Félicette, con mèo Pháp đầu tiên bay vào vũ trụ an toàn nhưng kết thúc đáng buồn
TVN
Vào những năm 1960, cuộc đua vào vũ trụ bắt đầu tăng nhiệt. Khi Liên Xô và Mỹ đã đạt được nhiều bước tiến quan trọng, người Pháp thấy rằng chương trình không gian của họ đang trở nên thua kém và họ không muốn đứng ngoài cuộc.
Khi đó, chó Laika của Liên Xô hay tinh tinh Ham của Mỹ, đã lần lượt bay lên không gian vào năm 1957 và 1961.
Đầu tiên người Pháp quan tâm đến chuột, nhưng chuột không mang đến cho các nhà khoa học nhiều thông tin hữu ích về chương trình vũ trụ. Mục tiêu của hoạt động đưa động vật lên vũ trụ là nhằm tìm hiểu cách các chuyến bay vào không gian tác động thế nào đến tâm sinh lý con người. Vì vậy, các nhà khoa học Pháp đã chuyển mối quan tâm của họ sang một loài động vật khác: mèo.
“Mèo là một trong những loài động vật được sử dụng rộng rãi trong các nghiên cứu sinh lý thần kinh vào thời điểm đó”, Michel Viso, trưởng khoa sinh học ngoài Trái Đất tại Trung tâm Nghiên cứu Vũ trụ Quốc gia Pháp, giải thích.
Vậy nên, để theo đuổi mục tiêu mới, các nhà khoa học tại Trung tâm Nghiên cứu và Giáo dục Y học Hàng không Vũ trụ Pháp đã thu thập 14 con mèo hoang trên đường phố Paris, tất cả đều là giống cái và đưa chúng vào khóa huấn luyện “phi hành gia”. Félicette là một trong số đó.
Kết thúc khóa huấn luyện, Félicette có mã số C341, được lựa chọn vì vẫn giữ được cân nặng, tình trạng sức khỏe. Quan trọng hơn cả là sau nhiều tháng huấn luyện khắc nghiệt, C341 vẫn giữ được biểu hiện điềm tĩnh. Nó không hề hoảng loạn, sợ hãi hoặc tức giận phá phách giống những con mèo khác. Nhưng cũng có tin đồn cho rằng lý do đơn giản chỉ bởi 13 con mèo “không may” kia bị thừa cân mà thôi.
18/10/1963, Félicette chính thức trở thành con mèo đầu tiên được du hành vũ trụ. Cô được đặt trong một chiếc hộp chuyên dụng, gắn lên tên lửa Véronique AG1, và phóng vào vũ trụ với tốc độ gấp 5 – 6 lần tốc độ âm thanh.
Sau khi đạt độ cao 157km, C341 chỉ “ở trong không gian” khoảng 5 phút. Sau đó, khi tên lửa bắt đầu hạ xuống, viên nang chứa C341 dần tách ra. Quá trình rơi xuống này, C341 cũng chịu sự tác động gia tốc tới 7Gs.
Ngay cả khi đã đáp xuống Trái đất, vì được gắn chặt vào ghế bởi các dây đai, nên C341 cũng chịu cảnh trong tư thế lộn ngược thêm nhiều phút nữa cho đến khi được các nhà khoa học đón ra.
Cuộc thử nghiệm thành công đã khiến Pháp vô cùng vui mừng. Ngay sau đó, họ công bố kết quả của mình và giới thiệu C341 với truyền thông thế giới. Lúc này, C341 mới có một cái tên: Félicette.
Tuy nhiên, giống như Laika, câu chuyện của Félicette không có một kết thúc có hậu. Chúng là đối tượng nghiên cứu. Bởi thế, chỉ 2 tháng sau khi kết thúc thử nghiệm, Félicette được cho “chết êm ái”. Mục đích để nghiên cứu xem cơ thể nó, đặc biệt bộ não đã bị ảnh hưởng như thế nào sau chuyến bay.
Sau khi “không thu được kết quả gì hữu ích”, không còn con mèo nào trên thế giới được đưa vào thử nghiệm tương tự nữa.
Không giống chó Laika, chuyến bay của Félicette dần chìm vào quên lãng. Đứng trước những thành công liên tiếp của các cường quốc khác, Pháp cũng dần rút khỏi cuộc đua bay vào vũ trụ.
Tháng 11/2017, một startup tại Pháp đã kêu gọi vốn để nhằm xây dựng một đài tưởng niệm dành riêng cho Félicette.
Đến năm 2019, một bức tượng Félicette được đặt tại Đại học Không gian Quốc tế ở Strasbourg, Pháp. Đại học TouloToulouse sau đó cũng thông báo sẽ đặt tên đài thiên văn sắp tới theo tên Félicette. Đài quan sát này được lên kế hoạch mở cửa vào năm 2023 và chọn “mèo vũ trụ” Félicette làm hình ảnh biểu tượng.
Những điều này có được là nhờ công của một người đàn ông yêu khoa học tên Matthew Serge Guy (London Anh). Anh tổ chức một chiến dịch trên trang vận động quyên góp Kickstarter nhằm xây tượng đồng tưởng niệm Félicette sau khi nhận thấy ngay cả người Pháp cũng lãng quên Félicette.