Tôn thất, Tôn nữ có phải là họ?
TVN
Rất nhiều người con cháu trong dòng họ thế hệ sau không hiểu sao họ Tôn lại là họ Nguyễn Phước? và thi thoảng, có vài người thắc mắc: Tôn Thất, Nguyễn Phúc (Phước), Tôn Nữ, Công Tôn Nữ… gốc gác từ đâu? Có phải con cháu các vua triều Nguyễn không? Vì sao cha thì “họ” Bửu mà con trai thì “họ” Vĩnh? con gái thì “họ” Công Tôn Nữ?….
1. “HỌ” TÔN THẤT
Năm 1558, Đoan Quận Công Nguyễn Hoàng vâng lệnh vua Lê vào làm Trấn thủ Thuận Hóa sau kiêm luôn Quảng Nam (1570). Ông trở thành vị chúa đầu tiên của Đàng Trong, tục gọi là chúa Tiên, truyền cả thảy được chín đời chúa của họ NGUYỄN PHÚC, quê làng Gia Miêu Ngoại Trang, huyện Tống Sơn, tỉnh Thanh Hóa.
Đời Minh Mạng (1820 – 1841), khi hệ thống hóa lại dòng tộc, vua xếp các hậu duệ thuộc chín đời chúa vào TIỀN HỆ (前系). Những người thuộc hậu duệ của vua Gia Long thuộc về CHÁNH HỆ (正系).
Trong CHÁNH HỆ lại phân biệt ĐẾ HỆ (dòng làm vua, con cháu của vua Minh Mạng) và PHIÊN HỆ (các dòng anh em của vua Minh Mạng).
1.1. Về chữ TÔN (TÔNG) THẤT 宗(尊)室
* TÔN (TÔNG) 宗 là dòng họ, THẤT 室 là nhà. TÔN THẤT là từ dùng để chỉ những người thuộc dòng họ nhà vua. Vì vậy có “tôn thất” nhà Lý, “tôn thất” nhà Trần, “tôn thất” nhà Lê…, chứ TÔN THẤT không phải là họ riêng của nhà Nguyễn.
* Hai chữ 宗室 nguyên phải đọc là TÔNG THẤT nhưng từ năm 1841, sau khi vua Thiệu Trị lên kế vị, cả nước phải kiêng húy của vua (do vua tên là Nguyễn Phước Miên TÔNG 綿宗), nên chữ TÔNG 宗 phải đổi viết làm TÔN 尊 và đọc là TÔN. Từ đó mớ có các danh xưng: Tôn Nhơn Phủ, Trần Thái Tôn, Lê Thánh Tôn,…
1.2. Về “họ” TÔN THẤT 尊室
Năm 1823, vua Minh Mạng ban hành ĐẾ HỆ THI và PHIÊN HỆ THI, quy định về cách đặt tên cho con trai trong CHÁNH HỆ (Xem cách đặt họ tên của con cháu các vua triều Nguyễn ở mục 3.1.2. trong status này).
Năm 1829, vua Minh Mạng lại ban hành quy định về việc đặt tên của những dòng thuộc TIỀN HỆ và PHIÊN HỆ, đại ý như sau: Con cháu Nguyễn Phúc tộc thuộc TIỀN HỆ và con cháu các anh em vua Minh Mạng thuộc PHIÊN HỆ thì từ đời vua [Minh Mạng] trở về sau không dùng họ NGUYỄN PHÚC, mà gọi chung là TÔN THẤT. Riêng các dòng thuộc PHIÊN HỆ thì sau hai chữ TÔN THẤT là chữ lót theo PHIÊN HỆ THI (xem các bài PHIÊN HỆ THI ở mục 3.1.2.2. trong status này), kế đến là TÊN.
– Ví dụ 1: TÔN THẤT THUYẾT, Phụ chánh đại thần sau khi vua Tự Đức thăng hà (1883), nhân vật chính của nhiều biến cố quan trọng tại triều đình Huế từ 1883 – 1885, là người thuộc Hệ 5 của chúa Hiền Nguyễn Phúc Tần.
– Ví dụ 2: TÔN THẤT LỆ CHUNG, cháu nội hoàng tử Cảnh (anh vua Minh Mạng) được tập phong làm Thái Bình hầu (sau đổi làm Cảm Hóa hầu) để lo việc thờ tự hoàng tử Cảnh. Trong cái tên này, LỆ là chữ lót trong bài thơ thuộc Phiên hệ thi dành cho dòng Anh Duệ Hoàng Thái tử (Hoàng tử Cảnh), CHUNG là tên. Tên của giáo sư TÔN THẤT DƯƠNG KỴ cũng được đặt theo nguyên tắc này.
Khi nhà Nguyễn đang còn trị vì và Nho học còn ảnh hưởng thì nghe thấy cái tên một người có mang hai chữ TÔN THẤT người ta hiểu ngay rằng người đó thuộc dòng dõi nhà vua, có họ là NGUYỄN PHÚC.
Về sau, nhiều người không hiểu nguyên ủy này nên tưởng rằng TÔN THẤT là họ. Và đến nay, TÔN THẤTquả là một họ trong thực tế. Hiện nay, đã có người TÔN THẤT trở lại họ Nguyễn Phúc.
[Nguồn tham khảo: Võ Hương-An, TỪ ĐIỂN NHÀ NGUYỄN, Nam Việt xuất bản, 2012, tr. 582 – 583]
2. VỀ “HỌ” TÔN NỮ
2.1. Về “họ” TÔN NỮ 尊女
* Nguyên thủy, viết là TÔNG NỮ 宗女, trong đó chữ TÔNG 宗 viết bằng bộ “miên” 宀, TÔNG NỮ 宗女 nghĩa là người con gái thuộc dòng họ nhà vua, là “họ” dành cho con gái của các ông TÔNG THẤT 宗室. Từ năm 1841, vì kiêng húy vua Thiệu Trị như đã đề cập trên đây, người ta không được viết TÔNG 宗 mà phải viết 尊 và đọc là TÔN.
2.2. “họ” TÔN NỮ 孫女
Chữ TÔN 孫 viết bằng bộ “tử” 子, nghĩa là “cháu gái vua”, là “họ” dành cho con gái và cháu gái các hoàng tử. (Xem thêm về các “họ”: Công Tôn Nữ, Công Tằng Tô Nữ, Công Huyền Tôn Nữ… ở phần 3.2).
[Nguồn tham khảo: Võ Hương-An, TỪ ĐIỂN NHÀ NGUYỄN, California: Nam Việt xuất bản, 2012, tr. 581]
3. VỀ HỌ NGUYỄN PHÚC VÀ CÁCH ĐẶT TÊN THEO ĐẾ HỆ THI VÀ PHIÊN HỆ THI
Theo sách KHÂM ĐỊNH ĐẠI NAM HỘI ĐIỂN SỰ LỆ, do Nội các triều Nguyễn biên soạn, vào năm Minh Mạng thứ 10 (1829), nhà vua xuống dụ: “… con hoàng tử gọi là công tử, thực chưa hợp lý, vậy từ nay về sau phàm con các hoàng tử đều gọi là hoàng tôn, những cháu của hoàng tử đều gọi là hoàng tằng tôn; các chắt hoàng tử đều gọi là hoàng huyền tôn,về gái cũng theo lệ ấy, không được gọi bừa, nếu ai phạm vào điều đó thì lấy luật trị tội để cho có sự phân biệt” (Nguồn: KHÂM ĐỊNH ĐẠI NAM HỘI ĐIỂN SỰ LỆ, Nxb Thuận Hóa, tập I, 1993, tr. 80).
Từ quy định này cùng với việc ban hành ĐẾ HỆ THI và PHIÊN HỆ THI mà sinh ra cách đặt tên con trai và con gái trong hoàng tộc.
3.1. Về họ và tên của phái nam thuộc họ Nguyễn Phúc (CHÁNH HỆ)
3.1.1. Các bài ĐẾ HỆ THI 帝系詩 và PHIÊN HỆ THI 藩系詩
ĐẾ HỆ THI và PHIÊN HỆ THI là những bài thơ “ngũ ngôn tứ tuyệt” (bốn câu 20 chữ) do vua Minh Mạng đặt ra năm 1822, quy định chữ lót dành cho dòng làm vua (ĐẾ HỆ) và dòng các anh em khác của vua (PHIÊN HỆ) nhằm mục đích phân biệt rõ các dòng và thứ tự trên dưới các đời.
3.1.2. Sự thành hình của ĐẾ HỆ THI và PHIÊN HỆ THI
Vua Gia Long có tất cả 13 hoàng tử. Ba người đầu là hoàng tử Cảnh, hoàng tử Hy và hoàng tử Tuấn đều mất sớm, hoàng tử thứ tư là Nguyễn Phúc Đảm được lập làm Đông cung Thái tử năm 1816, về sau nối ngôi tức vua Minh Mạng.
Vua Minh Mạng lập Tôn Nhơn Phủ để quản lý người hoàng tộc. Trong mục đích hệ thống hóa dòng tộc, năm Minh Mạng thứ 4 (1823), nhà vua làm ra bài thơ ĐẾ HỆ THI, cho khắc trên sách vàng (Kim sách), dành làm chữ lót cho dòng các con cháu của vua, và 10 bài PHIÊN HỆ THI, khắc trên sách bạc (ngân sách), dành cho các dòng con cháu của các anh em vua.
Các bài thơ này giúp phân biệt rõ dòng làm vua và dòng không làm vua, và thứ tự các đời trên dưới, như vua đã nói, “thân sơ phân biệt mà có thể biết rõ được”.
3.1.2.1. ĐẾ HỆ THI 帝系詩 và việc đặt tên cho phái nam của CHÁNH HỆ
綿洪膺寶永
保貴定隆長
賢能堪繼述
世瑞國嘉昌
Phiên âm:
Miên Hồng Ưng Bửu Vĩnh
Bảo Quý Định Long Trường
Hiền Năng Kham Kế Thuật
Thế Thụy Quốc Gia Xương
Dịch nghĩa:
Huân nghiệp lớn do tổ tiên gầy dựng
Gắng giữ gìn cho xứng ân sau
Phồn vinh thịnh đạt dài lâu
Anh tài hiền đức cùng nhau bảo toàn
Đời đời nối nghiệp tiền nhân
Nước nhà hưng vượng muôn phần phát huy
Giải nghĩa:
MIÊN: Trường cửu, phước duyên trên hết
HỒNG (HƯỜNG): Oai hùng, đúc kết thế gia
ƯNG: Nên danh, xây dựng sơn hà
BỬU: Bối báu, lợi tha quần chúng
VĨNH: Bền chí, hùng anh ca tụng
BẢO: Ôm lòng, khí dũng bình sanh
QUÝ: Cao sang, vinh hạnh công thành
ĐỊNH: Tiền quyết, thi hành oanh liệt
LONG: Vương tướng, rồng tiên nối nghiệp
TRƯỜNG: Vĩnh cửu, nối tiếp giống nòi
HIỀN: Tài đức, phúc ấm sáng soi
NĂNG: Gương nơi khuôn phép bờ cõi
KHAM: Đảm đương, mọi cơ cấu giỏi
KẾ: Hoạch sách, mây khói cân phân
THUẬT: Biên chép, lời đúng ý dân
THẾ: Mãi thọ, cận thân gia tộc
THỤY (THOẠI): Ngọc quý, tha hồ phước lộc
QUỐC: Dân phục, nằm gốc giang san
GIA: Muôn nhà, Nguyễn vẫn huy hoàng
XƯƠNG: Phồn thịnh, bình an thiên hạ
Bài ĐẾ HỆ THI được khắc trong một cuốn sách bằng vàng (kim sách), cất trong hòm vàng (kim quỹ) để lưu truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác. Các bài PHIÊN HỆ THI cũng được khắc trong các cuốn sách bằng bạc (ngân sách).
Năm 1945, khi vua Bảo Đại thoái vị, đã nộp lại cho Chính phủ Việt Minh ấn kiếm và kim sách ĐẾ HỆ THI. Hiện nay, kim sách ĐẾ HỆ THI đang được lưu giữ tại Bảo tàng Lịch sử Quốc gia Việt Nam. Sách làm theo khổ chữ nhật đứng, gồm 13 tờ vàng, gồm bìa trước và sau chạm hình rồng bay trong mây và 11 tờ ruột khắc sách văn, gáy đóng 4 khuyên tròn. Ngày 31/3/2016, lần đầu tiên kim sách ĐẾ HỆ THI đã được Bảo tàng Lịch sử quốc gia đưa ra giới thiệu tới quảng đại công chúng trong cuộc trưng bày “Bảo vật hoàng cung: Kim sách triều Nguyễn (1802 – 1945)”.
Theo ĐẾ HỆ THI, các con của vua Minh Mạng sẽ mang chữ lót là “Miên” 綿 , chữ đầu tiên của bài thơ, kế đến đời cháu nội sẽ có chữ lót là “Hồng” 洪, chắt nội là “Ưng” 膺…
Ví dụ:
– Vua Thiệu Trị húy là NGUYỄN PHÚC MIÊN TÔNG 阮福綿宗;
– Vua Tự Đức húy là NGUYỄN PHÚC HỒNG NHẬM 阮福洪任;
– Vua Dục Đức húy là NGUYỄN PHÚC ƯNG CHÂN 阮福膺禛.
Cứ sử dụng theo thứ tự như thế cho đến chữ cuối cùng (“Xương”昌) thì trở lại từ đầu (“Miên” 綿).
Ngoài việc quy định thế thứ bằng chữ lót, vua còn ban cho mỗi đời một bộ chữ Hán để đặt tên. Ví dụ: đời chữ “Miên” 綿 sẽ đặt tên con theo bộ “miên” 宀; kế đến, đời chữ “Hồng” 洪 sẽ đặt tên con theo bộ “nhân”亻, đời chữ “Ưng” 膺 sẽ đặt tên con theo bộ “kỳ (thị)” 示(礻) như thấy trong tên các vua nói trên và ở dưới đây (chữ ở trong ngoặc đơn là bộ).
綿(宀) 洪(亻) 膺(示) 寶(山) 永(玉)
保(阜) 貴(亻) 定(言) 隆(手) 長(禾)
賢(貝) 能(力) 堪(手) 繼(言) 述(忄)
世(玉) 瑞(石) 國(大) 嘉(禾) 昌(忄)
Phiên âm:
Miên (miên) Hồng (nhân) Ưng (thị) Bửu (sơn) Vĩnh (ngọc)
Bảo (phụ) Quý (nhân) Định (ngôn) Long (thủ) Trường (hòa)
Hiền (bối) Năng (lực) Kham (thủ) Kế (ngôn) Thuật (tâm)
Thế (ngọc) Thụy (thạch) Quốc (đại) Gia (hòa) Xương (tâm)
Với bài ĐẾ HỆ THI, vua Minh Mạng mong muốn sau mình, vương triều Nguyễn sẽ truyền nối tới 20 đời. Nhưng cuối cùng chỉ dừng lại ở chữ “Vĩnh” 永 (là Vĩnh Thụy 永瑞, tức vua Bảo Đại), tức là dừng lại ở đời thứ 5 (hết câu 1 trong bài ĐẾ HỆ THI).
3.1.2.2. PHIÊN HỆ THI 藩系詩 và việc đặt tên cho phái nam của PHIÊN HỆ
Có tất cả 10 bài PHIÊN HỆ THI dành cho 10 anh em ruột của vua Minh Mạng; bài dành cho ông hoàng nào thì lấy tước hiệu của ông hoàng đó làm nhan đề.
Ngoài việc đặt chữ lót để phân biệt thế thứ, vua cũng quy định cách đặt tên, tương tự như bên Đế hệ nhưng đơn giản hơn.
Phiên hệ đặt tên theo nguyên tắc “ngũ hành tương sinh”, gồm các bộ “thổ” 土, “kim” 金, “thủy” 水, “mộc” 木, “hỏa” 火, như thấy ghi điển hình trong bài của Anh Duệ hệ dưới đây.
Với nguyên tắc này, ta thấy con của hoàng tử Cảnh là Nguyễn Phúc Mỹ Đường viết tên với bộ “thổ” 土, rồi cháu là Nguyễn Phúc Lệ Chung, viết tên với bộ “kim” 金. Kỳ Ngoại Hầu Cường Để, thuộc đời thứ tư, tên viết với bộ “mộc” 木.
* Bài thứ 1: Dòng Anh Duệ Thái tử Nguyễn Phúc Cảnh
英睿系
美麗英彊壯
聯輝發佩香
令儀崇巽順
偉望表謙光
Phiên âm:
Anh Duệ hệ
Mỹ Duệ Anh Cường Tráng
Liên Huy Phát Bội Hương
Linh Nghi Sùng Tốn Thuận
Vĩ Vọng Biểu Khiêm Quang
Trên đây là nội dung ban đầu. Về sau, vì kiêng húy nên chữ Anh 英 (câu 1) đổi làm Tăng 增. Tương tự, chữ Khiêm 謙 trong câu cuối đổi thành Khôn 坤.
* Bài thứ 2. Dòng Kiến An Vương Nguyễn Phúc Đài
建安系
良敬安仁術
攸行率義方
融怡相式好
高宿彩為章
Phiên âm:
Kiến An hệ
Lương Kính An Hòa Thuật
Du Hành Suất Nghĩa Phương
Dung Di Tương Thức Hảo
Cao Túc Thái Vi Chương
Câu 1, sách NGUYỄN PHÚC TỘC THẾ PHẢ chép: Lương Kiến Ninh Hòa Thuật 良建寧和術.
* Bài thứ 3. Dòng Định Viễn Quận Vương Nguyễn Phúc Bính
定遠系
靖懷瞻遠愛
景仰茂聲華
儼恪由衷達
連忠集吉多
Phiên âm:
Định Viễn hệ
Tịnh Hoài Chiêm Viễn Ái
Cảnh Ngưỡng Mậu Thanh Hoa
Nghiễm Khác Do Trung Đạt
Liên Trung Tập Cát Đa
Vì kiêng húy, chữ Hoa 華 (câu 2) đổi làm chữ Kha 珂; Chữ Khác 恪 (câu 3), sách NGUYỄN PHÚC TỘC THẾ PHẢ chép là Cách 格.
* Bài thứ 4. Dòng Diên Khánh Vương Nguyễn Phúc Tấn
延慶系
延會豐亨合
元逢泰朗宜
厚留成秀妙
衍慶適芳徽
Phiên âm:
Diên Khánh hệ
Diên Hội Phong Hanh Hợp
Nguyên Phùng Thái Lãng Nghi
Hậu Lưu Thành Tú Diệu
Diễn Khánh Thích Phương Huy
Do kiêng húy, chữ Nguyên 元 (câu 2) đổi thành Trọng 重; Chữ Thái 泰 đổi thành Tuấn 儁.
* Bài thứ 5. Dòng Điện Bàn Công Nguyễn Phúc Phổ
奠磐系
信奠思維正
誠存利建貞
肅恭全友議
榮顯襲卿名
Phiên âm:
Điện Bàn hệ
Tín Điện Tư Duy Chính
Thành Tồn Lợi Kiến Trinh
Túc Cung Toàn Hữu Nghị
Vinh Hiển Tập Khanh Danh
Do kiêng húy, chữ Kiến 建 (câu 2) đổi thành Thỏa 妥; Chữ Toàn 全 (câu 3) đổi thành chữ Thừa 承.
* Bài thứ 6. Dòng Thiệu Hóa Quận Vương Nguyễn Phúc Chấn
紹化系
善紹純循理
聞知在敏求
凝麟才至樂
迪道允孚休
Phiên âm:
Thiệu Hóa hệ
Thiện Thiệu Thuần Tuần Lý
Văn Tri Tại Mẫn Cầu
Ngưng Lân Tài Chí Lạc
Địch Đạo Doãn Phu Hưu
Do kiêng húy, chữ Thuần 純 (câu 1) đổi thành chữ Kỳ 期; chữ Cầu 求 (câu 2) đổi thành chữ Du 猷.
* Bài thứ 7. Dòng Quảng Uy Công Nguyễn Phúc Quân
廣威系
鳳符徵啟廣
金玉卓標奇
典學期加志
教彝克自持
Phiên âm:
Quảng Uy hệ
Phượng Phù Trưng Khải Quảng
Kim Ngọc Trác Tiêu Kỳ
Điển Học Kỳ Gia Chí
Giáo Di Khắc Tự Trì
* Bài thứ 8. Dòng Thường Tín Quận Vương Nguyễn Phúc Cự
常信系
常佑遵家訓
臨莊粹盛恭
慎修彌進德
受益懋新功
Phiên âm:
Thường Tín hệ
Thường Hựu Tuân Gia Huấn
Lâm Trang Túy Thạnh Cung
Thận Tu Di Tiến Đức
Thụ Ích Mậu Tân Công
Sách NGUYỄN PHÚC TỘC THẾ PHẢ chép chữ Hựu (câu 1) là chữ Cát. Trong câu 2, sách này cũng chép là Lâm Túy Trang Thịnh Cung. Không rõ lý do.
* Bài thứ 9. Dòng An Khánh Vương Nguyễn Phúc Quang
安慶系
欽華稱懿範
雅止始弘規
愷悌滕勤譽
眷寧共緝熙
Phiên âm:
An Khánh hệ
Khâm Hoa Xưng Ý Phạm
Nhã Chỉ Thủy Hoằng Quy
Khải Đễ Đằng Cần Dự
Quyến Ninh Cộng Tập Hi
Vì kiêng húy, chữ Hoa 華 (câu 1) đổi thành chữ Tòng 從; sách NGUYỄN PHÚC TỘC THẾ PHẢ chép chữ Chỉ 止 (câu 2) là chữ Chính 正.
* Bài thứ 10. Dòng Từ Sơn Công Nguyễn Phúc Mão
慈山系
慈寀揚瓊錦
敷文藹耀彰
百支皆輔翼
萬葉効匡襄
Phiên âm:
Từ Sơn hệ
Từ Thái Dương Quỳnh Cẩm
Phu Văn Ái Diệu Chương
Bách Chi Giai Phụ Dực
Vạn Diệp Hiệu Khuông Tương
Theo NGUYỄN PHÚC TỘC THẾ PHẢ, vì kiêng húy, chữ Giai 皆 trong câu 3 thay bằng chữ Quân 勻. Sách này cũng chép khác: Thái 寀 (câu 1) chép là Thể 采; Chương 彰 (câu 2) chép là Dương 陽.
Chữ 敷 trong câu 2 nên đọc là “Phu” như trong NGUYỄN PHÚC TỘC THẾ PHẢ thì đúng hơn là đọc “Phù” như của Boudet (Xem: Boudet, “Les Archives des Empereurs d’Annam et Histoire Annamite”, BAVH, No 3, 1942).
Các chữ này NGUYỄN PHÚC TỘC THẾ PHẢ chép đúng thực tế hiện hành.
3.2. Về họ và tên của phái nữ thuộc họ Nguyễn Phúc (CHÁNH HỆ)
Theo quy định nói trên của vua Minh Mạng vào năm 1829, thì:
– Con gái của hoàng tử (tức cháu nội vua) sẽ được gọi là CÔNG TÔN NỮ 公孫女…
– Cháu nội gái của hoàng tử (tức chắt nội vua) sẽ được gọi là CÔNG TẰNG TÔN NỮ 公曾孫女…
– Chắt nội gái của hoàng tử (tức chút nội vua) sẽ được gọi là CÔNG HUYỀN TÔN NỮ 公玄孫女…
– Chữ CÔNG 公 cho biết người phụ nữ này thuộc dòng dõi của một hoàng tử họ Nguyễn Phúc.
– Chữ TÔN NỮ 孫女 cho biết người phụ nữ này là cháu gái của vua sanh ra hoàng tử đó.
– Chữ TẰNG 曾 cho biết người phụ nữ này là cháu gái đời thứ tư (chắt) của vua sanh ra hoàng tử đó.
– Chữ HUYỂN 孫 cho biết người phụ nữ này là cháu gái đời thứ năm (chút) của vua sanh ra hoàng tử đó.
Đối với người hoàng tộc, việc này không có gì khó hiểu, nhưng đối với dân chúng, người ta không rõ nguồn gốc, hiểu lầm rằng đó là một “họ” đặc biệt của Huế và sự hiểu lầm này đã thành nếp.
– Lúc đầu thì các gia đình hoàng tộc thuộc ĐẾ HỆ phải đặt chữ CÔNG 公 ở đàng trước tên con gái nhưng sau thấy dài dòng quá, bỏ bớt đi cho tiện giấy tờ và giao dịch. Như vậy, thực chất, không có sự khác biệt giữa CÔNG HUYỀN TÔN NỮ 公玄孫女 và HUYỀN TÔN NỮ 玄孫女.
– Về sau này, nhất là sau khi chế độ quân chủ chấm dứt vào tháng 8.1945, khuynh hướng chung của con cháu thuộc ĐẾ HỆ là gọi con gái một cách vắn tắt bằng TÔN NỮ mà thôi, không TẰNG hay HUYỀN nữa, và hiện nay thì đa số trở lại họ gốc NGUYỄN PHÚC.
Như vậy:
* CÔNG TÔN NỮ 公孫女 nguyên nghĩa là cháu nội gái của vua, con gái của hoàng tử, tức là dòng Nguyễn Phúc (CHÁNH HỆ), khác với các TÔN NỮ 尊女 với chữ TÔN viết là 尊, là cháu / chắt / chút… gái của dòng TÔN THẤT 尊室 (TIỀN HỆ).
* CÔNG TẰNG TÔN NỮ 公曾孫女 hay TẰNG TÔN NỮ 曾孫女, là một phụ nữ thuộc hoàng tộc nhà Nguyễn, có họ Nguyễn Phúc, là cháu bốn đời của một vua nào đó, tức chắt nội gái của vua, cháu gọi vua bằng ông Cố.
* CÔNG HUYỀN TÔN NỮ 公玄孫女 hay HUYỀN TÔN NỮ 玄孫女, là một phụ nữ thuộc hoàng tộc nhà Nguyễn, có họ Nguyễn Phúc, là cháu năm đời của một vua nào đó, tức chút nội gái của vua, cháu gọi vua bằng ông Sơ.
————————
Edit by: Hue Viewers