Nhà hoạt động Lê Văn Dũng bị tuyên y án năm năm tù giam, năm năm quản chế
TVN
Phiên xử phúc thẩm ông Lê Văn Dũng, hay còn gọi là Lê Dũng Vova vừa diễn ra sáng 16/8/2022 tại Tòa án nhân dân cấp cao, Hà Nội. Ông Dũng bị cáo buộc Tuyên truyền chống Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.
Chủ tọa phiên tòa là ông Nguyễn Văn Sơn.
Vợ ông Dũng, bà Huệ Bùi cho biết trên Facebook cá nhân rằng mặc dù chính quyền nói phiên tòa công khai nhưng bà không được vào dự, thậm chí đứng bên ngoài tòa ‘còn bị xua đuổi’.
Trước đó, vào ngày 23-3, TAND TP Hà Nội tuyên phạt ông Dũng 5 năm tù về tội tuyên truyền chống Nhà nước.
Trên trang facebook cá nhân, Luật sư Đặng Đình Mạnh cho hay một ngày trước phiên xử ông Dũng, luật sư Mạnh đã vào Trại tạm giam số 1 (Hỏa Lò), Hà Nội để làm việc với ông Dũng, Trịnh Bá Phương, Nguyễn Thị Tâm và Phạm Thị Đoan Trang.
Ông Lê Văn Dũng và các phạm nhân khác đều ổn, ngoại trừ bà Phạm Đoan Trang, theo luật sư Mạnh.
Ngay trước phiên tòa, ông Phil Robertson, Phó Giám đốc khu vực châu Á của Tổ chức Theo dõi Nhân quyền (HRW) đã lên tiếng:
“Cần lập tức hủy bỏ bản án không có thật, hoàn toàn vì động cơ chính trị đối với Lê Văn Dũng và cần trả tự do cho ông ngay lập tức.
“Việc sử dụng Internet để lên tiếng về sự bất công và yêu cầu cải cách không nên bị coi là một tội ác, và bằng cách truy tố ông Lê Văn Dũng, Việt Nam cho thấy họ đã trở thành một nhà nước độc tài, lạm quyền. Bản án năm năm tù giam của Lê Văn Dũng vào tháng Ba thể hiện cách các quan chức trả đũa những công dân thể hiện chính kiến.
“Chính phủ Việt Nam kiểm soát tất cả các phương tiện truyền thông trong nước, bao gồm báo chí và các ấn phẩm khác cũng như các chương trình phát thanh và truyền hình, và các cơ quan truyền thông này là công cụ tuyên truyền cho Đảng Cộng sản Việt Nam.
“Thái độ kiểm soát và toàn trị của các quan chức có nghĩa là không phải ngẫu nhiên mà họ muốn dập tắt một số ít cá nhân độc lập, dũng cảm còn sót lại – những người sử dụng mạng xã hội để nói ý kiến chỉ trích chính phủ.
“Việc ông Dũng bị bắt giam cho thấy nhà cầm quyền coi thường các hiệp ước nhân quyền quốc tế, như Công ước quốc tế về các quyền dân sự và chính trị, được Hà Nội phê chuẩn. “