Cuộc hẹn với Hoàng Tử Bé tại Paris và những chuyện chưa kể

TVN

0 532

Lần đầu tiên, 30 trong số 141 trang bản thảo gốc của Hoàng tử bé (Le Petit Prince), một trong những tác phẩm được dịch nhiều nhất thế giới, được trưng bày tại Paris cho công chúng Pháp và châu Âu. Đó là những bức ảnh, hay những bức thư tay, bản phác thảo tranh minh hoạ cậu hoàng tử nhỏ, bên cạnh chú chó, vẹt hay ốc sên, và những bức vẽ chưa từng lộ diện cho công chúng.

Có lẽ không có nhiều triển lãm thu hút được sự quan tâm của người xem từ mọi lứa tuổi, cả người lớn và trẻ nhỏ như triển lãm “Cuộc hẹn với Hoàng tử bé” của Antoine de Saint- Exupéry ở bảo tàng Nghệ thuật Trang Trí ở Paris, cũng giống như cách mà cuốn sách Hoàng tử bé thu hút người đọc từ nhiều thập niên qua.

Triển lãm về Hoàng tử bé của Antoine de Saint-Exupéry mở cửa đón người xem từ 17/02 đến 26/06/2022 tại bảo tàng Nghệ thuật Trang trí (Musée des Arts décoratifs). Triển lãm tiết lộ những khía cạnh, những góc khuất ít được biết đến của Antoine de Saint-Exupéry, như là nhà văn, nhà thơ, phi công, nhà thám hiểm, triết gia hay nhà báo.
Hoàng tử bé được viết trong thời gian Saint-Exupéry sống ở Hoa Kỳ và lần đầu tiên được in ở New York vào năm 1943 (bằng tiếng Anh và tiếng Pháp). Ban đầu cuốn sách là một đơn đặt hàng của nhà xuất bản Reynal & Hitchtcok. Saint-Exupéry được yêu cầu viết một cuốn truyện tranh để sưởi ấm trái tim độc giả thiếu nhi trong không khí đen tối của Chiến Tranh Thế Giới Thứ Hai, giữa lúc Mỹ bước vào cuộc chiến. Sau khi nhìn những bản phác thảo về cậu bé mà ông vẽ đi vẽ lại, nhà xuất bản đã đề nghị ông viết một câu chuyện hoàn chỉnh về cậu bé đó. Và phải hai năm sau đó, vào năm 1946, cuốn sách mới được xuất bản tại Pháp, quê hương của Saint-Exupéry, khi ông đã qua đời. Kể từ đó, những câu chữ, thông điệp của Hoàng tử bé lan tỏa xuyên biên giới. Những câu chuyện vượt thời gian với cách viết nhiều hí hoạ, đầy chất thơ, nhưng cũng đậm triết lý về cuộc sống và về tình yêu, đơn thuần, nhưng sâu sắc, khiến cuốn sách đến tay mọi lứa tuổi.

Những dụng cụ vẽ, màu nước, hay những nét tẩy xoá và các bản phác thảo, triển lãm đưa người xem vào thế giới sáng tác của Saint-Exupéry, nhiều lần đặt bút tưởng tượng ra vóc dáng của nhân vật chính, người cuối cùng trở thành hoàng tử bé với chiếc nơ thắt ngực, đeo khăn quàng cổ phấp phới trong gió cùng ánh mắt u sầu.

Đó là những ấn bản đầu tiên của Hoàng tử bé. Saint-Exupéry đã đưa các tài liệu này cho một nhà báo người Mỹ Silvia Hamilton trước khi ông qua đời vào năm 1944. Sau đó, vào những năm 1960, chúng được chuyển đến lưu trữ tại Thư viện Morgan ở New York, và chưa từng rời khỏi đó mãi cho đến nay. Quản lý triển lãm tại bảo tàng Nghệ thuật Trang trí giới thiệu triển lãm với hãng tin Reuters :

“Điều mà tôi thấy đặc biệt ở đây đó là việc mà Saint-Exupéry cần dùng bút vẽ để có thể giãi bày ý tưởng. Ông là một nhà văn, nhưng cũng là một phi công. Thông qua triển lãm này, chúng ta có thể cảm nhận tâm hồn nghệ sỹ của ông. Chúng ta có thể thấy rằng sáng tác, vẽ tranh là một hoạt động đi theo ông cả đời và có thể thấy rằng ông ấy đã lao tâm khổ tứ rất nhiều để vẽ ra từng nhân vật. Tại triển lãm, mọi người có thể đọc những bức thư viết tay mà ông gởi cho mẹ ông, xin bà đánh giá về các bức tranh và đưa ra ý kiến. Trong một vài bức thư, ông ấy viết : “Chao ôi, bức này không được, con không biết vẽ ra sao mẹ ạ !” Hơn nữa, Saint-Exupéry cũng đặc biệt quan tâm đến việc tên mình được chú thích trong bức ảnh bìa của cuốn Hoàng tử bé, bởi vì đối với tác giả, đây được xem như là một thành công thực sự, tiếp sức cho ông tự vẽ những bức tranh minh họa cho cuốn sách của mình”.

Mở đầu với bầu trời đầy sao và những bức vẽ, triển lãm đưa người xem bước vào thế giới của hoàng tử bé, của tuổi thơ, hay của chính Saint-Exupéry. Người xem khám phá thời thơ ấu của Antoine de Saint-Exupéry, từ khi ông sinh ra tại Lyon năm 1990, cho đến khi đến tuổi thiếu niên. Lớn lên trong một gia đình quý tộc, giỏi làm thơ và đam mê máy bay. Tất cả là những kinh nghiệm bồi đắp ý tưởng cho cuốn sách cũng như những ý niệm về thời thơ ấu – điểm nhấn quan trọng của Hoàng tử bé. “Bởi vì tất cả những người trưởng thành trước đó đều là những đứa trẻ, nhưng ít ai trong số họ vẫn nhớ điều này”.

Trong cuốn sách, cụ thể là những cuộc đối thoại giữa Hoàng tử bé và phi công, Saint-Exupéry dường như vẽ ra một đường ranh giới mờ nhạt giữa người trưởng thành và trẻ thơ. Viên phi công tự cho mình là một trong những nhân vật vĩ đại, nhưng thực ra không phải là ai cả và cũng không còn là trẻ con, bối rối trước những câu hỏi dồn dập của Hoàng tử bé. Ngược lại Hoàng tử bé, với lối suy nghĩ giản đơn trong hình hài một đứa trẻ, lại có thể đối mặt với trách nhiệm tự “bảo vệ hành tinh và bông hồng”, giống như một người trưởng thành. Những đoạn đối thoại khiến chúng ta đôi khi cảm giác đó là những đoạn độc thoại nội tâm của tác giả, dường như Saint-Exupéry đã quay lại thời mười tuổi, và tin chắc rằng “truyện cổ tích là sự thật duy nhất trên đời” (On sait que les contes de fée est la seule vérité de la vie).

Và trong một góc tối, ánh đèn chiếu vào hình ảnh nhân vật Hoàng tử bé, được đặt trong một hộp kính, vang lên giọng nói : Làm ơn, hãy vẽ cho tôi một chú cừu !, (S’il vous plait ! Dessinez moi un mouton !), như van xin nài nỉ, đôi chút làm nũng của cậu hoàng nhỏ, lặp đi lặp lại. Giữa sa mạc, cách các khu vực có người sinh sống hàng ngàn vạn dặm, lời yêu cầu của một thiên thần nhỏ không cánh đến từ hành tinh khác vang dội trong khắp các gian triển lãm ở Paris.

Từ phòng này sang phòng khác, bóng tối bao trùm gian triển lãm, nhưng ánh đèn chiếu sáng từng tác phẩm. Người xem đứng lặng trước các tấm kính, sói xét kỹ lưỡng từng nét bút của Saint-Exupéry, rồi trầm ngâm trước nội dung những bức thư ngọt ngào, giàu cảm xúc và chân thật của tác giả, những lời trách móc gửi cho người thương, và cả những trao đổi giữa tác giả và nhà xuất bản trước khi cuốn sách ra đời. Triển lãm đặc biệt nêu bật hai trong số những nhân vật quan trọng trong cuộc đời của Saint-Exupéry trong Chiến Tranh Thế Giới Thứ Hai, đó là vợ ông, bà Consuelo – người truyền cảm hứng cho nhân vật Rose, và người bạn thân cũng như là chỗ dựa tinh thần của ông, Léon Werth. Triển lãm giúp cho những ai đã đọc Hoàng tử bé có thể hiểu rõ hơn về tác giả. Bà Evelyne, đến xem triển lãm cho biết :

“Đúng là triển lãm giúp tôi có cái nhìn rõ hơn, nói thực là, khi tôi đọc sách, tôi không hiểu hết được những gì mà tác giả muốn nói. Qua triển lãm này, tôi hiểu được quá trình ông ấy viết ra cuốn sách ra sao. Saint Exupéry đã tạo ra rất nhiều nhân vật khác nhau, và cũng có rất nhiều nhân vật mà ông ấy không đưa vào cuốn sách. Tác giả có những lựa chọn và toan tính riêng. Triển lãm mở ra thế giới của tác giả hơn là của cuốn sách, đó là những điều mà tôi cảm nhận được.”

Tại đây, người xem cũng khám phá những nhân vật tưởng chừng bị Saint Exupéry lãng quên và cả một chuỗi những sự kiện trong cuộc đời tác giả, dường như đúc kết lên câu nói đi vào lòng người của Hoàng tử nhỏ : “Chúng ta chỉ nhìn rõ mọi thứ bằng trái tim. Mắt thường không nhìn thấy những thứ quan trọng nhất”.

Trong những năm tháng đen tối của lịch sử, Saint Exupéry viết lên một câu chuyện mang thông điệp đậm tính nhân văn và triết học, hòa quyện trong lối hành văn đơn giản của trẻ thơ, để mỗi khi đọc lại, ở thời điểm khác nhau, không gian khác nhau, độ tuổi khác nhau, người đọc có thể đưa ra những cảm nhận riêng và không lần nào giống lần nào cả. “Thông điệp được Hoàng tử bé truyền tải đó là gặp gỡ những người mới, cởi mở với những người xung quanh, và đó cũng là điều mà bất cứ ai trong chúng ta cũng cần đến và có thể tìm thấy mình trong đó”, như nhận đình của bà Anne Monier Vanryb, quản lý triển lãm tại Bảo tàng Nghệ Thuật Trang Trí.

Gian cuối cùng của triển lãm trưng bày những ấn bản được dịch ra các ngôn ngữ khác. Với hơn 500 thứ tiếng trên thế giới, thậm chí cả những ngôn ngữ hiếm chỉ còn vài chục người sử dụng, Hoàng tử bé là cuốn sách được dịch nhiều nhất thế giới chỉ sau cuốn Kinh Thánh. Bản dịch Le Petit Prince sang tiếng Việt đầu tiên có từ năm 1966. Hai bản dịch phổ biến là của Bùi Giáng do An Tiêm xuất bản và Cậu Hoàng Con do dịch giả Trần Thiện Đạo thực hiện. Vào dịp kỷ niệm 70 năm ngày tác phẩm ra đời, nhà xuất bản Gallimard đã chính thức chuyển nhượng bản quyền xuất bản Hoàng tử bé tại Việt Nam cho nhà xuất bản Nhã Nam vào năm 2017.

Nguồn RFI

Leave A Reply

Your email address will not be published.