Mỹ trở lại mặt trăng lần đầu tiên sau hơn 50 năm

TVN

0 213

Tàu vũ trụ Odysseus của công ty Intuitive Machines đã tiếp cận thành công bề mặt gần cực nam của Mặt trăng sau 73 phút.

Mỹ đã quay trở lại bề mặt mặt trăng lần đầu tiên sau hơn 50 năm sau khi một tàu vũ trụ do tư nhân chế tạo có tên Odysseus đã hoàn thành việc đáp xuống từ quỹ đạo kéo dài 73 phút gần cực nam của mặt trăng.

Cơ quan Không gian Mỹ (NASA) ca ngợi đây là “một bước nhảy vọt khổng lồ”. Dù vậy, họ không đưa ra thêm thông tin về tình trạng của tàu đổ bộ, ngoài việc nó đã đến địa điểm hạ cánh theo kế hoạch tại miệng núi lửa Malapert A.

Riêng Intuitive Machines – công ty có trụ sở tại Texas, nơi chế tạo phi thuyền thương mại đầu tiên đáp xuống Mặt trăng – cho biết, tàu đổ bộ “đã đứng thẳng và bắt đầu gửi dữ liệu”.

Tuyên bố của doanh nghiệp trên mạng xã hội X tiết lộ, “các nhà quản lý sứ mệnh đang làm việc để liên kết những hình ảnh đầu tiên từ bề mặt Mặt trăng”.

Người sáng lập công ty – Steve Altemus cho rằng nhiệm vụ “hạ cánh mềm” vào ngày 22/2 chỉ có 80% cơ hội thành công. Nó được thiết kế để mở ra một kỷ nguyên mới về khám phá Mặt trăng. NASA dự kiến thực hiện sứ mệnh gửi con người trở lại Mặt trăng ​​vào cuối năm 2026.

“Chào mừng đến với Mặt trăng”, Altemus nói khi con tàu Odysseus chạm xuống bề mặt Mặt trăng lúc 17g23 ngày 22/2, sau khoảng 10 phút mất liên lạc.

Đây là lần đầu tiên một tàu vũ trụ do Mỹ chế tạo hạ cánh Mặt trăng kể từ chuyến thăm gần đây nhất của phi hành đoàn NASA, sứ mệnh Apollo 17 vào tháng 12/1972 và cũng là chuyến thăm Mặt trăng đầu tiên bằng phương tiện thương mại sau thất bại của sứ mệnh Peregrine One vào tháng 1/2024.

Tổng giám đốc NASA Bill Nelson nhận xét:“Hôm nay, lần đầu tiên sau hơn nửa thế kỷ, Mỹ đã quay trở lại mặt trăng. Hôm nay, lần đầu tiên trong lịch sử nhân loại, một công ty thương mại, một công ty của Mỹ, đã khởi động và dẫn đầu chuyến hành trình lên đó”.

Không có video nào về quá trình hạ cánh hoàn toàn tự động của Odysseus. Tuy nhiên một chiếc máy ảnh do sinh viên tại trường đại học hàng không Embry-Riddle ở bang Florida chế tạo được thiết kế để rơi khỏi tàu và chụp ảnh ngay trước khi con tàu chạm đất. Riêng máy ảnh của NASA tích hợp trên tàu chỉ giúp chụp ảnh bề mặt Mặt trăng với góc nhìn từ ​​tàu vũ trụ.

Tàu đổ bộ mẫu Nova-C hình lục giác với 6 chân là một phần trong sáng kiến dịch vụ tải trọng Mặt trăng thương mại (CLPS) của NASA. Trong đó, cơ quan này trao hợp đồng cho các đối tác tư nhân, phần lớn là để hỗ trợ chương trình Artemis.

NASA đã đóng góp 118 triệu USD để đưa con tàu rời khỏi Trái đất. Intuitive Machines tài trợ thêm 130 triệu USD trước đợt phóng vào ngày 15/2 từ trung tâm vũ trụ Kennedy ở bang Florida, trên tên lửa Falcon 9 từ công ty SpaceX của tỉ phú Elon Musk.

Thông qua chương trình quay trở lại Mặt trăng tên Artemis, NASA có tầm nhìn dài hạn hơn về các sứ mệnh có phi hành đoàn tới Sao Hỏa trong vòng 2 thập kỷ tới. Mỹ đang tìm cách đi trước Nga và Trung Quốc, cả 2 đều đang lên kế hoạch đưa con người lên Mặt trăng của riêng mình.

Chỉ có Mỹ từng đưa người lên Mặt trăng trong 6 sứ mệnh Apollo từ năm 1969 đến năm 1972. 5 quốc gia đã hạ cánh tàu vũ trụ không người lái trên Mặt trăng bao gồm Nhật Bản, Mỹ, Nga, Trung Quốc và Ấn Độ.

Leave A Reply

Your email address will not be published.