khiến ông xem xét kỷ thứ chữ đó. Thấy nó hao hao giống tiếng La Tinh, ông bèn đem cái vốn hiểu biết về tiếng La Tinh của ông ra áp dụng tìm hiểu thứ chữ đó. Và sau khi biết rằng mảnh giấy đó được gởi tới cho một vị giáo sư trong trường ông bèn tìm đến vị giáo sư kia để đưa mảnh giấy và cả bài dịch ra tiếng La Tinh của ông. Ông thầy vô cùng ngạc nhiên khi đọc bản dịch của Petrus Ký. Nhân thấy đây là một thiên tài ông giáo sư cố giúp Petrus Ký học thứ chữ kia. Ông tìm cho Petrus Ký một quyển tự điển và một quyển văn phạm và hướng dẫn để Petrus Ký tự học. Petrus Ký học rất nhanh với kết quả thật tốt đẹp. Và thứ chữ đó là chữ Pháp. Những thứ tiếng khác như tiếng Ấn Độ, tiếng Anh,… Petrus Ký cũng tự học theo lối đó. Ông lượm lặt những mẫu báo cũ, so sánh, suy diễn, tìm ra ý nghĩa, mẹo luật. Kết quả của việc học hỏi siêng năng và lạ lùng đó là ông có thể đọc và nói rành 15 thứ tiếng sinh và tử ngữ của Đông phương và Tây phương và viết được 11 thứ chữ. Vốn thích tìm tòi, nghiên cứu học hỏi, Petrus Ký đã tìm hiểu nhiều nền văn hóa khác nhau gắn liền với các ngôn ngữ mà ông có dịp học hỏi. Những hiểu biết quý báu đó là nền tảng của tinh thần nhân bản, khai phóng và lý tưởng phụng sự văn hóa của ông sau này.

Năm 1858 ông tốt nghiệp khóa học ở Penang, với vị thứ cao nhất trong số 300 chủng sinh ra trường. và được lựa chọn để đưa đi La Mả học làm linh mục. Nhưng Petrus Ký từ chối, không đi La Mả mà lại xin trở về Việt Nam để chịu tang mẹ vừa mất hồi năm trước dù rằng linh mục Lefebvre đã cố thuyết phục ông nên tiếp tục học và chưa nên trở về Việt Nam trong lúc này vì tình hình chính trị ở đây còn rất đen tối. Ông hồi hương trên chuyến tàu Hồng Mao của người Anh. Năm này cũng là năm lần đầu tiên quân Pháp đánh phá cửa Đà Nẳng, mở đầu cho cuộc xăm lăng của họ trên đất nước Việt Nam. Về tới quê hương Petrus Ký chứng kiến ngay cảnh khổ sở của người dân trong hoành cảnh chiến tranh loạn ly, khốn khổ, chết chóc. Hai năm sau, do sự tiến cử của linh mục Lefebvre, ông ra làm thông ngôn cho Pháp. Từ đó ông được cử đi thông dịch trong những cuộc tiếp xúc quan trọng giữa Pháp và triều đình Huế. Quan trọng nhất là lần ông tháp tùng sứ bộ Phan Thanh Giản sang Pháp triều kiến vua Nả Phá Luân Đệ Tam tại diện Tuileries ngày 5 tháng 11 năm 1863. Ông đã làm cho nhà vua và triều thần hết sức ngạc nhiên về sự am tường tiếng Pháp của một người Việt Nam hồi thời bấy giờ. Chuyến đi này cũng là dịp để ông thăm viếng, học hỏi để hiểu biết thêm về một số các nước Âu Châu và nền văn minh của họ như Pháp, Ý, Tây Ban Nha, và nhất là được tiếp kiến Đức Giáo Hoàng và làm quen với một số văn thi sĩ học giả nổi tiếng của Pháp như Victor Hugo, Littré, Duruy, Renan, và khoa học gia Paul Bert. Kiến văn sẳn có của ông càng được mở rộng thêm trong chuyến công du này.

Từ năm 1864 đến năm 1868 ông làm giám đốc và đi dạy tiếng Đông Dương cho người Pháp ở trường Thông Ngôn (Collège des Interprètes). Năm 1865 cả miền Nam Việt Nam đã lọt vào tay người Pháp. Tờ công báo đầu tiên bằng chữ Quốc Ngữ được chánh quyền cho xuất bản ở Nam Kỳ trong năm này. Đó là tờ Gia Định Báo. Từ 1868 tờ báo này được giao cho Petrus Ký quản đốc. Ông chấn chỉnh lại biến thành tờ báo có đầy đủ tính chất của một tờ báo đúng nghĩa của nó. Với công trình xây dựng Gia Định Báo có thể xem như Petrus Ký là người đầu tiên làm báo bằng chữ Quốc Ngữ ở Việt Nam vậy. Vào đầu thập niên 1870 ở miền Bắc và miền Trung chữ Hán và chữ Nôm vẫn còn đang thạnh hành. Năm 1871 Nguyễn Khuyến mới đậu đầu kỳ thi Hội và thi Đình để hoàn tất tam nguyên và bắt đầu cuộc đời làm quan của ông trong khi nhà thơ Nôm cuối cùng là Trân Tế Xương thì chỉ mới vừa tròn một tuổi. Năm 1872 Petrus Ký được bổ làm thơ ký Hội Đồng Thành Phố Chợ Lớn và năm sau được mời dạy Hán văn và Việt văn ở trường Tham Biện Hậu Bổ (Collège des Stagiaires). Năm 1874 ông được đề cử tham dự giải thưởng “Toàn Cầu Bác Học Danh Gia” và đã đoạt được giải thưởng với hạng thứ 17 trong số 18 văn hào đoạt giải “Thế Giới Thập Bát Văn Hào.” Năm 1875 ông được cử làm chánh đốc học trường Hậu Bổ và năm 1878 được biệt phái ra Bắc Kỳ trong ba tháng để nghiên cứu về tình hình chính trị ở đó. Đây là cơ hội để ông thăm viếng các di tích lịch sử và tìm hiểu về đời sống của người dân Bắc Việt. Tập hồi ký “Chuyến Đi Bắc Kỳ năm Ất Hợi” là kết quả của chuyến công du này. Sau đó ông được cử vào Hội Đồng Thành Phố Sài Gòn, Hội Đồng Học Chánh Thuộc Địa, và được bổ làm Officier d’Académie (1883).

Năm 1885 cả nước Việt Nam đã ở trong tay người Pháp. Năm sau, một khoa học gia, hội viên Hàn Lâm Viện kiêm nghị sĩ Pháp là Paul Bert được cử sang làm Toàn Quyền Đông Dương. Paul Bert đã được biết Petrus Ký từ trước khi Petrus Ký tháp tùng phái đoàn Phan Thanh Giản sang Pháp. Do sự trọng dụng của Toàn Quyền Paul Bert, năm 1886 Petrus Ký được cử làm việc trong Cơ Mật Viện bên cạnh triều đình Huế, dạy tiếng Pháp và chữ Quốc Ngữ cho vua Đồng Khánh, được vua phong làm Hàn Lâm Viện Thị Giảng Học Sĩ. Ở Huế ít lâu Paul Bert chết và ông lấy cớ đau yếu xin cáo từ trở về Nam. Ông tiếp tục làm việc cho Soái Phủ Sài Gòn và làm giáo sư thổ ngữ Đông phương, dạy chữ Hán và tiếng Cao Miên tại trường Hậu Bổ. Liên Hiệp Đông Dương ra đời năm 1887 bao gồm Nam Kỳ, Trung Kỳ, Bắc Kỳ và Cao Miên. Năm sau khoảng tháng tư năm 1888 ông được phái đi công cán tại Vọng Các về vấn đề ranh giới giữa Thái Lan và các nước Đông Dương ở tả ngạn sông Cửu Long.

Trường thông ngôn đóng cửa ông chỉ còn đi dạy tại trường Hậu Bổ và dành nhiều thì giờ cho việc nghiên cứu, viết lách, biên soạn sách vở để xuất bản. Năm 1888 ông tự bỏ tiền ra xuất bản tạp chí Thông Loại Khóa Trình, một tạp chí chú trọng nhiều về văn hóa, giáo dục có tính cách nhân bản, dân tộc, và khai phóng. Vào những ngày gần cuối đời, ông sống trong cảnh nghèo túng, không còn lương hướng gì để sống, lại thêm tốn tiền in ấn, sách báo bán không được, nợ nần chồng chất. Nhưng ông vẫn say mê viết lách, ông làm việc quá nhiều, lao tâm, khổ trí, sức khỏe suy giảm nhanh vì bệnh hư khí huyết như ông đã viết trong nhật ký của ông : “Bị hai cái khánh tận, nhà in… nối nhà… mất hơn năm sáu ngàn đồng bạc. Phần thì sách vở bán không chạy, mắc nợ nhà in Rey et Curiol, phần thì bị… phải bảo lãnh nợ cho nó hết hơi. Lại thêm phát đau hư khí huyết… ” (do Lê Thanh trích dẫn trong Phổ Thông Chuyên San, số 3 tháng 9, năm 1943). Ngày 1 tháng 9 năm 1898 Petrus Ký trút hơi thở cuối cùng tại nhà riêng ở Chợ Quán, hưởng thọ 61 tuổi, để lại cho đời một công trình văn hóa lớn lao bằng chữ Quốc Ngữ, và một nền học thuật mới dung hòa trí thức với đạo đức, tổng hợp khoa học kỷ thuật Tây phương với luân lý đạo đức Á Đông.

Petrus Ký có cái vốn kiến thức thật sâu xa rộng rãi, và rất hiện đại, hơn tất cả những nhà nho cùng thời với ông, nhất là những kiến thức khoa học cùng những phương pháp nghiên cứu, phân tích, suy luận khoa học của Tây phương mà hầu hết những nhà trí thức Việt Nam hồi thời này chưa ai có hay chưa ai biết. Thêm vào đó ta thấy tâm tư ông, sự làm việc của ông cũng như phần lớn thì giờ quý báu của ông được dồn vào công việc học hỏi, nghiên cứu, biên khảo, trước tác để phụng sự cho dân tộc, cho thế hệ mai sau. Nhờ vậy mà sự nghiệp văn hóa của ông có tầm quan trọng hết sức đáng kể đối với xã hội Việt Nam trong buổi giao thời từ cuối thế kỷ XIX sang đầu thế kỷ XX, từ Nam chí Bắc. Từ năm 26 tuổi là năm ông bắt đầu xuất bản tác phẩm của ông cho đến năm 61 tuổi là năm ông mất, Petrus Ký không ngừng hoạt động nghiên cứu trước tác. Suốt bao nhiêu năm ròng rã làm việc ông đã để lại cho hậu thế gần 120 tác phẩm gồm đủ loại từ tự điển, sách dạy về ngôn ngữ, văn phạm, về sử ký địa lý, những công trình biên khảo về văn hóa, phong tục, văn chương, đến những sách dịch từ Trung Hoa ra tiếng Việt, những sách chuyển sang chữ Quốc Ngữ từ các tác phẩm chữ Nôm của các nhà nho, và một số các sáng tác của ông. Nhìn chung, một cách tổng quát, ta thấy công trình biên soạn trước tác của ông không nhằm mục đích nghệ thuật, thẩm mỹ, hay giá trị văn chương mà nhằm phổ biến những tư tưởng, những kiến thức của con người nhiều hơn. Phần lớn công trình đó là những sách để giúp người ta học hỏi về ngôn ngữ, văn hóa, luân lý đạo đức của nước mình hay của xứ người. Ông đã soạn gần 50 quyển sách dạy tiếng Việt, tiếng Pháp, tiếng Trung Hoa, tiếng Cao Miên, tiếng Lào, tiếng Mả Lai, tiếng Miến Điện, tiếng Tamoul, tiếng Thái Lan và tiếng Ấn Độ, năm quyển sách dịch về văn phạm, và năm quyển tự điển. Ông để công phiên âm ra chữ Quốc Ngữ những chuyện Nôm có giá trị đạo đức luân lý và phiên dịch các kinh sách của nho gia để phổ biến cho người đời nền đạo lý cổ truyền của Á Đông. Ngoài ra ông còn để nhiều thì giờ biên soạn những sách sử ký, địa lý, văn hóa… theo phương pháp khoa học để giúp người đọc thu nhận những kiến thức đứng đắn, vững chắc về quốc gia dân tộc Việt. Mục đích của việc biên khảo và phổ biến các loại sách trên là nhằm đào tạo một lớp người mới có kiến thức khoa học, có hiểu biết về nền văn minh kỷ thuật Tây phương và về văn hóa đạo đức Á Đông, có tinh thần dân tộc nhưng cũng có tinh thần khai phóng cởi mở. Nói chung, Petrus Ký không phải chỉ là một nhà văn khai đường mở lối cho câu văn xuôi và nền văn chương chữ Quốc Ngữ, ông cũng không phải chỉ là một nhà bác học tìm tòi nghiên cứu để thỏa mãn tính hiếu học của con người mình, mà ông còn là một nhà văn hóa giáo dục có tinh thần nhân bản, dân tộc và khai phóng đã đặt nền móng cho nền học thuật mới ở Việt Nam vào hạ bán thế kỷ XIX. Tinh thần nhân bản, dân tộc và khai phóng đó sẽ là những nguyên tắc căn bản của nền giáo dục phổ thông ở Việt Nam sau này.

Đầu thế kỷ XX các nhà thơ Nôm nổi tiếng cuối cùng của chúng ta lần lượt ra đi, Trần Tế Xương mất năm 1907, Nguyễn Khuyến mất năm 1909. Với các chết của các nhà thơ Nôm cuối cùng, một kỷ nguyên văn hóa vừa khép lại: kỷ nguyên của nền văn chương chữ Nôm và nền học thuật cũ của nho gia. Petrus Ký mất vào năm 1898, cuối thế kỷ XIX. Ông mất đi để mở rộng cửa cho thế kỷ XX, cho một kỷ nguyên văn hóa mới: kỷ nguyên của văn học chữ Quốc Ngữ và nền học thuật mới tổng hợp đạo đức Á Đông với khoa học Tây phương. Ba mươi năm sau ngày ông mật tên ông được dùng đặt cho một trường trung học lớn nhất và nổi tiếng nhất, cũng là trường đệ nhị cấp duy nhất của Miền Nam nước Việt: trường Petrus Trương Vĩnh Ký. Trường trung học nổi tiếng này khi mang tên ông nó cũng mang sứ mạng văn hóa giáo dục mà ông đã đề xướng. Một giáo sư của trường, cụ Ưng Thiều, đã thể hiện sứ mạng văn hóa giáo dục đó của Petrus Ký trong hai câu đối bằng chữ Hán ghi trước cổng trường (trước năm 1975):

“Khổng Mạnh cương thường tu khắc cốt,
Tây Âu khoa học yếu minh tâm.”

Ý nghĩa của hai câu này là một mặt chúng ta hãy ghi khắc vào xương tủy những căn bản của nền luân lý nho giáo, và mặt khác hãy làm sáng sủa tâm trí của mình bằng những kiến thức khoa học Tây phương. Sang thế kỷ XX nhờ có sự phát triển về khoa học kỷ thuật mà con người đã tiến bộ vô cùng nhanh chóng so với bao nhiêu những thế kỷ trước. Từ chối khoa học hay lẫn tránh kỷ thuật là một cách tự diệt. Muốn sinh tồn phải tiến bộ, phải hiện đại hóa như người ta, mà muốn tiến bộ, hiện đại thì không thể không học hỏi khoa học, kỷ thuật của Âu Mỹ. Tuy nhiên nếu chỉ trau dồi khoa học kỷ thuật không mà thôi thì cũng rất nguy hại cho loài người. Từ hơn bốn thế kỷ trước Rabelais đã bảo là có kiến thức khoa học mà không có ý thức đạo đức thì đó là sự đổ vở của tâm hồn (“Science sans conscience n’est que ruine de l’âme”). Cho nên bên cạnh sự học hỏi về khoa học kỷ thuật, người ta còn cần phải trang bị cho mình một ý thức đạo đức vững chắc.

Đối với người Việt Nam cũng như nhiều dân Đông Á khác, ý thức đạo đức vững chắc đó có thể tìm thấy ở trong nền luân lý đạo đức của nho gia vốn đã ăn sâu vào đời sống dân chúng từ bao nhiêu năm qua và đã trở thành một thứ truyền thống đạo đức của nước mình. Tổng hợp văn minh Tây phương với luân lý đạo đức Á Đông là một việc làm khó khăn nhưng Petrus Ký đã để hết cuộc đời mình để làm việc đó.

Tinh thần Petrus Ký là tinh thần dung hòa Đông Tây, tinh thần tổng hợp khoa học kỷ thuật với luân lý đạo đức. Bên cạnh những kiến thức tối tân về cơ giới, điện tử, còn có tình nghĩa cha con, chồng vợ, bạn bè, đồng loại, lòng hiếu để, tình thầy trò, bè bạn, lòng thương yêu giúp đở người khác, v v… nhiều ý niệm đạo đức cổ truyền đó vẫn rất có giá trị và ích lợi cho đời sống của người Việt Nam hiện giờ. Người còn ở lại cần có nó để bảo vệ gia đình và giá trị tinh thần của con người trước sự khống chế của chủ nghĩa vật chất vô thần. Những người đã ra đi và đang sống trong xã hội văn minh Âu Mỹ thì cần có nó để đương đầu với sự đồng hóa khó tránh được khi phải thích nghi vào hoàn cảnh sinh sống mới. Tinh thần Petrus Ký là tinh thần nhân bản, dân tộc và khai phóng, rất cần có trong mọi công trình xây dựng con người và cộng đồng ở trong cũng như ở ngoài nước.

Nguồn: Nam Kỳ Lục Tỉnh

Leave A Reply

Your email address will not be published.