Philippines đang lên kế hoạch “hải chiến” dự phòng Trung Quốc tấn công trên biển
TVN
Philippines đang lên kế hoạch dự phòng cho tình trạng leo thang thù địch ở Biển Đông, theo một quan chức quân sự cấp cao, bao gồm cả kịch bản thủy thủ đoàn đẩy lùi lực lượng Trung Quốc tràn lên tàu của Philippines.
Mối quan hệ giữa hai nước đã xấu đi trong năm nay sau một số vụ va chạm và đối đầu liên tục gần các thực thể tranh chấp ở Biển Đông, trong đó Philippines cáo buộc Trung Quốc có những hành động hung hăng, có chủ ý và nguy hiểm.
Philippines đã có đường lối cứng rắn hơn với Trung Quốc trong năm nay, trùng hợp với việc nước này tăng cường quan hệ quân sự với đồng minh hiệp ước quốc phòng Hoa Kỳ và tăng cường hợp tác an ninh với các cường quốc phương Tây khác.
Alberto Carlos, Tư lệnh Bộ Tư lệnh miền Tây Philippines, nói với CNN Philippines vào cuối ngày thứ Tư (13/12): “Chúng tôi dự tính sẽ có những hành động cưỡng ép nhiều hơn nữa từ Trung Quốc, kiểu như tấn công vũ trang”.
Ông nói thêm: “Sau vòi rồng thì có thể là đâm tàu, và họ cũng sẽ tìm cách tràn lên tàu của chúng tôi, đó là điều mà chúng tôi sẽ không cho phép họ làm”.
Ông Carlos cho biết kịch bản này là một phần của cuộc tập trận của Philippines và các cuộc thảo luận mang tính học thuật về những hành động khác mà Trung Quốc có thể thực hiện.
Philippines hôm thứ Ba đã triệu tập đại sứ Trung Quốc để phản đối “các hành vi quấy rối liên tiếp” vào cuối tuần ở nhiều địa điểm khác nhau, bao gồm cả các vụ va chạm và sử dụng vòi rồng.
Bắc Kinh đã nhiều lần cáo buộc các tàu Philippines, hoạt động trong vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) của Manila, xâm phạm vùng biển của Trung Quốc.
Philippines ngày càng cảnh giác với lực lượng hải cảnh Trung Quốc và sự hiện diện của hàng trăm tàu đánh cá Trung Quốc mà nước này coi là lực lượng dân quân.
Ông Carlos, người có nhiệm vụ bao gồm bảo vệ vùng đặc quyền kinh tế của Philippines, cho biết: “Chúng tôi đang cân nhắc vấn đề này, chúng tôi đang tiến hành chiến lược này và chúng tôi đã chuẩn bị cho mọi tình huống bất ngờ có thể xảy ra”.
Trung Quốc đưa ra yêu sách chủ quyền đối với gần như toàn bộ Biển Đông, tuyến thủy lộ thương mại trị giá hơn 3 nghìn tỷ đôla hàng năm. Yêu sách chủ quyền của Trung Quốc mở rộng và chồng lấn với các vùng đặc quyền kinh tế của Philippines, Việt Nam, Indonesia, Malaysia và Brunei. Năm 2016, Tòa trọng tài đã ra phán quyết tuyên bố các yêu sách của Trung Quốc là vô căn cứ.
Theo VOA