J. Robert Oppenheimer và Dự án Manhattan

Huỳnh Duy Lộc

0 2,309

J. Robert Oppenheimer sinh ngày 22 tháng 4 năm 1904 trong một gia đình Do Thái di cư từ Đức sang Mỹ. Cha ông chuyên nhập khẩu và buôn bán vải sợi tại thành phố New York. Khi còn học tại Đại học Harvard, ông xuất sắc hoàn thành các khóa tiếng Latinh, tiếng Hy Lạp, vật lý, hóa học. Ông cũng sáng tác thơ và nghiên cứu triết lý Á Đông. Tốt nghiệp Đại học Harvard, ông đi tàu sang Anh vào năm 1925 với ý định nghiên cứu nguyên tử tại Phòng thí nghiệm Cavendish ở Đại học Cambridge. Tại đây, Oppenheimer có cơ hội hợp tác với cộng đồng khoa học Anh.
Oppenheimer được Max Born mời đến Đại học Göttingen và hợp tác với các tên tuổi lớn tại đây như Niels Bohr và P.A.M. Dirac. “Phương pháp Born-Oppenheimer” do ông và Max Born phát triển là đóng góp quan trọng cho lý thuyết lượng tử. Năm 1927, ông nhận bằng tiến sĩ tại Đại học Göttingen. Sau khi ghé Trung tâm khoa học Leiden tại Zürich, Thụy Sĩ, ông trở về Mỹ để dạy vật lý tại Đại học California và Viện Công nghệ California.

Trong những năm 1920, các vấn đề lượng tử và thuyết tương đối bắt đầu thu hút sự chú ý của giới khoa học. Phát hiện khối lượng có liên hệ với năng lượng và vật chất có thể tồn tại ở dạng sóng và dạng hạt mở ra rất lối đi tuy vẫn còn mù mờ, nhưng mới lạ, hấp dẫn. Các nghiên cứu ban đầu của Oppenheimer chú trọng tới quá trình năng lượng của các hạt hạ nguyên tử như electron, position và tia vũ trụ. Ông cũng khám phá được nhiều điều mới mẻ về các sao neutron và lỗ đen. Thuyết lượng tử khi ấy vẫn còn mới mẻ nên vị trí giảng viên đã cho ông cơ hội hiếm có để khám phá, phát triển lý thuyết này. Ông còn đào tạo cả một thế hệ các nhà vật lý Hoa Kỳ học hỏi từ khả năng lãnh đạo và tính độc lập trong suy nghĩ của ông.

Dự án Manhattan

Adolf Hitler lên cầm quyền ở Đức đã khiến cho Oppenheimer bắt đầu quan tâm tới chính trị. Năm 1936, ông đứng về phía những người Cộng hoà khi cuộc Nội chiến Tây Ban Nha bùng nồ và ông lảm quen với những sinh viên theo Đảng Cộng sản. Dù rằng cha ông từ trần vào năm 1937, để lại cho ông một tài sản rất lớn giúp ông có điều kiện tài trợ cho các tổ chức chống phát xít, số phận bi thảm của các nhà khoa học Liên Xô bị lãnh tụ Stalin bức hại đã khiến ông cắt đứt mọi liên hệ với Đảng Cộng sản – thật ra, ông chưa bao giờ gia nhập Đảng Cộng sản – và dần dần đề cao triết lý tự do, dân chủ. Năm 1939, ông có mối tình với Katharine Puening, một nữ sinh viên khoa Thực vật học của Đại học California, Los Angeles, là đảng viên Đảng Cộng sản Mỹ. Nàng đã ly dị chồng để kết hôn với ông vào năm 1940.

1958. American physicist J. Robert OPPENHEIMER.

Sau khi Hitler xâm chiếm Ba Lan vào năm 1939, các nhà khoa học Albert Einstein, Leo Szilard và Eugene Wigner cảnh báo Chính phủ Mỹ về hiểm họa lớn lao nếu như nước Đức của Hitler là quốc gia đầu tiên chế tạo được bom nguyên tử. Oppenheimer bắt đầu nghiên cứu để phân tách uranium-235 khỏi uranium tự nhiên và xác định khối lượng uranium cần thiết để chế tạo một quả bom nguyên tử. Tháng 8 năm 1942, quân đội Mỹ được giao nhiệm vụ phối hợp những nỗ lực của các nhà vật lý Anh và Mỹ để sử dụng năng lượng nguyên tử vào mục đích quân sự và dự án này được gọi là Dự án Manhattan. Oppenheimer được giao nhiệm vụ lập ra một phòng thí nghiệm để thực hiện Dự án Manhattan. Năm 1943, ông chọn cao nguyên Los Alamos gần Santa Fe, New Mexico để lập ra phòng thí nghiệm này.
Tuy nhiên vì những lý do chưa rõ, những cuộc tranh cãi giữa Oppenheimer với các nhân viên an ninh quân đội Mỹ làm phát sinh mối nghi ngờ một số cộng sự của ông tại phòng thí nghiệm Los Alamos là những điệp viên của Liên Xô. Một người bạn của ông bị nghi là điệp viên Cộng sản đã bị cách chức giáo sư Đại học California.

Nỗ lực phối hợp của các nhà vật lý Anh và Mỹ đã đưa tới việc sáng chế quả bom nguyên tử được cho nổ thử nghiệm vào ngày 16 tháng 7 năm 1945 tại một địa điểm gần Alamogordo, bang New Mexico, sau khi phát xít Đức đã đầu hàng. Ngày 6 và ngày 9 tháng 8, Mỹ ném 2 quả bom nguyên tử xuống 2 thành phố Hiroshima và Nagasaki của Nhật, và vài ngày sau, Nhật đầu hàng vô điều kiện. Ông rất hối hận vì 2 quả bom nguyên tử do ông góp phần chế tạo đã khiến cho quá nhiều người mất mạng. Khi gặp Tổng thống Harry S. Truman vào tháng 10 năm 1945, ông đã nói: “Thưa ngài Tổng thống, tôi thấy đôi bàn tay của mình vấy máu” (“Mr. President, I feel I have blood on my hands”). Tháng 10 năm ấy, ông từ chức lãnh đạo Phòng thí nghiệm Los Alamos.

Từ năm 1947, ông làm lãnh đạo Viện Nghiên cứu Cao cấp và làm chủ tịch Ủy ban cố vấn của Hội đồng Năng lượng nguyên tử, nhưng ông nhất quyết chống lại việc sáng chế bom nhiệt hạch. Tháng 12 năm 1953, một báo cáo của an ninh quân đội Mỹ tố cáo ông đã hợp tác với những người Cộng sản trong Thế chiến thứ hai, giấu tên của những nhà khoa học làm điệp viên cho Liên Xồ và chống lại việc chế tạo bom nhiệt hạch. Ông phải thôi giữ chức trưởng Ban cố vấn Hội đồng Năng lượng nguyên tử.

Năm 1954, một phiên điều trần về an ninh quốc gia trước Quốc hội Mỹ đưa ra kết luận ông không bị khép vào tội phản quốc, nhưng ông không còn được phép tiếp cận những bí mật quân sự của Mỹ. Hiệp hội các nhà khoa học Mỹ đã lên tiếng bênh vực ông trong vụ kiện cáo này và ông đã trở thành biều tượng của một nhà khoa học nỗ lực giải quyết các vấn đề đạo đức phát sinh từ những phát minh khoa học nhưng lại trở thành nạn nhân của cuộc “săn bắt phù thủy” (săn bắt những người Cộng sản ở Hollywood và trong cộng đồng khoa học theo chủ trương của thượng nghị sĩ Joseph McCarthy).

Ông từ trần ngày 18 tháng 2 năm 1967 tại Princeton, bang New Jersey.

Đạo diễn Christopher Nolan đã viết kịch bản bộ phim “Oppenheimer” dựa theo cuốn tiểu sử J. Robert Oppenheimer có nhan đề “American Prometheus: The Triumph and Tragedy of J. Robert Oppenheimer” (2005) của 2 tác giả Kai Bird và Martin J. Sherwin. Bộ phim “Oppenheimer” của đạo diễn Christopher Nolan nêu bật vai trò của Oppenheimer trong việc sáng chế bom nguyên tử và những sự kiện đưa tới cuộc điều trần trước Quốc hội vào năm 1954.

HUỲNH DUY LỘC

Ảnh: J. Robert Oppenheimer, Katharine Puening và cuốn tiểu sử “American Prometheus: The Triumph and Tragedy of J. Robert Oppenheimer” (2005) của 2 tác giả Kai Bird và Martin J. Sherwin

Leave A Reply

Your email address will not be published.