Ernest Hemingway và “Ông già và biển cả”

Huỳnh Duy Lộc

0 651

Ernest Hemingway tên thật là Ernest Miller Hemingway, sinh ngày 21 tháng 7 năm 1899 tại Cicero (hiện nay thuộc Oak Park), bang Illinois của Mỹ. Cha ông là một bác sĩ sống ở vùng ngoại ô thành phố Chicago, thỉnh thoảng đưa mẹ ông và ông lên vùng Ngũ Đại Hồ ở miền Bắc bang Michigan để săn bắn và câu cá nên từ nhỏ, ông đã yêu thích thể thao và cuộc sống ngoài trời. Trong những năm còn học trung học, ông đã viết những bài báo về thể thao cho tờ báo Trapeze and Tabula của trường và ngay sau khi tốt nghiệp trung học, ông đã viết cho tờ Kansas City Star, có được nhiều kinh nghiệm viết lách và lối hành văn gần với báo chí của anh cũng dần dần định hình. Anh có lần kể: “Khi viết cho tờ Kansas City Star, bạn bị bắt buộc phải viết một câu đơn giản và điều đó có ích cho mọi người. Viết báo sẽ không có hại cho một nhà văn trẻ và thậm chí công việc này còn giúp ích cho anh ta khi đã đến lúc phải từ bỏ nó”.

Năm 1918, khi Thế chiến thứ nhất đang diễn ra ác liệt, vì không có đủ sức khỏe để nhập ngũ như những thanh niên Mỹ khác, ông sang Ý lái xe cứu thương cho quân đội Ý. Ông có những hành động dũng cảm trong những ngày lái xe cứu thương nên được tặng thưởng Anh dũng bội tinh bạc của quân đội Ý, nhưng cũng bị thương, phải vào điều trị tại một bệnh viện quân y ở Milan. Trong những ngày dưỡng thương ở đây, ông đã gặp và yêu một nữ điều dưỡng tên Agnes von Kurowsky. Thoạt đầu, nàng nhận lời cầu hôn của ông, nhưng sau đó lại bỏ ông để đến với một tình nhân khác. Nỗi đau đớn khôn cùng khi bị Agnes von Kurowsky phụ tình sau này sẽ được thể hiện qua truyện ngắn “A very short story” và cuốn tiểu thuyết “A Farewell to Arms” (Giã từ vũ khí).

Chàng thanh niên Hemingway 20 tuổi mang nhiều vết thương trên thể xác và vết thương trong tâm hồn đã trở về miền Bắc bang Michigan nghỉ một thời gian rồi làm phóng viên cho tờ Toronto Star. Khi đến thành phố Chicago, ông gặp và yêu một thiếu nữ tên Hadley Richardson, hai người kết hôn và chuyển sang sống tại Paris, thủ đô của nước Pháp, nơi ông làm phóng viên ở nước ngoài cho tờ Toronto Star. Trong thời gian ở Paris, ông gặp nhà văn nữ Gertrude Stein của Mỹ và làm quen với những nhà văn và nghệ sĩ lớn như nhà văn F. Scott Fitzgerald, nhà thơ Ezra Pound, nhà văn James Joyce và họa sĩ Pablo Picasso. Gertrude Stein đã gọi ông và những nhà văn trẻ đã trải qua cuộc thế chiến và đang sống ở nước ngoài là những người thuộc “thế hệ bị đánh mất” (lost generation).

Năm 1923, vợ chồng Hemingway có một đứa con trai đầu lòng và ông cũng bắt đầu tham gia lễ hội San Fermin ở thành phố Pamplona của Tây Ban Nha. Năm 1925, vợ chồng ông đi theo một nhóm người Anh và người Mỹ sống lưu vong sang Pamplona dự lễ hội và những kỷ niệm của chuyến đi này trở thành chất liệu để ông viết cuốn tiểu thuyết đầu tay có nhan đề “The Sun Also Rises” (Mặt trời vẫn mọc). Tác giả Robert Schnakenberg viết: “Giữa các cuộc chiến, Hemingway bắt đầu nếm trải hương vị đầu tiên của danh vọng văn chương. Ông chuyển đến định cư ở Paris, trở thành một phần của cộng đồng lưu vong tại Paris, trong đó có Ezra Pound, F. Scott Fitzgerald và Gertrude Stein. Năm 1926, ông cho xuất bản “Mặt trời vẫn mọc”, một tiểu thuyết gai góc, nhiều mâu thuẫn về một cựu binh chiến tranh bị bất lực, cô người tình khao khát nhục dục của anh và những người bạn lưu vong của anh trong bối cảnh những năm 1920 ở Paris…” (Bí mật cuộc đời các đại văn hào, Robert Schnakenberg, tr. 311).

Ngay sau khi “The Sun Also Rises” ra mắt, ông và Hadley Richardson đã ly dị vì ông đã có quan hệ tình cảm với Pauline Pfeiffer, người phụ nữ sẽ trở thành người vợ thứ hai của ông. Ông tiếp tục viết những truyện ngắn sẽ in trong tập “Men Without Women”, nhưng khi Pauline Pfeiffer đã có mang, ông đã đưa nàng trở về Mỹ. Sau khi đứa con trai thứ hai của ông sinh ra, vợ chồng ông sống ở Key West, bang Florida, và thời gian này ông đã viết xong cuốn tiểu thuyết về Thế chiến thứ nhất có nhan đề “A Farewell to Arms” (Giã từ vũ khí), một tác phẩm sẽ đảm bảo vị trí vững chắc của ông trong nền văn học Mỹ.

Trong những năm của thập niên 1930, khi không viết lách, Hemingway dành phần lớn thời gian để đi săn thú ở châu Phi, đi xem những trận đấu bò ở Tây Ban Nha hay câu cá ở Florida. Năm 1937, khi sang Tây Ban Nha để tường thuật về cuộc nội chiến Tây Ban Nha, ông đã gặp một nữ phóng viên tên Martha Gellhorn. Ông cũng thu thập chất liệu để viết cuốn tiểu thuyết “For Whom the Bell Tolls” (Chuông nguyện hồn ai). Cuộc sống gia đình của ông với Pauline Pfeiffer bị đổ vỡ và sau khi ly dị vợ, ông đã kết hôn với Martha Gellhorn. Vợ chồng ông mua một trang trại gần thủ đô Havana của Cuba để làm nơi nghỉ dưỡng mùa hè. Khi nước Mỹ tham gia Thế chiến thứ hai vào năm 1941, ông làm phóng viên chiến trường, có mặt vào những thời khắc quan trọng như lúc quân Đồng minh đổ bộ lên bãi biển Normandie và tiến về giải phóng thủ đô Paris của nước Pháp khỏi tay phát xít Đức. Khi cuộc chiến kết thúc, ông lại gặp một nữ phóng viên chiến trường tên Mary Welsh, người sẽ trở thành người vợ thứ tư của ông sau khi ly dị với Martha Gellhorn.

Ernest Hemingway, khi bị thương ở Ý.

Năm 1951, cuốn truyện vừa “The Old Man and the Sea” (Ông già và biển cả) của Hemingway ra mắt, giành được giải Pulitzer từ lâu mong đợi. Ông tiếp tục thực hiện những chuyến đi săn ở châu Phi, bị thương nhiều lần và cũng có vài lần thoát chết khi máy bay rơi. Năm 1954, ông được trao giải Nobel Văn chương, nhưng thời kỳ vinh quang nhất trong cuộc đời ông cũng là lúc tinh thần và thể xác của ông bị suy sụp. Dù phải uống nhiều thuốc để chữa bệnh gan và bệnh cao huyết áp, ông vẫn cố sức viết cho xong cuốn hồi ký về những năm tháng tuổi trẻ ở Paris, về sau sẽ được ấn hành với nhan đề “A Moveable Feast” (Một lễ hội di động).

Sáng sớm ngày 2 tháng 7 năm 1961, ông đã tự sát bằng khẩu súng săn của mình trong ngôi nhà ở Ketchum. Robert Schnakenberg cho biết: “Ông đã sống sót qua hai vụ va chạm máy bay, sau mỗi lần đó, ông lại có thêm những chấn thương nội tạng nghiêm trọng. Vào những ngày cuối cùng, ông được cho dùng thuốc an thần liên tục để ngăn ông tự kết liễu đời mình. Vợ ông, Mary, thậm chí còn phải cất những khẩu súng của ông trong tầng hầm khóa trái của ngôi nhà của họ ở Ketchum, Idaho. Thật không may, một Hemingway tuyệt vọng đã tìm ra được chìa khóa, và vào buổi sáng ngày 2 tháng 7 năm 1961, ông đưa cả hai nòng của một khẩu súng săn lên trán và bóp cò…” (Bí mật cuộc đời các đại văn hào, Robert Schnakenberg, tr. 313).

“Ông già và biển cả” là câu chuyện về cuộc chiến đấu kiên cường của một ngư dân già, dày dạn kinh nghiệm với con cá lớn nhất trong đời ông câu được. Suốt 84 ngày, lão ngư dân Santiago ở Cuba đã ra khơi rồi trở về mà chẳng đánh bắt được con cá nào; cha mẹ Manolin, cậu bé đi theo ông để học nghề đánh cá, đã khuyên cậu nên sang một chiếc thuyền khác vì cho rằng vận rủi sẽ đeo đẳng mãi ông lão Santiago. Tuy vậy, mỗi đêm Manolin vẫn chờ Santiago về để chăm sóc ông, mua thức ăn cho ông, trò chuyện với ông về mọi đề tài, trong đó có đề tài yêu thích nhất của ông là môn bóng rổ với người hùng của ông là cầu thủ Joe DiMaggio (chồng của nữ diễn viên Marilyn Monroe). Santiago tin rằng vận rủi sẽ không theo mình mãi nên ngày hôm sau quyết định ra khơi xa hơn để đánh bắt cá. Ông cho thuyền đi thật xa, vượt qua những hòn đảo, đi vào dòng hải lưu của Gulf Stream và buông câu. Buổi trưa hôm ấy, một con cá rất lớn mà ông đoán là cá kiếm (marlin) đã cắn câu, ông cố sức kéo nó lên mà không được, nó lại lôi thuyền của ông đi trên biển. Sợ buộc dây vào mạn thuyền sẽ làm con cá sổng mất, ông dùng tay và vai níu giữ dây, để cho con cá mặc sức kéo thuyền của ông đi suốt hai ngày, hai đêm. Thoạt đầu, nó lội về phía Tây Bắc cho tới khi mệt lả rồi lại theo dòng hải lưu lội về phía Đông. Suốt thời gian ấy, con cá vùng vẫy nhiều lần làm cho dây câu siết chặt vào thân thể ông, gây nhiều đau đớn, nhưng ông vẫn cắn răng chịu đựng và trong lòng cũng thầm khâm phục sự ngoan cường của đối thủ của mình. Vào ngày thứ ba, con cá hoàn toàn đuối sức, ông kéo nó lên được mạn thuyền và giết chết nó bằng một ngọn lao. Khi kéo nó lên thuyền, ông mới thấy đó là con cá lớn nhất ông đánh bắt được trong suốt cả cuộc đời mình.

Ông hạ thấp cánh buồm rồi về quay trở v, nhưng vệt máu của con cá loang trên biển đã thu hút nhiều con cá mập; chúng lao vào tấn công ông. Ông giết được con cá mập đầu tiên với ngọn lao, nhưng sau một hồi chiến đấu với lũ cá mập, ông để rơi xuống biển cây lao và sợi dây quý giá. Khi đêm xuống, cá mập xuất hiện càng lúc càng nhiều hơn, ông không còn vũ khí để tự vệ, đành để cho chúng cắn xé hết thịt con cá kiếm, chỉ chừa lại bộ xương, đầu và đuôi. Ông về tới nhà trước khi trời rạng sáng, mệt mỏi ngủ thiếp đi trong căn chòi rách nát. Sáng hôm sau, một đám ngư dân xúm quanh bộ xương con cá vẫn còn buộc vào mạn thuyền, rồi một đám du khách hiếu kỳ ở một quán cà phê gần đó chẳng biết gì về cuộc chiến đấu vật vã giữa ông lão Santiago và con cá cũng xúm lại nhìn ngắm bộ xương cá, lầm tưởng đó là một bộ xương cá mập. Cậu bé Manolin lo lắng khôn cùng suốt mấy ngày qua đã mừng rơi nước mắt khi thấy ông lão Santiago vẫn bình an. Cậu đi mua cà phê, thức ăn và mấy tờ báo rồi ngồi bên cạnh, lặng nhìn Santiago ngủ say. Khi chợt thức giấc, Santiago và cậu lại hứa với nhau là trong những ngày sắp tới sẽ tiếp tục cùng nhau đi đánh cá. Santiago lại chìm vào giấc ngủ và lại mơ thấy mình đi săn sư tử trên bờ biển châu Phi.

HUỲNH DUY LỘC

Leave A Reply

Your email address will not be published.