Noam Chomsky – “Trách nhiệm của những người trí thức”

Huỳnh Duy Lộc

0 708

“Những người trí thức ở một vị thế có thể vạch ra sự dối trá của những chính quyền, phân tích các hành động dựa theo những nguyên do, những động cơ và những ý hướng nhiều khi bị che giấu” (Noam Chomsky)

Noam Chomsky sinh ngày 7 tháng 12 năm 1928 tại thành phố Philadelphia, bang Pennsylvania, cùng với cha mẹ biết thế nào là những ngày ảm đạm của thời kỳ Đại suy thoái. Ông lớn lên cùng với một người em trai và tuy gia đình ông thuộc tầng lớp trung lưu, ông cũng đã chứng kiến nhiều cảnh bất công trong thế giới ở chung quanh ông. Một trong những hồi ức đầu đới của ông là thấy cảnh những nhân viên an ninh đánh đập những những công nhân lãng công ở một xí nghiệp dệt may. Bà Elsie, mẹ ông, là một phụ nữ đã tham gia đấu tranh chính trị từ thập niên 1930, còn ông William, cha ông, là một người Do Thái ở Nga nhập cư, làm giáo sư tiếng Do Thái ở Đại học Gratz, một trường đại học đào tạo các giáo viên.

Năm 10 tuổi, Chomsky đã viết một bài báo cho tờ báo của trường về sự trỗi dậy của chủ nghĩa phát xít sau khi cuộc Nội chiến Tây Ban Nha bùng nổ. Điều gây ngạc nhiên là ông đã giữ tư liệu trong bài báo này để nhiều năm sau viết một bài khảo luận gởi cho Đại học New York. Năm 13 tuổi, ông du lịch từ thành phố Philadelphia tới thành phố New York, lắng nghe những người lớn bàn luận về những đề tài như thuốc lá và những tạp chí khi ra phụ giúp người chú của ông bán báo ở sạp báo ở cuối đường hầm 72nd Street. Chomsky rất ngưỡng mộ chú của ông, một người tuy ít học, nhưng rất am hiểu mọi chuyện trong thế giới ở xung quanh. Quan điểm chính trị của Chomsky đã hình thành từ những trải nghiệm sống động này, những trải nghiệm cho thấy tất cả mọi người dân bình thường đều có thể hiểu được chính trị, kinh tế và có thể đưa ra những quyết định của mình. Quyền lực phải được kiểm nghiệm trước khi nó buộc người dân tuân theo mọi mệnh lệnh của nó.

Khi Thế chiến thứ hai sắp sửa kết thúc, ông bắt đầu học ở Đại học Pennsylvania và chẳng hứng thú gì lắm với những giờ học trên giảng đường cho tới khi ông gặp giáo sư Zellig S. Harris, một nhà ngôn ngữ học Mỹ đã đề xướng ngôn ngữ học cấu trúc (chia nhỏ ngôn ngữ thành những bộ phận nhỏ hay những cấp độ nhỏ). Chomsky thấy hứng thú khi phát hiện ngôn ngữ có thể bộc lộ nhiều điều về xã hội. Giáo sư Harris thì chú ý tới Chomsky vì thấy chàng sinh viên trẻ có nhiều tiềm năng, đã hết lòng giúp đỡ ông trong 4 năm học cử nhân. Giáo sư Harris đã giới thiệu Chomsky với nhà toán học Nathan Fine và 2 triết gia Nelson Goodman và W. V. Quine của Đại học Harvard. Tuy là một sinh viên rất chuyên cẩn, Chomsky có quan điểm khác với Goodman: theo Goodman, trí óc con người giống như một trang giấy trắng, trong khi Chomsky cho rằng những khái niệm cơ bản của ngôn ngữ là những khái niệm bẩm sinh của trí óc con người chỉ bị ảnh hưởng bởi môi trường ngôn ngữ ở chung quanh. Ông trình luận án cao học vào năm 1951 về đề tài “Hình thái âm vị học của tiếng Do Thái hiện đại”.

Noam Chomsky và người vợ thứ hai kết hôn khi ông đã 85 tuổi

Năm 1949, Chomsky kết hôn với nữ chuyên gia giáo dục Carol Schatz và cuộc hôn nhân này kéo dài suốt 59 năm, cho đến khi vợ ông chết vì bệnh ung thư vào năm 2008. Sau đám cưới, vợ chồng Chomsky sang Israel sống một thời gian ngắn trong một kibbutz rồi trở về Pennsylvania. Ông học tiếp ở Đại học Pennsylvania và viết những bài khảo cứu cho Đại học Harvard, những bài khảo cứu về sau sẽ được giới thiệu trong một trong những tác phẩm nổi tiếng nhất của ông là “Syntactic Structures” (1957).

Năm 1955, Viện Công nghệ Massachusetts (Massachusetts Institute of Technology – MIT) mời ông giảng dạy, và từ năm ấy cho tới khi về hưu vào năm 2005, ông giảng dạy ở phân ban Ngôn ngữ học và Triết học và làm giáo sư thỉnh giảng ở nhiều trường đại học như Đại học Columbia, UCLA, Đại học Princeton và Đại học Cambridge. Ông đã đưa “ngữ pháp tạo sinh” (transformational grammar) vào ngôn ngữ học. Ông cho rằng các ngôn ngữ có tính cách bẩm sinh và những khác biệt chúng ta thấy có được là do những tham số (parameter) thay đổi theo thời gian trong bộ não của chúng ta; điều này giải thích được vì sao trẻ nhỏ học các ngoại ngữ nhanh hơn và dễ dàng hơn người lớn.
Trẻ em được giả định là có năng lực bẩm sinh (innate knowledge) về những cấu trúc ngữ pháp cơ bản chung cho các ngôn ngữ tự nhiên, nghĩa là ngôn ngữ nào cũng chứa đựng một số hữu hạn những thành tố giống nhau. Tri thức bẩm sinh này thường mang tên “ngữ pháp phổ quát”. Đó là một ngữ pháp hình thức có “tính tạo sinh” (productivity): với một tập hợp hữu hạn các quy tắc ngữ pháp và một tập hợp hữu hạn các từ ngữ, con người có thể tạo ra vô hạn các câu, kể cả các câu mà chưa bao giờ họ nói hoặc nghe thấy.

Vào thập niên 1990, Richard Kayne, một nhà nghiên cứu nổi tiếng theo trường phái Chomsky, đã chứng minh rằng tất cả các ngôn ngữ đều có cấu trúc chìm (underlying structure) theo trật tự S – V – O, một điều không thể chấp nhận được vào thập niên 1960.

Một trong những đóng góp nổi tiếng nhất của Chomsky là cái mà các nhà ngôn ngữ học đương thời gọi là “Trật tư Chomsky” (Chomsky Hierarchy) phân chia các ngữ pháp thành những nhóm vận hành theo những khả năng biểu đạt của chúng.

Các tác phẩm ngôn ngữ học đã xuất bản của ông gồm có: “Current Issues in Linguistic Theory” (1964), “Aspects of the Theory of Syntax” (1965), “The Sound Pattern of English” (viết chung với Morris Halle, 1968), “Language and Mind” (1972), “Studies on Semantics in Generative Grammar” (1972) và “Knowledge of Language” (1986).

Noam Chomsky cũng là gương mặt nổi bật nhất trong số những nhà chính trị Mỹ cấp tiến, được coi là một trong những người phê bình thuộc cánh tả có ảnh hưởng nhất tới chính sách ngoại giao của Hoa Kỳ. Ông tham gia nhiều hoạt động chính trị và viết rất nhiều sách, nhiều bài báo trên các tạp chí. Ông là uỷ viên hội đồng (Senior Scholar) của Viện Nghiên cứu chính trị (Institute for Policy Studies). Vài năm trước đây, trong một cuộc bình chọn 11 người xứng đáng đứng đầu một nhà nước toàn cầu (global government), ông được xếp hạng 4 (sau Nelson Mandela, Bill Clinton và Đức Đạt Lai Lạt Ma). Ông nổi tiếng thế giới với những quan điểm chính trị. Những phê bình liên tục và vang dội của ông có ảnh hưởng to lớn tới chính sách đối ngoại của Hoa Kỳ. Những người đứng đầu chính quyền Mỹ coi ông là một gương mặt phản kháng. Thậm chí Chomsky từng nhận được những lời đe doạ tính mạng vì phê phán chính sách đối ngoại của Hoa Kỳ. Ông quan tâm tới nhiều lĩnh vực khác nhau: chủ nghĩa khủng bố, vấn đề toàn cầu hoá, chủ nghĩa xã hội, truyền thông đại chúng, vấn đề Trung Đông, phê bình giới trí thức, nhất là trí thức Mỹ và Pháp…

Các tác phẩm về chính trị đã xuất bản của ông gồm có: “American Power and the New Mandarins” (1969), “Peace in the Middle East?” (1974), “Manufacturing Consent: The Political Economy of the Mass Media” (viết chung với Edward S. Herman, 1988), “Profit over People” (1998), “Rogue States” (2000), “9-11: Was There an Alternative?” về cuộc tấn công khủng bố ngày 11 tháng 9 năm 2001 và ảnh hưởng của nó trên chính sách đối ngoại của Hoa Kỳ, “Hegemony or Survival” (2003), “Gaza in Crisis” (viết chung với Ilan Pappé, 2010) và “On Western Terrorism: From Hiroshima to Drone Warfare” (2013).

Năm 2014, ở tuổi 85, Chomsky kết hôn lần thứ hai với bà Valeria Wasserman.

Chomsky là người phản kháng cuộc chiến tranh Việt Nam với bài tiểu luận nổi tiếng “Trách nhiệm của những người trí thức” (The Responsibility of Intellectuals).

Câu trích từ tiểu luận này: “Intellectuals are in a position to expose the lies of governments, to analyze actions according to their causes and motives and often hidden intentions” (Những người trí thức ở một vị thế có thể vạch ra sự dối trá của những chính quyền, phân tích các hành động dựa theo những nguyên do, những động cơ và những ý hướng nhiều khi bị che giấu).

HUỲNH DUY LỘC

Leave A Reply

Your email address will not be published.