Walter Isaacson tiết lộ vì sao Starlink bị ngắt kết nối trong cuốn tiểu sử về Elon Musk

Huỳnh Duy Lộc

0 542

Walter Isaacson sinh năm 1952 tại thành phố New Orleans, bang Louisiana của Mỹ, là người Mỹ gốc Do Thái. Sau một thời gian theo học khoa Lịch sử và Văn học ở Đại học Harvard và học ở Đại học Oxford của Anh nhờ một học bổng Rhodes Scholar, anh đã làm phóng viên cho các báo The Sunday Times tại London, báo New Orleans Times-Picayune và tạp chí Time vào năm 1978. Vào tháng 7 năm 2001, anh thay thế Tom Johnson làm giám đốc điều hành của CNN, lãnh đạo các phóng viên và các phòng ban của CNN thực hiện các bản tin và phóng sự sau vụ khủng bố ngày 11 tháng 9 năm 2001 ở Mỹ. Đến tháng 1 năm 2003, anh thôi làm giám đốc điều hành của CNN, chuyển qua làm chủ tịch và giám đốc điều hành của Viện Aspen (Aspen Institute) rồi đến năm 2008 từ chức để giảng dạy ở Đại học Tulane (New Orleans, bang Louisiana).

Anh bắt đầu viết tiểu sử của những danh nhân hay nhân vật nổi tiếng như Benjamin Franklin, Albert Einstein, Steve Jobs và Leonardo da Vinci. Anh đã giải thích vì sao mình viết cuốn tiểu sử Leonardo da Vinci sau cuốn tiểu sử Steve Jobs rất thành công: “Benjamin Franklin không phải là người có học vấn uyên thâm nhất trong số những nhà sáng lập nước Mỹ. Nhưng ông là người sáng tạo nhất. Ông thả một con diều để chứng minh sét là điện, và rồi phát minh cột thu lôi để thuần phục nó. Tinh thần đổi mới của ông, giống như nhiều thiên tài sáng tạo khác, xuất phát từ mối quan tâm trải rộng trên tất cả các lãnh vực, từ nghệ thuật đến khoa học nhân văn cho tới khoa học và kỹ thuật. Tình yêu khoa học của Franklin khiến tôi muốn viết tiểu sử của Einstein, người đã xây dựng bộ đôi lý thuyết của kỷ nguyên chúng ta – thuyết tương đối và thuyết cơ học lượng tử… Sau khi viết tiểu sử của Franklin và Einstein, tôi nhận được cuộc gọi của Steve Jobs. Anh nói: “Tiếp đến là tôi nhé”. Phản ứng đầu tiên của tôi là khẽ bật cười: “Franklin, Einstein rồi anh ư?” Tôi nói với anh là chúng ta nên đợi vài thập kỷ nữa, cho đến khi anh về hưu đã. Nhưng sau đó tôi được biết anh bị ung thư, và tôi nhận ra mình không thể chờ đợi lâu thêm nữa.

Niềm đam mê đối với sự hoàn hảo và động lực bạo liệt của Steve Jobs đã tạo nên cuộc cách mạng trên 7 lãnh vực: máy tính cá nhân, phim hoạt hình, âm nhạc, điện thoại, máy tính bảng, xuất bản công nghệ số và cửa hàng bán lẻ. Jobs lưu ý rằng các nhân vật trước đây của tôi đều là những người luôn đứng ở giao điểm giữa nghệ thuật, nhân văn và khoa học, và anh giải thích rằng đó cũng chính là chủ đề xuyên suốt cuộc đời anh. Anh đã có thể thành công chính là bởi anh biết cái đẹp có ý nghĩa quan trọng như thế nào. Công nghệ phải kết nối với chúng ta qua cảm xúc… Tất cả những nhân vật kể trên đều dẫn tôi đến với Leonardo da Vinci, hình mẫu xác đáng nhất về một con người đã gắn kết được cả nghệ thuật và khoa học, nhân văn và công nghệ. Leonardo tò mò về mọi thứ. Ông nhận ra cái đẹp trong cả câu đố toán học cổ đại về phép cầu phương hình tròn lẫn khi kiếm tìm những dấu vết của cảm xúc qua nụ cười thấp thoáng của một người phụ nữ. Và đó chính là điều khiến ông một cách tự nhiên trở thành đỉnh cao tột bậc trong sự nghiệp khám phá những thiên tài sáng tạo của tôi”.

Cuốn tiểu sử “Elon Musk” của Walter Isaacson do nhà xuất bản Simon & Schuster ấn hành đã ra mắt vào ngày 12 tháng 9 năm 2023. Trong cuốn sách này, Walter Isaacsson tiết lộ rằng hồi năm 2022, Elon Musk đã bí mật yêu cầu các kỹ sư ngắt kết nối vệ tinh Starlink để ngăn các tàu ngầm không người lái của Ukraine tập kích Hạm đội Biển Đen của Nga (Starlink là tập hợp hơn 4.000 vệ tinh được SpaceX xây dựng để cung cấp Internet vệ tinh cho hơn 50 quốc gia trên thế giới).

Các tàu ngầm không người lái mang theo chất nổ đang chuẩn bị tấn công các tàu thuộc Hạm đội Biển Đen của Nga thì bỗng nhiên mất kết nối, bị lạc hướng và trôi dạt vào bờ. Một quan chức Ukraine đã chỉ trích Elon Musk ra lệnh cho các kỹ sư ngắt mạng vệ tinh Starlink ở khu vực bán đảo Crimea, và một trợ lý hàng đầu của Tổng thống Ukraine là ông Mykhailo Podolyak đã khẳng định chính quyết định này của Elon Musk đã cho phép hạm đội Nga phóng tên lửa Kalibr vào các thành phố của Ukraine: “Hậu quả là người dân và trẻ em thiệt mạng”, ông Podolyak viết trên mạng xã hội X (trước đây là Twitter) hôm 7.9.2023. Khi ấy, Phó thủ tướng kiêm Bộ trưởng Bộ Chuyển đổi số Ukraine Mykhailo Fedorov đã xin Elon Musk khôi phục kết nối của Starlink để các tàu ngầm không người lái của Kiev có thể tấn công Hạm đội Biển Đen của Nga, nhưng anh đã từ chối vì lo ngại cuộc tấn công của Ukraine vào các tàu của Hạm đội Biển Đen của Nga sẽ kích động Điện Kremlin phát động cuộc chiến tranh hạt nhân. Elon Musk nói: “Tôi nghĩ nếu cuộc tấn công đánh chìm hạm đội Nga của Kiev thành công, chiến sự Nga – Ukraine sẽ trở nên giống như một Trân Châu Cảng thu nhỏ và từ đó sẽ khiến cuộc chiến leo thang. Starlink không có ý định tham gia các cuộc chiến tranh. Starlink là để mọi người có thể xem Netflix, thư giãn và làm những điều tốt đẹp trong hòa bình chứ không phải các cuộc tấn công bằng máy bay không người lái”.

Elon Musk cũng tiết lộ với Walter Isaacson rằng quyết định ngắt kết nối Starlink đã được anh thảo luận trong cuộc điện đàm với cố vấn an ninh quốc gia Mỹ Jake Sullivan và chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng Liên quân Mỹ, đại tướng Mark Milley.

Walter Isaacson cho biết: “1 giờ trước khi phát động cuộc chiến xâm lược Ukraine vào ngày 24.2.2022, Nga đã dùng mã độc Malware tấn công để vô hiệu hoá các thiết bị định tuyến (thiết bị mạng chuyển tiếp dữ liệu giữa các mạng máy tính) của Công ty vệ tinh Viasat của Mỹ. Hệ thống chỉ huy của quân đội Ukraine bị vô hiệu hóa nên không thể khởi động một cuộc phản công. Các chỉ huy cao cấp của quân đội Ukraine đã cầu cứu Elon Musk và Phó thủ tướng thứ nhất của Ukraine Mykhailo Podolyak đã lên mạng Twitter yêu cầu Elon Musk tái lập kết nối Internet: “Chúng tôi yêu cầu anh cung cấp cho Ukraine những trạm chuyển tiếp tín hiệu Internet của Starlink”. Elon Musk đã đồng ý. 2 ngày sau, 500 thiết bị đầu cuối máy tính được chuyển đến Ukraine. Gwynne Shotwell gởi email cho Elon Musk thông báo: “Quân đội Mỹ giúp chúng tôi trong việc vận chuyển, Chính phủ Mỹ cho chúng tôi những chuyến bay nhân đạo và một sự bù đắp. Mọi người chắc chắn đang liên kết với nhau”. Lauren Dreyer, giám đốc điều hành hoạt động Starlink của Công ty SpaceX, đã cập nhật thông tin cho Elon Musk 2 lần mỗi ngày. “Hôm nay Nga tấn công triệt phá cơ sở hạ tầng của Ukraine và một số thiết bị của Starlink đã cho phép Bộ Quốc phòng Ukraine tiếp tục điều phối hoạt động quân sự”, cô viết vào ngày 1 tháng 3. Các thiết bị này là vấn đề sống còn vì đối phương tấn công vào cơ sở hạ tầng nên Ukraine yêu cầu gởi thêm nhiều thiết bị nữa”.

Ngày hôm sau, SpaceX gởi thêm 2.000 thiết bị định tuyến qua ngã Ba Lan. Mỗi ngày trong tuần lễ ấy, Elon Musk gặp gỡ các kỹ sư của Starlink. Khác với các công ty khác và thậm chí khác với một số cơ quan của quân đội Mỹ, họ có thể tìm ra cách để triệt tiêu hoạt động phá hoại của Nga. Vào ngày chủ nhật, SpaceX đã kết nối được bằng giọng nói với một đơn vị đặc biệt của Ukraine. Các thiết bị định tuyến của Starlink cũng cho phép kết nối Bộ chỉ huy quân đội Ukraine với Hội đồng tham mưu trưởng Liên quân Mỹ và giữ được các chương trình truyền hình tại Ukraine. Chỉ trong vài ngày, 6.000 thiết bị định tuyến nữa được vận chuyển tới Ukraine và đến tháng 7 năm 2022, có tới 15.000 thiết bị định tuyến của Starlink tại Ukraine…

“Đây có thể là một thảm họa lớn lao”, Elon Musk nhắn tin cho tôi. Đó là một buổi tối thứ sáu của tháng 7 năm 2022 và Elon Musk đang khủng hoảng tinh thần. Một vấn đề nguy hiểm và gai góc vừa phát sinh và anh tin rằng sẽ có khả năng nó dẫn tới một cuộc chiến tranh hạt nhân mà Starlink cũng có một phần trách nhiệm. Quân đội Ukraine dự định tấn công một hạm đội của Nga neo đậu tại cảng Sevastopol ở Crimea bằng 6 chiếc tàu ngầm không người lái chất đầy chất nổ và quân đội Ukraine đã dùng tín hiệu Internet của Starlink để hướng dẫn các tàu ngầm không người lái đến mục tiêu. Dù anh ủng hộ Ukraine, bản năng của anh về chính sách đối ngoại là bản năng của một người có đầu óc thực tế đã nghiên cứu lịch sử quân sự của châu Âu. Anh nghĩ rằng sẽ là vô ích nếu Ukraine phát động cuộc tấn công tại Crimea đã bị Nga sáp nhập vào năm 2014. Đại sứ Nga đã cảnh báo anh trong một cuộc trò chuyện vài tuần trước đó rằng tấn công Crimea sẽ là vượt qua lằn ranh đỏ, sẽ dẫn tới một cuộc chiến tranh hạt nhân. Elon Musk giải thích cho tôi nghe về những chi tiết của luật pháp Nga và quan điểm cho phép đáp trả bằng một cuộc chiến tranh hạt nhân.

Suốt buổi tối và suốt đêm ấy, Elon Musk đích thân xử lý tình hình. Anh kết luận rằng cho phép dùng Starlink để tấn công hạm đội của Nga sẽ là một thảm họa cho cả thế giới. Vì vậy, anh bí mật chỉ thị cho các kỹ sư tắt Starlink trong phạm vi 100 km ở bờ biển Crimea. Hậu quả là khi các tàu ngầm không người lái của Ukraine đến gần hạm đội Nga ở Sevastopol, kết nối Internet bị ngắt và chúng đã trôi dạt vào bờ…” (Elon Musk, chương Ukraine 2022, tr. 428, 429, 430)…

HUỲNH DUY LỘC

  • Ảnh: cuốn tiểu sử Elon Musk và chân dung Walter Isaacsson

Leave A Reply

Your email address will not be published.