Bắc Kinh hạ thủy tàu sân bay thứ ba khi căng thẳng Trung Mỹ lên cao

TVN

0 591

Phúc Kiến, tàu sân bay thứ ba và hiện đại nhất của Trung Quốc, được hạ thủy trong buổi lễ tại Thượng Hải sau hai lần trì hoãn.

Lễ hạ thủy tàu sân bay Phúc Kiến diễn ra tại nhà máy đóng tàu Giang Nam ở thành phố Thượng Hải hôm 17/6. Hình ảnh do truyền thông Trung Quốc công bố cho thấy khu cầu cảng vắng người trong lễ hạ thủy, trong khi mặt boong phần mũi tàu sân bay được che kín để bảo vệ cụm máy phóng.

Hàng không mẫu hạm Phúc Kiến hoàn toàn do Trung Quốc thiết kế và tự đóng. Tàu được trang bị công nghệ tối tân như hệ thống phóng máy bay được cho là gần ngang tầm với công nghệ của Mỹ. Hàng không mẫu hạm mới của Trung Quốc có khả năng phóng đi nhiều máy bay hơn, và phóng những máy bay lớn hơn, mang theo nhiều vũ khí hơn so với tàu Liêu Ninh hay Sơn Đông. Sau lễ hạ thủy, tàu sân bay Phúc Kiến sẽ còn mất nhiều năm mới có thể đi vào hoạt động.

Trong tương lai, hàng không mẫu hạm Phúc Kiến sẽ tăng cường đáng kể khả năng răn đe và tác chiến ngoài lãnh thổ Trung Quốc. Bắc Kinh đã mất hơn một chục năm để cải tạo Liêu Ninh, tàu sân bay đầu tiên mua lại của Ukraina và đã cần đến hai năm từ khi hạ thủy Sơn Đông cho đến khi có thể điều chiếc hàng không mẫu hạm này tham gia các cuộc tập trận đầu tiên và tham gia các chiến dịch xa bờ.

AFP cho rằng lễ hạ thủy tàu sân bay Phúc Kiến diễn ra trong bối cảnh Bắc Kinh liên tục cảnh cáo trước mọi ý đồ độc lập của Đài Loan. Đây cũng là một “tín hiệu mạnh mà Trung Quốc nhắm gửi tới Hoa Kỳ”, điểm tựa về an ninh của Đài Bắc, đến chính quyền của tổng thống Thái Anh Văn và cả các quốc gia trong vùng Biển Đông, cũng như Biển Hoa Đông. Chuyên gia về Trung Quốc Collin Koh đại học công nghệ Nanyang – Singapore đánh giá, với một chiếc hàng không mẫu hạm hiện đại như Phúc Kiến, Trung Quốc càng gây lo ngại cho các quốc gia trong khu vực, từ Nhật Bản đến Philippines hay Việt Nam, bởi “khi cần, ít nhất Bắc Kinh có thể huy động tức thời một hàng không mẫu hạm, có thể can thiệp xa bờ khi xảy ra chiến tranh”.

Hãng tin Pháp AFP nhắc lại Liêu Ninh là tàu sân bay cũ do Liên Xô chế tạo, được Bắc Kinh cải tạo sau khi đã mua lại của Ukraina năm 1998 và đã bắt đầu hoạt động từ 2012. Tàu Sơn Đông do Trung Quốc tự đóng, nhưng dựa vào thiết kế của chiếc Liêu Ninh. Chiếc hàng không mẫu hạm thứ nhì này của Trung Quốc được hạ thủy năm 2017.
Truyền hình trung ương Trung Quốc CCTV cho biết hệ thống neo và định vị sẽ được ưu tiên thử nghiệm sau lễ hạ thủy. Giai đoạn trang bị toàn diện hơn của tàu Phúc Kiến sẽ bắt đầu nếu thân tàu không bị rò nước. Giai đoạn này bao gồm nhiều cuộc thử nghiệm, do đó tàu sân bay sẽ neo đậu trong bến một thời gian trước khi chạy thử trên biển.

Giới chuyên gia phương Tây nhận định không đoàn trên tàu Phúc Kiến sẽ có cơ cấu mới hoàn toàn so với tàu Liêu Ninh và Sơn Đông. Trung Quốc đang nghiên cứu và phát triển các loại máy bay vận hành trên tàu sân bay mới, trong đó có mẫu tiêm kích tàng hình được đặt biệt danh là FC-31/J-35 với ngoại hình giống F-35 của Mỹ, cùng máy bay cảnh báo sớm KJ-600.

Nước này còn phát triển một số biến thể mới của dòng J-15 như tiêm kích J-15T với hệ thống hỗ trợ vận hành cùng máy phóng, cùng máy bay tác chiến điện tử J-15D có thể cất hạ cánh trên Type-003.

Leave A Reply

Your email address will not be published.