Francisco de Pina và chữ quốc ngữ
Huỳnh Duy Lộc
Chữ quốc ngữ đã ra đời vào thế kỷ 17 tại một làng quê dân dã là làng Thanh Chiêm của tỉnh Quảng Nam và người có vai trò tiên phong là linh mục người Bồ Đào Nha Francisco de Pina.
Hai nhà nghiên cứu Đinh Trọng Tuyên và Đinh Bá Truyền cho biết về làng Thanh Chiêm, về sau sẽ trở thành Dinh trấn Thanh Chiêm: “Vào đầu thế kỷ 17, một giáo đoàn gồm hơn 20 giáo sĩ Dòng Tên, các linh mục và thầy giảng người Bồ Đào Nha, Ý, Pháp được phái đến xứ Đàng Trong thay vì Nhật Bản với mục đích truyền đạo Công giáo. Năm 1615, các giáo sĩ tiên phong trong giáo đoàn đã đến Đà Nẵng để tìm cách thiết lập cơ sở truyền đạo. Đến năm 1623, đã có 2 trú sở truyền đạo chính được mở, một tại Hội An và một tại Nước Mặn thuộc Quy Nhơn, và 2 năm sau (1625) thì lập trú sở truyền đạo thứ ba tại Dinh trấn Thanh Chiêm…” (Dinh trấn Thanh Chiêm, Quảng Nam, tr. 72, 73).
Năm 1474, 3 năm sau chiến dịch quân sự đánh chiếm kinh đô Đồ Bàn của Vương quốc Chămpa, vua Lê Thánh Tông ban chiếu chỉ mở mang bờ cõi từ Thuận Hóa vào Quảng Nam và cho đưa dân từ Thanh Nghệ vào đây khẩn hoang. Vào năm đó, cùng với đoàn người Nam tiến, có một nhóm người ở huyện Hậu Lộc, tỉnh Thanh Hóa đã vào khai khẩn rồi định cư dọc theo bên bờ Bắc sông Thu Bồn.
Khi cuộc sống đã ổn định, các tiền hiền quyết định lập làng và đặt tên làng là Kẻ Chiêm. Sau khi chúa Tiên Nguyễn Hoàng vào trấn nhậm đất Thuận Quảng vào những năm 1558-1570, có rất nhiều lưu dân trấn Thanh Hóa, quê hương của các chúa Nguyễn, đi theo chúa Tiên đến lập nghiệp ở làng Kẻ Chiêm. Do đó, dân làng quyết định đổi tên làng từ Kẻ Chiêm thành Thanh Chiêm (Thanh trong chữ Thanh Hóa, Chiêm trong chữ Chiêm Động) với ý nghĩa đây là làng của những cư dân Thanh Hóa đến định cư trên đất Chiêm Động. Năm 1602, khi chúa Tiên Nguyễn Hoàng quyết định thành lập dinh Quảng Nam và chọn mảnh đất Thanh Chiêm để xây dựng lỵ sở của dinh Quảng Nam thì 2 năm sau (1604), làng Thanh Chiêm trở thành dinh trấn Thanh Chiêm, nơi đặt dinh thự của quan trấn thủ Quảng Nam và trụ sở 3 cơ quan hành chánh đầu não của dinh Quảng Nam là Xá sai ty, Tướng thần lại ty và Lệnh sử ty…” (Dinh trấn Thanh Chiêm, Quảng Nam, tr. 15, 18).
Francisco de Pina sinh năm 1585 tại thành Guarda của Bồ Đào Nha, gia nhập Dòng Tên vào năm 1605 khi đã 20 tuổi, đến xứ Goa của Ấn Độ sống một thời gian trước khi sang Trung Quốc. Năm 1611, ông theo học 3 năm về khoa học xã hội và khoa học tự nhiên và 4 năm về thần học và tiếng Nhật tại Học viện Thánh Phao lô ở Macao. Năm 1617, ông thụ phong linh mục và được cử đến xứ Đàng Trong, làm việc ở trú sở Hội An. Do gặp khó khăn về ngôn ngữ khi giao tiếp với người Việt, ông đã lao vào học tiếng Việt và nhanh chóng trực tiếp nói chuyện với người bản địa. Một thời gian sau, ông đến Nước Mặn (Bình Định) và khi trở lại Hội An đã đến Thanh Chiêm vì, theo lời ông, “nơi đây tiếng Việt rất thuần”. Ông được sự giúp đỡ rất hữu hiệu của một người Việt mới 16 tuổi có kiến thức uyên bác về chữ Hán, có tên rửa tội là Phê-rô.
Một bản phúc trình chính thức của cơ sở truyền giáo cho biết: “Người ấy (một nhân sĩ thân quen với đoàn truyền giáo) có một người con trai 16 tuổi, là thanh niên lanh lợi và thông minh nhất trong vùng; anh này lại viết chữ Hán rất đẹp, được dân chúng hâm mộ vô cùng… Anh có tên thánh rửa tội là Phê-rô, nhờ có tài hay chữ nên giúp linh mục rất nhiều trong việc dịch kinh “Pater noster”, “Ave Maria”, “Credo” và “Mười Ðiều Răn” ra tiếng địa phương, các kinh mà các Kitô hữu đã thuộc lòng. Linh mục cũng viết ra các điều phải tin các mầu nhiệm về Ba Ngôi, về Chúa nhập thể làm người, về chuộc tội, cũng như sự cần thiết của đức tin và các bí tích để được tham dự vào ơn tích của Chúa Kitô, Chúa chúng ta. Các Kitô hữu chép lại tất cả những điều ấy và đã bắt đầu lần hạt mân côi y như tại xứ chúng ta”.
Năm 1624, Pina mở trường dạy tiếng Việt cho những người ngoại quốc đầu tiên, trong đó có hai học trò xuất sắc là linh mục người Bồ Ðào Nha António de Fontes, một nhà truyền giáo kỳ cựu sẽ là một trong những cột trụ trong công việc truyền giáo ở Ðàng Trong, và Alexandre de Rhodes, người thực hiện sứ mạng truyền giáo ở Đàng Ngoài từ năm 1627 đến năm 1630.
Ngày 15 tháng 12 năm 1625, một tàu buồm Bồ Ðào Nha bỏ neo ở vịnh Ðà Nẳng, không cập bến được vì sợ bão. Một chiếc thuyền rời cảng đi đến chiếc tàu, Pina lên tàu để lấy những hàng hóa cần thiết như rượu vang và bột lúa mì để dâng lễ. Khi trở lại bờ, một cơn gió mạnh làm thuyền bị chìm; bị vướng bởi chiếc áo dòng, Pina chết đuối, trong khi những người khác của thủy thủ đoàn được cứu. Cái chết của Pina là một cái tang cho dân chúng địa phương cũng như cho cơ sở truyền giáo. Một chiếu chỉ trục xuất các nhà truyền giáo bị đình chỉ thi hành, cho phép cư tang trong 3 tháng. Linh mục Dòng Tên Bartoli viết về linh mục Pina: “Linh mục Pina là người Bồ Ðào Nha, thọ 40 tuổi. Ngài được người ngoại giáo mến chuộng vì ngài nói tiếng của họ như chính ngài là người bản xứ Ðàng Trong vậy”.
GS Roland Jacques đã phát hiện tại Thư viện Quốc gia ở Cung điện Ajuda – Lisbonne, Bồ Đào Nha bức thư dài 7 trang của linh mục Francisco de Pina viết bằng tiếng Bồ Đào Nha, điểm xuyết vài thành ngữ tiếng La tinh, vài từ tiếng Nhật hay Mã Lai và vài từ tiếng Việt đã chuyển tự gởi cho Khâm mạng Jerómino Rodríguez ở Macao.
Pina đã ghi chép về công việc của ông có liên quan tới tiếng Việt: “Về phần con, con đã soạn một tập nhỏ về chữ viết và về các cung điệu của ngôn ngữ này; con hiện đang bắt tay vào ngữ pháp. Tuy nhiên, mặc dù con cũng đã tập hợp những câu chuyện thuộc nhiều thể loại khác nhau để ghi trích dẫn của các tác giả hầu xác định ý nghĩa của các từ ngữ và các mẹo luật ngữ pháp, thì cho đến giờ này con vẫn còn phải nhờ một người đọc để con ghi ra bằng mẫu tự Bồ Đào Nha, hầu cho những người của chúng ta sau này có thể đọc và học thuộc lòng…” (Thư của Francisco de Pina).
Nhà nghiên cứu Nguyễn Đình Đầu kể: “Cuối năm 1624, Alexandre de Rhodes và Antonio de Fontes tới Dinh Chiêm. Alxandre de Rhodes kể lại: “Tại đây, chúng tôi gặp cha Pina rất thông thạo tiếng bản xứ. Chúng tôi thấy các cha Fernandez và Buzomi bao giờ thuyết giảng cũng phải có thông ngôn, chỉ trừ cha Pina thì khỏi cần thông ngôn vì đã nói rất thạo. Tôi liền để hết tâm huyết học tập: mỗi ngày người ta cho bài tôi phải học và tôi đã chuyên chú học hỏi như xưa kia học thần học vậy”. Alexandre de Rhodes có lẽ là học trò xuất sắc nhất của Pina nên “Lời tựa” của “Từ điển Việt Bồ La” đã viết: “Trong công việc này ngoài những điều mà tôi đã học được nhờ chính người bản xứ trong suốt gần 12 năm – thời gian tôi lưu trú tại hai xứ Đàng Trong và Đàng Ngoài – thì ngay từ đầu tôi đã học với cha Francisco de Pina người Bồ Đào Nha, là thầy dạy tiếng, người thứ nhất trong chúng tôi rất am tường tiếng này và cũng là người thứ nhất bắt đầu thuyết giảng bằng phương ngữ đó mà không dùng thông ngôn”.
Thế là đã rõ: Pina có công đầu trong việc sáng chế chữ quốc ngữ và Alexandre de Rhodes là người hoàn thiện chữ quốc ngữ và xuất bản từ điển và sách giáo lý bằng quốc ngữ…” (Dinh trấn Quảng Nam với sự sáng tạo chữ quốc ngữ).
HUỲNH DUY LỘC giới thiệu