Hãng xe công nghệ và công ty thời trang xin lỗi vì hiển thị sai chủ quyền Việt Nam

0 148

Một hãng xe công nghệ danh tiếng ở khu vực và một hãng thời trang ở Việt Nam vừa phải xóa bỏ thông tin bị cho là sai lệch về chủ quyền biển đảo của quốc gia Đông Nam Á trên ứng dụng của họ và đưa ra lời xin lỗi trước phản ứng dữ dội từ cộng đồng mạng, theo truyền thông trong nước.

Cũng trong mấy ngày qua, đơn vị tổ chức một giải bơi lội quốc tế bị nhà chức trách tỉnh Khánh Hòa xử phạt hàng chục triệu đồng vì dùng bản đồ được cho là thể hiện thông tin “xâm phạm chủ quyền lãnh thổ Việt Nam.”

Các báo mạng ở Việt Nam cuối tuần qua đưa tin rằng bản đồ trên ứng dụng của hãng xe công nghệ Grab hiển thị thông tin mà người dùng phát hiện ra là không đúng về chủ quyền biển đảo của quốc gia Đông Nam Á. Theo Dân Trí, bản đồ trên ứng dụng của hãng xe đang có hàng triệu người dùng ở Việt Nam bị phát hiện có nhiều khu vực thuộc quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa mà Việt Nam tuyên bố chủ quyền lại hiển thị bằng tên tiếng Trung Quốc và tiếng Anh vào ngày 8 và 9.

Sau khi nhận được phản ánh trong 2 ngày cuối tuần, công ty này hôm 10/4 nói đã xóa bỏ những thông tin “sai lệch được hiển thị” và theo Dân Trí, phía Grab Việt Nam cho biết sự việc “không liên quan đến sự tôn trọng của Grab đối với đất nước và nhân dân Việt Nam” đồng thời xin lỗi về những quan ngại có thể phát sinh.

Grab, công ty có trụ sở ở Singapore, bắt đầu cung cấp dịch vụ gọi xe ô tô trực tuyến GrabTaxi và GrabCar ở Việt Nam từ năm 2014 và sau đó mở rộng sang GrabBike cho dịch vụ vận chuyển hành khách bằng xe máy và GrabExpress cho dịch vụ chuyển phát.

Cùng ngày 10/4, Công ty cổ phần thời trang Yody cũng đưa ra lời xin lỗi trước việc dùng hình ảnh bản đồ Việt Nam thiếu hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, nơi Việt Nam tuyên bố chủ quyền chồng chéo với Trung Quốc và một số nước khác trong khu vực.

Trong thông cáo báo chí được đăng trên trang web chính thức để xin lỗi vụ việc, Công ty Cổ phần Thời trang Yody, có trụ sở chính ở Hải Dương, nói rằng hãng “thừa nhận đã để xảy ra thiếu sót” trong một video truyền tải thông điệp cảm ơn khách hàng nhân dịp 9 năm thành lập công ty. Yody cho biết sai sót xảy ra do bộ phận truyền thông đã “sơ suất trong quá trình xử lý hình ảnh và kiểm duyệt nội dung của video.”

Trước việc nhiều người dùng mạng kêu gọi tẩy chay hãng thời trang này, Yody cho biết công ty là một thương hiệu “dân tộc” được lập ra bởi một doanh nghiệp Việt Nam nên có “tinh thần Việt Nam mạnh mẽ” với mục tiêu đưa thời trang Việt ra thế giới. Hãng có 230 cửa hàng trên 52 tỉnh thành phố ở Việt Nam, theo thông cáo báo chí của công ty.

Cũng vào cuối tuần qua, Công ty cổ phần sự kiện Peak – nhà tổ chức giải bơi quốc tế Oceanman – bị công an tỉnh Khánh Hòa xử phạt 25 triệu đồng vì “vi phạm quy định pháp luật” liên quan đến việc dùng bản đồ ‘sai lệch’ tương tự như trường hợp của Grab và Yody.

Công an tỉnh Khánh Hòa cho biết trang thông tin điện tử chính thức của giải bơi có đăng bản đồ vị trí của giải, lấy nguồn từ bản quyền bản đồ của Leaflet, OpenStreetMap – một đơn vị tư nhân, đã thể hiện thông tin “xâm phạm chủ quyền lãnh thổ Việt Nam về quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa,” theo Tiền Phong.

Theo tờ báo này, công an Khánh Hòa cho biết bản đồ được dùng cho giải bơi hiển thị khu vực quần đảo Trường Sa có một phần lãnh thổ của Việt Nam được chú thích với tên gọi đảo Hải Dương bằng tiếng Trung Quốc. Vẫn theo Tiền Phong, vùng biển thuộc chủ quyền của Việt Nam ở Trường Sa có chú thích là quận Tam Sa và phần quần đảo Hoàng Sa có chú thích là quận Tây Sa, đều ghi bằng tiếng Trung Quốc.

Trung Quốc hồi tháng 4/2020 tuyên bố thành lập hai huyện Tây Sa và Tam Sa, thuộc thành phố Tam Sa của tỉnh Hải Nam ở nước này với các trụ sở được đặt ở đảo Phú Lâm thuộc quần đảo Hoàng Sa và đảo đá Chữ Thập thuộc quần đảo Trường Sa mà Việt Nam tuyên bố chủ quyền. Việt Nam lúc đó đã lên tiếng phản đối hành động này của Trung Quốc.

Nhà tổ chức Oceanman bị yêu cầu gỡ bỏ các nội dung mà tỉnh Khánh Hòa cho là vi phạm pháp luật Việt Nam.

Lý giải về sự cố, ban tổ chức cuộc thi nói rằng bản đồ được phát triển từ đơn vị thứ 3 mà họ sử dụng không nằm trong sự kiểm soát và sở hữu của Oceanman toàn cầu.

Trước đây đã có nhiều trường hợp thông tin chủ quyền của Việt Nam được cho là bị thể hiện sai lệch. Trong triển lãm ô tô năm 2019, hãng xe Volkswagen của Đức trưng bảy chiếc xe nhập khẩu có bản đồ “đường lưỡi bò” và Tổng cục Hải quan Việt Nam phải đã chỉ đạo các chi nhánh trong cả nước kiểm tra các lô hàng xe ô tô nhập khẩu từ Trung Quốc.

Đường “lưỡi bò” chín đoạn được Trung Quốc đưa ra để tuyên bố chủ quyền hầu hết khu vực Biển Đông bị một tòa trọng tài quốc tế ở La Haye bác bỏ năm 2016. Nhưng theo một báo cáo của Viện nghiên cứu Chiến lược Quốc tế CSIS ở Mỹ đưa ra hồi tháng 7/2020, Trung Quốc trong những năm gần đây đã tìm cách phát tán rộng rãi bản đồ này ở mọi nơi, thông qua bản đồ, quần áo, phim ảnh… để thuyết phục thế giới thay đổi nhận thức và chấp nhận yêu sách chủ quyền của họ.

Theo VOA

Leave A Reply

Your email address will not be published.