Các nhà khoa học Trung Quốc đã bắt đầu khoan một lỗ sâu 10.000 m vào vỏ trái đất.
Trang Bloomberg ngày 31-5 cho biết động thái trên được thực hiện trong bối cảnh Trung Quốc muốn khám phá những ranh giới mới trên và dưới bề mặt hành tinh xanh.
Hãng tin Tân Hoa Xã cho biết đây là lỗ sâu nhất mà Trung Quốc từng khoan vào vỏ trái đất tính đến thời điểm này.
Tiến trình khoan đã bắt đầu tại khu vực Tân Cương giàu dầu mỏ của Trung Quốc ngày 30-5.
Theo Tân Hoa Xã, lỗ sâu sẽ xuyên qua hơn 10 địa tầng lục địa hoặc các lớp đá và tiếp cận hệ thống kỷ phấn trắng trong vỏ Trái đất, nơi đá có niên đại khoảng 145 triệu năm.
Nhà khoa học tại Học viện Kỹ thuật Trung Quốc Sun Jinsheng nói với Tân Hoa Xã: “Sự khó khăn của dự án khoan này có thể được so sánh với một chiếc xe tải lớn chạy trên hai dây cáp thép mỏng”.
Hiện nay lỗ nhân tạo sâu nhất trên Trái đất hiện vẫn là “Lỗ khoan siêu sâu Kola” của Nga, đạt độ sâu 12.262 m vào năm 1989. Nga mất 20 năm để đạt đến độ sâu này.
Vào năm 1961, Mỹ lần đầu tiên triển khai kế hoạch khoan lòng đất có tên Dự án Mohole. Địa điểm khoan được chọn là ở ngoài khơi bờ biển Thái Bình Dương của Mexico.
Để đảm bảo dự án Mohole thành công, nhóm nghiên cứu đã nhận chìm 6 chiếc phao khổng lồ thành một hình tròn sâu 61m dưới nước. Một chiếc xà lan của Hải quân Mỹ được “triệu tập” để thực hiện nhiệm vụ sử dụng sóng siêu âm để xác định vị trí giàn khoan ngay tâm của hình tròn.
Nhóm nghiên cứu thực hiện dự án được chuẩn bị rất kỹ lưỡng về giàn khoan. Thật không may, ngay sau khi dự án bắt đầu, nó đã bị ngưng do thiếu kinh phí.
Gần một thập kỷ sau thất bại của người Mỹ, Liên Xô lên kế hoạch khám phá bí mật trung tâm Trái Đất. Vào ngày 24 tháng 5 năm 1970, họ đặt giàn khoan khổng lồ trên Bán đảo Kola. Dự án đầy tham vọng này có tên Kola Superdeep Borehole và dự định sẽ khoan sâu vô lòng đất 15.000 m.
Từ năm 1970 đến năm 1994, nhóm kỹ sư giàu kinh nghiệm của Liên Xô đã đào được hố nhân tạo sâu nhất hành tinh tại lớp vỏ lục địa vùng Baltic. Độ sâu của nó còn hơn cả chiều cao của Everest – đỉnh núi cao nhất hành tinh.
Đến năm 1992, đội khoan chỉ còn cách mục tiêu của họ khoàng gần 3.000m, tuy nhiên, dự án buộc phải dừng đột ngột do, nhiệt độ tại điểm khoan sâu nhất đã tăng lên 315 độ C. Nếu tiếp tục khoan, mũi khoan sẽ hỏng.
Mặc dù việc khoan đã dừng hẳn, nhưng toàn bộ dự án chỉ chính thức đóng cửa vào năm 2005. Đến năm 2008, tất cả các cơ sở và cấu trúc thượng tầng đã bị tháo dỡ.