Các nhà lãnh đạo EU thông qua gói viện trợ 50 tỷ euro cho Ukraine
TVN
Chủ tịch EC nêu rõ lãnh đạo của tất cả 27 nước thành viên EU đã nhất trí về gói hỗ trợ 50 tỷ euro cho Ukraine từ ngân sách của khối nhằm đảm bảo nguồn tài trợ ổn định, dài hạn cho Ukraine trong cuộc chiến chống sự xâm lược của Nga.
Ngày 1/2, Chủ tịch Hội đồng châu Âu (EC) Charles Michel cho biết các nhà lãnh đạo Liên minh châu Âu (EU) đã nhất trí gói viện trợ trị giá 50 tỷ euro cho Ukraine.
Trên mạng xã hội X, ông Charles Michel nêu rõ lãnh đạo của tất cả 27 nước thành viên EU đã nhất trí về gói hỗ trợ trên cho Ukraine từ ngân sách của EU. Theo ông, điều này giúp đảm bảo nguồn tài trợ ổn định, dài hạn cho Ukraine.
Ông Charles Michel nhấn mạnh EU đang đảm nhận vai trò lãnh đạo và thể hiện trách nhiệm hỗ hợ Ukraine.
Trước đó, hồi tháng 12/2023, Thủ tướng Hungary Viktor Orban đã phủ quyết gói viện trợ này của EU dành cho Ukraine, dẫn đến các cuộc tranh luận căng thẳng trong nhiều tuần qua.
Trước khi hội nghị thượng đỉnh EU diễn ra, các lãnh đạo thành viên đã gia tăng áp lực lên ông Orban, nhắn nhủ rằng ông buộc phải đưa ra lựa chọn trước thách thức Nga đang đặt ra.
Theo tường thuật của Hãng tin Reuters, trong hôm 1-2, ông Orban không dành thời gian trao đổi với báo chí khi tới dự hội nghị thượng đỉnh.
Nhà lãnh đạo Hungary thay vào đó đăng lên X hình ảnh ông bước đi quanh các xe máy kéo trước một cuộc biểu tình của nông dân ở Brussels (Bỉ) cùng ngày.
Trong đoạn video, ông Orban nói bằng tiếng Anh: “Đó là sai lầm của châu Âu, khi tiếng nói của người dân không được nghiêm túc lắng nghe… Sẽ có một cuộc bầu cử châu Âu vào tháng 6, vì vậy chúng ta cần một nghị viện châu Âu mới. Chúng ta phải tìm những lãnh đạo châu Âu mới, thực sự đại diện cho người dân”.
Là thành viên EU, nhưng mối quan hệ giữa Hungary và EU đã suy yếu hơn 10 năm qua. Đa số cho rằng mối quan hệ này tệ đi từ lúc Thủ tướng Orban nắm quyền năm 2010.
Trên truyền thông, ông Orban thường bị mô tả bằng những từ như “dân túy”, “cực hữu”, hoặc “độc tài”, vốn không được ủng hộ rộng rãi trong chính trị dòng chính tại châu Âu. Vị lãnh đạo Hungary cũng không ít lần khẩu chiến với các nước trong khối vì khác biệt trong cách tiếp cận ở nhiều vấn đề.
Không lâu sau khi ông Orban tái đắc cử với tỉ lệ áp đảo năm 2022, EU mở cuộc điều tra vào đợt bầu cử của nước này. Đây là cột mốc dẫn tới những thủ tục tước bỏ nguồn tài trợ cho Hungary với lo ngại về “tiêu chuẩn dân chủ”.
Căng thẳng về nhân quyền và pháp quyền dẫn tới việc EU quyết định đóng băng hơn 30 tỉ euro trong quy tắc gắn kết và phục hồi vốn sẽ gửi cho Hungary. Phía EU yêu cầu Hungary phải đáp ứng các tiêu chuẩn, thực hiện cải cách nhằm khôi phục việc tiếp cận số tiền này.
Với việc Hungary lâu nay đã công khai phản đối viện trợ Ukraine cũng như việc kết nạp Ukraine vào EU, nhiều ý kiến cho rằng EU sẽ phải lưu ý vấn đề giải ngân số tiền trên như một con bài thuyết phục Budapest.
Ngay sau khi thông báo việc EU nhất trí gói viện trợ trị giá 50 tỷ euro được đưa ra, Thủ tướng Ukraine Denys Shmyhal và TT Zelansky đã hoan nghênh quyết định này.
Trên mạng xã hội X, ông Denys Shmyhal nhấn mạnh các nước EU một lần nữa thể hiện sự đoàn kết với Ukraine.