Kawabata Yasunari và “The Rainbow” (Cầu vồng), tác phẩm mới công bố

Huỳnh Duy Lộc

0 727
Tiểu sử Kawabata Yasunari trên Bách khoa toàn thư Anh online: https://www.britannica.com/biography/Kawabata-Yasunari

Kawabata Yasunari sinh ngày 14 tháng 6 năm 1899 tại thành phố Osaka của Nhật Bản, cha là một bác sĩ yêu thích văn chương và nghệ thuật đã mất khi ông mới 3 tuổi và khi ông được 4 tuổi, đến lượt mẹ ông cũng từ trần.

Kawabata phải sống với ông bà ngoại, còn em gái ông phải sống với một người cô, nhưng chẳng may bà ngoại ông mất năm ông lên 8 tuổi và 7 năm sau, ông ngoại ông và em gái ông cũng mất nên ông chỉ còn lại một mình trên cõi đời.

Thuở còn học tiểu học, ông mơ ước làm họa sĩ, nhưng khi đã 15 tuổi, ông lại mơ ước trở thành một nhà văn. Trong những năm học trung học, ông đã viết những truyện ngắn và những bài tiểu luận cho các tờ báo ở địa phương và một tạp chí văn chương của tư nhân. Cuốn nhật ký ông viết vào thời gian trước khi ông ngoại ông qua đời về sau sẽ được in thành sách với nhan đề “Nhật ký của một thiếu niên 16 tuổi”. Ông đọc say mê tác phẩm của các nhà văn Bắc Âu và các nhà văn thuộc trường phái Shirakaba chối bỏ cách tiếp cận của chủ nghĩa tự nhiên và cố gắng đi tìm một kỹ thuật hành văn thích hợp với việc diễn tả những cảm giác tinh tế của con người.

Năm 1920, Kawabata vào học khoa Văn chương Anh của Đại học Hoàng gia Tokyo và cùng với vài người bạn học cho ra mắt một tạp chí văn chương. Truyện ngắn “Cảnh tượng một ngày tưởng niệm” của ông đăng trong số 2 của tạp chí này đã khiến cho nhà văn Kikuchi Kan chú ý tới ông và ông cũng kết bạn với nhà văn Yokomitsu Riichi.

Năm 1923, ông tham gia Ban biên tập của Bungei Shunju, một tờ tạp chí hàng đầu lúc bấy giờ ở Nhật Bản, và bắt đầu viết những bài điểm sách. Tháng 3 năm 1924, ông tốt nghiệp đại học và 6 tháng sau cho ra mắt tạp chí văn chương Bungei Jidai (Thời đại Nghệ thuật) quy tụ các nhà văn trẻ sáng lập trào lưu văn chương mới mang tên tân duy cảm (shinkankaku-ha) .

Ông đã đính hôn với một thiếu nữ mới 14 tuổi tên Hatsuyo Ito, rồi đau đớn khôn cùng vì nàng đã rời xa ông sau khi bị một tu sĩ trong ngôi đền nàng thường lui tới cưỡng bức. Mối tình đầu bi thảm với nàng Hatsuyo Ito sẽ còn dư vang trong một số tác phẩm của ông về sau này như truyện ngắn “Nàng vũ nữ xứ Izu” (1926). “Nàng vũ nữ xứ Izu” đăng trong 2 số đầu năm của tạp chí Bungei, kể câu chuyện một chàng sinh viên đã gặp một nữ vũ công trẻ tuổi của một đoàn nghệ thuật lưu động trong một lần đến bán đảo Izu.

Trong những sáng tác sau đó như “Kureinaidan ở Asakusa” và “Điệu valse của hoa”, ông mô tả cuộc sống của các vũ công và ghi lại vẻ đẹp phù du của mọi vật ở trần gian. Trong truyện ngắn “Chim và thú” thấm đẫm nỗi buồn trước sự phù du của mọi vật ở trần gian ra mắt vào năm 1933, ông mô tả tâm trạng của một người đàn ông trung niên cô độc tìm khuây khỏa trong việc nuôi chó và chim.

Năm 1926, ông kết hôn với nàng Hideko và 8 năm sau cùng vợ rời Tokyo, chuyển về sống ở Kamakura. Thời gian này là lúc ông viết những tác phẩm nổi tiếng nhất của ông, thướng thường với tiến độ rất chậm: tiểu thuyết “Yukiguni” (Xứ tuyết) được đăng thành nhiều kỳ trên báo từ năm 1935 đến năm 1947; tiểu thuyết “Sembazuru” (Ngàn cánh hạc) bắt đầu viết vào năm 1947 chẳng bao giờ được hoàn tất, và tiểu thuyết “Yama no oto”(Tiếng rền của núi) mất 6 năm mới viết xong.

“Yukiguni” (Xứ tuyết) kể về mối tình của một chàng trai chuyên nghiên cứu múa ballet của phương Tây đến từ Tokyo với một nàng geisha sống trong một ngôi làng trên núi. Sau khi Thế chiến thứ hai kết thúc, Kawabata tuyên bố ông sẽ chỉ còn viết những khúc bi ca và trung thành với phát ngôn của mình, ông đã cho ra mắt những cuốn tiểu thuyết thấm đẫm nỗi buồn và nỗi cô đơn của những người có tâm hồn nhạy cảm.

“Sembazuru” (Ngàn cánh hạc) kể về mối quan hệ giữa một chàng trai với người tình cũ của cha và cô con gái của bà, được khởi thảo vào năm 1949 và được đăng nhiều kỳ trên các nhật báo, chẳng bao giờ được hoàn tất, nhưng lại được coi là một tuyệt tác của Kawabata.

Các buổi trà đạo chỉ là cái nền của câu chuyện tình yêu đầy khắc khoải của những con người luôn quay quắt với nỗi cô đơn, từ chàng Kikuji phải sống một mình, không còn một ai thân thích sau khi cha mẹ qua đời, cho tới bà Chikako và bà Ota, hai tình nhân cũ của cha anh, hay Fumiko, cô con gái hiền dịu và đầy nhẫn nhục của bà Ota.

Sau “Ngàn cánh hạc”, ông viết “Yama no oto” (Tiếng rền của núi), cuốn tiểu thuyết về khát vọng yêu thương ở tuổi già.

Năm 1968, ông được trao giải Nobel Văn chương và 4 năm sau, vào ngày 16 tháng 4 năm 1972, người ta phát hiện ông đã chết tại nhà, miệng ngậm một vòi gaz, bên cạnh có một chai rượu whisky đã uống cạn, một kết cục khá lạ lùng với một người từng tìm được nguồn an ủi trong những giá trị truyền thống của Nhật Bản.

Nhà xuất bản Penguin vừa phát hành “The Rainbow” (Cầu vồng), tác phẩm mới được công bố của Kawabata. “The Rainbow” kể câu chuyện hai chị em cùng cha khác mẹ trưởng thành trong những năm sau Thế chiến thứ hai đấu tranh để thích nghi với thế giới mới trước mắt họ là nước Nhật thời hậu chiến: cô em gái Asako biết đến tình yêu lần đầu tiên trong đời, đã cố gắng tìm tung tích của một người chị cùng cha khác mẹ thứ hai; cô chị Momoko đã mất người yêu là một phi công kamikaze (phi công cảm tử Thần phong) trong chiến tranh luôn nhớ tới những ngày cuối cùng ở bên anh ta và tìm lãng quên trong những mối tình lãng mạn không có ngày mai. Hai chị em thấy mình không thể thoát khỏi ám ảnh của quá khứ và không thể dứt bỏ được di sản mẹ họ đã để lại và những sang chấn sau chiến tranh.

Bản pdf của tiểu thuyết “The Rainbow”: https://drive.google.com/…/1nKfJ…/view…

HUỲNH DUY LỘC- giới thiệu

Leave A Reply

Your email address will not be published.