Làm thế nào để Israel khắc chế thành trì ngầm của Hamas?

TVN

0 124

Israel đã phát triển loạt phương tiện chiến đấu chuyên dụng, trong đó có robot sát thủ và chó nghiệp vụ, để tấn công mạng lưới đường hầm của Hamas.

Quân đội Israel cho biết họ đang bao vây thành phố Gaza City ở miền bắc Dải Gaza và tìm cách phá hủy mạng lưới đường hầm rộng lớn nằm sâu dưới lòng đất tại khu vực này. Theo một số ước tính, hệ thống đường hầm của Hamas có quy mô ngang với mạng lưới tàu điện ngầm ở thủ đô London, Anh.

Hamas đã xây dựng mê cung dưới lòng đất ở Dải Gaza trong ba thập kỷ qua, với nhiều đường hầm được đào sâu tới 70 mét nhằm lưu trữ vũ khí, nhiên liệu và thực phẩm. Theo giới quan sát, nguy cơ giao tranh trong đường hầm là rất lớn và Israel sẽ muốn giữ thương vong ở mức tối thiểu.

Quân Hamas dưới đường hầm

Để nghiên cứu phương án phá hủy chúng, Israel đã thành lập đơn vị “Kim cương”, gồm các công binh xung kích được huấn luyện để xác định vị trí đường hầm và phá hủy chúng hoặc mở đường cho bộ binh tiến hành đột kích.

Chiến đấu trong đường hầm gặp rất nhiều khó khăn, vì các thiết bị hiện đại mà lính Israel thường dùng như camera ảnh nhiệt, hệ thống giám sát hay định vị sẽ không thể hoạt động dưới lòng đất. Vì thế, các nhà phân tích quốc phòng cho hay Israel đã sử dụng radar xuyên đất và máy dò trọng lực để lên sơ đồ các đường hầm của Hamas một cách chính xác.

Robot sẽ được sử dụng trước bất kỳ cuộc tấn công đường hầm nào. Công ty Roboteam ở Tel Aviv đã dành một thập kỷ qua để phát triển các phương tiện không người lái chuyên dụng cho hoạt động này. Một trong số đó là robot IRIS, có thể đi xuống các đường hầm và chuyển hình ảnh về cho người điều khiển, sử dụng cảm biến để phát hiện vật thể và con người.

Israel còn phát triển một loại robot tương tự xe chiến đấu không người lái Gladiator của thủy quân lục chiến Mỹ. Chúng gắn súng máy 7,62 mm để tiêu diệt mục tiêu và các cảm biến hiện đại để phát hiện, kích nổ bẫy mìn do Hamas gài trong đường hầm.

Sau khi “đội quân robot” tiến vào đường hầm, lính biệt kích “Chồn” sẽ hành động. Họ là một lực lượng được tuyển chọn nghiêm ngặt, có thể tác chiến hiệu quả trong môi trường hẹp và ngột ngạt, với khả năng đánh giá tình huống chính xác, không bị cảm xúc hay tâm lý chi phối.

Các nhà phân tích quốc phòng tin rằng quân đội Israel còn có thể triển khai robot mang bom nhỏ trong đường hầm, học hỏi từ chiến thuật được Ukraine sử dụng khi đối đầu với Nga.

“Cả hai bên sẽ cố gắng gây bất ngờ cho nhau và họ sẽ chuẩn bị sẵn những điều bất ngờ”, chuẩn tướng Ben Barry, chuyên gia về tác chiến đô thị tại Viện Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế (IISS), trụ sở tại London, Anh, nhận xét.

“Israel có lợi thế khi sở hữu cơ sở huấn luyện tác chiến đô thị lớn hơn bất kỳ lực lượng vũ trang nào trên thế giới”, ông nói.

Góp phần không nhỏ vào chiến lược tấn công đường hầm của Israel là các đội chó nghiệp vụ. Chúng có nhiệm vụ đánh hơi chất nổ, tìm lối vào và thậm chí cả tấn công mục tiêu.

Theo viện nghiên cứu RAND có trụ sở ở Mỹ, Hamas đã sử dụng 900 công nhân toàn thời gian để xây dựng hệ thống đường hầm, đồng thời cử cả kỹ sư đến Iran để học cách cung cấp điện, nước và lắp đặt hệ thống thông gió cho các đường hầm.

Bước đầu tiên trong chiến dịch tấn công, Israel rất có thể sẽ cố gắng phá hủy các đường hầm bằng cách sử dụng bom xuyên phá GBU-28 cực mạnh, nặng 2.300 kg, với khả năng xuyên 30 mét đất để tấn công mục tiêu.

Họ cũng có thể đổ bêtông hoặc “bom bọt biển” để đóng kín cửa các đường hầm, chặn lối thoát của Hamas. “Bom bọt biển” là những quả bom hóa học nhỏ, có thể giải phóng một lượng bọt nở lớn và nhanh chóng đông cứng lại để bịt kín đường hầm.

Chuẩn tướng Barry lưu ý cuộc chiến trong đường hầm sẽ đặt ra thách thức rất lớn “về thể chất và tinh thần” với các binh sĩ, vì họ phải hoạt động trong điều kiện tầm nhìn rất hạn chế. “Việc xác định, phân biệt địch ta sẽ vô cùng khó khăn. Các binh sĩ cũng rất khó xoay trở trong không gian như vậy”, ông giải thích.

“Nhưng tôi sẽ rất ngạc nhiên nếu Israel không tiếp cận các đường hầm một cách thận trọng”, ông nói thêm. Chiến thuật bao vây của Israel có thể khiến Hamas buộc phải “ngoi lên mặt đất” khi họ hết nhiên liệu chạy máy phát điện cung cấp ánh sáng và không khí dưới đường hầm.

“Tôi cho rằng chiến lược của họ hiện tại là vây hãm chặt, bịt kín mọi lối ra vào đường hầm của Hamas, rồi tiến lên từng bước, loại bỏ những thứ thực sự cần phải loại bỏ”, Sam Cranny-Evans, chuyên gia từ Viện nghiên cứu Quốc phòng và An ninh Hoàng gia Anh (RUSI), nhận định.

Tuyên bố mới nhất trong ngày của Israel cho biết chiến dịch trên bộ của quân đội nước này đã cắt Gaza làm hai phần, nhưng vẫn cho phép dân thường sơ tán khỏi miền bắc.

“Hôm nay, Gaza đã bị chia làm hai phần phía bắc và phía nam”, Daniel Hagari, người phát ngôn Lực lượng Phòng vệ Israel (IDF), ngày 5/11 cho biết, thêm rằng đơn vị trinh sát của Lữ đoàn Golani đã tiến đến bờ biển Địa Trung Hải và đang trấn giữ vị trí này.

Lữ đoàn Golani là đơn vị đã tiến vào miền trung Dải Gaza nhằm tạo thành mũi tấn công cắt đôi vùng lãnh thổ này. Khi lữ đoàn này tiến tới Địa Trung Hải, quân đội Israel đã tạo thành thế gọng kìm hoàn chỉnh để bao vây hoàn toàn Gaza City, thành phố lớn nhất ở miền bắc dải đất.

Như phân tích bên trên, để đối phó với “thành trì ngầm” có tổng chiều dài tới 500 km do Hamas xây dựng, quân đội Israel đã huấn luyện các đơn vị đặc biệt, gồm đội chó tấn công “Nanh độc” và đội biệt kích “Chồn”, trong một tổ hợp đường hầm mô phỏng trên sa mạc Negev, miền nam nước này.

Nguồn VNE

Leave A Reply

Your email address will not be published.