CÁI GIÁ CỦA TỰ DO

0 572

Hôm nay đọc tin trên fb về 39 người chết vì lạnh, vì nghẹt thở trong cái container chở hàng ở Anh, trong đó có ít nhất là 6 người Việt, tôi đau xót trong lòng cho thân phận dân mình, và nó như là một dịp để những dòng ký ức cũ tràn về.

Thời buổi này, tin tức được đưa lên nhanh chóng, cùng với hình ảnh , những mảnh tin như vậy đã đánh động tâm can người đọc, còn cách đây 30, 40 năm, người Việt chúng ta cũng đã có những cuộc di dân trốn chạy cộng sản vô cùng liều lĩnh. Người ra đi chấp nhận rủi may, người ở lại cũng chấp nhận mất mát. Không ai biết được con số chính xác, có thể trong số người ra đi một nửa là được cứu vớt, đến được bến bờ, phân nửa còn lại bỏ mình trên biển, nhưng khi không thấy tin tức người thân, những người còn ở lại chỉ biết nín lặng, nuốt ngược lại vào lòng những giọt nước mắt, bởi vì cộng sản đã khéo léo gắn liền khái niệm “Tổ quốc” với cái chính quyền của họ, mà khi không thể sống nổi dưới sự cai trị đầy ngược đãi, chọn con đường bỏ nước ra đi, người dân đã mặc nhiên trở thành kẻ “phản quốc”!

Tôi nhớ đến cái đêm đã làm tôi quyết định kết thúc mấy năm trời chỉ dồn sức vào chuyện vượt biên. Không phải là tôi đã đến được bến bờ tự do lần đó, mà vì tôi quá kinh hãi, không dám tiếp tục ra đi nữa. Lần đó cũng đã là lần thứ 4, thứ 5 chúng tôi được những người dẫn đường đưa xuống nằm đợi ở vùng Hải Sơn-Lam Sơn, gần Bà Rịa này. Mấy lần trước chúng tôi xuống, nhưng gặp trắc trở, thuyền lớn không ra được, chúng tôi đành phải về lại Sài Gòn. Đêm đó theo kế hoạch chờ lúc tối trời, những người dẫn đường địa phương sẽ đưa chúng tôi ra bờ đê, rồi từng tốp, từng tốp một chúng tôi sẽ được đưa ra những ghe nhỏ, gọi lóng là taxi. Các “taxi” này có nhiệm vụ đưa chúng tôi ra ghe lớn, người ta gọi là “cá lớn” đậu ở ngoài xa, có lẽ là ở ngay cửa biển. Người ta nói, nếu may mắn, chỉ hai ngày đêm có thể chúng tôi sẽ đến Mã Lai, Thái Lan, Philippine…Đó là, NẾU MAY MẮN, không ai dám nhắc đến những điều khác: thuyền đắm, đi lạc hướng, chết đói chết khát trên biển, gặp hải tặc, bị người ta từ chối…

Sau này khi có được một cuộc sống bình thường, mỗi khi đứng trước một quyết định lớn nào, chúng tôi có thể vạch ra những chọn lựa, những yếu tố may rủi cho mỗi chọn lựa, cân nhắc sự may rủi để rồi quyết định. Còn lúc đó, trước mặt chúng tôi chỉ thấy có một con đường: Tự do hay lụi tàn, vậy thôi! Thời ấy không có thành ngữ “quay đầu là bờ”, cũng như chưa có thành ngữ “khúc ruột ngàn dặm”. Ra đi không dám quay đầu lại, vì quay đầu không là bờ, mà là tù tội, là mất mát nhà cửa, tài sản bị tịch thu, là bi trù dập đến tận số!

Đêm đó, ba tôi không đi cùng, vì phải có một người ở ngoài để lo liệu lỡ khi bất trắc xảy ra, chỉ có người cô ruột, đứa em họ con cô khoảng 2,3 tuổi, thằng em trai và tôi. Cô tôi rất cầu kỳ trong ăn uống, nên đi vượt biên mà cô mang theo đầy đủ sữa bột, thit chà bông, đồ ăn vặt trong một xách đầy thức ăn vì sợ đứa con gái nhỏ bị đói. Thằng em tôi phải mang phụ cho cô trong khi cô bồng đứa em nhỏ. Ba người mới đầu đi trước tôi chỉ một quãng ngắn, nhưng không hiểu sao, dòng người bị chia cắt, chúng tôi ở khúc sau được lệnh phải dừng lại chờ, trong khi những người đi trước vẫn tiếp tục lầm lũi đi. Không ai dám nói với ai một lời nào, ngay cả thở cũng không dám thở mạnh. Tôi ráng căng mắt nhìn về phía trước, thấy bóng đứa em trai đã cách xa nhiều lắm rồi. Đoàn người phía sau trong đó có tôi vừa mới bắt đầu qua được một đoạn đê, thì nghe có tiếng hốt hoảng của ai đó kêu lên: “ Ôi trời ơi, bà con ơi, mình bị lộ rồi!”. Hình như có ai đó vừa bị đánh ngã xuống bằng báng súng, và họ đã liều lĩnh kêu lên như vậy để đánh động đoàn người đi trước.

(̣̣còn tiếp)

Leave A Reply

Your email address will not be published.