Cảnh sát Anh công bố danh tính bốn người Việt mất tích
TVN
Cảnh sát Greater Manchester, Anh Quốc, vừa công bố danh tính bốn công dân Việt Nam mất tích, nghi là nạn nhân vụ cháy nhà máy bỏ hoang Bismark House Mill, Oldham. Cảnh sát tin rằng các nạn nhân này nằm trong số bốn người Việt mất tích, được báo cho cảnh sát hôm 21/7/2022.
Danh tính bốn người mất tích gồm:
Chu Van Cuong (39 tuổi) đến Anh tháng 6/2019. Anh duy trì liên lạc thường xuyên với vợ con nhưng gia đình cho biết không nhận tin tức gì kể từ ngày 7/5/2022.
Nguyen Van Uoc (31 tuổi) thường xuyên liên lạc với vợ, nhưng mất liên lạc từ 7/5/2022, khi đó anh cho biết mình đang ở một nhà máy.
Nguyen Van Duong (29 tuổi) đến Anh khoảng một năm trước. Trong lần cuối liên lạc với gia đình vào khoảng ba tháng trước, Duong nói rằng đang ở ‘một ngôi nhà bỏ hoang’ trong khi tìm việc làm.
Le Thanh Nam (21 tuổi) đến nước Anh tháng 1/2022, liên lạc lần cuối với gia đình vào 4/5/2022. Lúc đó Nam cho biết đang sống trong ‘một ngôi nhà vô chủ’ ở ‘Dam’, được cho là Oldham, trong khi đang tìm kiếm công việc.
Giám đốc điều tra Lewis Hughes, trưởng bộ phận Nhận dạng Nạn nhân của cảnh sát Greater Manchester cho biết: “Chúng tôi hướng đến những người thân của Cuong, Uoc, Duong và Nam.”
Ông Lewis Hughes nói rằng cảnh sát đã trực tiếp liên hệ với người nhà nạn nhân và sẽ ‘cố gắng hết sức để đảm bảo họ được cập nhật thông tin và hỗ trợ đầy đủ ở Việt Nam, giống như là họ đang ở Anh.”
“Chúng tôi đang tiếp tục tìm kiếm tại hiện trường nhà máy Bismark House Mill để đảm bảo tìm thấy tất cả nạn nhân và bất kỳ đồ vật nào có ý nghĩa. Trong khi đó, nhóm điều tra đang theo dõi một số hướng liên quan đến vụ cháy và các hoạt động diễn ra tại nhà máy trước đó.”
“Mặc dù chúng tôi có lý do để nghi ngờ rằng Cuong, Uoc, Duong và Nam có thể đã ở trong nhà máy khi vụ hỏa hoạn xảy ra, nhưng chúng tôi vẫn cân nhắc về việc có bao nhiêu người có mặt tại đó và nơi ở của họ.
“Do đó, tôi kêu gọi bất kỳ ai có thông tin về nơi ở của họ trước hoặc sau vụ cháy hãy liên hệ với chúng tôi.
“Tôi nhấn mạnh rằng sự an toàn và phúc lợi của họ là ưu tiên số một của chúng tôi,” ông Lewis Hughes nói.
Ngày 26/7, đại diện Đại sứ quán Việt Nam tại Anh Tô Minh Thu đã tới hiện trường và có buổi làm việc với Cảnh sát khu vực Greater Manchester để bàn các biện pháp xác minh danh tính và quốc tịch nạn nhân theo quy định của pháp luật.
Truyền thông Anh đưa tin các thám tử đang điều tra theo hướng các nạn nhân có thể dính tới nạn buôn người, và một câu hỏi được đặt ra là liệu nhà máy bị cháy có phải là một cơ sở sản xuất cần sa bất hợp pháp núp bóng dưới một cửa hàng hợp pháp.
Manchester Evening News viết các thám tử đang làm việc ngày đêm để tìm hiểu thông tin toàn cảnh về nguyên nhân gây ra vụ hỏa hoạn và cách các nạn nhân có mặt ở địa điểm xảy ra vụ hỏa hoạn.
Khả năng họ ‘là nạn nhân bị buôn người’ là một phần của cuộc điều tra.
Tờ Inews hôm 1/8 dẫn lời Jamie Fookes, điều phối viên nhóm giám sát chống buôn người cho biết: “Mọi yếu tố đều dẫn đến buôn người, không nghi ngờ gì. Dường như có một xu hướng trồng cần sa đang di chuyển ra những địa điểm bên ngoài London.”
“Chúng tôi đã nhận thấy những người, đặc biệt là trẻ tuổi, từng trồng cần sa ở London đang xuất hiện ở những nơi khác, Glasgow là một ví dụ. Chúng tôi đã thấy một sự gia tăng về số lượng.”
Cũng theo Inews, gần 1.000 người Việt Nam được xác định có khả năng là nạn nhân của nạn buôn người ở Anh vào năm 2021, đứng thứ ba trong số các nước trên thế giới.
Các chuyên gia cho biết hầu hết các nạn nhân bị ép trồng cần sa hoặc bị bóc lột tình dục.
Theo BBC