Trung Quốc Và Thủy Lôi Trận

0 552

Không chỉ xây đảo nhân tạo, Trung Quốc còn âm thầm lập một trận địa mìn nguy hiểm trong lòng Thái Bình Dương trong khi điều này ít được đề cập…

Sát thủ giấu mặt

Cách đây hơn nửa thế kỷ, phía bờ Đông của Bắc Triều Tiên, hơn 3.000 quả thủy lôi (được cài chỉ trong vài tuần) đã khiến chiến dịch tấn công Wonsan vào tháng 10-1950 của lực lượng liên quân với 250 con tàu gặp trở ngại. Vụ việc khiến đề đốc chỉ huy chiến dịch, Allen E.Smith, phải thốt lên: “Chúng ta đã mất kiểm soát vùng biển khi nó rơi vào tay một nước không hề có hải quân, sử dụng thứ vũ khí của giai đoạn trước Thế chiến thứ nhất, được cài cắm bằng những con tàu được dùng thời khai sinh Chúa Jesus”! Ngày nay, thủy lôi vẫn là một trong những chọn lựa hàng đầu đối với hải quân một số nước, đặc biệt Trung Quốc.

Theo chuyên gia quân sự Scott C. Truver trong bài viết trên Naval War College Review, mìn là thứ vũ khí đặc biệt “hắc ám” và có thể gây khó chịu đối với bất kỳ lực lượng hải quân hiện đại nào. Trong lòng biển tối mò, chúng có thể được ngụy trang bằng cách nhét trong thùng phuy, trong can nhựa và thậm chí trong những chiếc tủ lạnh hỏng. So với nhiều loại vũ khí qui ước, mìn rẻ như bèo trong khi hiệu quả lại cao. Ngày 18-2-1991, tuần dương hạm USS Princeton (trang bị dàn tên lửa bắn chặn Aegis) trị giá cả tỉ đôla đã bị Iraq đánh thủng chỉ bằng một quả thủy lôi Manta (khoảng 25.000 USD, Ý sản xuất). Vài tiếng trước đó cùng ngày, một thủy lôi của Hải quân Iraq cũng xé toạc bụng chiếc USS Tripoli, làm thủng một lỗ toang hoác 7m khiến nó suýt chìm.

Và trong cuộc chiến “tàu bồn” tại vịnh Arab, chỉ bằng nỗ lực hết sức người ta mới cứu được chiếc USS Samuel B. Roberts khỏi chìm vào ngày 14-4-1988 sau khi nó “xui xẻo” đụng một quả mìn có thiết kế từ thời Thế chiến thứ nhất. Đơn giá sửa chữa con tàu này lên đến hơn 96 triệu USD (thời giá 1993). Tổng quát, kể từ cuối Thế chiến thứ hai đến nay, mìn đã gây thiệt hại cho hải quân Mỹ gần gấp bốn so với tất cả nguyên nhân khác. Cụ thể, tên lửa gây tổn thất một tàu; ngư lôi/máy bay – hai tàu; tàu cao tốc khủng bố – một tàu; và với mìn là… 15 tàu. Rõ ràng, sát thủ giấu mặt thủy lôi không thể xem thường.

Với Trung Quốc, họ đang đầu tư đáng kể cho trận địa mìn trong lòng Thái Bình Dương – ít nhất đó cũng là điều mà Hải quân Mỹ đang tin. Tiến sĩ Scott C. Truver đã nhắc lại trong một phiên điều trần trước Ủy ban xem xét an ninh-kinh tế Mỹ-Trung, rằng: “Gần đây chúng tôi đã hoàn tất cuộc nghiên cứu sau khi đọc hơn 1.000 bài viết bằng tiếng Hoa trong hai năm liên quan hải chiến thủy lôi. Ba điều quan trọng nhất mà chúng tôi rút ra là: 1/ Trung Quốc có một kho thủy lôi khổng lồ…; 2/ Trung Quốc sẽ dựa chủ yếu vào mìn sát thương, đối với bất kỳ tình huống nào liên quan “bối cảnh Đài Loan”; 3/ Nếu Trung Quốc có khả năng sử dụng mìn (và chúng tôi nghĩ họ hoàn toàn có thể), điều đó sẽ gây cản trở nghiêm trọng đối với các chiến dịch (của Mỹ)…”.

Trong báo cáo đánh giá mới nhất liên quan Trung Quốc, Phòng tình báo hải quân Hoa Kỳ đã đưa ra một số chi tiết cụ thể. Hải quân Trung Quốc có 40 tàu rải mìn. Tàu ngầm lớp Tống và lớp Nguyên chạy bằng diesel-điện cùng tàu ngầm lớp Thương chạy hạt nhân được thiết kế có thể mang theo tên lửa hành trình YJ-82 lẫn khả năng rải mìn. Trực thăng Z-8 (sản xuất theo mẫu bản quyền chiếc SA-321 Super Frelon của Pháp) ngoài việc vận chuyển quân binh còn có thể phục vụ công tác rải mìn. Chỉ riêng chiếc Wolei 3.100 tấn đã có thể – theo tình báo hải quân Mỹ – mang theo 300 quả mìn. Khoảng 150 máy bay tuần tra lẫn oanh tạc cơ cũng có thể rải mìn. Cụ thể, chiếc hải phi cơ Harbin SH-5 có thể mang theo sáu thủy lôi loại tương tự phiên bản ADM-500 của Nga. Bốn chiếc khu trục hạm lớp Sovremenny có thể rải 40 quả thủy lôi và 10 chiếc lớp Luda có thể chở theo 38 quả mìn. 25 chiếc khinh hạm lớp Jianghu I/V và ba chiếc lớp Jianghu (III và IV) có thể chứa 60 quả…

15 năm qua, Hải quân Trung Quốc đã đi từ việc sở hữu kho mìn gỉ sét từ thời trước Thế chiến thứ hai đến việc có thể sản xuất những loại mìn hiện đại trong đó có mìn neo, mìn đáy, mìn trôi, mìn bắn bằng hỏa tiễn, mìn thông minh (cài bộ vi xử lý để tăng khả năng dò tìm mục tiêu, cùng bộ cảm ứng tích hợp giúp chống máy rà). Loại mìn điều khiển từ xa của Trung Quốc, chẳng hạn EM-53, có thể được tắt bằng mã âm (acoustic code) trong điều kiện bình thường và được kích hoạt trong tình huống chiến đấu. Có thể Trung Quốc hiện cũng sở hữu mìn di động phóng-cài từ tàu ngầm (SLMM). Tương tự loại Mark 67 của Mỹ, SLMM Trung Quốc được tin là một phiên bản khác của ngư lôi loại Yu. SLMM Trung Quốc có thể di chuyển với lộ trình và thời gian định sẵn. Khi đến địa điểm ấn định, nó sẽ tự tắt động cơ và bất động phục kích chờ… mồi. Cần biết, loại thủy lôi như EM-53 hoặc EM-52 với đầu đạn 140kg, nằm giấu mình ở độ sâu ít nhất 200m, có thể đạt vận tốc 80m/giây. Điều đó có nghĩa nó chỉ cần vỏn vẹn ba giây để phóng lên và làm nổ tung mục tiêu.

Có thể nói Trung Quốc đầu tư rất kỹ vào hải chiến thủy lôi. Họ có hẳn một trường chuyên về thủy chiến mìn tại Đại Liên, chưa kể Viện nghiên cứu thủy lôi tại Nghi Xương (Hồ Bắc). Ngoài ra, còn có các bãi thử thủy lôi tại Hồ Lô Đảo (Liêu Ninh), Lữ Thuận Khẩu (Đại Liên, Liêu Ninh), đảo Chu Sơn (Chiết Giang), Trường Đảo (Sơn Đông)… Xét về yếu tố chiến lược, mìn Trung Quốc hoàn toàn có thể không chỉ ngăn Mỹ tiếp cận khu vực đại dương mà Bắc Kinh gọi là “đệ nhất đảo liên” (chuỗi đảo thứ nhất) mà còn có khả năng rải mìn chặn đứng Mỹ ngay từ “cửa ngỏ” Guam. Với khả năng tự hành của thủy lôi SLMM, Trung Quốc có thể dùng tàu ngầm để phóng-cài thủy lôi sát nách các tuyến “xuất bến” của tàu Mỹ từ căn cứ Guam. Khu vực quanh quần đảo Ryukyu (chuỗi đảo kéo dài từ Kyushu đến Đài Loan; trong đó có quần đảo lớn nhất là Okinawa) cũng có thể nằm trong phạm vi hoạt động của trận địa thủy lôi Trung Quốc…

Mỹ (sẽ) làm gì?

Tất nhiên về lý thuyết mà nói thì như thế. Và nếu đã có thể đưa ra những tình huống giả định như vậy thì hẳn Mỹ cũng phải tìm được cách khắc chế. Mỹ thật ra đã không buông lỏng trận địa cho Trung Quốc. Ngoài 14 tàu chuyên quét thủy lôi lớp Avenger, Hải quân Mỹ còn có dàn trực thăng MH-53E Sea Dragon chuyên dò mìn. Bản thân họ cũng có không ít loại thủy lôi hiện đại, chẳng hạn Mk 71, có khả năng nhận biết nhiều mục tiêu khác nhau, từ tàu chiến nhỏ, tàu ngầm đến khu trục hạm. Ngoài ra, họ cũng đang nghiên cứu loại thủy lôi điều khiển từ xa gọi là “Sea Predator”. Từ năm 2011, Hải quân Mỹ đã bắt đầu tăng cường huấn luyện thả mìn cho phi công F/A-18 Hornet cũng như thiết kế bộ phận rải mìn cho dàn tàu chiến cơ động thế hệ mới nhất LCS (tàu chiến cận duyên; với hai lớp điển hình là USS Freedom và USS Independence).

Sát thủ diệt thủy lôi Knifefish

Tháng 4-2012, Hải quân Mỹ đã lần đầu tiên tiết lộ một tàu ngầm không người lái (UUV) gọi là Knifefish (General Dynamics sản xuất). Dài 5,7m với đường kính 0,5m, phóng từ tàu LCS, Knifefish có nhiệm vụ chuyên săn thủy lôi, với khả năng “cho phép “lấy dấu tay” bất kỳ vật thể nào mà nó đang nhìn”. Với hệ thống dữ liệu tích hợp khổng lồ, Knifefish có thể dễ dàng phân biệt một cục sắt gỉ với cái thùng phuy mục bên trong gắn mìn. Tháng 10-2017, Knifefish đã hoàn tất giai đoạn thử nghiệm thành công.

Ngoài ra, họ còn có UUV Seafox (Lockheed Martin hợp tác với Atlas Elektronik của Đức. Phóng từ trực thăng MH-53E, Seafox không chỉ có thể phát hiện mà còn vô hiệu hóa được thủy lôi đối phương. Tháng 6-2010, Northrop Grumman cùng Hải quân Mỹ cũng đã thử nghiệm hệ thống dò thủy lôi bằng laser (ALMDS). Được lắp trên trực thăng MH-60S Sea Hawk, ALMDS có thể cung cấp ảnh ba chiều, ngày lẫn đêm, khi chụp vật thể ở độ sâu cách mặt nước gần 3m…

Tạm lượt bớt nhiều kỹ thuật dò mìn khác của hải quân Mỹ, có thể thấy thêm rằng, ngoài những thiết bị hiện đại, hải quân Mỹ còn có những đội quân dò mìn “bất qui ước”. Đó là những biệt đội cá heo, biệt đội sư tử biển, biệt đội cá mập và biệt đội cá voi… Việc sử dụng động vật biển cho tình báo và dò mìn là “xưa như Trái đất” nhưng nay vẫn tiếp tục phát triển, bởi tính hiệu quả không thể phủ nhận. Theo bản tin trên website SOFREP (Special Operations Forces Report), Hải quân Mỹ đang đầu tư mạnh cho chương trình động vật biển phục vụ quân sự. Họ gọi MK 4, MK 7 và MK 8 là “hệ thống cá heo”; MK 5 là “hệ thống sư tử biển” và MK 6 là “hệ thống cá heo và sư tử biển”. Trong cuộc chiến Iraq 2003, Mỹ đã đưa một số sư tử biển (tất cả đều “tốt nghiệp” từ trung tâm huấn luyện ở San Diego-California) đến vùng Vịnh, chủ yếu để bảo vệ dàn tàu chiến Anh-Mỹ tránh bị “chết oan” bởi mìn. Với khả năng phân biệt mìn với vật thể khác, cảnh báo khi thấy “người lạ” lặn lảng vảng quanh khu vực và thậm chí truy đuổi kẻ tình nghi lên đến tận bờ, những biệt đội “động vật biển có vú của thủy quân lục chiến”, như cách chúng được Hải quân Mỹ gọi, hiện có thể đang sẵn sàng trong tư thế nhận “sự vụ lệnh” để được biệt phái sang Thái Bình Dương…

@Trí Việt News

 

Leave A Reply

Your email address will not be published.