Tại Sao Võ Thuật Truyền Thống Trung Quốc Đang Được Thần Thoại Hóa?

0 875

 

Những năm gần đây, võ thuật cổ truyền Trung Quốc từng bước được thần thánh hóa, nguyên nhân bên trong vừa có yếu tố tinh thần chủ nghĩa dân tộc muốn “phục hận” sau những nhục nhã bị ngoại bang lăng nhục trước đây, cũng có sự phóng đại cho mục đích giải trí và lợi ích thương mại không lồ. Tuy nhiên gần đây võ thuật truyền thống Trung Quốc đang mất đi vẻ thần bí, lộ ra bản chất thật sự: không đến mức hoàn toàn giả dối nhưng cũng không thần kỳ như vốn được quảng bá.

Võ thuật truyền thống Trung Quốc là kỹ thuật chiến đấu dân gian từ thời cổ đại. Luyện tập võ nghệ là con đường để trở thành võ tướng gia nhập quân đội. Những cuộc viễn chinh liên tục thời nhà Tần và nhà Hán dẫn đến sự cải tiến võ thuật nhằm áp dụng vào thực tế chiến trường. Khi kỹ thuật quân sự càng ngày tiên tiến hơn thì võ thuật cũng thay đổi. Vào thời nhà Tống, thuốc súng bắt đầu chiếm vị trí quan trọng trong quân đội thì võ thuật dần suy tàn. Quân đội thời đó cần những áp dụng thực tiễn cho chiến trường và loại bỏ bất cứ gì không hỗ trợ cho chiến thắng. Nhưng văn hóa dân gian lại không muốn võ thuật bị bỏ rơi một cách dễ dàng và kết quả là có rất nhiều hội quán khác nhau ra đời để bảo tồn võ thuật truyền thống. Khi súng ống trở nên thông dụng hơn thì nhu cầu của vũ khí thô sơ và chiến đấu tay chân cũng bị cắt giảm đáng kể. Năm 1901, nhà Thanh ra đạo dụ loại bỏ võ thuật khỏi quân đội.

Võ sĩ Thanh triều

Đến cuối đời Thanh, Trung Quốc bị cường quốc nước ngoài xâm lược. Trong dân gian bắt đầu xuất hiện nhiều võ quán và các tổ chức võ thuật. Hoàng Phi Hồng, Hoắc Nguyên Giáp là những nhân vật có thật, nhưng trong các tác phẩm điện ảnh thì họ được cố tình nguỵ tạo là “hy sinh vì quốc gia”. Năm 1911, bác sĩ Tôn Dật Tiên khởi sự cuộc cách mạng lật đổ nhà Thanh và bắt đầu cổ vũ phát triển võ thuật như một phương pháp luyện tập thể dục. Năm 1928, Viện nghiên cứu quốc võ được thành lập tại Nam Kinh và Wushu được sử dụng chính thức như môn quốc võ tổng hợp tiêu biểu nhất, đại diện cho toàn thể võ thuật Trung Hoa. Chính quyền quyết định rằng, tất cả ban ngành chính phủ phải thiết lập các học viện Wushu riêng và tổ chức các cuộc thi đấu tranh tài cả địa phương lẫn quốc gia.

Võ sư “thượng thừa” Ngụy Lôi (trái) đã bị võ sĩ tự do Từ Hiểu Đông hạ gục trong vòng 10 giây! (SCMP)

Từ sau khi Trung Quốc tiến hành Cải cách mở cửa, dòng văn học và điện ảnh “võ hiệp” của Hong Kong, Đài Loan tràn vào Trung Quốc, trong đó ảnh hưởng từ các bộ phim của Lý Tiểu Long là lớn nhất. Những ngón đòn của Lý, không câu nệ theo môn phái truyền thống, gạt bỏ động tác rườm rà, nhấn mạnh tính thực chiến, đã đưa võ thuật Trung Quốc giới thiệu với thế giới. Nhưng chính bản thân Lý cũng từng nói: “Tôi vẫn tự gọi những động tác võ thuật của mình là võ công Trung Quốc, nhưng tôi đã sớm mất niềm tin đối với võ thuật truyền thống Trung Quốc. Bởi vì tất cả môn phái, về cơ bản đều là “bàn chuyện binh pháp trên mặt giấy”, bởi thế, những gì tôi luyện tập đều là những ngón đòn thực chiến dùng để đánh nhau trên phố”.

Cảnh trong phim “Tinh Võ Môn” với Lý Tiểu Long

Vào thập niên 1980, võ chiến đấu tay không – Tán Thủ – được hồi sinh. Tán Thủ được khởi xướng từ quân đội và cảnh sát Trung Quốc, được áp dụng để đối kháng triệt hạ đối thủ và tội phạm. Đặc thù của nó là kỹ thuật chiến đấu thực dụng. Hệ thống này áp dụng các nguyên tắc vật lý và giải phẫu cơ thể học. Do tính chất đối kháng nên nó có rất ít các yếu tố, đòn đánh của các môn võ cổ truyền Trung Quốc, lại được du nhập thêm các kỹ thuật chiến đấu tay không hiện đại của các môn như boxing, quyền Thái, đấu vật… Dĩ nhiên trong Tán Thủ chẳng có “chưởng” hay “phi thân” gì cả!

Ảnh chụp ngày 31-8-2012: “Đại sư võ thuật” Diêm Phương biểu diễn bí kíp thất truyền “Cách sơn đả ngưu”, đòn đánh uy lực đến nỗi đệ tử của bà ta bay ra xa mấy mét. Tuy nhiên phóng viên chứng kiến lại không bị đánh bay. Cuộc biểu diễn thất bại (Diêm Phương từng giữ chức Phó chủ tịch Hiệp hội võ thuật tỉnh Hà Bắc, được chính quyền công nhận là đại sư võ thuật, trọng tài võ thuật hạng nhất Trung Quốc)

Tuy nhiên, cơn sốt sùng bái tinh hoa võ thuật cổ truyền ngày càng bùng nổ một cách méo mó, bởi sự phục hưng của chủ nghĩa dân tộc đại chúng lẫn hiện tượng thương mại hóa của công nghiệp giải trí. Trong thập niên 1980, “sư tử thức tỉnh” và “cự long bay lên” trở thành chủ đề thời thượng. Có thể kể một vài bài hát từng lên cơn sốt một thời như “Ngủ say trăm năm, quốc dân đang tỉnh lại” xuyên suốt bộ phim truyền hình “Hoắc Nguyên Giáp”; “Truyền nhân của rồng” của tác giả Hầu Đức Kiện; bài hát “Trái tim Trung Quốc của tôi” do Trương Minh Mẫn biểu diễn trong tiết mục giao thừa. Cùng với sự xâm lấn mạnh mẽ của phim truyền hình hành động và tiểu thuyết võ hiệp Kim Dung nhập ào ạt vào thị trường Đại Lục từ Hong Kong, thì thần thoại võ công Trung Hoa “thiên hạ vô địch” cũng theo đó phát triển theo. Tầng lớp thanh thiếu niên tìm kiếm thần tượng mới qua những võ lâm cao thủ. Sự cuồng nhiệt đối với văn học võ hiệp vượt xa so với sự mê đắm đối với ngôn tình. Mức độ quen thuộc đối với võ hiệp Kim Dung thậm chí còn trở thành tiêu chí để đo lường mức độ hiểu biết văn hoá của tầng lớp thanh niên, rơi vào một loại mê tín mới đối với sự thần bí của truyền thừa võ công, đắm chìm trong luận biện võ công “đánh đánh, giết giết” bao hàm “triết lý thiên địa vạn vật” và nhất thời trở thành “trí tuệ phương Đông thâm thuý nhất”.

Chủ nghĩa dân tộc đại chúng còn được thể hiện trong cơn sốt khí công một thời. Những năm 1980-1990, những gì liên quan đến sức mạnh của “kỳ nhân đặc dị” Trương Bảo Thắng được đồn thổi khắp ngõ to đường nhỏ, tương tự huyền thoại khí công Nghiêm Tân. Có người nói mình tận mắt thấy Trương Bảo Thắng bay qua mái nhà ẩn thân đi xuyên tường. Có người nói, chính “võ sư thần thông” Nghiêm Tân đã dập tắt vụ hoả hoạn lớn trên dãy Hưng An Lĩnh năm xưa. Nhiều người nổi tiếng có uy tín trong xã hội cũng tham gia thảo luận về “cơn sốt khí công”, ví dụ như nhà khoa học tên lửa nổi tiếng Trung Quốc là Tiền Học Sâm, khi ông nói về công năng đặc dị của cơ thể con người.

Thật ra hiện tượng huyền thoại hóa võ thuật cổ truyền đã được Bắc Kinh bơm phồng một cách có chủ ý, như một phần của chiến lược xây dựng quyền lực mềm. Nó đồng thời cũng kích động tinh thần dân tộc. Và như nhiều chiến dịch cổ súy khác, Trung Quốc cũng thường quá lố đến mức phản cảm. Người ta còn nhớ chuyện có lúc người người tập luyện thứ gọi là “công phu vỗ mông” có tác dụng giúp “trường thọ” “trừ khử bệnh tật” và “giúp thân thể khoẻ mạnh”. Thế rồi cả đám người ở các sân tập thể dục, dưới tiết tấu âm nhạc, cùng nhau giơ cao tay rồi vỗ mông! Thật là có khí thế kinh thiên động địa, chấn động cả Tử Cấm Thành, chấn động cả thế giới “võ lâm Trung Nguyên”!

 Tác giả gửi Trí Việt News

 

Leave A Reply

Your email address will not be published.