Không gây ồn ào với những màn nhe nanh giơ vuốt phô diễn cơ bắp tại biển Đông nhưng Trung Quốc cũng chẳng kín kẽ với những động thái tiếp cận Bắc cực, nơi vốn dĩ được xem là sân nhà của Mỹ. Ngày 26-1-2018, Trung Quốc đã lần đầu tiên công khai tuyên bố “chính sách Bắc cực” của họ và tự nhận là “quốc gia cận cực”! Trong thực tế, Trung Quốc đã mò đến Bắc cực từ nhiều năm qua và chính sách của họ, tương tự biển Đông, là “tằm ăn dâu”…
Rải tiền lót đường
Việc Bắc cực tan băng nhanh đã mở ra một cánh cửa mới cho giao thông hàng hải. Và không chỉ là vấn đề đi lại. Cơ quan khảo sát địa chất Hoa Kỳ (USGS) từng đánh giá Bắc cực chứa khoảng 30% trữ lượng khí thế giới chưa được khai thác, cùng 13% dầu hỏa; chưa kể nhiều loại khoáng chất như than, uranium, vàng, đồng, đất hiếm, đá quí… (Naval War College Review). Xét riêng hàng hải, Tuyến hải trình Đông Bắc (còn gọi là Tuyến Biển Bắc-NSR) gần khu vực Bắc cực sẽ giúp cắt ngắn lộ trình từ Thượng Hải đến Hamburg còn 5.185 km, ngắn hơn 15% so với việc vòng qua eo Malacca và 22% so với ngả kênh đào Suez. Năm 2010, chỉ có bốn con tàu sử dụng tuyến NSR; và năm 2012, con số này tăng lên 46 chiếc với 1,2 triệu tấn hàng hóa. Tháng 8-2012, Tuyết Long – con tàu phá băng không sử dụng năng lượng hạt nhân lớn nhất thế giới (do hãng Kherson của Ukraine đóng) – cũng đã trở thành chiếc tàu Trung Quốc đầu tiên băng qua NSR…
Trung Quốc đã “định vị” yếu tố chiến lược Bắc cực từ khá lâu. Năm 2004, Viện nghiên cứu Bắc cực Trung Quốc đã dựng trạm nghiên cứu thường trực tại Ny-Ålesund (Na Uy); và từ năm 1996, Trung Quốc đã tham gia Ủy ban khoa học quốc tế Bắc cực. Bắc Kinh cũng phái nhiều đoàn khoa học dự các hội thảo liên quan Bắc cực. Trung Quốc cũng ráo riết lobby để vào Hội đồng Bắc cực (Arctic Council-AC). Thành lập năm 1996, trên bề mặt chỉ có chức năng giám sát hợp tác, điều phối và liên kết nghiên cứu-khai thác giữa các nước vùng cực, AC hiện gồm tám thành viên (Canada, Đan Mạch, Phần Lan, Na Uy, Thụy Điển, Iceland, Nga và Mỹ), với sáu quan sát viên trong đó có Pháp và Đức. Đã bị bác đơn ba lần, đến năm 2013, Trung Quốc mới được ngồi ghế quan sát viên thường trực AC (cùng với Ấn Độ và Hàn Quốc).
Một trong những nước được Trung Quốc “tấn công” mạnh trong chiến dịch mua chuộc là Canada. Theo Naval War College Review, Trung Quốc hiện là đối tác thương mại lớn thứ hai của Canada và là quốc gia có nguồn vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài lớn thứ bảy vào Canada với tổng vốn 20 tỉ USD. Chỉ riêng lĩnh vực dầu khí, hai tập đoàn Trung Quốc Sinopec và CNOOC đã đầu tư hơn 16 tỉ USD vào công nghiệp năng lượng Canada. Chẳng trách sao Canada tỏ ra ủng hộ mở cửa cho Trung Quốc. Không chỉ Canada, Trung Quốc còn “đánh mạnh” vào Iceland. Từ năm 2008, khi kinh tế Iceland sụp đổ, Trung Quốc đã liên tục rót vốn vào nước này, đặc biệt sau chuyến công du của Thủ tướng Ôn Gia Bảo vào tháng 4-2012. Trong các phát biểu công khai, (cựu) Thủ tướng Iceland Jóhanna Sigurðardóttir từng tỏ ra sẵn lòng để Trung Quốc vào AC (khi tàu phá băng Tuyết Long neo tại cảng Reykjavík vào tháng 8-2012, đích thân Tổng thống Iceland Ólafur Ragnar Grímsson đã ra đón chào!)…
Có gì mờ ám?
Như trường hợp biển Đông, Trung Quốc cũng xây dựng một “lý thuyết” để biện giải “tính hợp lý” cho cách tiếp cận Bắc cực. Trung Quốc chỉ ra rằng, khu vực Đông Bắc Trung Quốc kéo dài gần đến 50o vĩ độ Bắc và như thế Trung Quốc đáng gọi là một “quốc gia cận Bắc cực”! (nếu lập luận tương tự, Đức cũng có thể được xem là quốc gia “cận Bắc cực”, bởi đảo Sylt của nước này nằm ở 54o vĩ độ Bắc). Năm 2008, “ngũ cường Bắc cực” – Canada, Nga, Mỹ, Đan Mạch và Na Uy – ký Bản tuyên bố Ilulissat với nội dung các thành viên AC phải giải quyết êm thấm mọi tranh chấp chủ quyền cũng như chia sẻ khai thác Bắc cực. Cho rằng Bản tuyên bố Ilulissat là bình phong cho “âm mưu” hất cẳng Trung Quốc, Bắc Kinh đã phản ứng gay gắt. Tháng 3-2010, thượng tướng hải quân Duẫn Trác nói rằng “Bắc cực thuộc về tất cả dân tộc thế giới và chẳng nước nào có thể có chủ quyền với nó cả”.
Trước đó, năm 2009, trợ lý ngoại trưởng Hồ Chính Dược cũng “cảnh báo”, rằng các nước vùng cực nên “bảo đảm một sự cân bằng cho quyền lợi của các quốc gia duyên hải cũng như lợi ích chung của cộng đồng thế giới”. Vận dụng ngôn ngữ UNCLOS (Công ước LHQ về luật biển), Trung Quốc nói rằng Bắc cực cùng tài nguyên của nó là “di sản chung của tất cả nhân loại”. Tuy nhiên, cần nói thêm, khi lôi Công ước LHQ ra làm “cơ sở”, Trung Quốc đã tự giăng bẫy chính mình. Theo cách tính UNCLOS (qui định phạm vi lãnh hải mỗi quốc gia được tính 12 dặm kể từ bờ, cộng thêm 200 hải lý thuộc khu vực được phép khai thác kinh tế), Trung Quốc rõ ràng không thể với tới Bắc cực! Cho nên, có lần tờ Beijing Review phải gỡ bí bằng cách “nói lại cho rõ”, khi cho rằng tất cả hiệp ước, định chế và luật lệ liên quan tính hợp pháp của việc khai thác Bắc cực, trong đó có UNCLOS, Tổ chức Hàng hải Quốc tế (IMO) và tất nhiên cả Hội đồng Bắc cực (AC) đều “ngập trong lỗi và cần phải được sửa đổi”.
Trong thực tế, Trung Quốc đã không che giấu nhiều mưu toan khác, ngoài vấn đề thuần túy khai thác kinh tế, khi xem xét tính chiến lược của yếu tố địa chính trị Bắc cực. Điều đó có thể thấy rõ không phải từ những “suy diễn” bên ngoài mà từ chính những “bộc bạch” bên trong Trung Quốc. Trong một bài viết, nhà nghiên cứu Lý Chấn Phúc thuộc Đại học hàng hải Đại Liên, nói rằng “Bắc cực có giá trị quân sự đặc biệt, một thực tế hiển nhiên được nhiều nước thừa nhận”, rằng “bất cứ ai kiểm soát được tuyến hàng hải Bắc cực sẽ kiểm soát được tuyến hàng hải mới của kinh tế thế giới và chiến lược quốc tế”.
Năm 2008, đại tá Hàn Húc Đông cũng huỵch toẹt: “Khả năng sử dụng vũ lực là điều không thể loại trừ khỏi Bắc cực, bởi tính phức tạp của các tranh chấp chủ quyền”. Và bởi “khả năng sử dụng vũ lực” là “không thể tránh khỏi” nên Trung Quốc hẳn đang bắt đầu hoặc chắc chắn sẽ xây dựng một chính sách vũ trang đối với Bắc cực. Bởi, trước hết, sự hiện diện hải quân Trung Quốc tại Bắc cực là để bảo vệ các con tàu thương mại khi Trung Quốc tăng cường sử dụng Tuyến hải trình Đông Bắc thay cho “tử lộ” Malacca. Và quan trọng hơn, sự có mặt hải quân Trung Quốc sẽ đóng vai trò như một ưu thế chiến lược để dễ dàng gây sức ép Mỹ một khi đối đầu quân sự với nước này, chẳng hạn trong xung đột liên quan Đài Loan.
“Ma quỷ nhảy múa trên tuyết”
Không bằng chứng nào rõ ràng cho âm mưu xây dựng “tiền đồn” của Trung Quốc tại khu vực vùng cực bằng dự án mở một “khu du lịch” của nhà đầu tư bất động sản Hoàng Nộ Ba (vốn là cựu viên chức thuộc Bộ tuyên truyền Trung Quốc) tại Grímsstaðir (Iceland). Là vùng đất “khỉ ho cò gáy”, nơi quanh năm thời tiết khắc nghiệt đến mức dân địa phương chịu không nổi, nơi mà Ngoại trưởng Iceland Össur Skarphéðinsson nói rằng nó đìu hiu đến mức “bạn gần như nghe được tiếng ma quỷ nhảy múa trên tuyết”, Grímsstaðir đã được họ Hoàng “chấm” làm địa điểm mở khách sạn và sân golf. Thoạt đầu sự có mặt lần đầu tiên của Hoàng tại Iceland năm 2010 chưa gây chú ý.
Trong chuyến tham quan đó, Hoàng không đề cập đến làm ăn mà chỉ tỏ ra quan tâm đến… thi ca. Đương sự tuyên bố sẽ tặng một triệu USD để thành lập Quỹ văn hóa Iceland-Trung Quốc. Không đầy một năm sau, Hoàng lại xuất hiện, lần này, đột ngột đến Grímsstaðir, đề nghị mua khu đất của ông cụ chăn cừu Bragi Benediktsson 75 tuổi với giá 7 triệu USD! Cùng lúc, công ty Trung Khôn của Hoàng bắt đầu đệ trình Chính phủ Iceland giấy phép đầu tư khu “resort” trên tổng diện tích 25.899 hecta, với nguồn vốn hỗ trợ khoảng 800 triệu USD từ Ngân hàng Phát triển Trung Quốc.
Điều khiến nghi ngờ nhất là Hoàng Nộ Ba không chỉ xây “sân golf” mà còn có kế hoạch dựng đường băng máy bay! Liệu có thể đây sẽ là tiền đồn của quân đội Trung Quốc? Một căn cứ “mini”, một trạm nghe lén, một đồn bí mật quan sát mọi hoạt động của vùng Bắc cực, đặt ngay trên đất của một thành viên NATO? “Chẳng ai có thể biết con quỷ sắp làm điều gì” – phát biểu của Einar Benediktsson, cựu đại sứ Iceland tại Mỹ, một trong những người chỉ trích mạnh mối quan hệ ngày càng mở rộng giữa Iceland và Trung Quốc – “Tất cả những gì chúng ta biết là, với Trung Quốc, việc đặt chân đến vùng cực đã trở thành điều cực kỳ quan trọng, trong khi Iceland là con mồi quá dễ xơi”. Năm 2012, trước nhiều chỉ trích và nghi kỵ, Chính phủ Iceland quyết định bác bỏ dự án.
Sự tiếp cận Trung Quốc tại vùng cực đã trở thành tín hiệu báo động đối với Mỹ. Năm 2013, Bộ nội vụ Hoa Kỳ (U.S. Interior Department, nơi phụ trách quản lý và bảo tồn nguồn tài nguyên và quỹ đất của Mỹ) đã công bố báo cáo 56 trang liên quan tình hình Bắc cực. Tỏ ra vẫn giám sát kỹ cái sân sau, tháng 12-2012, Bộ tư lệnh NORAD (cơ quan phòng vệ không gian-quốc phòng phối hợp của Mỹ và Canada) đã công bố kế hoạch tăng cường lắp đặt các thiết bị cảnh báo sớm, trong khi USNORTHCOM (Bộ tư lệnh Bắc Hoa Kỳ) cũng ký hai văn bản liên quan hợp tác quốc phòng tại Bắc cực với Bộ tư lệnh các chiến dịch phối hợp Canada.
@Trí Việt News