Đạt được thỏa thuận với Mỹ, nhà sáng lập WikiLeaks được tự do sau 1.901 ngày bị giam

0 102

Nhà sáng lập WikiLeaks Julian Assange đã đạt được thỏa thuận nhận tội để chấm dứt việc bị giam giữ tại Anh. Ngay sau đó, ông đã lên máy bay về quê hương Australia

“Julian Assange đã được tự do” – WikiLeaks cho biết trong một tuyên bố trên X – “Ông ấy đã rời nhà tù Belmarsh (Anh) vào sáng ngày 24-6 sau 1.901 ngày bị giam giữ”.

Vẫn thông tin từ WikiLeaks cho hay: “Ông Assange được Tòa án Tối cao ở London cho phép tại ngoại, được thả tại sân bay Stansted vào buổi chiều cùng ngày và đã lên máy bay rời nước Anh”.

Đoạn video được WikiLeaks đăng trên X cho thấy ông Assange mặc áo sơ mi xanh, quần jean đang ký một tài liệu trước khi lên máy bay riêng.

Để được trả tự do, nhà báo 52 tuổi này đã đồng ý thoả thuận nhận tội với một tội danh duy nhất “âm mưu lấy và tiết lộ các tài liệu quốc phòng mật của Mỹ”.

Năm 2010, WikiLeaks đã gây chấn động thế giới khi công bố hàng trăm nghìn tài liệu mật quân sự Mỹ liên quan đến chiến tranh Afghanistan và Iraq.

Đây được coi là vụ rò rỉ an ninh nghiêm trọng nhất trong lịch sử quân đội Mỹ. Bên cạnh tài liệu quân sự, WikiLeaks còn tiết lộ hàng loạt bức điện ngoại giao nhạy cảm.

Ông Assange bị truy tố dưới thời chính quyền cựu Tổng thống Donald Trump liên quan đến hành động công bố ồ ạt các tài liệu mật của Mỹ. Nguồn gốc rò rỉ được xác định là Chelsea Manning, cựu phân tích tình báo quân sự Mỹ, người cũng bị truy tố theo Luật Gián điệp.

Thủ tướng Úc Anthony Albanese cũng đã lên tiếng trước thông tin nhà sáng lập WikiLeaks được trả tự do. “Bất chấp quan điểm của mọi người về ông Assange và các hoạt động của ông ấy, vụ án đã kéo dài quá lâu. Việc ông ấy tiếp tục bị giam giữ chẳng mang lại lợi ích gì và chúng tôi muốn ông ấy được đưa về nước Úc” – ông nói.

“Hàng triệu người đã ủng hộ Julian… đã đến lúc họ uống rượu và ăn mừng” – Reuters dẫn lời ông Gabriel Shipton, người anh em ruột với nhà sáng lập WikiLeaks.

Nhiều người ủng hộ quyền tự do báo chí cũng đã lập luận rằng việc buộc tội ông Assange là mối đe dọa đối với quyền tự do ngôn luận.

Leave A Reply

Your email address will not be published.