Khi Túc Cầu Khoác Áo Chính Trị

0 858

Hãng Nike tuyên bố họ không cung cấp giày cho đội tuyển Iran dự World Cup 2018 bởi lệnh cấm vận Iran của Hoa Kỳ; trong khi đó, Kate Allen – giám đốc tổ chức nhân quyền Amnesty International UK – nói: “Bằng việc tổ chức World Cup, nhà cầm quyền Nga cần phải hiểu rằng hồ sơ nhân quyền tệ hại của mình sẽ được thế giới chú ý nhiều hơn đó nghe!”. Những sự kiện trên không là lần đầu tiên cho thấy chính trị xuất hiện bên cạnh quả bóng da. Trong suốt chiều dài lịch sử túc cầu, bóng đá không bao giờ đơn giản và “yên phận” là môn thể thao thuần túy…

Khi chính trị lăn cùng quả bóng

Tại Anh, Thủ tướng Harold Wilson (1964-1970, 1974-1976) từng đổ thừa rằng do đội Anh thua bất ngờ tại World Cup nên ông mới thất bại trong cuộc tổng tuyển cử (1970) vào vài ngày sau. Ở Argentina, triệu phú Mauricio Macri, đương kim tổng thống, đã đắc cử (vào năm 2015) nhờ một phần lá phiếu của các cổ động viên câu lạc bộ Boca Juniors mà ông từng làm chủ. Hồi 1978, lợi dụng hàng triệu người Argentina đổ chật đường xá để ăn mừng chiến thắng World Cup, chính thể độc tài Argentina đã tung quân đi bắt phần tử đối lập.

“Bằng việc tổ chức World Cup, nhà cầm quyền Nga cần phải hiểu rằng hồ sơ nhân quyền tệ hại của mình sẽ được thế giới chú ý nhiều hơn” – Amnesty International UK nhắc khéo Putin (Reuters)

Ở Pháp, sau khi đội tuyển quốc gia giành chiến thắng tại World Cup 1998, bộ máy chính trị của Tổng thống Jacques Chirac đã nhấn mạnh yếu tố đóng góp của (cử tri) cộng đồng người di dân (Zinedine Zidane là dân gốc Algeria). Tuy nhiên, vài năm sau, cũng chính yếu tố cộng đồng di dân đã đưa ứng cử viên cực hữu Jean-Marie Le Pen lọt sâu vào vòng trong chiến dịch tranh cử tổng thống. Tháng 10-2001, khi đội Pháp đụng đội Algeria (lần đầu tiên kể từ khi Algeria thoát khỏi chế độ thực dân của Pháp), quốc ca Pháp (được cử trước quốc ca Algeria) đã bị nhấn chìm trong âm thanh hỗn tạp của đám thanh niên Pháp gốc Bắc Phi và cuối cùng phải bỏ ngang. Sự kiện này đã trở thành một trong những “phương tiện” được Jean-Marie Le Pen khai thác để lấy phiếu của cử tri Pháp gốc, trước ứng cử viên Pháp lai…

Trong quyển Football Against the Enemy (Bóng đá chống lại kẻ thù), tác giả Simon Kuper kể rằng những trận giữa Hà Lan và Đức gần như luôn là cuộc chiến mang màu sắc chính trị. Simon Kuper cho biết sự ăn mừng chiến thắng của Hà Lan trước Đức tại Euro 1988 đã mang không khí của sự hoan hỉ như thể Hà Lan thoát khỏi bàn tay Đức quốc xã. Còn nữa, chiến thắng bóng đá là chiến thắng của niềm kiêu hãnh dân tộc nhưng có khi chỉ là thể hiện sự phỗng mũi của một chính thể. Trong trường hợp này, thất bại là điều không thể được chấp nhận. Năm 1941, khi Thụy Sĩ hạ Đức 2-1 trong trận đấu vào sinh nhật Adolf Hitler, Paul Joseph Goebbels – cái loa phóng thanh của Đức quốc xã – đã nói rằng kết quả trên không phản ánh trung thực khả năng đội Đức! Năm sau, 1942, khi Đức bị Thụy Điển nện ngay trên sân nhà, Goebbels đã cấm đội tuyển Đức tham gia ở bất kỳ giải quốc tế nào.

Ngày 9-7-1996, tại Tripoli (Libya), bạo loạn dữ dội đã nổ ra sau một trận đấu mà trong đó trọng tài do thiên vị đã cho đội bóng của con trai thủ lĩnh Muammar Al-Qaddafi hưởng quả phạt đền. Dân Libya xuống đường rần rần và người ta buộc phải dùng súng chế ngự (kết quả 50 người chết). Ở Iran, cơn sốt bóng đá điên loạn không kém Libya. Năm 1997, khi tuyển Iran hạ Úc để lọt vào vòng chung kết World Cup 1998, hàng ngàn phụ nữ Iran đã phấn khích ào xuống sân bóng. Vài người trong số họ còn lột cả khăn choàng mặt. Tại khắp góc phố, người ta nhảy múa và thậm chí ôm hôn nhau, bất chấp luật Hồi giáo nghiêm khắc cấm đoán. Sự phấn khích lại lên cao trào khi tuyển Iran đánh bại tuyển Mỹ 2-1 tại World Cup 1998…

Các trận đụng độ giữa Trung Quốc và Nhật Bản luôn căng thẳng (AFP)

 

Khi Iran tỏ ra có cơ hội lọt vào vòng chung kết World Cup 2002, những tiệc mừng ngoài đường phố lại bùng lên. Ban đầu, không khí chỉ mang màu sắc bóng đá nhưng sau đó “đổi màu” sang chính trị. Tại vài thị trấn, người ta tấn công các ngân hàng nhà nước và trụ sở chính quyền. Họ kêu to: “Tử hình bọn đại giáo sĩ!” và bày tỏ ủng hộ sự trở lại của gia đình cựu hoàng Shah (bị lật đổ từ cuộc cách mạng Hồi giáo 1979). Hàng ngàn người đã bị bắt. Cuối cùng, khi đội tuyển quốc gia Iran bị loại khỏi World Cup, người ta cho rằng Chính phủ Teheran đã… ép đội nhà phải thua để tránh hỗn loạn!

“La guerra del fútbol”

Tháng 11-2009, trong trận lượt đi giành vé World Cup 2010, Ai Cập thắng Algeria 2-0. Chiến thắng trên làm cho cổ động viên Ai Cập phấn khích cực độ. Họ đổ ra đường gào thét và thắp sáng đường phố bằng những ngọn đuốc tự tạo. Cuộc gặp gỡ các cầu thủ tuyển quốc gia của (cựu) Tổng thống Hosni Mubarak được báo chí làm đậm trên loạt trang nhất đồng thời nhắc lại lời hứa chính phủ về việc mỗi cầu thủ được thưởng 300.000 USD nếu thắng. Tuy nhiên, trong trận lượt về, Ai Cập bị Algeria hạ gục và cuối cùng mất vé đến Nam Phi. Thế là người dân hai nước cười cợt và thóa mạ nhau trên các diễn đàn internet. Hacker hai nước thậm chí oánh nhau loạn cào cào trên mạng khi tổ chức đánh sập các trang mạng đối phương. Hacker Algeria đưa ảnh ngôi sao David vào cờ Ai Cập trên trang web Liên đoàn bóng đá nước này, ngụ ý rằng Ai Cập bắt đầu trở thành con rối của Israel. Khi xe bus chở đoàn tuyển thủ Algeria đến Cairo, cổ động viên Ai Cập xông đến đập vỡ cửa kính khiến ba cầu thủ Algeria bị thương. Các đoạn băng hình quay cảnh trên nhanh chóng tràn lan internet, trở thành “bằng chứng cho thấy “văn hóa du côn” của dân Ai Cập”. Trong khi đó, báo chí Ai Cập nói rằng Algeria đã tự làm hỏng xe bus, ngụy tạo tai nạn thương tích rồi đổ vấy đổ vung…

Còn nhiều ví dụ cho thấy chính trị đã len sâu như thế nào vào đời sống bóng đá thế giới. Tại Giải vô địch bóng đá châu Á 2004 (AFC Asian Cup) tổ chức tại Trung Quốc, khi tuyển Trung Quốc gặp Nhật, cổ động viên chủ nhà đã dìm chìm nghỉm bài quốc ca Nhật bằng âm thanh gào thét dữ dội. Và trong suốt trận đấu, tuyển Nhật đã phải thi đấu trong tình trạng căng thẳng thần kinh cực độ dưới cái chảo lửa được đun sôi sùng sục bằng tiếng chửi bới của “dàn đồng ca” cổ động viên Trung Quốc (dù cuối cùng họ cũng nện được Trung Quốc tơi tả với tỉ số 3-1)… Ngày 6-9-2008, trong trận giành vé đến Nam Phi, Armenia và Thổ Nhĩ Kỳ gặp nhau tại Yerevan (thủ đô Armenia). Bất chấp việc Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Abdullah Gul được mời làm khách danh dự có mặt trên khán đài (ngồi sau tấm kính chống đạn cùng Tổng thống chủ nhà Serzh Azati Sargsyan), 35.000 cổ động viên Armenia cũng gào thét inh ỏi khi quốc ca Thổ Nhĩ Kỳ được cử lên (như Trung Quốc-Nhật, quan hệ Thổ Nhĩ Kỳ-Armenia cũng ít nhiều bị chi phối bởi yếu tố lịch sử trong đó có việc Thổ Nhĩ Kỳ bắt và thảm sát 1,5 triệu người Armenia đầu thế kỷ 20).

Đội tuyển Hàn Quốc và Bắc Hàn trong một trận đấu giao hữu năm 2005 (Getty Images)

Căng thẳng chính trị không thể không đề cập là xung đột giữa Hàn Quốc và CHDCND Triều Tiên tại World Cup 2010, đặc biệt từ sau sự kiện Bắc Hàn đánh chìm tàu Cheonan của Hàn Quốc ngày 26-3-2010. Tại World Cup 2006, Hàn Quốc từng giúp Bắc Hàn có thể xem bóng đá bằng đường kết nối vệ tinh miễn phí (Tổng thống Roh Moo-hyun phải chi 132.000 USD để thiết lập kết nối trên). Mùa World Cup 2010, dù tuyển Bắc Hàn lần đầu tiên có mặt tại World Cup kể từ 1966, dân Bắc Hàn lại không thể xem đội tuyển họ bởi Hàn Quốc đã quyết định không nối sóng truyền hình cho Bình Nhưỡng.

Trong vòng bán kết giành vé đến Nam Phi, một trận giữa Hàn Quốc và CHDCND Triều Tiên được lên lịch thi đấu tại Bình Nhưỡng vào năm 2008 cuối cùng đã phải dời đến Thượng Hải, bởi Bình Nhưỡng không đồng ý cho cổ động viên Hàn Quốc mang theo cờ cũng như hát quốc ca Hàn Quốc trên vận động trường Bắc Hàn. Và sau trận thua 1-0 với Hàn Quốc tại Seoul năm 2009, CHDCND Triều Tiên đã bực bội nói đến sự thiên vị trọng tài cũng như “thức ăn nhiễm khuẩn” khiến tuyển họ bị “thua oan ức”. Báo chí Bắc Hàn nói rằng trận đấu trên đã “biến thành một sân khấu đầy âm mưu bẩn thỉu và nhung nhúc trò lừa bịp”. Bắc Hàn từng tạo được kỳ tích ngoạn mục gây bất ngờ choáng váng khi đánh bại tuyển Ý tại World Cup 1966 bằng cú ghi bàn duy nhất của cầu thủ Pak Do-ik, người sau đó được mệnh danh “nha sĩ” bởi kỳ tích “nhổ” răng nhiều cầu thủ đối phương bằng…  cùi chõ!

Mùa giải năm nay, chuyện “chính trị, chính em” cũng xảy ra. Trước ngày World Cup khai mạc, Bộ trưởng Thể thao và Thanh niên Ukraine, Ihor Zhdanov, đã viết thư gửi bộ trưởng thể thao các nước tham dự FIFA World Cup, kêu gọi tẩy chay Moscow. Thư được viết trên… Facebook của Zhdanov! Tuy nhiên, không phải những gì liên quan chính trị trong bóng đá cũng nhuốm màu căng thẳng. Tháng 6-2017, khi tiếp chủ tịch FIFA Gianni Infantino tại Seoul, Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in từng nói đến khả năng thành lập một “khối khu vực” trong đó có Bắc Hàn, Hàn Quốc, Trung Quốc và Nhật cùng tham gia để tổ chức World Cup 2030.

Leave A Reply

Your email address will not be published.