TIÊN SƯ CÁI HỘ KHẨU

0 559

TIÊN SƯ CÁI HỘ KHẨU

Đây là lần thứ hai, tôi chửi nó.
Từ điển tiếng Việt – Soha định nghĩa “Hộ khẩu là người ở trong một hộ”. Sai bét!
“Hộ khẩu” là từ gốc Hán. Hộ là cái âm hộ; khẩu là cái lỗ (miệng), nghĩa tổng hợp: cái lỗ của cái âm hộ (xin đừng vội kết tội tôi tục tĩu!)

Vậy mà người Việt đã dùng khái niệm này để “quản lí con người – quản lí cái lỗ của cái âm hộ” trong suốt bao thập kỉ cho tới nay mới nhận ra đó là một khái niệm, một cách hành xử với con người, với xã hội vô cùng phi lí, phi nhân tính, phi khoa học, kiềm chế sự phát triển xã hội… và mới “mạnh dạn” xoá bỏ nó ư? Thật quá muộn và quá tệ!

Tôi không nhớ cái chính sách hạn chế người ngoại tỉnh nhập khẩu về thành phố nó ra đời từ khi nào nhưng tôi nhớ như in, năm 1982, những người có chồng (vợ) làm việc ở Hà Nội, có hộ khẩu ở Hà Nội nhưng vợ (chồng) con cái cũng không được chuyển về sống và làm việc gần nhau. Biết bao người có bằng cấp, có năng lực chuyên môn mà không hộ khẩu, nhà ở thì cũng không được bất cứ cơ quan nhà nước nào nhận vào làm việc. Xin nhập khẩu thì “khẩu” yêu cầu phải có việc làm + nhà ở mới xét… Biết bao nhiêu người bị thui chột tài năng, mất đi cơ hội cống hiến cho đất nước là đây.

Cơ chế quản lí con người của “chế độ ưu việt” đã coi “con người” như một “quả bóng” để chơi: hộ khẩu – việc làm – nhà ở, ba đứa ấy nó đá qua đá lại… vật vã phận người. Cơ chế ấy khiến cả xã hội đói rã họng, không có hộ khẩu thì lấy đâu ra việc làm, không việc làm lấy gì nuôi lỗ miệng? Không có việc làm, lấy tiền đâu mua nhà ở? Không nhà, không việc thì hộ khẩu cũng không. Cứ tít mù đèn cù chạy vòng quanh… không việc làm thì đi buôn nhưng buôn bòi bỏ sọt. Không phải vì ngu buôn mà mua cái này chỗ này đến chỗ kia bán là phòng thuế bắt bớ, cướp giật bởi cái chính sách kinh tế bế quan toả cảng…

Sổ hộ khẩu đã giết chết khát vọng sống và tuổi trẻ của tôi. Nó dập vùi, ghì tôi sát đất. Sống mà như chết. Chết mà không được chôn. Không được chôn nên sống đời vật vã. Mốc lên… mòn đi… gỉ ra… cho đến một khi chạm vào tuổi tứ tuần, tôi mới xin được công việc ở một trường dân lập. Người như sống lại, hạnh phúc biết nhường nào! Mặc dù sống đời giáo khổ trường tư có khác đếch gì giáo Thứ, giáo San trong “Sống mòn” của Nam Cao đâu. Lao tâm khổ tứ đổi bát máu lấy bát cơm mấy chục năm trời. Ráo mồ hôi rỗng túi. Người ta đi làm trông về ngày hưu trí, chẳng còn sức lao động vẫn có miếng ăn. Tôi đây bán sức lao động, bán trí tuệ lấy đồng thù lao rẻ mạt thì khi mắt mờ chân chậm biết lần sờ vào đâu hả Trời Đất, Thiên Địa ơi? Sức đã tàn, lực đã kiệt mà không được hưởng bất cứ một loại bảo hiểm an sinh xã hội nào. Mặc dù cống hiến cho xã hội không ít. Vậy, tội này có phải từ cái “hộ khẩu âm hộ” kia mà ra không?

Không chỉ thế, mẹ không hộ khẩu thì con cũng không hộ khẩu. Không hộ khẩu thì con không được học trường công. Trường công ngay gần nhà mà suốt 12 năm, con phải miết mải trường tư xa cả chục km, tiền học phí gấp cả mấy chục lần, trong khi suất lương không đủ nuôi một cái lỗ miệng, mẹ phải vắt kiệt sức làm thêm hết cả quỹ thời gian…

Hệ luỵ của cái “hộ khẩu” nó không chỉ giết chết một tôi mà còn cả triệu người giống tôi. Nó xâm phạm quyền tự do cư trú của con người, nó không thu hút được tài năng, nó kìm hãm sự phát triển xã hội, cồng kềnh, tốn kém… Ấy thế mà nó cứ ngang nhiên tồn tại, ngang nhiên hoành hành người dân suốt gần nửa thế kỉ. Tệ hơn, nó còn là miếng mồi ngon của các cơ quan công quyền. Người ta lợi dụng cơ chế để tham nhũng phận người, kiếp đời. Ai muốn có hộ khẩu thì phải “chạy”. Phải bị hành tỏi về thời gian đi lại, hành tỏi bao loại giấy tờ và phải trá giá bao nhiêu tiền… Mua được hộ khẩu rồi lại xoay ra “mua việc – chạy việc”, “chạy trường học” cho con. Thế là tàn đời.

Vậy, đó có phải là một chính sách quản lí con người ngu si, phi khoa học, vô nhân tính không? Ấy thế mà cho đến bây giờ mới tuyên bố huỷ. Thật là khốn nạn! Tiên sư cái hộ khẩu!

Lã Minh Luận

Leave A Reply

Your email address will not be published.