Người Anh đầu tiên đến Đại Việt

Trần Thanh Ái

0 100

Nếu trong suốt thế kỷ XVI người Bồ Đào Nha chần chừ trong việc tiếp cận với Đại Việt vì không muốn dính vào xung đột giữa nhà Mạc và nhà Lê, thì sang thế kỷ XVII, các cường quốc châu Âu không e ngại cuộc nội chiến triền miên giữa Chúa Trịnh và Chúa Nguyễn, và họ vẫn tìm cách tiếp xúc cả hai bên. Người Anh đến Viễn Đông vào đầu thế kỷ XVII, khá muộn so với Bồ Đào Nha, Tây Ban Nha và cả Hà Lan, vì thế họ nhanh chóng tìm cách thâm nhập vào thị trường trong khu vực, trong đó có Đại Việt. Thế nhưng các bộ sử cổ nước ta như Đại Việt sử ký toàn thư, Đại Nam thực lục tiền biên, Khâm định Việt sử thông giám cương mục và ngay cả các sách sử thời hiện đại như Việt Nam sử lược (Trần Trọng Kim), Việt sử tân biên (Phạm Văn Sơn), Việt sử xứ Đàng Trong (Phan Khoang), Lịch sử Việt Nam (Nguyễn Khánh Toàn chủ biên), cũng không có dòng nào về những ngày đầu người Anh đặt chân đến nước ta vào đầu thế kỷ XVII. Đại Nam thực lục tiền biên lần đầu nhắc đến họ bằng tên “người Man An Liệt” là khi nói về việc người Anh đổ bộ lên lập trạm ở Côn Đảo vào “Mùa thu tháng 8, Nhâm ngọ năm thứ 11” tức năm 1702. Gần đây, một số tác giả Việt Nam mới bắt đầu nói đến những chuyến đi đầu tiên của người Anh đến Đại Việt, nhưng cũng chỉ nói rất sơ lược, với nhiều chi tiết khác nhau, thậm chí mâu thuẩn nhau, khiến người đọc không khỏi nghi ngờ về độ chính xác của các thông tin.

1. Tài liệu Việt Nam nói về người Anh đến Đại Việt

Tài liệu sớm nhất nói về người Anh đầu tiên đến Đại Việt mà chúng tôi có thể tìm thấy được xuất bản năm 2003, trong đó có đoạn như sau:

“Được sự ủy nhiệm của Tokugawa Ieyasu, Wiliam Adam [sic] vốn là thuyền trưởng người Anh và là đại diện ngoại giao của Mạc phủ, đã bốn lần vượt biển đến Việt Nam. Lần đầu tiên vào năm 1614 – 1615 còn ba lần sau W. Adam đã đến vào các năm: 1617, 1618 và 1619.” (Nguyễn Văn Kim 2003, tr. 125)

William Adams (1564-1620) mà Nguyễn Văn Kim nói tới chính là người Anh đầu tiên đặt chân đến Nhật Bản năm 1600 trên chiếc thuyền Liefde của Hà Lan mà ông được thuê làm hoa tiêu trưởng (trong thư gửi vợ ông dùng chữ “chiefe pilot”, tức “pilot major”). Trong chuyến đi về Viễn Đông bằng cách đi theo hướng Tây, sau khi vượt qua eo biển Magellan ở Nam Mỹ, thuyền của ông lấy hướng Tây Bắc và sau nhiều bão táp, cuối cùng tấp vào một hòn đảo của Nhật với thủy thủ đoàn chỉ còn 9 người sống sót. Nhờ có kiến thức về hàng hải, về tính toán, và nhất là về kiến thức đóng tàu thuyền, ông được Tokugawa Ieyasu trọng dụng và cầm giữ ở lại Nhật đến chết.

Đến năm 2014 có thêm một bài viết bằng tiếng Anh đăng trên tạp chí Vietnam Social Sciences đưa thông tin về chuyến đi đầu tiên của nhân viên Đông Ấn Anh đến Đàng Trong với nhiều chi tiết khác hơn, nhất là nó hé lộ cho người đọc biết về kết quả bi thảm của lần đặt chân đầu tiên đến Đại Việt:

“Năm 1613, từ thương điếm Hirado, Nhật, Công ty Đông Ấn Anh đã cử hai đặc phái viên là Tempest Peacock và Walter Cawarden [sic] đi theo một chiếc thuyền buôn Nhật đến Hội An. […] Trong chuyến đi này, hai đặc phái viên của công ty Đông Ấn mang theo một ít hàng hóa Anh để bán cho vua và các quan lại Việt Nam. Theo Richard Cocks, giám đốc thương điếm Anh ở Hirado, chuyến đi đầu tiên của người Anh đến Việt Nam gặp nhiều khó khăn, và chịu một kết cục bi thảm.” […] “Hai người Anh đầu tiên đến Việt Nam đã không trở về. Họ đã mất tích mà không có bất cứ lý do nào cả(1).” (Le Thanh Thuy 2014, tr. 62-63)

Năm 2017, quyển 4 bộ sử đồ sộ Lịch sử Việt Nam được tái bản “có bổ sung và sửa chữa” chỉ dành mấy dòng ngắn ngủi ghi lại sự xuất hiện lần đầu của người Anh trên đất Việt với vài tình tiết khiến người đọc băn khoăn. Nhưng đặc biệt là câu cuối của đoạn văn, nó gieo vào đầu người đọc Việt Nam nỗi hoang mang, không biết đó là sự phũ phàng của sự kiện hay là sự cẩu thả của cách tường thuật câu chuyện:

“Năm 1613, một chiếc thuyền của Anh do thương nhân Peacok [sic] làm chủ mang theo Quốc thư của Hoàng gia và một số tặng vật, xuất phát từ thương điếm Hirađô của Anh ở Nhật đến Hội An. Chúa Nguyễn nhận tặng vật, tiếp đãi tử tế và mua một số vải, da [sic] của người Anh. Nhưng không may khi trở về những người trên thuyền bị quân lính Đàng Trong tàn sát.” (Trần Thị Vinh chủ biên, 2017, tr. 244)

Khi đọc những dòng trên đây, chắc hẳn rằng người đọc không khỏi thắc mắc về nguyên nhân dẫn đến cuộc “tàn sát” ấy, cũng như thái độ của vua tôi chúa Nguyễn đối với tội phạm. Lẽ nào chúa Nguyễn đã tiếp đãi tử tế sứ giả nước ngoài mà quân lính dưới quyền lại dám manh động đến thế sao? Sự mập mờ này dễ khiến người đọc suy diễn là vua quan người Việt thời ấy tráo trở, như thể đó là một xứ sở vô pháp vô thiên. Hơn nữa, nếu sự việc đã xảy ra đúng như tác giả viết, lẽ nào người Anh lại có thể bỏ qua dễ dàng một sự kiện nghiêm trọng như vậy? Liệu đây có phải là lỗi hồ đồ của người viết khi tường thuật quá bất cẩn một sự kiện xảy ra cách nay hơn 400 năm? Nhưng điều có thể nhận ra trước tiên là dường như các tác giả quyển sách nói trên đã đọc tài liệu của người đi trước rồi viết lại mà không tìm hiểu mức độ chính xác của tài liệu. Thật vậy, người ta có thể dễ dàng tìm thấy những điểm tương đồng giữa đoạn trên đây với sách của một tác giả người Pháp, ông Ch.-B. Maybon, xuất bản năm 1919, ở phần nói về những người Anh đầu tiên đặt chân đến Đại Việt:

“Năm 1613, Richard Cocks […] phái một chiếc thuyền buôn do Peacock chỉ huy đến Đàng Trong. Khi đến Hội An, Peacock cho một nhân viên tên là Walter Carwarden lên bờ mang thư của vua nước Anh và quà biếu. Carwarden được tiếp đón nồng hậu, và bán cho vua nhiều tấm vải khổ rộng(2) của Anh. Công việc buôn bán khởi đầu thuận lợi như thế, nên viên trưởng đoàn tin là có thể đến dinh thự của vua để nhận tiền bán hàng. Nhưng vào lúc ông rời thuyền, người An Nam ào ra sát hại ông cùng với người phiên dịch và tất cả những người đi cùng.” (Maybon Ch.-B. 1919, tr. 65)

Thiết nghĩ khi viết về một vụ việc nghiêm trọng như thế, người viết sử không thể vô tư sao chép những gì mà người trước đã viết. Lẽ ra trong chừng mực có thể, họ cần phải kiểm chứng độ chính xác của các dữ liệu, và nhất là tìm hiểu ngọn ngành của các sự việc được tường thuật để không gây ra những hàm oan lịch sử. Vì thế, việc đi tìm sự thật về cái chết của hai thương nhân người Anh là một việc làm cần thiết, thậm chí là một mệnh lệnh của lương tri.

Trong một bài báo năm 2017, tác giả Trần Ngọc Dũng đã điểm lại các nguồn tin rời rạc ban đầu về cái chết của các thương nhân người Anh và Hà Lan, và cho biết thêm nhiều chi tiết về chuyến đi tìm hiểu tại thực địa của William Adams và Edmond Sayer vào tháng 4 năm 1617:

“Ban đầu mọi vấn đề được quy cho người Hà Lan […], năm 1601 người Hà Lan đã đốt phá và giết khá nhiều thường dân ở vùng ven biển Đàng Trong. Cái chết của Peacock và một người Hà Lan khác chính là sự trả thù của chúa Nguyễn. […] Một tường thuật khác chỉ ra rằng người Nhật là chủ mưu của vụ việc còn chúa Nguyễn không biết về sự việc này. […] Qua các nguồn thông tin khác nhau, W. Adams và E. Sayer cũng biết được rằng chúa Nguyễn không liên quan gì và không biết đến sự việc năm 1614. Nhưng hoàng tử và một số quan lại có liên quan đến việc người Nhật sát hại Peacock và cướp đoạt hàng hóa.” (Trần Ngọc Dũng 2017, tr. 71-72)

Thông tin này chi tiết hơn các tài liệu đã trích dẫn bên trên, và cho biết là thời gian xảy ra sự kiện là năm 1614 chớ không phải 1613 như các tài liệu đã dẫn trước đó. Tuy nhiên, người đọc vẫn chưa thỏa mãn: chẳng lẽ người Anh dễ dàng bằng lòng với kết luận như thế mà không có phản ứng gì, và chịu để yên cho thủ phạm nhởn nhơ hay sao?

Bản đồ Hirado nơi đặt thương điếm Anh và Hà Lan (1621). Tác giả: khuyết danh.

Nguồn: https://commons.wikimedia.org/wiki/File:Map_of_the_bay_of_Hirado.jpg

2.Tài liệu nước ngoài viết về sự kiện

Sự kiện này tuy là một thảm kịch đối với các thương nhân người Anh thời ấy, nhưng nó không thu hút sự chú ý của các nhà nghiên cứu. Tài liệu đầu tiên có nhắc đến việc giao dịch giữa thương điếm Anh ở Hirado với các nước Đông Nam Á là bộ sách His Pilgrimes của S. Purchas xuất bản năm 1625, trong đó tác giả công bố bức thư đề ngày 10 tháng 12 năm 1614 của Richard Cocks gửi cho Thomas Wilson ở London để thông báo về sự kiện. Tempest Peacock và Walter Carwarden đi trên một thuyền buôn người Nhật mang theo thư của Hoàng thượng nước Anh và tặng phẩm đắt tiền gửi vua Đàng Trong. Ban đầu mọi việc diễn ra suôn sẻ, họ được tiếp đãi ân cần, việc buôn bán thuận lợi (Purchas S. 1625, tr. 408). Nhưng vào những ngày cuối cuộc hành trình thì tình hình xấu hẳn đi:

“…ông Peacock và viên trưởng nhóm Hà Lan đi nhận tiền bán hàng cho nhà vua trên cùng một chiếc thuyền, họ bị tấn công một cách tráo trở khi đang đi trên sông, thuyền của họ bị lật úp, và cả hai bị giết bằng lao có móc thép, giống như cá, cùng với các phiên dịch và những tùy tùng người Nhật.” (Purchas S. 1625, tr. 409)

Trong thư Cocks còn kể lại rằng dư luận lan truyền trong cộng đồng người Trung Hoa và người Nhật cho là vua xứ Đàng Trong đã gây nên cuộc thảm sát để trả thù việc mấy năm trước người Hà Lan đã đốt phá một thị trấn trên đất nước ông, và giết hại không thương xót dân chúng ở đó. Theo nguồn tin này, vụ xung đột xuất phát từ việc người Hà Lan đã dùng nhiều đô la giả để đổi lấy lụa và các mặt hàng khác của thương nhân bản xứ. Khi vụ việc bị phát hiện thì người bản xứ liền ra tay đối với nhân viên Hà Lan, và có vài người bị giết chết. Ngay lúc ấy thuyền Hà Lan cũng vừa cập bến, họ cho người lên bờ và phóng hỏa thị trấn, rồi giết tất cả đàn ông, đàn bà và trẻ con. Đó là nguyên nhân chính dẫn đến cái chết của Peacock, chỉ bởi vì ông ấy đi chung với người Hà Lan (Purchas S. 1625, tr. 409). Tuy nhiên bức thư này ít được các nhà nghiên cứu nhắc đến, mặc dù năm 1813 R. Kerr đã đăng lại trong quyển 9 bộ sách A General History and Collection of Voyages and Travels.

Bìa quyển 1 bộ His Pilgrimes của S. Purchas (1625) và thư của R. Cocks gửi T. Wilson.

Từ giữa thế kỷ XIX, người Anh bắt đầu công bố nhiều hồ sơ của công ty Đông Ấn, trong đó có các sổ bộ ghi chép văn thư nhà nước, cũng như thư từ nhận được từ nhân viên Công ty Đông Ấn, đặc biệt là Nhật ký của Richard Cocks. Trong các tài liệu này có nhiều ghi chép về vụ va chạm của họ ở Đàng Trong, và sau đó, nhiều tác giả phương Tây cũng bắt đầu quan tâm đến sự kiện này.

Công trình nghiên cứu đầu tiên có nhắc đến việc giao dịch giữa thương điếm Anh ở Hirado với nước Đại Việt là bài viết rất đồ sộ (dài 114 trang và 55 trang phụ lục) của L. Riess công bố năm 1898. Thời ấy tác giả cũng đã tiếp cận trực tiếp được kho tư liệu của Công ty Đông Ấn Anh nên đã cung cấp nhiều chi tiết liên quan đến các cuộc giao dịch đầu tiên của thương điếm mới được thành lập ở Hirado. Chuyến đi đầu tiên đến Đàng Trong được quyết định dựa theo trải nghiệm của John Yoossen, một thương nhân Hà Lan, ông này cho biết là mấy năm trước đó thuyền họ gặp nạn phải tấp vào Đàng Trong, và họ được nhà vua tiếp đãi tử tế hơn Xiêm rất nhiều. Vì thế, sẵn có thuyền tên là Roquan của người Nhật chuẩn bị đi Đàng Trong đồng ý chở hàng hóa cho họ với giá cả hợp lý, nên thương điếm Anh ở Hirado thay đổi ý định không đi Xiêm và Patani nữa, và ngày 18 tháng 3 năm 1614 Tempest Peacock và Walter Carwarden lên đường đi Đàng Trong. Bốn tháng sau khi lên đường, thương điếm Hirado nhận được tin về cái chết của Peacock: “hai thương nhân người Anh đến nơi an toàn, trao quà xã giao và thư của Hoàng gia Anh cho vua Đàng Trong và được tiếp đãi tử tế cùng với nhiều lời hứa hẹn. Nhưng không ai trong số họ cũng như tiền bán hàng trở về Hirado” (Riess L. 1898, tr.45-46).

Năm 1917, H. Cordier cũng có bài nghiên cứu về sự hiện diện của người Anh ở Viễn Đông, trong đó chỉ dành vài dòng ngắn ngủi cho chuyến đi đến Đàng Trong của Peacock và Carwarden: “Ngày 18 tháng 3 năm 1614, Tempest Peacock và Walter Carwarden được cử đi giao thương với Đàng Trong trên một thuyền buồm với giá trị hàng hóa 750 bảng Anh. […] Peacock bị giết ở Đàng Trong cùng với những người Hà Lan đi chung. Carwarden thoát được nhưng lại chìm tàu trên đường về.” (Cordier H. 1917, tr. 221)

Năm 1923, Noel Péri khi viết về các hoạt động ngoại thương giữa Nhật Bản và các nước Đông dương cũng có nhắc đến sự kiện Peacock với nhiều chi tiết hơn, nhưng cũng chưa có gì rõ ràng:

“Năm 1614, Tempest Peacock và Walter Carwarden của thương điếm Anh mang hàng hóa đến Đàng Trong đi trên một chiếc thuyền mành tên là Roquan, […]. Chuyến đi là một thảm họa: Peacock chết trên sông Huế, bị giết do thù oán, vì, như người ta kháo nhau, tính cách thô lỗ của anh ta đã gây ra nhiều kẻ thù, hoặc do những kẻ chỉ muốn quỵt tiền anh ta; một khoản tiền bán hàng chưa được thanh toán, Carwarden thoát được xuống thuyền cùng với những gì anh ta còn lấy được, nhưng thuyền này lại mất tích trên đường trở về.” (Péri N. 1923, tr. 48)

Người Hà Lan cũng ghi nhận sự kiện này, và cung cấp thêm một số tình tiết góp phần làm sáng tỏ sự kiện. Trong luận án tiến sĩ bảo vệ năm 1929, W.J.M. Buch cho biết:

“Vào năm 1613 hay 1614, giám đốc thương điếm ở Firando(3), ông Henri Brouwer, cử hai người Hà Lan đi Đàng Ngoài và Đàng Trong trên chiếc thuyền mành để buôn bán. […] Gần như là ngay lúc ấy, thương điếm Anh mới mở ở Firando cũng cho một thuyền đi Đàng Trong. Thương gia người Anh này đã phải trả giá về việc dùng những lời lẽ nhục mạ vua Đàng Trong. Anh ta bị giết và hàng hóa của anh ta rơi vào tay nhà vua.” (Buch W.J.M. 1936, tr. 117)

Nhà nghiên cứu người Anh D.G.E. Hall, tác giả bộ sách đồ sộ A History of Southeast Asia xuất bản năm 1955, cũng ghi năm xảy ra sự kiện là 1613 và nhất là có một vài tình tiết của sự kiện không giống với nhiều tác giả khác:

“Người Anh đã gặp thảm họa khi mở mang giao thương với lãnh thổ chúa Nguyễn vào năm 1613. Richard Cocks, trưởng chi nhánh thương điếm Hirado ở Nhật được John Saris thành lập, đã cử một chiếc thuyền mành đi Hội An cùng với thư và quà tặng của vua James đệ Nhất đến nhà cầm quyền Huế. Nhưng khi Walter Carwarden và viên thông ngôn vừa đến nơi thì họ bị người An Nam sát hại(4).” (Hall D. G. E. 1955, tr. 358)

Năm 1990 D. Massarella đã làm một bảng tổng hợp khá chi tiết về vụ án, từ nguyên nhân sâu xa đến chân dung các thủ phạm: vào ngày 18 tháng 3, Peacock và Carwarden tháp tùng một châu ấn thuyền của một người Trung Hoa [sic] tên là Roquan để lên đường đi Hội An. Bốn tháng sau tin tức về cái chết của Peacock lần lượt bay về Hirado với nhiều tình tiết khác nhau: ban đầu người ta đồn rằng người An Nam muốn trả thù cho vụ người Hà Lan tấn công họ năm 1601, nhưng lại liên lụy đến người Anh vì họ đã tình cờ đi chung với nhau. Nhưng sau đó nhiều nhân chứng mới cung cấp thêm nhiều chi tiết khác:

“Tháng 7 năm 1615 Li Tan [một thương nhân người Trung Hoa trên đất Nhật] cho Cocks biết là Peacock và Carwarden không phải bị người An Nam sát hại mà do những kiều dân Nhật [ở Hội An], và nhà vua không hề hay biết gì về vụ việc, và thậm chí còn cho bồi thường số hàng hóa mà ông đã mua. […] Một năm sau, một thương nhân Tây Ban Nha thường trú tại Nagasaki tên là Alvaro Munos cho Cocks biết là hai người Anh đã bị một băng nhóm gồm hai người Nhật, hai người An Nam và một người Trung Hoa giết hại.” (Massarella D. 1990, tr.155-156)

Năm 1993, trong luận án tiến sĩ của mình, Li Tana cũng chỉ nhắc lại những điều mà các tác giả trước đó đã nói (Li Tana 1993, tr. 79-80). Gần đây, một nhà nghiên cứu người Hà Lan khi nói về bang giao giữa Đại Việt với Hà Lan đã cung cấp thêm thông tin từ góc độ của Công ty Đông Ấn Hà Lan VOC:

“Vì không có tiếp xúc trực tiếp với Trung Hoa, năm 1613 viên trưởng đại diện ở Hirado tên là Hendrik Bouwer đã cử Cornelis Claesz van Toorenburch và Adriaen Cornelisz đến Việt Nam để thiết lập quan hệ với nhà vua ở đó. Ngay trước khi họ đến Hội An, một sự cố đã xảy ra với thương nhân người Anh, anh này đã bị giết sau khi có lời nói miệt thị đối với nhà vua. Hàng hóa của anh ta bị tịch thu. Mặc dù người Việt có thể phân biệt rất rõ sự khác nhau giữa người Anh và người Hà Lan, nhưng họ vẫn tấn công Van Toorenburch và người Nhật đồng hành. Tài sản của Công ty cũng bị tịch thu. Cornelisz thoát khỏi cuộc tàn sát và trở về Nhật.” (Kleinen J. 2008, tr. 20-21)

Qua một số trích dẫn bên trên, người đọc dễ nhận ra rằng có nhiều khác biệt giữa các tác giả về nhiều chi tiết liên quan đến chuyến đi Đàng Trong đầu tiên của các thương nhân người Anh.

3. Đối chiếu với ghi chép của người trong cuộc

Để tìm hiểu sự thật, chúng tôi phải tìm đọc các ghi chép của những người trong cuộc và hồ sơ lưu trữ của Công ty Đông Ấn Anh để kiểm chứng các thông tin mà bấy lâu nay các tác giả đã viết về sự kiện.

3.1. Về thời gian đến Đàng Trong

Về thời gian diễn ra chuyến đi Đàng Trong, nhiều tài liệu ghi là Peacock đi năm 1614, nhưng cũng có một số tác giả người phương Tây như Ch.-B. Maybon (1919), D.G.E Hall (1955), Li Tana (1993), J. Kleinen (2008) và vài tác giả người Việt ghi là năm 1613. Những bằng chứng sau đây cho thấy là thông tin Peacock đi Đàng Trong rồi tử nạn năm 1613 là sai:

– Trong bản hợp đồng làm việc của Adams ký với công ty Đông Ấn Anh ngày 24 tháng 11 năm 1613 có chữ ký của Peacock với tư cách một trong ba người làm chứng (Rundall T 1850, tr.133);

– Ngày 2 tháng 12 năm 1613 Peacock còn viết báo cáo từ Firando (Nhật) gởi về Công ty Đông Ấn tường trình về chuyến đi đến Bachan thuộc quần đảo Mollucco thực hiện vào ngày 24 tháng 2 năm 1613. Theo báo cáo này, ngày 11 tháng 5 năm 1613 ông dong buồm từ Bachan đi thẳng đến Nhật (Foster W. 1897, tr.1-4).

– Trong thư dặn dò đề ngày 5 tháng 12 năm 1613 gửi cho Richard Cocks trước khi về Anh, thuyền trưởng J. Saris có đoạn viết: “Ngoài anh [Cocks] và Adams, tôi gửi lại sáu nhân viên người Anh đó là ông Peacocke [sic], ông Wickham, William Eaton, Walter Carwarden, Edward Saris, và William Nealson” (Foster W. 1897, tr.5).

Các tài liệu này đủ chứng tỏ là đến tháng 12 năm 1613 Peacock và Carwarden vẫn còn sống, nghĩa là họ chưa đi Đàng Trong! Bên cạnh đó có các bằng chứng cho thấy là Peacock và Carwarden đi Đàng Trong năm 1614:

– Trong sổ ghi chép văn thư năm 1614, đề ngày 7 tháng 3, mục số 698 có ghi tóm tắt nội dung thư của Rich. Cocks gửi Rich. Wickham: “Peacocke [sic] sẵn sàng lên đường trong vòng 5 hay 6 ngày nữa”. Và tiếp theo đó, thư đề ngày 9 tháng 3, mục số 699 Rich. Cocks viết thêm cho Rich. Wickham “Peacocke sẵn sàng lên đường đi Đàng Trong” (Sainsbury W. N. 1870, tr.280-281);

– Trong thư đề ngày 1 tháng 4 năm 1614, R. Cocks viết gửi R. Wickham có thông tin: “Ông Peacock đã lên đường từ Nagasaki đi Đàng Trong vào ngày 18 vừa rồi, như ông ấy đã báo với tôi trong một thư viết cùng ngày trên chiếc thuyền ông đi, tên là Roquan (Thompson E. M. 1883b, tr. 264).

Những tài liệu này đã được công bố rộng rãi trên sách báo, vậy tại sao có sự nhầm lẫn tương đối phổ biến về năm đi Đàng Trong của Peacock? Qua tìm hiểu về sự chệch choạc này, chúng tôi phát hiện ra là nhiều người không biết rằng từ năm 1751 trở về trước, theo cách tính cũ (Old Style) của người Anh, năm mới được tính từ ngày Annunciation, tức ngày lễ Truyền tin (Đức Mẹ mang thai), là ngày 25 tháng 3 hàng năm, có nghĩa là khoảng thời gian từ ngày 1 tháng 1 đến 24 tháng 3 hàng năm được kể cho năm trước đó(5). Mãi đến năm 1751 Nghị Viện Anh mới ban hành văn kiện An Act for Regulating the Commencement Year; and for Correcting the Calendar now in Use nhằm áp dụng cách tính mới (New Style), theo đó năm mới bắt đầu từ ngày 1 tháng 1 hàng năm như nhiều nước châu Âu khác đã tính từ thế kỷ XVI. Thật vậy, trong Nhật ký của Richard Cocks (quyển 2, phần Phụ lục) thư của Richard Cocks gửi Richard Wickham ghi ngày (?) tháng 1 năm 1613 nhưng khi biên tập, E. M. Thompson đã ghi 1613-4, nghĩa là theo lịch mới là năm 1614 (Thomson E. M. 1883b, tr. 259). Các thư từ khác được viết từ ngày 1 tháng 1 đến ngày 24 tháng 3 vào những năm ấy đều được ghi thêm cách tính năm mới như thế, chẳng hạn như thư ngày 25 tháng 2 năm 1615-6, 1 tháng 1 năm 1616-7, v.v.

Có lẽ sự nhầm lẫn này còn bắt nguồn từ một số tài liệu có in lại thư từ liên quan đến chuyển đi của Peacock nhưng chỉ ghi theo cách ghi ngày tháng kiểu cũ, chẳng hạn như quyển 2 bộ Letters received… xuất bản năm 1897, trong đó W. Foster khi biên tập đã không ghi thêm cách tính mới như nhiều tác giả khác đã làm.

3.2. Đoàn thương nhân Anh đi trên thuyền của ai?

Chỉ có tài liệu của Maybon (1919) nói là R. Cocks phái một chiếc thuyền do Peacock chỉ huy, và Trần Thị Vinh (chủ biên, 2017) còn đi xa hơn nữa khi cho là họ đi trên “một chiếc thuyền của Anh do thương nhân Peacok [sic] làm chủ”. Thế mà trong các thư từ trao đổi trong nội bộ công ty đều cho biết trong chuyến đi đó họ đi nhờ trên chiếc thuyền của người Nhật:

– thư của Cocks gửi Wickham ngày 7 tháng 3 năm 1613-4: cho biết là Peacock đã thỏa thuận với thuyền trưởng Chongro [tức Koyngero] để đi cùng, và sẽ lên đường trong 5-6 ngày tới (Foster W. 1897, tr. 21),

– báo cáo của R. Cocks đề ngày 25 tháng 11 năm 1614 gửi về Công ty tường thuật chi tiết, trong đó có đoạn nói về phương tiện di chuyển: ngày 5 tháng 12 năm 1613 Cocks cùng với W. Adams và E. Sayer đi Nagasaki để mua một chiếc thuyền mành để đi Xiêm như lời căn dặn của thuyền trưởng J. Saris, nhưng không mua được chiếc nào. Tuy nhiên có bốn năm chiếc đang chuẩn bị đi Đàng Trong chấp nhận chở hàng cho người Anh nhưng phải trả phí tổn như những người khác. Thế là mọi người đồng thuận chọn cách đi chung thuyền, một phần cũng vì họ được biết là hai hay ba năm trước, vua Đàng Trong đã tiếp đón nồng hậu một thương nhân người Hà Lan tên là John Joosen đã buộc phải dừng chân ở đây trong chuyến đi Xiêm (Foster W. 1897, tr.196-197).

– thư của R. Cocks ngày 10 tháng 12 năm 1614 gửi Thomas Wilson viết rằng “các ông Tempest Peacock và Walter Carwarden đi trên một chiếc thuyền mành người Nhật, mang theo thư của Hoàng thượng nước Anh và tặng phẩm đắt tiền gửi vua Đàng Trong” (Purchas S., 1625, tr. 408).

3.3. Có phải W. Adams được Mạc phủ ủy nhiệm đi Đàng Trong bốn lần?

Như đã trích dẫn ở phần đầu, Nguyễn Văn Kim cho là W. Adams được Tokugawa Ieyasu ủy nhiệm đi Việt Nam 4 lần. Để kiểm chứng thông tin này, trước hết cần phải điểm lại các chuyến đi của Adams đến các nước trong khu vực:

– Ngày 17 tháng 12 năm 1614, Adams lên đường đi Xiêm cùng với Wickham và Sayer trên chiếc Sea Adventure mới mua, do W. Adams làm thuyền trưởng nhưng tới Ryu Kyu gặp bão (Foster W. 1897, tr. 233) và thuyền hư phải quay lại, về đến vịnh Cochi (Firando) vào ngày 11 tháng 6 năm 1615 (Thompson E. M. 1883a, tr. 7)

– Ngày 7 tháng 12 năm 1615 Adams lại lên đường đi Xiêm cùng với Sayer trên chiếc Sea Adventure và đến Ayutthaya ngày 18 tháng 1 năm 1616 (Thompson E. M. 1883a, tr. 88). Adams trở về đến Hirado ngày 21 tháng 7 (Thompson E. M. 1883a, tr. 155), còn Sayer đi trên chiếc thuyền người Trung Hoa về đến Shasma ngày 17 tháng 9 năm 1616 (Foster W. 1900, tr. 297). Ngoài ra họ còn gửi hàng trên một thuyền Nhật, đến tháng 10 mới về tới Nhật do gặp bão.

– Ngày 17 tháng 3 năm 1617 Adams cùng với Ed. Saris(6) đi Đàng Trong (Purnell C. J. 1915, tr. 224) vừa để thăm dò thị trường vừa để tìm hiểu nguyên nhân cái chết của Peacock và Carwarden. Ngày 27 tháng 6 giong buồm trở về Nhật (Purnell C. J. 1915, tr. 234).

– Năm 1618 Adams lại lên đường dự định đi Đàng Trong, chuyến đi này khởi hành vào ngày 11 tháng 3 (Purnell C. J. 1915, tr. 242), nhưng khi đến Loo Choo(7) thì gặp bão phải quay về Firando vào tháng 5.

– Năm 1619, Adams đến Đàng Ngoài vào ngày 14 tháng 4 (Purnell C. J. 1915, tr. 256) trên chiếc thuyền Gift of God mà ông mua lại của thương điếm Firando, và ngày 16 tháng 7 thì lên đường trở về Nhật (tr. 261).

Như vậy W. Adams chỉ đến được Đàng Trong một lần (1617), và Đàng Ngoài cũng một lần mà thôi (1619). Trong cả hai lần đi này đều vì quyền lợi cho Công ty Đông Ấn Anh, chứ không liên quan gì đến Mạc phủ. Về chuyến đi 1617, khi viết thư gửi Sir Thomas Smyth ở London, Adams cho biết tình cảm giành cho Công ty thôi thúc mà lên đường, vừa để thăm dò việc buôn bán, vừa để tìm hiểu cái chết của Peacock (Rundall T. 1850, tr. 85). Chúng tôi không tìm thấy tài liệu nào cho biết Adams được cử làm đại diện ngoại giao của Mạc phủ khi đến Đại Việt cả.

3.4. Ai bị sát hại?

Hình như chỉ có D.G.E. Hall cho rằng người Anh bị sát hại là Carwarden. Hall cho rằng Carwarden được cử lên bờ để dâng quốc thư của Anh và trao quà tặng giống như Maybon viết, nhưng Maybon thì cho rằng viên trưởng đoàn, tức Peacock(8), bị giết. Nhưng như các trích dẫn bên trên, có rất nhiều thư từ của chi nhánh Firando gửi về công ty cũng đều cho thấy Peacock bị giết, và Carwarden trốn thoát rồi tử nạn trên đường về Nhật. Trong thư gửi Wickham đề ngày 25 tháng 7 năm 1614, R. Cocks báo tin xấu như sau: “Tôi viết báo cho anh cái chết của người bạn chúng ta, anh Tempest Peacock ở xứ Đàng Trong, nơi mà anh đã đến an toàn, và bán hàng hóa cho nhà vua, người đã ra lệnh anh và mấy người Hà Lan đến kinh đô để nhận tiền, nhưng đã chặn đường họ và tấn công khi họ trở về, rồi giết tất cả những người tháp tùng, kể cả người Hà Lan, người Anh và người Nhật” (Foster W. 1897, tr. 67-68).

Một tài liệu khác, đó là bức thư đề ngày 26 tháng 7 năm 1614, do W. Eaton gửi cho R. Wickham ở Edo cho biết thêm: “Có một chiếc hạm thuyền và một tàu khu trục đến Nagasaki, cùng một chiếc thuyền mành từ Đàng Trong đến, mang theo tin tức về vụ sát hại người Hà Lan và anh Peacock cũng như hàng hóa bị cướp mất, là nỗi đau lớn cho chúng ta. Chỉ có Walter [Carwarden] trốn thoát trên chiếc thuyền mành khác” (Foster W. 1897, tr.74).

Trong báo cáo chính thức gửi về Công ty đề ngày 25 tháng 11 năm 1614, R. Cocks đã viết như sau: “Ông Peacock bị tấn công bởi vì ông ấy đi chung với người Hà Lan. Nhưng Walter Carwarden […] trên thuyền thoát nạn và rời bến, nhưng từ đó tới nay chúng tôi không được tin tức gì về con thuyền cũng như về anh ta” (Foster W. 1897, tr. 198). Và nhiều thư từ sau đó cũng đều cho biết là Peacock bị giết.

Vả lại, dựa trên thứ bậc được xắp xếp trong đội ngũ nhân viên chi nhánh Anh ở Firando trước khi thuyền trưởng J. Saris trở về Anh, thì nhân vật số một của thương điếm Firando là R. Cocks, kế đến là Peacock, rồi tới Wickham, Eaton, Carwarden và cuối cùng là Edward Saris (Foster W. 1897, tr. 8). Điều đó có nghĩa là Carwarden giữ vai trò khiêm tốn ở chi nhánh Firando, vì thế, việc giao cho Carwarden trao quốc thư và quà tặng là không đúng với thông lệ ngoại giao.

3.5. Về nguyên nhân cái chết của Peacock

Ban đầu thương điếm Anh ở Firando nhận được thông tin về cái chết của Peacock qua các nguồn tin của các thuyền cập bến. Các tin tức từ nguồn này rất khác nhau, khiến R. Cocks phải giao cho W. Adams và Ed. Sayer tổ chức một chuyến đi vào năm 1617 để đích thân họ tìm hiểu tình hình tại chỗ.

3.5.1. Các tin đồn thu thập được ở Nhật

Tài liệu đầu tiên nói về cái chết của đoàn là bức thư đề ngày 25 tháng 7 năm 1614 do trưởng chi nhánh R. Cocks viết cho Richard Wickham lúc anh này đang ở Edo:

“[Sau khi] đã bán hàng hóa cho nhà vua, ông ta lệnh cho họ đến kinh đô lấy tiền, nhưng lại đón đường họ và tấn công họ trên đường về rồi giết tất cả những người đi cùng họ, gồm người Hà Lan, người Anh và người Nhật. Nhưng Walter Carwarden ở lại trên thuyền và thế là thoát chết, rồi cuộc tìm kiếm đã diễn ra không biết anh ta sống chết thế nào […]. Người ta nghĩ rằng vua Đàng Trong đã làm việc đó để trả thù người Hà Lan đã gây thiệt hại cho ông ta mấy năm trước. Chúa che chở cho Walter trốn thoát và tôi không nghi ngờ là một phần lớn tài sản của chúng ta sẽ được trả lại (Foster W. 1897, tr. 68)

Những thông tin này do một chiếc thuyền vừa từ Đàng Trong tới Nhật mang đến, như W. Eaton đã viết trong thư đề ngày 26 tháng 7 năm 1614 (Foster W. 1897, tr. 74-75), và sau đó R. Cocks cho biết chính xác là nguồn tin ấy do người Nhật và Trung Hoa cung cấp. Trong báo cáo ghi ngày 25 tháng 11 năm 1614 gửi về công ty, Cocks trình bày nguyên nhân cái chết của Peacock với nhiều chi tiết cụ thể như sau:

“Họ đã đến Quảng Nam an toàn, trao thư của Hoàng thượng cùng với quà và được tiếp đãi tử tế cùng với nhiều lời hứa hẹn. Nhưng người Hà Lan khi thấy chúng ta đến đó, cũng muốn làm như vậy và cử một đoàn đi trên một chiếc thuyền khác; tôi đã khuyên ông Peacock đừng nên chung đụng với họ trong bất cứ chuyện gì, và hãy đi một mình. Tuy nhiên, cuối cùng ông ấy vẫn đi chung với người Hà Lan để nhận một số tiền mà nhà vua phải trả vì đã mua vải vóc và những vật dụng khác, nhưng cả người Anh và người Hà Lan cùng với tất cả các phiên dịch cùng với đoàn tùy tùng bị tấn công và bị giết. Thông tin chung cho rằng vua Đàng Trong làm thế để trả thù người Hà Lan vì họ đã đốt một thị trấn và giết hại nhiều người cách nay không lâu. Nguồn gốc bắt đầu từ một lượng lớn đô la giả mà người Hà Lan mang đến trước đây, và đổi lấy lụa và những vật dụng khác, nhưng khi phát hiện ra, họ hành hung người Hà Lan và trong cơn giận dữ họ đã giết một vài người. Để trả thù, người Hà Lan ra tay tàn khốc đối với […] và trẻ con, và đó là nguyên nhân của vụ thảm sát vừa qua, ông Peacock bị giết vì đã đi chung với người Hà Lan.” (Foster W. 1897, tr. 197-198)

Ngày 1 tháng 8 năm 1615, thương nhân Trung Hoa ở Nhật tên là Li Dan [Lý Đán] mà Cocks thường gọi là thuyền trưởng Andrea Dittis, mang quà của em mình là thuyền trưởng Whaw vừa từ Đàng Trong trở về cho Cocks. Sau khi nghe những gì Li Dan kể lại, Cocks ghi trong nhật ký là “nhà vua [Đàng Trong] không bao giờ hài lòng về cái chết của nhân viên chúng ta; cũng không biết vụ án đến khi nó đã xảy ra, bởi vì nó do người Nhật gây ra chớ không phải người của ông” (Thompson E. M. 1883a, tr. 28).

Thế rồi một năm sau đó lại có thông tin mới về tung tích của các thủ phạm: trong Nhật ký của Cocks đề ngày 7 tháng 6 năm 1616 có ghi: chủ nhà trọ của Eatons cho Cocks biết là một nhóm năm người đã giết người Anh [Peacock] và Hà Lan [Cornelis Claesz van Toornenbuch], gồm 2 người Nhật tên là Mangosa Dono [chủ nhà trọ của Peacock ở Hội An] và Sanzo Dono, một người Trung Hoa tên là Hongo, và hai viên quan Đàng Trong phụ trách tàu thuyền tên là Uncam và Amy (Thompson E. M. 1883a, tr. 140).

Nhưng đến cuối năm 1616, một nhân chứng mới đã cung cấp cho R. Cocks nhiều tình tiết khác, thậm chí trái ngược với các lời kể của nhân chứng trước đây: nhật ký của Cock ghi ngày 7 tháng 12 năm 1616 một người Ấn lai kể rằng anh ta đi chung thuyền với Peacock và Walter Carwarden từ Nhật tới Đàng Trong, và nói rằng các lời khai trước đây là giả mạo nhằm chống lại chủ nhà trọ của Peacock, mà nói rằng vụ đó chỉ là do không may mà thôi, và ông chủ nhà trọ lúc ấy cũng đang ở trên thuyền lúc bị lật úp, ông ta bơi vào bờ một cách khó nhọc, suýt chết và một tháng sau sức khỏe mới bình phục. Còn ông Peacock mang 50 hay 60 đồng rial 8 trong túi, khiến ông ấy bị chìm, vài ngày sau thi thể nổi lên và Carwarden đã tìm thấy. Việc này đã được Cocks báo cáo gửi về Công ty Đông Ấn trong thư đề ngày 1 và 14 tháng 1 năm 1616-7 (Foster W. 1901, tr. 15).

3.5.2. Kết quả điều tra tại thực địa

Thông tin về cái chết của Peacock mà thương điếm ở Hirado nhận được từ nhiều nguồn khác nhau không làm người Anh hài lòng. Thế là W. Adams và Ed. Sayer lên đường đi Đàng Trong vào ngày 20 tháng 3 năm 1617 vừa để tìm cách nối lại việc buôn bán vừa để tìm hiểu cái chết của hai nhân viên người Anh năm 1614. Trong nhật ký hải hành của Adams có nói đến cuộc gặp gỡ hai người Nhật ở Hội An tên là Mangosa và Sanzo nhưng không tiết lộ gì thêm.

Dựa trên kết quả chuyến đi Đàng Trong của William Adams và Edmond Sayer, Cocks làm bản báo cáo gửi về Công ty đề ngày 15 tháng 2 năm 1617-8, trong có đoạn nói về diễn tiến sự việc dẫn đến cái chết của Peacock như sau:

“Ed. Sayer phát hiện ra rằng Peacock bị sát hại bởi một người Nhật, là chủ nhà trọ; với sự đồng thuận của một hoặc hai quan chức lớn dưới quyền nhà vua, và như nhiều người kể lại, vị vua con(9) cũng đồng ý với lời khuyên của họ, nhưng vua cha không biết gì cả ngoài việc anh ấy bị đắm thuyền chỉ là do xui rủi. Những quan chức này và người Nhật đã chia chác với nhau tất cả hàng hóa và tiền bạc của người Anh cũng như người Hà Lan bị giết trên thuyền nhỏ.” (Thompson E. M. 1883b, tr. 296)

Về nguyên nhân trực tiếp gây nên vụ đổ máu này, Cocks cho biết như sau:

“[Theo Sayer và Adams], hành vi không tốt của Peacock là một phần của nguyên nhân cuộc thanh toán. Ban đầu nhà vua tiếp đãi anh ta rất tử tế và dành cho chúng ta nhiều ưu đãi trong giao thương trên lãnh thổ họ. Rồi một ngày nọ, một viên quan lớn mời anh ta ăn tối, và cử viên trưởng tiểu đồng dẫn đường anh ta, vì anh ta là một viên chức quan trọng. Nhưng khi đến nơi Peacock ngồi, cậu này dùng những lời lẽ cộc cằn […]. Và như một số người nói, khi đã có rượu, anh ta xé bỏ giấy ưu đãi thương mại mà nhà vua đã ban cho rồi dùng chân dẫm lên. Những chuyện này và nhiều chuyện khác mà anh ta đã làm, khiến mọi người căm giận anh ta, và theo một số người đã chứng kiến sự việc, đó là nguyên do chính khiến anh ta mất mạng.” (Thompson E. M. 1883b, tr. 296)

Về phần Ed. Sayer, ngày 16 tháng 2 năm 1617-8 ông cũng viết một bức thư riêng gửi Toàn quyền Công ty, Ngài Thomas Smythe để báo cáo kết quả điều tra tại Hội An. Bản chính của bức thư chưa được tìm thấy, nhưng hồ sơ vẫn còn lưu trữ bản tóm tắt bức thư với nhiều đoạn trích dẫn nguyên văn.

“Người Nhật, thủ phạm đã giết Peacock, sợ rằng người viết thư này [Ed. Sayer] yêu cầu nhà vua xét xử, đã bí mật bỏ đi trên một con thuyền với 30 người Nhật khác và đến Trung Hoa cách Macao không xa, ở đó tất cả bọn họ đều bị người Trung Hoa cắt cổ. Rồi viên quan thư ký ngăn họ [Sayer và Adams] đi gặp vua, vì ông ta sợ mất đầu, nhưng dù sao [trong chuyến đi này] người Anh cũng đã nhận rất nhiều ưu đãi thương mại và được phép thành lập thương điếm. Nhà vua rất không hài lòng vì họ không đến gặp ngài, ngài nói rằng ngài rất muốn gặp đồng bào của họ; hy vọng gặp lại nhà vua năm sau.” (Sainsbury W. N. 1870, tr. 131)

4. Dư âm

Sau hai bức thư này, gần như không còn thấy các quan chức của Công ty Đông Ấn Anh nhắc đến vụ án năm 1614 nữa. Điều này cho phép chúng ta hiểu rằng người Anh đã khép lại vụ án, vì theo báo cáo của Sayer thì thủ phạm trực tiếp đã chết(10), và không có bằng chứng nào về sự liên đới trách nhiệm của vua con, tức hoàng tử cả là chưởng cơ Kỳ đang trấn giữ dinh Quảng Nam. Nhưng có lẽ điều quan trọng khiến người Anh chấp nhận khép lại vụ án, đó là những sai phạm trầm trọng không thể bào chữa được mà Peacock đã mắc phải khi say rượu. Tệ nạn này khá trầm trọng trong giới thương nhân và thủy thủ phương Tây ở Hirado, và Cocks cũng đã ghi lại trong nhật ký của mình nhiều vụ rắc rối do say rượu gây ra.

Về phía người Hà Lan, mãi đến năm 1633 họ vẫn giữ ý định đòi Chúa Nguyễn bồi thường thiệt hại. Họ có toại nguyện không? Trong bài viết sắp tới chúng tôi sẽ tìm hiểu mối quan hệ với người Hà Lan trong buổi đầu tiếp xúc.

(Bài đã đăng trên tạp chí Xưa & Nay, số tháng 2 & 3 năm 2022)

Tài liệu tham khảo

Buch W.J.M. 1936. La Compagnie des Indes néerlandaises et l’Indochine. Tạp chí Bulletin de l’Ecole française d’Extrême-Orient, tome 36.

Cordier H. 1917. Le début des Anglais dans l’Extrême-Orient. Trong tạp chí T’oung Pao, số 18.

Foster W. 1897. Letters received by the East India Company from its Servants in the East, Vol. 2. London: Sampson Low, Marston & Company.

Foster W. 1900. Letters received by the East India Company from its Servants in the East, Vol. 4. London: Sampson Low, Marston & Company.

Foster W. 1901. Letters received by the East India Company from its Servants in the East, Vol. 5. London: Sampson Low, Marston & Company.

Hall D.G.E. 1955. A History of South-East Asia. London: Macmillan & Co Ltd.

Kleinen J. 2008. About former friends and feigned foes Dutch relations with ‘Quinam’ in the 17th century. Trong Lion and Dragon. Amsterdam: Boom Publishers.

Le Thanh Thuy 2014. Trade Relations between the United Kingdom and Vietnam in the 17th – 19th centuries. Tạp chí Vietnam Social Sciences, No. 3(161).

Li Tana 1992. The Inner Region: A Social and Economic History of Nguyen Vietnam in the Seventeenth and Eighteenth Centuries. Luận án tiến sĩ bảo vệ tại Australian National University, tháng 9 năm 1992.

Massarella D., 1990. A World Elsewhere, Europe’s Encounter with Japan in the Sixteenth and Seventeenth Centuries. New Haven and London: Yale University Press.

Maybon Ch.-B. 1919. Histoire moderne du pays d’Annam. Paris: Librairie Plon.

Nguyễn Văn Kim 2003. Nhật Bản với Châu Á Những mối liên hệ lịch sử và chuyển biến kinh tế – xã hội. Hà Nội: Nhà xuất bản Đại học Quốc gia Hà Nội.

Péri N. 1923. Essai sur les relations du Japon et de l’Indochine aux XVIe et XVIIe siècles. Tạp chí Bulletin de l’Ecole française d’Extrême-Orient, tome 23.

Purchas S. 1625. His Pilgrimes, The First Part. London: Henrie Fetherstone.

Purnell C. J. 1915. The Log-Book of William Adams. Tạp chí Transactions and Proceedings of the Japan Society London.

Riess L. 1898. History of the English Factory at Hirado (1618—1622). Tạp chí Transactions of the Asiatic Society of Japan số 26.

Rundall T. 1850. Memorials of the Empire of Japan in the XVI and XVII Centuries. London: Hakluyt Society.

Sainsbury W. N. 1870 (Ed.). Calendar of State Papers, Colonial Series, East Indies China and Japan, 1617-1621. London: Longman & Co., And Trübner & Co.

Thompson E. M. 1883a. Diary of Richard Cocks Cape-Merchant in the English Factory in Japan 1615-1622 with Correspondence, Vol. 1. London: Hakluyt Society.

Thompson E. M. 1883b. Diary of Richard Cocks Cape-Merchant in the English Factory in Japan 1615-1622 with Correspondence, Vol. 2. London: Hakluyt Society.

Trần Ngọc Dũng, 2017. Chiến lược và hoạt động của công ty Đông Ấn Anh ở Đông Á và Việt Nam trong hai thập niên đầu thế kỷ XVII. Tạp chí Nghiên cứu Lịch sử, số 10.2017.

Trần Thị Vinh (chủ biên) 2017. Lịch sử Việt Nam, tập 4. Hà Nội: Nhà xuất bản Khoa học Xã hội.

Chú thích:

(1) Nguyên văn tiếng Anh được ghi trong chú thích cuối trang: “They were lost without any reason.”

(2) Ch.-B. Maybon viết là drap, ở miền Bắc Việt Nam gọi là ga (trong chăn ga gối nệm) hoặc dạ (len dạ): phải chăng sách của Trần Thị Vinh định viết dạ thay vì da? Nguyên văn tiếng Anh trong S. Purchas (1625) là broad-cloath, nghĩa là vải dệt khổ rộng.

(3) Tên gọi khác của Hirado.

(4) Lần xuất bản thứ 4 của sách (năm 1981) dù có nhiều bổ sung nhưng những dòng này vẫn được giữ nguyên.

(5) Nhân đây chúng tôi thành thật xin lỗi độc giả vì đã hiểu không đúng ý nghĩa cách ghi năm của người Anh trong bài viết “Về thời gian hiện diện của thương điếm Anh trên Côn Đảo” trên tạp chí Xưa & Nay số tháng 7 năm 2019.

(6) E. M. Satow (1900, tr. 210) cho biết là Ed. Saris chính là Ed. Sayer.

(7) Murakami N. & Murakawa K. (1900) chú thích là 琉 球 Lưu Cầu tức “Riu kiu Islands”, còn Rundall T. (1850) cho là một hòn đảo phía Bắc Riu Kiu.

(8) Li Tana (1992, tr. 80) đã hiểu sai câu chữ của Ch.B.-Maybon nên viết rằng cả Maybon lẫn Hall đều cho là Carwarden bị giết chớ không phải Peacock.

(9) Tức Hoàng tử Kỳ.

(10) Theo báo cáo năm 1618 của linh mục Francesco Eugenio nói về giáo đoàn xứ Đàng Trong, Mangosa thoát chết trở về rồi vô đạo Thiên Chúa, nhưng đến năm 1621 thì bị nhà vua xử tử vì tội cướp phá vùng ven biển (tr.394-395).

Leave A Reply

Your email address will not be published.